Giáo xứ Vinh Hương

Lễ nghĩa

Thứ hai - 17/11/2014 17:18

Lễ Nghĩa!
“Tiên học lễ hậu học văn”
 
Trải qua bao nhiêu thời đại, vật đổi sao dời, cái cũ mất đi cái mới được sinh ra, có nhiều cái lỗi thời được kính cẩn cất giấu vào viện bảo tàng hay kho tàng đồ cổ. Nhưng câu nói “ Tiên học lễ học học văn” vẫn đương đại, vẫn gói ghém tròn trịa cái tính nhân văn, bản ngã, nhân nghĩa ở đời, vẫn là lời dạy súc tích ngắn gọn hàm chứa chất liệu tốt để xây dựng “ Tính Người” trong chữ “Con Người”.
 
Lễ nghĩa phải đi đầu, học làm người trước tiên phải học lễ nghĩa, kế đến mới là văn chương tri thức. Bởi con người có tài mà không có đức ắt chỉ mang cái tài mà đi hại người hại đời.  Người trở thành “ Con Người” đúng nghĩa khi sống biết kính trên nhường dưới, nhìn cảm nhận của người xung quanh, chứ không phải “bạ đâu mần đấy, ăn sao nói vậy” mà phải “ Ăn coi nồi, ngồi coi hướng.” và “Nói năng phải uốn lưỡi bảy lần” bởi vì một lời nói bay ra dù 4 xe ngựa có rượt đuổi cũng không thu lại kịp, mà ăn với nói thường thể hiện tính nhân văn, nhân bản của con người.
 
Ngày nay, do Internet phát triển rộng rãi, do cái quyền tự do ngôn luận được mở toang cửa, nên người ta từ mọi cấp độ lĩnh vực xã hội, muốn nói năng phê bình đánh giá ai thì, vô tư lự lên bàn phím gõ, tích tắc một phút ba mươi giây, nó được truyền đi cho cả thế giới. Nguy hiểm thật! khi có quá nhiều những anh hùng bàn phím, quá nhiều những nhà báo “Bất đắc dĩ” (Xin lỗi những người cầm viết chân chính). Vì để đạt được mục đích nhiều lượt truy cập, nhiều người like, một số đã mất đi tính lương thiện trong nghề nghiệp, họ cố tình bới móc, khui lên những tin giật gân, phóng đại hóa sự việc để gây sự chú ý của xã hội, khơi lên lòng hiềm khích để rồi một số fan cuồng ăn theo hình thành một đội ngũ với sức mạnh vô hình khủng khiếp kéo ngược chân lý lệch hướng, xé tan sự thật, phủ nhận những thầm lặng hy sinh cống hiến của nhiều người.
 
Đan cử một vài ví dụ, gần đây có những clip quay các học sinh đánh nhau, hoặc một vài trường hợp giáo viên ngược đãi học sinh, hoặc một vài bài văn (không biết thực hư) miêu tả gia đình có vẻ đi xa với đạo đức xã hội. Thế là nhiều người xăn tay lên vào cuộc, từ người kém học, ít học, cho đến những trí thức, thậm chí những nhà Trọng Vọng, những bậc giáo sĩ, nói chung đủ mọi thành phần trong xã hội, ném đá không thương tiếc vào cái hệ thống giáo dục, đổ thừa cho cái sản phẩm giáo dục, đổ thừa cho các nhà giáo dạy dỗ kiểu gì để học sinh hư hỏng, trút hết mọi tội lỗi lên đầu các Thầy Cô.
 
Tự dưng thấy đau lòng, hy vọng rằng đời có mặt phải mặt trái, có bề nổi bề chìm, cái bề nổi đang nhe răng vung tay ném đá chỉ là những thành phần không công rỗi việc, chỉ có ít óc nói để mà nói thôi, dẫu có hy vọng nhiều đến đâu thì vẫn thấy sợ hãi và nguy hiểm, vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc lôi kéo giới trẻ, tầng lớp măng non có cái nhìn sai lệch bế tắc.
 
Nhìn một cách công bằng rằng, vì đâu mà chúng Ta nên Người, xã hội đâu phải hoàn toàn người xấu, nhà giáo, nhà giáo dục đâu phải hoàn toàn là “ Cái đồ bỏ đi”, hoặc những “ Người Thợ tồi” chỉ nặn ra những sản phẩm làm ung nhọt, mưng mủ xã hội. Xin nghiêng mình kính cẩn nói lời “ Xin Lỗi” trước những nhà Giáo Chân chính. Những người chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục, đã hy sinh đến những vùng sâu vùng xa, đường lầy trơn trợt cõng vác cái chữ đến cho mọi người, những người đã vì tình yêu thương cao cả hy sinh cho các đàn em thân yêu, ngã xuống, hoặc gồng mình lên đẩy các em tiến về phía trước gần hơn với Lễ Nghĩa tri thức, đẩy thế hệ trẻ đứng lên, nhưng lại mang chung cái tội, bị hàm oan, thậm chí cùng bản án với những người bất chính, bất lương thừa nước đục thả câu, vun vén những ích lợi cho riêng mình.
 
Mỗi khi nghĩ về những người Thầy, nói về người Thầy, cả xã hội nên dành cho họ một bục đứng riêng, một chỗ vinh dự đáng có. Tôi thiết nghĩ không chỉ riêng tôi mà sẽ có rất nhiều người, và không ai có thể phủ nhận rằng, chúng ta được lớn lên tung tăng trong khoảng không vùng tri thức, đó là nhờ vào những viên gạch đầu tiên A, B, C… mà chính những Thầy, Cô đã nâng niu dẫn bước. Thử hỏi trong xã hội, có mấy ai thành đạt, thành tài mà không có những người Thầy từ thuở bé cầm tay dìu dắt con chữ A, B ,C từng ngày sát cánh bên cạnh. Để khi chúng ta trưởng thành lớn khôn, bay cao bay xa, quay lại tát vào mặt thầy mình bằng những lời lẽ xúc phạm, mặc dù đó là những cái tát có vẻ vu vơ, không dính vào mặt ai, nhưng làm rung động đau buốt trái tim những nhà giáo chân chính.
 
Rất nhiều những màn diễn đau lòng từng giây từng phút phô lên trang mạng xã hội, ngập ngụa những điều xấu, trong khi lát đác chỉ một vài bài báo viết về những gương người tốt việc tốt, những việc đáng cho thế hệ non trẻ nhìn vào làm kim chỉ nam, định hướng cho đời mình. Tôi cảm nhận rằng hình như người ta chỉ thích nói về khuyết điểm hơn là ưu điểm, vì nếu nói ưu điểm sợ mất thời giờ tốn thời gian, đã hơn một lần đi dự hội họp tôi nghe những người đại diện phát biểu nói:
 
- Tôi xin thông qua những ưu điểm, ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến khuyết điểm…
 
Và hình như xã hội cũng có chung tư tưởng ấy khi trưng bày quá nhiều những rả, rách trên mặt báo, trên mạng xã hội, để rồi không ít những bộ phận loài người vào đó xỉa xói, đưa sự việc lên cao trào, thậm chí chia ra thành nhiều phe đả kích nhau. Người ta quên đi một điều rằng vô tình đảo lộn cái mặt trái phải cho nhau, đáng lẽ những cái tốt nên đề cao, được đề cập tuyên dương để nhân ra làm rộng lên lan tỏa cho thế hệ đi sau nhìn vào ánh sáng ấy mà vững đường vững bước. Thì người ta lại mang cất đi và xem như chuyện ai cũng biết rồi, trong khi có quá nhiều những điểm đen được tô đậm lên, nói đi nói lại , nhai tới nhai lui, làm cho người lỡ làm điều xấu không còn đường đi, chỗ bước để quay đầu, bức tử họ. Phải chăng chúng ta không nên thù ghét cá thể làm việc xấu mà chỉ nên lên án hành động xấu, và luôn luôn khơi dậy cái tốt để việc tốt có cơ hội thăng hoa nở rộ làm đẹp đường xá phố phường, làm giàu có nhân cách Lễ Nghĩa con người.
 
Học Lễ trước để biết lễ nghi cách cư xử, để đừng lội ngược dòng, có những người thích lội ngược dòng để gây sự chú ý, có những nhà giàu thích khoe mẽ, mà càng khoe lại càng thể hiện tính yếu kém trong cung cách làm người. Nhiều lần đi ngang qua những cơ quan văn hóa, tôi thấy những việc chưa mang tính văn hóa của một số người. Chẳng hạn như, ngay cánh cổng lớn của một vài trường học, thậm chí nhà thờ nơi phụng tự, có những chiếc xe bốn bánh mới toang sáng loáng của những đại gia, đậu áng ngang, tầm nhìn, tầm ghé, cổng vào, chặn lối chắn cửa, để uống café bên kia đường, để khoe với mọi người cái văn hóa hiếm hoi của giới lắm của nhiều tiền muốn làm gì thì làm không nghĩ đến cảm nhận của người khác. Không nghĩ đến tai nạn xui rủi có thể xảy ra trên trục đường giao thông. Mà nhất là trước cổng trường..
 
Song song đó, khi cái tính nhân văn, nhân bản bị chìm sâu xuống, những nghĩa cử cao đẹp, thường lắng xuống bên dưới mà tồn tại tìm đất sống sinh chồi kết hoa, âm thầm cống hiến cho đời. Hôm qua, tôi được đọc mấy bài báo về những tấm gương, lặng lẽ cao cả nghề của những người thu hiến xác, hoặc những doanh nhân giàu có, đóng góp cho những công trình phúc lợi an sinh xã hội hàng trăm tỷ bạc, nhưng mai danh ẩn tánh, chỉ nhận đóng góp có 50 ký gạo. Những người thật sự, góp phần xoa dịu nỗi đau cho người anh em ngày đêm âm thầm hy sinh bảo vệ sự sống, chăm sóc những người già yếu khuyết tật, nhỏ bé nhỏ bé thôi nhưng thể hiện tính Con Người sâu sắc, tính nhân bản tuyệt vời.
 
Thiết nghĩ những tấm gương đẹp ấy nên được nhắc đến như một lời tri ân và hơn thế nữa để dàn trải lên đắp lành những lỡ loét đang cố tình hoành hành, trên mạng xã hội, làm triệt tiêu những xanh tươi, gây thù oán, bế tắc đường cho thế hệ trẻ đang vươn lên.
 
Học thấm nhuần lễ nghĩa để sống đẹp, nói những lời hay ý đẹp, cho mình và cho mọi người, góp phần đẩy lùi những yếu kém …
 
 

Tác giả bài viết: Tiểu Hổ

Nguồn tin: www.gpcantho.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây