Giáo xứ Vinh Hương

Vài ý nghĩa và giá trị của Kinh nguyện gia đình

Chủ nhật - 13/07/2014 19:10

Trong đời sống đức Tin, ta có thể thấy Lời Chúa có tác dụng gần như một thứ văn hóa của sự sống tâm linh. Với Lời Chúa, đời sống đức Tin được nuôi dưỡng trong nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa yêu thương, văn hóa đối thoại văn hóa hiệp thông... và trổ sinh những hoa trái với những hương vị riêng biệt...
 
Trong năm Tân Phúc Âm Hóa đời sống gia đình, có một yếu tố không thể thiếu là canh tân kinh nguyện gia đình. Đây là một vấn đề khó, có thể nói vô cùng khó, vì nỗ lực của Giáo hội dường như phải chống chọi lại với cả một trào lưu lớn của cả xã hội và thế giới.

Những thúc bách của cuộc sống xâm chiếm gần hết mối quan tâm và thời gian của con người. Người Kitô hữu hiện nay đang bơi lội trong dòng thời cuộc ấy và khó có thể chống cưỡng lại được sức trôi của dòng nước lũ. Xu hướng của một xã hội càng văn minh sẽ thúc đẩy tình trạng con người càng ngày càng có nhiều nhu cầu hưởng thụ tốt hơn, càng bị thúc bách phải thực hiện nhiều công việc hơn, cũng như càng ngày mỗi cá nhân càng cần có một quỹ đạo sinh hoạt riêng của mình mạnh hơn... Trong trào lưu đó, để mỗi cá nhân có giờ cầu nguyện riêng đã là khó; để gia đình có được giờ cầu nguyện chung lại càng là chuyện nan giải hơn bao giờ hết. Những nhu cầu và sinh hoạt trần thế như giải trí, thư giãn, thăng tiến, xã giao... đã và đang dập tắt nhu cầu và sinh hoạt tôn giáo... Kinh nguyện gia đình có lẽ đã và đang là "nạn nhân” đầu tiên của sự xâm lấn ấy.

Quả là nan giải để tìm ra một giải pháp thực sự khả thi cho nhiều gia đình Công giáo nhằm thực hiện được kinh nguyện chung cho các thành viên trong gia đình. Có vẻ như những lời kêu gọi của Giáo hội chỉ như một thứ "võ mồm” không tác dụng bao nhiêu trước thực tại lù lù của những nhu cầu cuộc sống thực vẫn cứ lừ lừ tiến bước.

1. Đổi mới "văn hóa đức Tin"

Thực trạng đó cũng tiết lộ một chiều sâu hơn trong thực chất của đời sống đức Tin của người tín hữu Công giáo Việt Nam, thực trạng của một thứ "đạo sinh hoạt”. Chắc chắn là việc diễn tả đức Tin một cách cụ thể là điều không bao giờ có thể bị coi nhẹ, nhưng nếu tất cả "thế đứng" của đời sống đức Tin chỉ là một thứ "đạo sinh hoạt", thì sự đối đầu giữa sinh hoạt đạo và sinh hoạt đời sẽ đi đến chiến cuộc một mất một còn. Hai "vật thể” không bao giờ có thể chiếm cùng một không gian trong cùng một thời gian.
 
Nếu xét tương quan "lực lượng" của hai thứ sinh hoạt ấy theo con mắt thế gian, thì dường như, hoặc là Giáo hội đã phải chấp nhận trước sự thua cuộc; hoặc là sẽ rơi vào thái độ "quát nạt những con trâu già"; nghĩa là thái độ vì không đủ sức "lái chiếc máy cầy của sinh hoạt xã hội mới” nên cứ đòi hỏi người tín hữu phải giữ nguyên "con trâu già của nề nếp sinh hoạt cũ”, đòi hỏi một cách vô vọng và bực tức. Trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, có không ít những than thở, phiền trách vì người giáo dân không dành quan tâm đủ cho việc đạo. Những than thở phiền trách ấy không phải là sai, nhưng hình như biểu lộ một tình trạng ít hiểu và không thông cảm với những thúc bách thực của dòng chảy xã hội.

Quả thật vấn đề kinh nguyện gia đình gắn liền với vấn đề phẩm tính đời sống đức Tin và đòi buộc những vị hữu trách phải nhìn ra vấn đề "văn hóa đức Tin” cách toàn diện. Nếu trước đây, khi mà sự thúc bách của sinh hoạt đời còn dành nhiều chỗ cho sinh hoạt đạo, và các bậc tiền nhân đã tương đối thành công khi tạo nên một thứ "văn hóa đức Tin", bao gồm những sinh hoạt ít nhiều tương tác với sự sống đức Tin, rước sách, lễ hội, sinh hoạt đoàn thể dầy đặc,... thì những vị hữu trách ngày nay cần có một chiến lược sâu xa hơn để có thể hướng dẫn giáo dân trong tình thế mới. Thiết tưởng chiến lược trong tình thế mới không phải là một cuộc đối đầu trên bình diện sinh hoạt, nhưng thiết yếu là tư thế thấm nhập của phẩm tính đức Tin trong các sinh hoạt trần thế.
 
Một cách nào đó, có thể nói được con người là sinh vật có văn hóa. Sự sống của con người vượt trên sự sống của các sinh vật ở chỗ con người có khả năng hình thành nên một thế giới biểu tượng. Miếng ăn và chỗ ở của con vật chẳng hạn, chúng không là gì khác hơn tác dụng thực dụng của nó, miếng ăn chỗ ở chỉ để sống còn. Thế nhưng, đối với con người, ăn uống, nhà cửa, áo quần, vui chơi... đều mặc thêm những ý nghĩa biểu tượng. Nhiều cử chỉ, hành vi, nhiều công trình của con người vốn không có một tác dụng thực dụng nào, nhưng lại diễn tả những giá trị không thể thiếu của con người. Những điều đó không là gì khác hơn văn hóa của con người.

Như thế, nơi con người, "sự sống" và "ý nghĩa của sự sống” không luôn luôn đồng nhất với nhau; có những sự sống không có ý nghĩa và dĩ nhiên cũng có những ý nghĩa không làm đẹp, không làm mạnh lên cho sự sống. Tuy vậy, người ta cũng không thể hoàn toàn tách rời sự sống và ý nghĩa cuộc sống. Ý nghĩa làm cho sự sống được thăng hoa, nhưng chính sự sống lại làm cho ý nghĩa không bị rớt vào ảo tưởng viển vông. Ý nghĩa cuộc sống làm cho sự sống con người trở nên có văn hóa, tức là thể hiện được những giá trị chân chính của bản chất người. Văn hóa là chân trời ý nghĩa để cuộc sống con người được thênh thang vươn cao. Thiếu chân trời ý nghĩa ấy, chắc chắn những tương tác thực dụng mang tính sinh vật sẽ lấn át và vùi dập vận mạng cao quý của phận người. Nhưng chân trời ý nghĩa cũng không đối lập, loại trừ những nhu cầu của sự sống, nếu không chân trời ấy chỉ là những chiếc bánh vẽ ru ngủ và làm rắc rối thêm cho cuộc sống thật.
 
Quả thật vấn đề không đơn giản. Nếu như có những thức ăn có hại cho sức khỏe thì cũng có những thứ ý nghĩa đầu độc cuộc sống; có những thứ văn hóa làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa thì cũng có biết bao thói tục phản văn hóa làm suy đồi cuộc sống. Tuy vậy, một thứ thức ăn độc hại còn dễ được nhận biết hơn là một thứ ý nghĩa văn hóa lệch lạc; và trong đời sống đức Tin, cũng có nhiều thứ văn hóa đức Tin lệch lạc mà con người không thể nhận ra nếu không có Thánh Thần của Chúa. Chính Thánh Thần của đức Kitô mới làm nên một nền văn hóa đức Tin đích thực, văn hóa đức Tin của nhiệm cục Tân ước. Có lẽ không phải tình cờ mà những "tiến sĩ luật" và những "kinh sư” trong thời đức Giêsu là những người chống đổi Chúa một cách "có lý lẽ” nhất, nhưng lại là những người có nguy cơ bị trượt mất thời cơ được cứu độ nhiều nhất. Một thái độ đọc Kinh Thánh mà không có Thánh Thần thì đã, đang và sẽ đưa đến những kết quả tương tự như vậy.

Trong đời sống đức Tin, ta có thể thấy Lời Chúa có tác dụng gần như một thứ văn hóa của sự sống tâm linh. Với Lời Chúa, đời sống đức Tin được nuôi dưỡng trong nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa yêu thương, văn hóa đối thoại, văn hóa hiệp thông... và trổ sình những hoa trái với những hương vị riêng biệt... Thánh Thần là Đấng thánh hóa từ bên trong, làm nên nét "hòa" từ bên trong chứ không phải là một sự rập khuôn hoặc buộc ghép một cách gượng ép từ bên ngoài. Chính Thánh Thần mới làm cho sự sống mới của đức Kitô bộc lộ ra "nét đẹp văn hóa đức Tin" của mầu nhiệm Nước Trời, ơn Thánh Thần, trong một nền văn hóa Lời Chúa, chính là chân trời đích thực cho sức sống của đức Tin Kitô giáo.

Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội đã tìm lại được nhiều mạch sống chân chính trong cội nguồn của lịch sử ơn cứu độ: tầm quan trọng của Lời Chúa, sống đức Tin trong dòng lịch sử, tầm quan trọng của chứng tá, ý nghĩa và phương thức sâu xa của sự hiệp thông trong Giáo hội,... Thế nhưng hình như tất cả những điều ấy vẫn chỉ là bài học và là bài học lý thuyết, chưa được thể hiện "hữu hình" trong một nền văn hóa đức Tin mới. Trong trào lưu mới của xã hội hiện đại, có lẽ cần hình thành một nền văn hóa suy niệm Lời Chúa, thể hiện trong những nghi lễ tang ma hiếu hỷ, thấm nhuần trong các phong tục của đời sống dân gian, hoặc nghi lễ xã giao thường ngày,[1] và dĩ nhiên trong một phương thức nào đó của kinh nguyện gia đình.[2] Có lẽ cũng cần một hình thành một nền văn hóa đề cao ý nghĩa của chứng tá, văn hóa sống đức Tin trong dòng lịch sử, văn hóa hiệp thông theo đúng phương thức của Hội thánh... Chắc chắn những điều này cần có nhiều ủy ban chuyên môn, cần những suy tính ít nhiều có tính chiến lược... trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

2. Cử hành đức Tin

Truyền thống Do thái - Kitô giáo vốn có một sự quân bình trong tương quan giữ "tâm" và "vật". Đức tin đích thực không phải chỉ là "tại tâm", mà cũng không phải chỉ là "cử chỉ bên ngoài". Ngay trong Giao ước cũ, chúng ta đã có thể thấy đòi hỏi quân bình ấy. Hơn nữa, truyền thống ấy vốn đề cao mối tương quan ngã vị hơn là một sự hòa đồng trong bản tính. Điều răn thứ Nhất trong Giao ước đạt đến ý nghĩa thờ phượng và kính mến chính "bản thân của Chúa". Điều răn căn bản ấy được triển khai, trước tiên, là phải loại trừ thái độ chỉ dùng công thức bùa chú (bao gồm tên của thần thánh) để buộc thần thánh phải thực hiện ý của mình (điều răn thứ Hai), nghĩa là loại bỏ việc thờ phượng mà thiếu vắng cái tâm kính mến chính bản thân Chúa. Tuy vậy, việc thờ phương và kính mến chính bản thân Chúa lại được triển khai trong điều răn thứ Ba. Mặc dù ý nghĩa của điều răn này có nhiều thay đối, từ ý nghĩa của ngày lễ nghỉ, đến ý nghĩa một ngày dành cho phượng tự kính Chúa, thì vẫn luôn bao hàm một sự đòi buộc thể hiện trong thực tế chính niềm tin của mình.[3]

Điều khá rõ là đức Tin không phải chỉ là một thứ "đạo tại tâm" mà cũng không phải chỉ là "đạo nghi lễ" bên ngoài. Nếu truyền thống tư tế có nhiều quy định về lễ nghi phương tự, thì truyền thống các ngôn sứ lại đầy những nhắc nhủ tầm quan trọng của cái tâm. Chẳng hạn :

Chúa Thượng phán:

Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm ; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ (Is 29,13).

Cũng vậy, trong Tân Ước, Đức Giêsu nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của tấm lòng, chẳng hạn Ngài đề cao hai đồng xu của bà góa nghèo (Xc. Mc 12, 41-44), Ngài kết án những thứ phượng tự "buôn thần bán thánh” (Xc. Ga 2, 13-17), nhưng Đức Giêsu cũng luôn khẳng định tầm quan trọng của việc "nghe và thực hành” (Xc. Mt 7,24; Lc 8,21„.)/'có và giữ Lơi"(Xc. Ga 14, 21...), Ngài nói:

Đồ ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người (Lc 11,40-41).
Thực sự trọng tâm mang tính siêu hình của bản chất người nằm ở chỗ con người là tinh thần nhập thể. Vì thế, mọi sinh hoạt biểu lộ bản chất người đều liên quan đến con người duy nhất, gồm có linh hồn và thân xác...

Bởi con người là một tinh thần nhập thể, nghĩa là một linh hồn biểu lộ trong một thân xác và một thân xác được sinh động do một tinh thần bất tử, nên nó được mời gọi sống yêu thương trong toàn thể duy nhất tính của nó. Tình yêu cũng bao gồm cả thân xác con người và thân xác được dự phần vào tình yêu của Thiên Chúa.[4]

Sở dĩ con người là sinh vật có văn hóa, là bởi vì vị thế con người nằm ở điểm giao thoa giữa "tâm" và "vật"; "vật" chuyên chở "tâm" và "tâm" ban hạt nhân ý nghĩa cho "vật". "Tâm" trở thành bánh lái và gia tăng nhiên liệu cho "vật"; nhưng không có "vật” thì "tâm" lại trở nên lơ lửng như bọt bèo. Khi "tâm" và "vật" bị tách lìa nhau, con người rơi vào tình huống "một cổ hai tròng", vừa phải vật lộn với nhu cầu của cuộc sống thật, vừa phải trả nợ quỷ thần vì biết bao lễ nghi, thói tục vô nghĩa và vô bổ. Ngược lại, khi một hành vi hoặc một sinh hoạt thể hiện được tính chất văn hóa chân thật, thì hành vi ấy sẽ mang lại sức sống phong phú dồi dào cho hành trình đời người. Chúng ta thấy ở đây một sự tương tác đi-về mật thiết giữa "tâm" và "vật", giữa thái độ bên trong và phương thức tổ chức bên ngoài. Một thứ văn hóa bị buộc ghép cách khiên cưỡng vào đời sống con người sẽ trở nên gánh nặng cho cuộc sống; một thứ văn hóa nẩy sinh từ khát vọng siêu việt chân thật của con người sẽ giúp con người càng tìm được sự sống chân thật, sự sống phong phú và dồi dào hơn.

Nơi giao thoa giữa "tâm" và "vật" cũng được biểu lộ trong một hành vi đặc biệt của con người, hành vi cử hành. Cử hành là thực hiện một hành vi cụ thể mang tính biểu tượng; cử hành là đón nhận ý nghĩa nhân linh hoặc tâm linh (spirituelle: thuộc về Thần Khí Chúa) một cách linh thiêng hoặc linh thánh và đóng con dấu nhân linh hoặc tâm linh ấy như một nghi lễ trên dòng đời tản mạn. Quả thật cuộc sống của con người luôn có rất nhiều điều, nhiều việc, nhiều lãnh vực,... và con người thường xuyên bị tan loãng trong dòng đời tản mạn ấy. Chính vì thế, con người cần có nghi lễ vào những thời điểm mấu chốt và ở một không gian linh thánh; thời khắc giao thừa, thời khắc đầu ngày hay cuối ngày, thời khắc phụng vụ...; không gian nguyện đường, không gian bàn thờ, không gian “nơi cao”... Chính việc cử hành chân chính, nơi thời điểm và không gian như thế, có khả năng thông truyền ý nghĩa cho dòng đời tản mạn, có khả năng ngăn cản sự xâm lấm của thái độ thực dụng, chống lại sự sa đà vào quy luật sinh vật. Cử hành chính là đóng con dấu ý nghĩa vào dòng đời, đóng con dấu nhân văn vào sinh hoạt vật chất thực dụng, đóng con dấu ý nghĩa cô đọng vào dòng đời tản mạn, đóng con dấu linh thánh vào cuộc sống phàm tục,... Không có cử hành, đời sống con người sẽ bị tan loãng vào tương tác thực dụng của thế giới sinh vật.

Tương tự như vậy, việc cử hành những hành vi, áp dụng những phương thức, tổ chức cơ cấu điều hành,... biểu lộ được một nền văn hóa chân chính sẽ là mạch nguồn sức sống. Ngược lại, những hành vi, phương thức tổ chức, điều hành không có "văn hóa chân thực”, không diễn tả được ý nghĩa chân thực sẽ làm tổn hại không ít tới ý nghĩa và sự sống chân thật và trở nên những vật cản lớn cho dòng sự sống chân thật. Cha Timothy Radcliffe gọi đó là một nền "linh đạo quản trị". Dĩ nhiên, con người có tiềm năng khả dĩ vượt qua những hình thức bên ngoài, để sống một thái độ bên trong phong phú. Tuy vậy, cứ bình thường, nhất là đối với đám đông, chính cơ chế tổ chức hoặc phương thức sinh hoạt sẽ góp phần khá lớn, nếu không phải là phần quyết định.

Nguy cơ thường xuyên đe dọa phẩm tính cuộc sống con người, đó là việc loại trừ, hoặc tách lìa giữa "tâm" và "vật". Loại trừ là khi người ta muốn giản lược con người vào duy "tâm” hay duy "vật"; và những cách thức đó có nguy cơ làm thui chột sự sống chân thật của con người. Quả thật vật chất có nhiều ảnh hưởng trông thấy đến tinh thần, nhu cầu sinh sống hay phương thức kiếm sống có nhiều ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội; và cũng quả thật sức mạnh của tinh thần trong nhiều trường hợp có thể biến đổi hoặc vượt quá tương tác cơ học của vật chất. Nhưng một học thuyết mang tính cách "nhất nguyên" về bản chất con người, trong cái nhìn toàn diện, chắc chắn đánh mất sự sống phong phú chân thật của hành trình đời người. Tuy vậy, trong Giáo hội, điều đáng lo hơn lại là những cách thức tách lìa "tâm" và "vật". Phượng tự Kitô giáo là những nghi lễ được cử hành để ướm mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của đức Giêsu Kitô vào những thực tại trần thế. Khi nào phượng tự không còn thu gom được thực tại trần thế thì phụng vụ trở nên nghi thức rỗng.
 
Kinh nguyện gia đình có được cơ may lớn, bởi vì đời sống gia đình, với biết bao vấn đề, biết bao khó khăn, biết bao thách đố... là một thực tại lù lù khó có thể bỏ đi đưọc trong tâm trí những thành viên.

Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo và chính cuộc sống gia đình. Qua những cảnh huống khác nhau, cuộc sống này được diễn giải như một ơn gọi từ Thiên Chúa mà đến và được thực hiện như một câu trả lời hiếu thảo cho tiếng gọi ấy: vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày kỷ niệm chu niên, kỷ niệm ngày cuới của cha mẹ, những chuyến xa nhà và trở về, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những người thân yêu... đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình; những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khấn nguyện, cho sự tin tưởng phó thác của gia đình trong bàn tay Cha chung trên trời.[5]
 
Do đó, nếu kinh nguyện gia đình được tổ chức như một hành vi "cử hành đức Tin" trên chính những thực tại trần thế, thì chắc chắn điều đó sẽ khơi nguồn cho sự sống đức Tin trong gia đình. Kinh nguyện gia đình không phải là một thứ sinh hoạt được buộc ghép vào sinh hoạt thường nhật của đời sống gia đình, nhưng là việc cử hành, là đóng con dấu ý nghĩa siêu nhiên trên những thực tại quen thuộc và thân thương của đời sống gia đình. Thiết nghĩ vấn đề này chúng ta có thể học hỏi được nơi nền văn hóa Sê-mít, chẳng hạn nơi Do Thái giáo và Hồi Giáo; và điều mà những vị hữu trách trong Giáo hội cần phải làm, đó là hình thành được một nền văn hóa sống đức Tin trong dòng lịch sử, được cô đọng, được cử hành như một "nghi thức phụng vụ" trong "giáo hội tại gia”.

 3. Lời cầu nguyện trong cộng đồng ngôi vị

Có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất trong tông huấn đời sống gia đình chính là "định nghĩa" gia đình như một cộng đồng ngôi vị. Gia đình là một khuôn mẫu duy nhất trong các cộng đoàn nhân loại có được một phẩm tính riêng biệt ấy. Tông huấn Gia đình viết:

Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị (số 18).

Ngôi vị là một khái niệm triết học phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tạm hiểu cách chung, từ "ngôi vị" diễn tả một chủ thể có lý trí, có tự do và có nét độc đáo riêng biệt làm nên một phẩm giá. Ở trần gian này, con người có ngôi vị nên khác với các loài vật khác; và trong con người, tiếng ngôi vị cũng chỉ một thực tại toàn vẹn, một chủ thể đảm nhận tất cả mọi hoạt động của linh hồn và thân xác. Như thế, ta có thể hiểu một “cộng đồng ngôi vị" là nơi mỗi thành viên không chỉ đóng góp tài năng, tiền bạc, đức độ,... nhưng là đóng góp chính "cái tôi toàn vẹn của mình", cũng như đón nhận toàn vẹn cái tôi của ai khác. Ý nghĩa này cho ta thấy một sự khác biệt sâu xa giữa gia đình với các thứ cộng đồng hay cộng đoàn khác. Nơi xí nghiệp chẳng hạn, ta không đóng góp cái tôi toàn vẹn và người khác cũng không đón nhận toàn vẹn cái tôi của ta. Nơi đó người ta chỉ đóng góp công sức, tài năng... để nhận lại những gì lợi ích cho cái tôi riêng của mình...

Khế ước hôn nhân là một khế ước mà hai người "trao thân gửi phận” cho nhau, để liên đới với nhau một cách trọn vẹn, " khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, khi gian nan cũng như lúc thịnh vượng". Tông huấn Gia đình viết rằng:

Sự hiệp thông đầu tiên là sự hiệp thông được thiết lập và phát triển giữa đôi bạn: nhờ khế ước của tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ “không còn phải là hai nhưng là một xác thịt” (Mt 19,6) và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau.

Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là: bởi đó, một sự hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa (số 19).

Thật vậy, trong gia đình, các thành viên hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình; được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Mối liên kết ở mức độ "cái tôi" vừa làm cho các thành viên có được một "quê hương” để sống trọn vẹn bản thân mình, lại vừa có trách nhiệm trọn vẹn với cả điều tốt và điều xấu nơi cha mẹ, anh chị em của mình; và đây là chính là nguyên tắc của đời sống yêu thương đích thực. Yêu thương đích thực là nhận ra mình thuộc về nhau. Do vậy, giao ước hôn nhân diễn tả một tình yêu thương không rút lại, như giáo lý Kitô giáo vẫn luôn khẳng định; và sự kiện những thành viên có cùng chung máu mủ ruột rà, là cha, mẹ, anh chị em của nhau, cũng là một sự kiện không bao giờ có thể thay đổi...

"Tình yêu thương vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yêu tố cấu tạo nên ngôi vị.”[6]

Tính cách độc đáo ấy của gia đình trở nên "tường lũy” chống lại mối nguy cơ giản lược tương quan ngã vị nồng ấm thành những quy tắc chuẩn hóa lạnh lùng của xã hội văn minh.

Chính vì thế, đứng trước một xã hội càng ngày càng có nguy cơ làm cho con người mất nhân vị, và trở thành vô danh, tức là một xã hội phi nhân và có sức phi nhân hóa với những hậu quả tiêu cực dưới biết bao hình thức "chạy trốn” - như uống rượu, dùng ma túy, hoặc cả đến nạn khủng bố - ngày nay gia đình vẫn còn làm chủ và chiếu tỏa những năng lực phi thường cho thể kéo con người ra khỏi sự vô danh, thức tỉnh con người ý thức lại phẩm giá của mình, mặc lại cho con người một nhân tính sâu xa, và tích cực đưa dẫn con người với sự duy nhất và độc đáo của nó vào trong mạch sống xã hội.[7]
 
Tính cách tương giao ngã vị được nuôi dưỡng trong đời sống gia đình, và góp phần bảo vệ những tâm tình căn bản của phẩm giá con người: thái độ biết sống vì ai khác, biết chiều ý nhau, biết hy sinh cho nhau, biết trao tặng thực sự, hướng tới sự trao tặng bản thân cho nhau... Chỉ truyền thống gia đình mới có thể tạo nên được một thứ đẳng cấp cao trong tương giao ngã vị, đó là sự thân mật chân thật và đúng nghĩa...[8]

Với những phẩm chất như thế, kinh nguyện gia đình chính là lời cầu nguyện trong cộng đồng ngôi vị, là lời cầu nguyện diễn tả chiều hướng hướng-tha và có ý nghĩa như một sự trao tặng chứ không phải trao đổi, hướng tới tầm mức trao tặng bản thân cho nhau. Có lẽ tâm thức người Kitô hữu đã quá quen với ý nghĩa cầu nguyện là cầu xin Thiên Chúa ban cho mình những ơn huệ này khác, những "ân sủng thụ tạo". Đó là lời cầu nguyện xin Chúa thực hiện ý của mình. Kitô giáo không loại bỏ lời cầu nguyện xin ơn, nhưng đặt trên nền tảng của lời cầu nguyện ngợi khen, chúc tụng; nghĩa là đặt trên nền tảng trên sự chấp nhập bản thân của nhau, tôi thuộc về Chúa, Chúa thuộc về tôi. Vinh quang của Chúa là niềm vui của tôi, và sự sống phong phú của tôi là vinh quang của Chúa... Chỉ khi đón nhận bản thân của nhau, những quà tặng khác mới có ý nghĩa nhân linh và siêu nhiên đúng thực. Do đó, ý nghĩa căn bản hơn của cầu nguyện Kitô giáo nhằm để đón nhận chính Chúa, đón nhận "ân sủng bất thụ tạo", để có khả năng đón nhận ý Chúa và thực hiện ý của Ngài.

"Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36)

Nói như thánh Gioan Phaolô II “tương lai việc Tin Mừng hóa tùy thuộc phần lớn nơi Giáo Hội tại gia";[9] và việc canh tân đời sống câu nguyện trên một nền tảng căn bản chân thực hơn có lẽ cũng nhờ tới một kinh nguyện gia đình chân thực; trong đó, các thành viên có được kinh nghiệm đầu tiên về Giáo hội[10] được "học hỏi" để gột sạch thứ cầu nguyện lải nhải như dân ngoại và biết "hy sinh" những ước muốn về các "sự vật" cho mình, để mong ước trước tiên về những điều tốt đẹp của Ai khác, của Chúa và của những người thuộc về nhau trong gia đình.

"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời" (Mt 6,7). Chỉ có kinh nghiệm thực sự về một cộng đồng ngôi vị mới có thể đặt nền cho lời cầu nguyện chân chính; và trong kinh nguyện gia đình, người Kitô hữu có cơ may hiểu ra được thái độ cầu nguyện chân chính với Thiên Chúa là Cha.

 Tạm kết

Canh tân kinh nguyện gia đình, đó là một vấn đề khó trong bầu khí xã hội ngày nay, nhưng không phải là vấn đề nhỏ. Thực ra vấn đề kinh nguyện gia đình dính dáng tới nhiều thực trạng khác của đời sống đức Tin. Cái khó của việc canh tân kinh nguyện gia đình, ít nhất, cũng phải buộc các vị hữu trách thoát khỏi tâm trạng "quát nạt con trâu già”. Việc hình thành nên được một nền văn hóa đức Tin mới chắc chắc không thể thực hiện được chỉ với một vài suy tư, một vài nỗ lực thực hành... nhưng cần tới một chiến lược, ít nhất, của cả một giáo phận...

Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP.
 
Nội san Chia Sẻ, số 74, tháng 6 năm 2014.

 

[1] Một thí dụ nhỏ: những vòng hoa trong lễ tang hiện nay quá nặng tính xã giao và ít nhiều có tính xa hoa. Người Kitô hữu có thể biểu đạt một nền văn hóa Lời Chúa khi tạo một thói quen mỗi người đến kính viếng người đã khuất bằng một cành hoa, kèm theo một câu Lời Chúa theo sự lựa chọn riêng của mình.
[2] Một thí dụ nhỏ: Lời Chúa được in thành từng câu theo kiểu fashcard, và mỗi thành viên trong gia đình, mỗi ngày hoặc mỗi tuần, tự chọn cho chính mình một câu Lời Chúa để sống, để cầu nguyện, để chia sẻ với nhau vào cuối ngày hay cuối tuần...
[3] Xc. Mai Văn Hùng, Khám Phá Lại Luân Lý Kitô Giáo, ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, Tp. HCM, 1991, trang 186-217.
[4] Tông huấn Gia đình, số 11
[5] Ibid., số 59.
[6] Ibid., số 13.
[7] Ibid., số 43.
[8] Henri Nouwen, Những Dấu chỉ của Sự sống .
[9] Xc. Diễn văn tại Đại hội Giám mục Nam Mỹ, khóa 3, ngày 28-01- 1979, trích ỉại trong Tông huấn Gia Đình, số 52.
[10] Xc. Tông huấn Gia Đình, số 39.
 

 

Nguồn tin: www.ghxhcg.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây