Giáo xứ Vinh Hương

Chuyện thường thôi

Thứ năm - 01/09/2011 20:49

Chuyện thường thôi

- Giáo dục phải nhằm đến phát triển con người toàn diện

 

Tôi đi mua xăng ở một cây xăng quen thuộc. Bình thường tôi gặp ông bà chủ đứng bán, nhưng hôm nay, người bán hàng là một cậu thanh niên cao lớn và rất đẹp trai. Tôi cất tiếng hỏi thăm vài câu muốn biết thời gian qua cậu học ở đâu và có phải là con của ông bà chủ không… Nhưng cậu chỉ nhìn mà chẳng nói gì, dường như không muốn làm một chuyện ‘lạ đời’. Thật buồn.

Tôi đi họp phụ huynh cho con đang theo học một trường cấp 3. Thầy giáo chủ nhiệm và đa số các em trong lớp đều là người có đạo. Thầy cho biết đã có nhiều phản ảnh về việc các em rất ít khi chào hỏi thầy cô, ngay cả thầy cô đã trực tiếp dạy các em. Đây là một nhức nhối cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Hai câu chuyện trên tuy rất đời thường và hay gặp, nhưng ẩn chứa bên dưới sự không chào hỏi đó là một thái độ vị kỷ, không biết quan tâm đến người khác, không tôn trọng người trên. Phép lịch sự dạy ta phải chào hỏi những người lớn tuổi mà mình quen biết hay đang tiếp xúc, biết tên tuổi thì càng tốt. Cao hơn nữa, lòng vị tha mách bảo ta biết tạo niềm vui và hạnh phúc cho người khác, tránh những chuyện làm người khác đau lòng và bất hạnh, biết nhường chỗ trên xe, không xả rác bừa bãi, không ồn ào vào giờ người khác ngủ, biết giữ luật đi đường... nói chung là biết sống tử tế và có gia đạo.

Trước khi là người con cái Chúa, ta phải sống cho ra con người: nhân ái, lễ phép, tình nghĩa, hiểu biết và trung tín; vậy mà chỉ đơn giản một chuyện chào hỏi thôi cũng chưa làm được. Tự nhiên, người lớn chúng ta phải tự suy nghĩ: chính mình cũng đã làm gương xấu cho con cái trong việc chào hỏi các bậc cao niên, ăn nói hồ đồ không đúng sự thật, điêu ngoa… Thật là một cơ hội tốt để nhìn lại những góp ý của mình về gia cảnh người khác: có đúng với giáo lý và tinh thần Tin Mừng không, có lòng nhân nghĩa không hay theo lối tính toán đểu cáng của người đời? Hãy coi chừng mình bị ‘vạ miệng’ lây và trở thành kẻ ‘thông manh’ trước mặt Chúa.

Người trẻ hôm nay dễ rơi vào lối sống thực dụng: cái gì có lợi thì làm, miễn sao không bị nhìn thấy và bị pháp luật sờ tới – còn lại đều là chuyện nhỏ. Niềm tin của người trẻ mất đi điểm quy chiếu: Nho giáo và Lão giáo đã lỗi thời, đạo Chúa họ cũng hiểu lờ mờ và chỉ ăn theo, các triết thuyết của nhân loại thì chẳng đáng tin và cũng không đủ hấp lực để hình thành nhân cách… thành ra người trẻ chỉ dựa vào nhau để tìm cho mình một hướng đi, và họ rất dễ rơi vào cạm bẫy của đồng tiền và hưởng thụ - chẳng hơi đâu mà để ý tới lý tưởng với nhân cách.

Đạo Chúa dạy ta phải kính thờ Thiên Chúa và yêu tha nhân như gương Chúa Giêsu đã yêu Hội Thánh. Để yêu tha nhân, ta phải nhìn thấy hình ảnh Chúa Giêsu nơi họ. Đức Khiêm nhường dạy ta hạ mình xuống và trở nên nhỏ bé trước mặt Chúa và anh em, biết tôn trọng sự khác biệt của cá tính cùng sự yếu hèn của người khác, biết chào hỏi và tôn trọng những người cao niên. Không những Chúa mà ngay cả người đời đều chê ghét người kiêu ngạo và kẻ vô tâm.

Biết quan tâm đến người khác là một khả năng kỳ diệu để biến đổi những mối quan hệ và giữ sự ấm cúng trong gia đình. Qua vụ động đất và sóng thần tại Nhật, có những làng bị cô lập đến 3 tuần lễ mới có người tiếp cứu, vậy mà họ vẫn trật tự và biết quan tâm đến nhau. Xem những bộ phim Hàn Quốc, sao gia đạo của họ tốt thế: chào hỏi, thưa trình, quan tâm và kính trọng người già!

Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 9 nầy là “cầu nguyện cho các nhà giáo biết truyền đạt lòng yêu mến chân lý và biết dạy cho giới trẻ sống theo những giá trị luân lý thiêng liêng đích thực”, vì tháng 9 là tháng hầu hết các trường trên thế giới đi vào năm học mới. Hiện trạng thế giới là có nhiều trường chỉ đào tạo chuyên sâu kiến thức một số lãnh vực nào đó mà không đào tạo nhân cách và triết lý sống cho con người, có những trường đào tạo những ý thức hệ lệch lạc – chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của phe nhóm mình. Đúng ra, giáo dục phải nhằm đến phát triển con người toàn diện cả thể lý và tâm lý, cung cấp cho trẻ những kiến thức cần thiết để chúng tìm ra chân lý vĩnh cửu cho cuộc đời…vì chỉ có những chân lý siêu nhiên mới đủ sức mạnh giúp con người đấu tranh với khuynh hướng làm điều xấu – vốn tồn tại nơi bản chất con người.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây