Giáo xứ Vinh Hương

Báo oán huyền bí

Thứ tư - 13/03/2019 18:34
Chúng ta không thể thực sự yêu một người khi ghét người khác. Và chúng ta không thể bỏ qua một đạo lý và mong mình toàn vẹn về đạo đức.

Thần học gia lừng danh Hans Urs Von Balthasar đã cho chúng ta một ví dụ về điều này. Ngài nói rằng, vẻ đẹp không phải là một thứ “thêm thắt” mà chúng ta có thể trân trọng hay xem thường tùy theo thị hiếu và hứng thú riêng, như một thứ xa xỉ mà chúng ta nói rằng mình không thể có nổi. Như sự thật và sự thiện, vẻ đẹp là một trong những đặc tính của Thiên Chúa và do đó chúng ta phải xem trọng vẻ đẹp ngang với sự thật và sự thiện. Nếu chúng ta bỏ qua hay xem thường vẻ đẹp, thì chúng ta sẽ sớm bỏ bê những lĩnh vực khác trong đời mình. Tôi xin trích nguyên văn của ngài.

“Tình trạng hiện thời cho thấy vẻ đẹp đòi hỏi sự dũng cảm và quyết định ngang bằng với sự thật và sự thiện, và vẻ đẹp sẽ không để mình bị chia cắt và chúng tách rời khỏi hai người chị em nếu chưa đáp trả bằng một sự báo oán huyền bí. Chúng ta có thể chắc chắn rằng bất kỳ ai khinh thị vẻ đẹp, xem nàng như một thứ trang trí của quá khứ hào nhoáng, thì dù có thừa nhận hay không, người đó cũng không thể nào cầu nguyện và sẽ sớm không còn biết yêu là gì.”

Và tôi xin đưa ra thêm một diễn đạt đơn giản hơn: Có một câu chuyện ngụ ngôn Phi châu sống động nêu bật mối liên kết của mọi sự và nói rõ nếu chúng ta chia rẽ một sự gì đó khỏi anh chị em của nó thì chúng ta sẽ sớm phải trả giá. Chuyện đó thế này:

Ngày xửa ngày xưa, khi các loài động vật còn biết nói, một hôm nọ, chú chuột trong nông trại triệu tập cuộc họp với mọi loài động vật khác. Nó lo lắng, than thở, vì đã chứng kiến bà chủ nhà mùa về một cái bẫy chuột. Giờ nó đang gặp nguy hiểm. Nhưng các loài động vật khác cười cợt trên sự lo lắng của loài chuột. Con bò nói nó chẳng có gì phải lo. Một cái bẫy chuột bé xíu thì làm gì được nó. Nó có thể giẫm nát cái bẫy mà. Con heo cũng như thế. Nó có gì phải lo về một cái bẫy bé xíu chứ? Con gà cũng tuyên bố nó chẳng sợ gì thứ đó. “Đấy là chuyện của anh. Đừng lo cho tôi!” Con gà bảo con chuột như thế.

Nhưng mọi chuyện đều liên kết với nhau, và các loài động vật sớm thấy rõ bằng chứng. Bà chủ nhà đặt bẫy chuột, và ngay đêm đầu tiên, đã nghe tiếng bẫy sập. Bà ra khỏi giường để xem nó bắt được gì, và thấy chiếc bẫy đang kẹp vào đuôi một con rắn. Trong khi cố thả con rắn ra, bà bị rắn cắn, và nọc độc khiến bà lên cơn sốt. Bà đến bác sĩ, ông cho thuốc và khuyên bà. “Để khỏe lên, bà nên ăn thịt gà hầm.” (Kể từ đây và tiếp theo như thế nào thì chắc các bạn cũng đoán được.) Họ làm thịt con gà, nhưng cơn sốt vẫn chưa dứt. Người thân và hàng xớm đến thăm. Cần thêm đồ ăn để thết đãi. Thế là họ làm thịt con heo. Cuối cùng, bà chủ nhà không qua khỏi. Một đám tang lớn được tổ chức. Cần nhiều đồ ăn cho khách đến phân ưu. Thế là họ làm thịt con bò.

Bài học của câu chuyện này quá rõ ràng rồi. Mọi thứ đều có liên kết và nếu chúng ta không nhìn ra được thế, thì chúng ta lâm vào nguy hiểm cùng cực. Không thấy được sự lệ thuộc lẫn nhau, dù chủ ý hay không, đều là nguy cơ lớn. Chúng ta được gắn chặt bất phân ly với nhau và với mọi thứ trên đời. Chúng ta có thể phản đối, nói rằng chuyện không phải vậy, nhưng hiện thực sẽ khiến chúng ta phải mở mắt. Và chúng ta không thể nào thực sự trân trọng điều gì đó nếu như lại khinh thị một điều khác. Chúng ta không thể thực sự yêu một người khi ghét người khác. Và chúng ta không thể bỏ qua một đạo lý và mong mình toàn vẹn về đạo đức. Chúng tất cả là một thể. Không có ngoại lệ nào cả. Khi chúng ta làm ngơ sự thật, thì cuối cùng chúng ta lãnh hậu quả vì nó.

Tôi nhấn mạnh điều này, vì thời nay, thật sự là ở khắp nơi, chủ nghĩa cục bộ nguy hại đang lan tràn. Khắp mọi nơi, hệt như trong câu chuyện ngụ ngôn Phi châu, gia đình, cộng đồng, giáo hội, và quốc gia, chỉ biết tập trung vào nhu cầu của mình, mà chẳng lo gì cho các gia đình khác, cộng đồng khác, giáo hội khác, và quốc gia khác. Chúng ta tin rằng, vấn đề của người khác, không phải là mối lo của chúng ta. Từ sự hẹp hòi trong các giáo hội, cho đến kiểu chính trị chân phương, cho đến những quốc gia đặt nhu cầu của mình lên hàng đầu, chúng ta nghe thấy tiếng nói của những con bò, con heo, con gà trong truyện ngụ ngôn đó. “Không phải việc của tôi! Tôi sẽ tự lo cho tôi. Anh cứ lo cho anh đi!” Rồi chúng ta sẽ lãnh hậu quả.

Cuối cùng chúng ta sẽ phải trả giá cho sự mù tối và vô ưu, và sẽ trả cái giá đó về mặt chính trị, xã hội, và kinh tế. Nhưng chúng ta sẽ còn phải trả cái giá cao hơn nữa về phần mình. Cái hậu quả đó chính là lời cảnh báo của Von Balthasar. Bất kỳ ai làm ngơ hay khinh thị vẻ đẹp, cuối cùng sẽ không thể cầu nguyện hay yêu thương. Điều này đúng với mọi trường hợp chúng ta làm ngơ mối liên kết giữa mình với tha nhân. Khi làm ngơ nhu cầu của tha nhân, cuối cùng chúng ta làm băng hoại sự toàn vẹn của mình đến nỗi không thể nào tôn trọng và thương lấy bản thân, và khi đó, chúng ta sẽ mất đi sự tôn trọng và cảm thương với cuộc đời, với Thiên Chúa, vì bất kỳ khi nào hiện thực không được tôn trọng, nó sẽ cắn lại chúng ta với một sự báo oán huyền bí.

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser, 2019-01-21 - J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: www.phancico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây