Giáo xứ Vinh Hương

Nhân bản học Kitô giáo

Thứ hai - 02/05/2011 20:15

Nhân bản học Kitô giáo

Xin giới thiệu loạt bài NHÂN BẢN HỌC KITÔ GIÁO để nghiên cứu học hỏi. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu bổ ích khi chúng ta tìm hiểu và suy gẫm. gxvinhhuong.net

 

 

MỘT

NHÂN BẢN Ở XÃ HỘI VIỆT NAM

I. DẪN NHẬP :

Chủ ý bài này là tìm hiểu nhân bản theo truyền thống Việt Nam, nhưng vì Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề văn hoá Trung Quốc, nên có thể nói tìm hiểu về nhân bản học ở Việt Nam, cũng tức là tìm hiểu nhân bản học của Nho giáo. Ảnh hưởng văn hoá qua lại giữa các dân tộc – nhất là giữa một nước lớn có nền văn hoá thịnh trị, đối với một nước nhỏ hơn (cả về địa dư lẫn tầm vóc văn hoá) – là một điều rất bình thường trên thế giới. Vì thế, nên có nhắc đến Nho giáo cũng là cái Nho giáo đã hoà chung vào văn hoá dân tộc Việt Nam, Cụ thể hơn, vấn đề nhân bản được tìm hiểu ở đây là nhân bản Việt. Ngoài ra, tìm hiểu nhân bản Việt cũng nhằm để từ đó, tìm về “nhân bản Kitô giáo Việt Nam” đã được gieo mầm và phát triển rực rỡ qua 5 thế kỷ trên mảnh đất chữ S này.

Tư tưởng Nho giáo thâm nhập vào đời sống (cả tinh thần và vật chất) người dân Việt Nam, rồi thể hiện ra tục ngữ, ca dao là một môi trường rất thuận lợi để truyền thụ kiến thức về thiên nhiên, con người, phổ biến kinh nghiệm, hoặc răn dạy luân thường đạo lý… Riêng về nhân bản học trong văn hoá Việt Nam, phải nói là đã có từ trước khi chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Có thể, trong văn học dân gian chưa có những định nghĩa cụ thể, đồng thời cũng chưa khu biệt vào một lãnh vực, mà là hoà chung vào các mặt khác trong sinh hoạt dân tộc. Về sau, khi chịu ảnh hưởng của văn hoá Nho giáo, mới có những chuẩn mực định lệ cho việc giáo dục nhân bản. Từ đó nó hoà quyện vào văn hoá Việt Nam, đến độ rất khó phân biệt được đâu là gốc Việt, đâu là ảnh hưởng Nho giáo. Dù sao, thì ảnh hưởng qua lại về văn hoá giữa các dân tộc có sâu nặng đến đâu đi nữa, thì khi nó đã được tiếp thụ và đồng hoá với văn hoá bản địa, ta vẫn có thể coi đó là văn hoá dân tộc bản địa. Chính vì thế, nên khi khảo sát về nhân bản hoc trong văn hoá Việt Nam, dù không thể quên được ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng người viết vẫn quyết đinh đó là tài sản chung của đất nước ta.

Nền tảng nhân bản của Nho giáo bộc lộ rõ ràng trong lý học. Đức Khổng Tử đã xét định và phổ biến lý học (Thiên lý) ở 3 khía cạnh :

II. CHỦ THUYẾT “THIÊN LÝ” CỦA NHO GIÁO :

II.1. Thiên đạo : Đạo Trời là thiên lý biến hoá của vũ trụ luôn luôn không ngừng, tác động đến con người (Kinh Dịch). Làm người phải biết được đạo trời trong tương quan hoà hơp : Con người sinh ra đời là do khí hạo nhiên của trời đất mà có. Sự tế tự trời đất là để tỏ cái lòng kính trọng và biết ơn, chớ không thể coi là sự xin xỏ, bói toán (Thầy Mạnh Tử nói : “Ai thuận theo lẽ trời thì còn (sống), ai nghịch theo lẽ trời thì mất (chết)” – “Minh Tâm Bảo Giám” – Thiên ‘Thiên lý’).

II.2. Nhân đạo : Đó là các mối tương quan trong xã hội giữa con người với nhau (cũng thường biến dịch theo thời đại, thời thế) : Luân thường đạo lý, Tam cương ngũ thường. “Nhân đạo” ở đây được hiểu theo nghĩa : “đạo lý của con người”, chớ không chỉ hiểu theo cái nghiã “nhân đạo” là lòng thương người. Tất nhiên, trong đạo lý của con người đã bao gồm cả lòng thương người. Nói khác hơn, “Nhân đạo” ở đây có nghĩa là con đường, đường lối sống, lẽ sống của con người. Mà nói đến lẽ sống tức là nói đến cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hợp quần, nếu theo Nho giáo, thì đó chính là “Tam cương : Quân – Sư – Phụ” và “Ngũ thường : Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”. Đến chữ “Nhân” trong Ngũ thường thì chỉ có nghĩa là lòng thương người, và “nhân” (lòng thương người) hợp với “nghĩa” (đường phải, lẽ phải) thì trở thành tôn chỉ của Nho giáo, cũng như của dân tộc Việt Nam : “Nhân-nghĩa” (“ăn ở có nhân có nghĩa cho xứng bậc tài trai” – tục ngữ Vịêt Nam).

Đức Khổng Tử luôn luôn dậy học trò cách đối nhân xử thế, cách sống ngay từ trong gia đình ra đến chốn hương đảng (làng xã), để rồi từ đó mở rộng ra quốc gia, xã hội  (Đức Khổng Tử nói : “Đệ tử khi vào thì hiếu với cha me, ra thì hoà thuận với anh em, làm việc gì cũng cẩn thận và giữ chữ tín, thương tất cả mọi người và hay thân cận với người nhân đức. Còn dư sức, mới học văn chương” – “Luận Ngữ” – Ch. I, ‘Học Nhi’).

II.3. Thiên nhân tương dữ : Tương quan giữa trời và người. Chủ thuyết này coi trọng thiên lý nên rất coi trọng việc tế tự trời đất. Còn riêng với quỷ thần thì Khổng Tử xin : “Kính quỷ thần nhi viễn chi” (Kính quỷ thần từ xa xa, ý muốn nói quỷ thần không có tương quan với con người, không nên lại gần – Từ chủ trương này của Đức Khổng Tử, ta thấy rõ ngài không hề làm cũng như khuyên bảo người ta cúng vái mê tín. bói toán dị đoan, đồng bóng tà mị …). Tương quan hoà hợp giữa trời với người nó gắn kết con người vào với “Thiên Mệnh” (mệnh trời). Ở trên, phân ra “Thiên đạo”, “Nhân đạo” cho dễ hiểu, chớ thực ra chỉ có một chủ thuyết duy nhất “Thiên nhân tương dữ”.

Nói khác hơn, Đức Khổng Tử chuyên tâm nghiên cứu về Thiên lý, thấy rằng Trời và Người có một mối quan hệ mật thiết : Trời đất (khí hạo nhiên trong vũ trụ) sinh ra con người => con người sống trong vòng cương toả của trời đất, cùng biến thiên với vũ trụ => con người và trời đất gắn kết với nhau trong một mối tương quan đồng thuận, hoà hợp (trời sinh người ó người biết ơn trời) ; đó chính là “Thiên nhân tương dữ” vậy. (Khổng Tử khen ông Tử Sản là người giữ đạo quân tử được 4 điều : “Đối với người thì tự mình khiêm cung ; Thờ bậc trưởng thượng thì một niềm kính trọng ; Thường đem ân huệ mà thi thố cho dân ; và sai khiến dân một cách phải lẽ” – “Luận Ngữ” –  Q. III, Ch. V : ‘Công Dã Tràng’).

III.- NHÂN BẢN HỌC TẠI VIỆT NAM : Trước khi nước ta có văn tự riêng, thì cuộc đô hộ của Trung Quốc kéo dài hàng ngàn năm, ảnh hưởng về đường văn hoá, nhân sinh tất nhiên phải có. Vậy nói về Nho giáo tại Việt Nam cũng có nghĩa là nói đến văn hoá Trung Quốc, mà nói đến văn hoá Trung Quốc là nói đến Nho giáo vậy. Đạo làm người của Nho giáo chủ trương :

* Nam “Tam Cương + Ngũ Thường” : Làm trai phải giữ “Tam cương” (3 giới hạn phải tuân giữ và coi trọng : Quân – Sư – Phụ) và “Ngũ thường”  (5 điều năng làm : Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín).

* Nữ “Tam Tòng + Tứ Đức” : Làm gái phải giữ “Tam tòng” (3 điều phải theo : ‘Tại gia Tòng Phụ – Xuất giá Tòng Phu – Phu tử Tòng Tử) và “Tứ đức” (4 tính tốt : Công – Dung – Ngôn – Hạnh ).

III.1. TAM CƯƠNG + NGŨ THƯỜNG :

III.1.1. Tam cương : 3 cương giới (giới hạn phải giữ) là Quân, Sư, Phụ, chính là bổn phận công dân đối với xã hội, với tổ quốc. Trên hết là Quân (Vua), thứ đến là Sư (thầy dậy), sau đó mới tới Phụ (cha). Đây chính là giềng mối xã tắc của Nho giáo, nói chung là của chế độ phong kiến. Trung với vua cũng có nghĩa là trung với nước, mà nước lại là nơi dưỡng nuôi dân cho khôn lớn : Cha sinh không bằng vua nuôi (“Phụ sinh bất như quân dưỡng”). Có sinh có dưỡng, con người mới chỉ trưởng thành về mặt thể chất. Muốn trở thành con người hữu dụng cho nhân quần xã hội, còn cần phải có sự giáo hoá cho nên người, ấy là bậc thầy dậy (Sư) vậy. 3 mối cương thường rốt lại chỉ là một (“Loan Cung Tử nói :Dân sinh có 3 điều như một : ‘Cha sinh, Thầy dậy, Vua nuôi ; không cha thì không có sinh, không dậy thì không hiểu biết, không nuôi chẳng lớn được, từ đó sinh ra họ hàng dòng dõi vậy’.”– “Minh Tâm Bửu Giám” – Thiên ‘Tuân Lễ’).

III.1.2. Ngũ thường : 5 đức tính mà con người cần phải có để trở nên bậc quân tử : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Quân tử được hiểu là con người hoàn toàn, hiểu biết lẽ trời, thấu triệt đạo làm người. Vì thế, nếu thiếu một trong 5 đức tính này thì chưa phải là người hoàn toàn (quân tử), thậm chí còn bị coi là tiểu nhân. Cái luân thường đạo lý của xã hội Nho giáo được xây dựng bởi  5 đức tính này. Xã hội Việt Nam cũng dạy người ta ăn ở theo “tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Vd : “Cứ trong nghĩa lý luân thường, Làm người phải giữ kỷ cương mới mầu. Đừng cậy khoẻ, chớ khoe giầu, Trời kia còn ở trên đầu còn kinh” ; “Làm người phải biết cương thường, Xem trong ngũ đẳng : Quân vương ở đầu. Thờ cha kính mẹ trước sau, Anh em hoà thuận mới hầu làm nên. Vợ chồng đạo nghĩa cho bền, Bạn bè cho thực dưới trên đúng thường” (Ca dao VN).

  a)- Nhân : Nhân có nghĩa là lòng thương người. Lòng thương người được coi là đức tính căn bản, là cái gốc của đạo lý làm người. Tuy chia ra 5 điều (Ngũ thường), nhưng xét cho kỹ thì sẽ thấy “nhân” bao trùm lên tất cả : Muốn thực hiện được điều “nghĩa” thì trước hết phải có lòng thương người (chẳng hạn, nếu con cái không thực lòng thương yêu cha mẹ, thử hỏi có thể làm những điều hiếu kính, hiếu nghĩa với cha mẹ được hay không ?). Cũng vậy, phải có “nhân” mới  mong hành xử được “lễ”, “trí”, tín”.

* Nho giáo : “Trọng Cung hỏi về đức nhân, Đức Khổng Tử đáp : “Ra khỏi cửa thì xử như gặp khách lớn, khách quý ; ra đường hay dậy dân phải giữ điều kính trọng như thừa hành một cuộc cúng tế lớn. Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Trong nước chẳng ai oán, trong nhà chẳng ai ghét mình” (“Luận Ngữ” –  Q. IV, Ch. XII : ‘Nhan Uyên’).

* Việt Nam :– Thương người như thể thương thân ; – Ở hiền thì lại gặp lành, Những người nhân đức trời dành phúc cho ; – Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

b)- Nghĩa : Nghĩa là lẽ phải, đường phải (chính đạo). Xét về điều “nghĩa”, ta thấy cung cách cư xử thể hiện điều “nghĩa” đúng là cách xử thế tiếp vật từ trong gia đình ra đến xã hội : nghĩa vụ giữa con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, anh em ruột thịt, anh em trong họ ngoài làng, bạn hữu đồng môn, đồng nghiệp, đồng tuế, đồng hương, rộng ra hơn nữa là tình nghĩa thầy trò, vua tôi, nghĩa vụ với đồng bào, tổ quốc. Ấy là chưa kể đến sự hiếu nghĩa với trời, với các bậc thần minh nũa

* Nho giáo : (Đức Khổng Tử nói : “Quân tử lấy nghĩa làm cốt, lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu, thật là quân tử vậy !” – “Luận Ngữ”,  Q. VIII – ‘Vệ Linh công đệ thập nhất’).

* Việt Nam : – Vay nên ơn, trả nên nghĩa ; – Sống nghĩa hiệp, chết vinh quy ; – Quyết làm việc nghĩa chút thân chẳng nề ; – Đường mòn nhân nghĩa không mòn ; – Giàu nhân ngãi (nghĩa) hãy giữ cho giàu, Khó tiền bạc đừng lo rằng khó ; – Khuyên đừng bội nghĩa vong ân ; – Làm ơn đừng nhớ, chịu ơn chớ quên (“Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong”); – Ơn ai một chút chớ quên, Oán ai một chút để bên dạ này.

            c)- Lễ : “LỄ do NGHĨA khởi” (Việc LỄ khởi đi – bắt đầu – từ NGHĨA). Việc làm phải, đường lối phải, những điều ấy được biểu lộ bằng sự tế nhị, kinh trọng đối với trời, với thần minh, với tha nhân. Con người ngay từ thủa bắt đầu học làm người, đã được răn dạy : “Tiên học lễ, hậu học văn”. Điều “lễ” trong “ngũ thường” không chỉ giới hạn vào sự tế lễ trời đất, thần linh, mà còn được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày đối với mọi giai tầng trong gia đình, xã hội

* Nho giáo : (Đức Khổng Tử khen ông Tử Sản giữ đạo quân tử được 4 điều : “1- Đối với người thì tự mình khiêm cung ; 2- Thờ bậc quốc trượng thì một niềm cung kính ; 3- Lấy ân huệ mà thi thố cho dân chúng ; 4- Sai khiến dân một cách phải lẽ” – “Luận Ngữ” – ‘Công Dã Tràng đệ ngũ’).

* Việt Nam : – Kính Trời, Trời để phúc cho, Hay gì những thói hồ đồ vô thiên ;– Thiên cao đã có thánh tri, Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ (Trời cao có thánh biết, người có nhân nghĩa chẳng bao giờ nghèo hèn) ; – Kính trên, nhường dưới, thuận hoà anh em.

d)- Trí : Sự hiểu biết, óc thông minh. “Trí” bao hàm cả sự hiểu biết tự nhiên mà có (bẩm sinh) cộng với sự kiên trì học hỏi mà thành. Nếu chỉ là tính bẩm sinh, mới chỉ được coi là “tri” ; học hỏi cho thấu đáo, tường tận, uyên bác, mới đáng gọi là “trí”. Hai từ “tri thức” và “trí thức” nghĩa có khác nhau vậy.

* Nho giáo : Đức Khổng Tử nói : “Bậc trí thì không nghi hoặc, người nhân thì không lo lắng, người có dũng khí thì không sợ hãi” (“Luận Ngữ” – ‘Tử Hãn đệ cửu’).

* Việt Nam : – Con ơi mẹ bảo con này, học ăn học nói cho tày người ta ; – Học như thiết như tha, như trác như ma (học như rèn như đúc, như mài như giũa) ; – Ăn vóc học hay, ăn ngay nói thật – Học ăn, học nói, học gói, học mở …

            e)- Tín : Tin : giữ đúng lời hứa.  Nho giáo dậy con người ta ở đời phải coi trọng lời nói. Người quân tử nói năng điềm đạm, chính đính, chững chạc, không bao giờ dùng “xảo ngôn” để dua nịnh hay lừa lọc người khác. Ăn nói luôn phải cân nhắc điều khinh trọng (nặng nhẹ), đáng nói thì nói, không đáng nói thì không bao giờ nói. Một lời hứa khi đã trót nói ra, phải theo cho đến cùng, dù cho có nguy hiểm đến tính mạng cũng phải giữ. Không bao giờ hứa xằng, hứa bậy. Ấy mới gọi là “Tín”

* Nho giáo : (Sách Ích trí viết : “Vua tôi bất tín, nước không yên ; cha con bất tín nhà chẳng hoà thuận ; anh em bất tín, tình không thân thiết ; bạn bè bất tín, giao kết dễ xa rời” – “Minh Tâm Bửu giám” – Thiên ‘Tuân Lễ’).

* Việt Nam : – Một lời đã trót hứa ra, Dẫu xe bốn ngựa khó mà đuổi theo (“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”) ; – Làm ơn, ắt hẳn nên ơn,Trời nào phụ kẻ có nhơn (nhân) bao giờ ; – Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm ; – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng ; Ăn cây nào, rào cây ấy ; – Ăn ngay ở thật, mọi tật mọi lành.

            Ngoài 5 đức tính trên, có người còn đưa thêm vào 4 đức tính : cần, kiệm, liêm, chính (siêng năng cần mẫn, tiết kiệm chi tiêu, trong sạch liêm khiết, công bằng ngay thẳng). Thực ra, chỉ có “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” mới thực sự là những đức tính gốc của nhân bản, còn “cần, kiệm, liêm, chính” chỉ xuất phát từ nền giáo dục xã hội mà ra. Xét cho kỹ thì 5 đức tính gốc “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” đã bao hàm cả “cần, kiệm, liêm, chính” ở trong. Nói khác hơn, 4 đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”  chỉ là phương cách giáo dục giúp tăng trưởng nhân bản mà thôi (thời xưa, 4 đức tính này thường chỉ đem ra dạy những người trưởng thành, phòng khi thành đạt thì ra làm quan – xuất chính – phò vua, giúp nước). Vì lẽ đó, nên không bàn luận ở đây.

III.2. TAM TÒNG + TỨ ĐỨC :

III.2.1. Tam tòng :  “Tam Tòng” là 3 điều phải theo : ‘Tại gia tòng Phụ’ (còn sống ở nhà thì theo Cha), ‘Xuất giá tòng Phu’ (đi lấy chồng thì theo Chồng), ‘Phu tử tòng Tử’ (chồng chết thì theo Con).  (Đức Khổng Tử nói : “Người đàn bà phải dựa vào chồng mà theo chồng, không được tự chuyên làm việc theo ý riêng của mình. Có Đạo Tam Tòng là : Ở nhà thì theo Cha ; xuất giá thì theo Chồng ; chồng chết thì theo Con” – “Minh Tâm Bửu giám” – Thiên ‘Tồn Tín’).

III.2.2. Tứ đức :  “Tứ Đức” là 4 tính tốt : ‘Công’ (biết làm lụng, thu xếp công việc trong gia đình vén khéo, chẳng hạn như “Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”), ‘Dung’ (biết gìn giữ, sửa sang sắc đẹp, dung nhan cho thuỳ mị), ‘Ngôn’ (nói năng nhu mì, lễ độ, trên kính dưới nhường). ‘Hạnh’ (ăn ở có nết na, đức độ).

* Nho giáo : Sách Ích Tri viết : “Con gái thì có 4 điều tốt đáng khen trong 4 đức : Một là : ĐỨC HẠNH – Hai là DUNG NHAN – Ba là LỜI NÓI – Bốn là CÔNG VIỆC. Đức hạnh phụ nữ chẳng cần phải là tài danh, tiếng tốt ; Dung nhan  phụ nữ chẳng cần phải diễm tú, mỹ lệ ; Lời nói chẳng cần phải lanh lợi khéo nói ; Công việc phụ nữ bất tất phải tinh xảo khéo léo hơn người” (“Minh Tâm Bửu giám” – Thiên ‘Phụ Hạnh’).

* Việt Nam : Phận làm con gái trong nhà, Tam tòng tứ đức mới là người ngoan. Bề ngoài cốt ở dung nhan, Sao cho tươi tỉnh chẳng màng se sua. Cửi canh bếp núc sớm trưa, Chữ công vén khéo cho vừa cho xinh. Bên trong đức hạnh trung trinh, Ở ăn lễ độ đượm tình nết na. Nói năng luôn giữ nếp nhà, Dưới trên phải phép vào ra kính nhường.

IV.- KẾT LUẬN :

Xét như vậy, đủ hiểu Việt Nam cũng có một nền tảng nhân bản học từ lâu đời và gắn bó mật thiết với con người Việt Nam qua dòng lịch sử 4000 năm văn hiến. Nhìn lại quá trình giáo dục nhân bản Việt Nam, đối với ngày nay tuy có nhiều điểm lỗi thời (như vấn đề “tam cương”, “tam tòng”, chẳng hạn), nhưng phải công nhận rằng con người Việt Nam đã thực sự trưởng thành về nhân bản (một dân tộc được thế giới công nhận là chất phác, thật thà, nhân hậu, hiếu hòa, hiếu khách, đó chẳng phải là những đức tính nhân bản đáng quý sao ?). Phải chăng đó là mảnh đất màu mỡ gieo mầm nhân bản Kitô giáo trải qua 5 thế kỷ, mà giờ đây đang là cánh đồng trĩu nặng những hạt lúa chín vàng ? Và phải chăng được như thế cũng là nhờ đức tính nhân bản dân tộc được thắp sáng cùng với nhân bản Kitô giáo trong tấm gương lớn những anh hùng tử đạo Việt Nam ?

 

HAI

NHÂN BẢN KITÔ GIÁO : PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

I. NGUỒN GỐC NHÂN BẢN HỌC KITÔ GIÁO :

I.1. Môn học về nguồn : Tìm đến nguồn gốc của nhân bản, cũng tức là tìm đến nguồn gốc con người ; mà nguồn gốc con người là Tình Yêu Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).  Và “Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa : Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài ; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự” (“Thiên Chúa là Tình Yêu”, 19). Vậy “nhân bản học Kitô giáo” tất nhiên cũng được khơi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu.               

I.2. Mục đích : Khi Thiên Chúa đã “dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên” (Kn 9, 2), chính là Người đã thể hiện một Tình Yêu nhưng không (không cần đáp trả), với mục đích “mời gọi loài người hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác” (Giáo lý HTCG I, 358). Mục đích nhắm tới của “nhân bản học Kitô Giáo” không phải là sáng tạo ra một chủ thuyết phi nhân tính, cũng không phải là đặt để một chủ nghĩa biệt lập, mà là giúp Kitô hữu nhận ra giá trị siêu việt của Tình Yêu Thiên Chúa trong nhân bản, từ đó vạch ra một kế hoạch giáo dục cho mọi Kitô hữu trưởng thành về nhân bản tính.

II.  NHÂN BẢN TÍNH : PHẨM GIÁ CON NGƯỜI :

II.1.Phẩm giá tự nhiên : Phẩm giá là những giá trị tuyệt đỉnh trong tính cách con người. Phẩm giá tự nhiên là phẩm giá nội tại con người có và lý trí con người có thể nhận ra nó. Triết học từ xa xưa đã định nghĩa con người là con vật có lý trí, tức là biết xét đoán những điều phải quấy, đúng sai, để từ đó học tập và rèn luyện cho mình trở nên con người có tư cách, có đạo đức. Đàng khác, nhờ trí khôn và tự do, con người là động vật duy nhất trên trái đất có một đời sống tinh thần và đặc biệt là đời sống đạo đức, luân lý. Mỗi người đều có phẩm giá riêng làm cho họ luôn luôn là một giá trị tự nơi bản thân mình và cho bản thân mình ; nhờ phẩm giá đó, họ vượt lên trên thế giới vật chất về mặt giá trị.

II.2.Phẩm giá siêu nhiên : Ngay từ bản chất, con người đã có phẩm giá siêu việt, vượt trên muôn loài thụ tạo, vì đó là công trình tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngoài ra, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để hiểu biết trật tự vạn vật mà Người đã sắp đặt cho, có ý chí để tự mình hướng về sự thiện đích thực, và còn có tự do (được tự chọn lựa cho mình một cuộc sống lý tưởng, hoặc cũng có thể buông theo những dục vọng do tiền tài, danh vọng lôi cuốn) ; đó là “dấu hiệu đặc sắc nhất về Thiên Chúa nơi họ” (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội, 17). Nhờ khả năng đó, con người nhận ra tiếng nói Thiên Chúa thúc đẩy họ làm lành lánh dữ. Tiếng nói này luôn luôn vang lên trong lương tâm họ. Vì thế khi thực thi đời sống luân lý là con người chứng tỏ phẩm giá của mình.

Trong các thụ tạo trên mặt đất, chỉ có con người là "một nhân vị, một chủ thể hiểu biết và tự do", và vì thế nó là"trung tâm điểm và là cao điểm" của tất cả tạo vật khác sống trên mặt đất. Vị trí con ngườilà thống trị mặt đất, làm chủ muôn loài, đủ nói lên giá trị cao quý (phẩm giá) của con người. Phẩm giá nhân vị là tài sản quý hóa nhất của con người, nhờ đó mà nó trổi vượt trên cả thế giới vật chất này. Lời của Chúa Giêsu phán:"Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn nào có ích chi?" (Mc 8, 36), hàm chứa một lời qủa quyết rõ ràng và đầy khích lệ về phẩm giá con người (tính chất tâm linh), so sánh với giá trị vật chất trần thế. Giá trị con người không chủ tại nơi tài sản nó có, cho dù nó chiếm hữu trọn cả thế giới này, nhưng chủ tại nơi "bản chất" (nhân bản) của nó. Rõ ràng nhìn phẩm giá con người từ nguồn gốc và vận mạng của nó, chúng ta sẽ thấy nó có một giá trị siêu việt, vượt trên tất cả những gì thuộc về trần gian : Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Máu châu báu của Chúa Giêsu Kitô Cứu Chuộc nên nó được kêu gọi trở thành "Những người con trong Đức Chúa Con" và trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, “và được hưởng sự sống đời đời thông hiệp hạnh phúc với Thiên Chúa. Vì lý do này nên mọi xúc phạm đến nhân phẩm con người đều bị báo oán trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm đên Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người” (Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, số 37)

II.3.Nền tảng phẩm giá con người : Phẩm giá con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng, bất tử, lý trí và ý chí tự do. Con người được quy hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác. Nền tảng phẩm giá con người chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Được đón nhận tình yêu tuyệt vời ấy, con người có bổn phận đáp trả là phải  làm sao bảo vệ và thăng tiến phẩm giá siêu việt ấy (“Điều quan trọng chính là phẩm giá con người mà Đấng Tạo Hoá đã giao phó cho ta bảo vệ và thăng tiến. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, đều có trách nhiệm và mắc nợ trong vấn đề này” – Tđ “Quan tâm tới vấn đề xã hội”, số 47).

Như vậy, tất cả mọi người (kể cả những người không cùng đức tin với Kitô giáo) đều công nhận nền tảng đích thực của phẩm giá con người được xây dựng trên nền tảng siêu linh do một Đấng Tạo Hoá vô hình ban tặng – Đấng mà Kitô hữu tuyên xưng là Thiên Chúa Tình Yêu (“Phẩm giá con người là một giá trị siêu việt, luôn luôn được nhìn nhận như thế bởi những ai chân thành tìm kiếm chân lý. Quả thực, tất cả lịch sử nhân loại phải được giải thích trong ánh sáng của điều chắc chắn này. Mỗi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26-28), do đó được quy hướng một cách triệt để về Đấng Tạo Hoá, và sống trong mối quan hệ thường xuyên với những ai có cùng một phẩm giá. Vậy thăng tiến lợi ích của cá nhân là phục vụ lợi ích chung. Chính lợi ích chung là nơi mà quyền lợi và nghĩa vụ gặp nhau và tăng cường lẫn nhau” – Tđ “Ngày thế giới hoà binh”, 1999, số 2).

II.4.Ơn gọi được hạnh phúc : Vì được tạo dựng từ Tình Yêu Thiên Chúa, con người được mời gọi hưởng hạnh phúc ngay từ nguyên thuỷ (vườn địa đàng). Tuy nhiên vì được tự do, con người đã sa ngã trước tội lỗi, nên mất phần thưởng quý báu ấy. Cho đến khi Đức Giêsu Kitô được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian, con người được cứu chuộc và có thể đạt tới hạnh phúc nhờ ân sủng của Đức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa qua tám mối Phúc. Các mối phúc mô tả chính diện mạo của Đức Kitô, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ : hưởng hạnh phúc đời đời. Điều đó đưa đến khẳng định : Chính Đức Giêsu Kitô nhập thế và nhập thể đã phục hồi phẩm giá, nhân phẩm con người. Vì thế, người Kitô hữu muốn thăng tiến phẩm giá, không gì khác hơn là quy hướng toàn bộ đời sống mình vào tâm điểm : Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian, phục hồi phẩm giá con người; đồng thời sống triệt để theo “tám mối Phúc” để được hưởng hạnh phúc viên mãn ngàn thu.

II.5.Đam mê và đời sống luân lý: Đam mê là hành vi biểu lộ sự say sưa hết mình cho một hành động nhắm tới một mục đích nào đó, hoặc để thoả mãn một cảm tính, cảm xúc. Đam mê xuất phát từ nhân bản, cứ nhìn những hình ảnh nhiều trẻ thơ dù chưa đến tuổi đi học, nhưng lại rất ham thích vẽ, hoặc xếp đặt đồ đạc, hoặc chơi với những con thú … Đó chính là những bộc lộ khởi đầu cho những đam mê về sau. Con người tự điều hành mình tới hạnh phúc nhờ các hành vi nhân linh, trong đó các đam mê có phần đóng góp quan trọng. Theo truyền thống Kitô giáo, đam mê là những cảm xúc hoặc những chuyển động mạnh mẽ của tình cảm, hướng con người đến hành động hoặc không hành động, tùy theo họ cảm thấy hoặc tưởng là tốt hay xấu. Đam mê là chỗ giao lưu giữa sinh hoạt cảm giác và sinh hoạt của tinh thần. Nó gồm nhiều thứ, nhưng căn bản nhất là yêu thương (vd : vì yêu sách nên đam mê đọc sách, vì yêu khoa học nên đam mê nghiên cứu khoa học, vì yêu tửu sắc nên đam mê rượu chè, trai gái…). Từ đam mê căn bản nầy phát xuất ra các đam mê khác : yêu thương được thỏa mãn thì vui mừng, chưa được thì ham muốn, được nhưng chưa chắc thì sợ mất, muốn mà không được thì buồn rầu, bị phản bội thì giận ghét...

Xét về mặt luân lý, đam mê tự bản chất thì không xấu cũng không tốt. Đam mê là những cảm xúc sôi nổi làm chuyển biến cơ thể con người (khóc, cười, đỏ mặt, tái xanh, run... ) và có vai trò quan trọng trong đời sống luân lý. Đam mê được đánh giá tốt hay xấu tùy theo chúng thực sự bị chi phối bởi lý trí và ý chí, và khi chúng góp phần vào một hành vi tốt hay xấu. Đã có nhiều quan niệm cho đam mê là một tật xấu, và nếu như thế thì phải hiểu sao khi chính Thiên Chúa cũng đam mê ? (“một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa : Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài ; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự” (“Thiên Chúa là Tình Yêu”, 19). Thực ra chính đam mê từ xuất phát điểm nhân bản mà ra, chỉ là một hành vi không hơn, không kém. Ví dụ : Một người  đam mê nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thần học, đam mê đọc sách đến độ quên ăn quên ngủ thì không thể coi những đam mê ấy là xấu được. Ngược lại, có những người đam mê rượu chè, cờ bạc, trai gái, hoặc những trò đi ngược với luân thường đạo lý, mới là những hành vi đam mê đáng bị lên án.

Vì thế, con người phải làm chủ để sử dụng các đam mê, không tiêu diệt chúng cũng không để chúng tung hoành phóng túng. Những đam mê được sử dụng tốt có thể trở thành nhân đức (yêu thương biến thành bác ái...) trái lại, nếu để chúng phóng túng có thể biến thành tính xấu (buồn biến thành thất vọng...). Kitô hữu còn được Chúa Thánh Thần trợ giúp để sử dụng và quy hướng đam mê tới các nhân đức Tin, Cậy, Mến để có thể hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật, đảm bảo cho hạnh phúc cả đời nầy lẫn đời sau.

II.5.Sự tự do của con người : Thiên Chúa tạo dựng con người có lý trí và tự do, nhờ đó có sáng kiến và làm chủ hành vi của mình. Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy tự mình đưa ra những phán đoán và quyết định một cách ý thức. Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Tự do hướng đến sự hoàn hảo là quy hướng về Thiên Chúa, Đấng là sự thiện hảo tối thượng và là hạnh phúc đích thực của con người. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tư do, đưa con người vào vòng “nô lệ tội lỗi” (Rm 6, 17).  Trái lại, khi ta càng làm điều thiện ta càng tự do hơn. Con người chỉ có tự do đích thực khi phục vụ điều thiện và sự công chính. Tự do ấy chỉ đạt tới hoàn hảo khi họ tìm kiếm Thiên Chúa và tự gắn bó với Người, nhờ vậy họ thật sự có hạnh phúc. Chính vì con người được tự do, nên dễ sa vào cạm bẫy vật chất (tiền của, chẳng hạn), khiến Đức Kitô phải lên tiếng răn đe :  "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24). Người Kitô hữu phải biết trân trọng ân sủng tự do Thiên Chúa đã trao ban, từ đó sử dụng tự do như một vũ khí sắc bén tìm kiếm chân lý, chiếm hữu Nước Trời ; đồng thời phải biết tôn trọng tự do của tha nhân (Đức Kitô :"Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” – Mt 7, 12 ; “anh em phải yêu người thân cận như chính mình" – Mt 22, 39). Đồng thời, tuyệt đối không lợi dụng tự do để có những hành vi đi ngược lại với giới răn của Thiên Chúa cũng như xâm phạm đến tự do hạnh phúc của anh em (“điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” – ‘Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân’Nho giáo).

 III. KẾT LUẬN :

Con người sống trên đời thỉ phẩm giá là điều quý nhất. Với Kitô giáo, thì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được nhận là con Thiên Chúa. Vậy thì phẩm giá con người lại càng đáng trân trọng biết là chừng nào. Phẩm giá được định hình nơi nhân cách con người, trổi vượt trên muôn loài, nhưng vì được tự do nên con người đã phạm tội, xa dần cái phẩm giá cao quý ấy. Chính vì thế, nên vấn đề trau giồi, giáo dục phẩm giá con người cần phải được đặt lên hàng đầu, để hướng tới mục tiêu : phẩm giá được kiện toàn, hoàn thiện.

 

BA

CÁC NHÂN ĐỨC

Nhân bản học Kitô Giáo từ nền tảng “mến Chúa yêu người” đã chỉ ra các nhân đức (đức độ ciủa con người) ở cả 2 chiều kích : ‘đối nhân’ và ‘đối thần’. Có 5 nhân đức đối nhân : bác ái, khôn ngoan, công chính, can đảm, tiết độ ; và 3 nhân đức đối thần : Tin, Cậy Mến. Từ đó, giúp Kitô hữu trau giồi, củng cố, phát huy ngày một vững mạnh, trưởng thành hơn lên về nhân bản.

I.  NHÂN ĐỨC ĐỐI NHÂN :

Các đức tính nhân bản là những xu hướng bền vững, dẫn đến thái độ kiên định và thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí ; nhờ đó con người điều chỉnh các hành vi và cách sống của mình theo lý trí và đức tin. Có năm đức tính căn bản : bác ái, khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ.

I.1. Nhân đức bác ái : Điều răn quan trọng nhất mà Đức Kitô thường răn dạy là : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22, 37-39). Bác ái là tình yêu thương rộng lớn giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Có thể nói nhân đức bác ái bao trùm lên tất cả các đức tính nhân bản. Cứ nhìn vào những trẻ thơ sẽ thấy tình bác ái đẹp biết chừng nào. Chúng yêu thương tất cả mọi người, mọi sinh vật, thậm chí cả những đồ vật nữa. Chẳng thế mà khi nghe các môn đệ thắc mắc ai là người lớn nhất Nước Trời, Đức Giêsu đã trả lời : "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 3-4). Con người có được nhân đức bác ái như thế, vì nó được khơi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Nó sẽ ngày càng tăng trưởng nhờ vào sự giáo dục, nhất là giáo dục đức tin.

I.2.Nhân đức khôn ngoan : Khôn ngoan là đức tính giúp ta nhận ra đâu là điều thiện đích thực trong từng hoàn cảnh, và khi đã nhận ra thì biết chọn lựa phương thế thích hợp để đạt tới. Không nên lầm lẫn khôn ngoan với nhút nhát và sợ hãi, né tránh những cam go thử thách, lại càng không thể đồng hóa khôn ngoan với sự tráo trở, giả hình. Nhờ khôn ngoan, con người biết ứng dụng lề luật luân lý vào những hoàn cảnh cụ thể để thi hành điều thiện cách tốt đẹp nhất. (“Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” – Gc 3, 17). Cũng chính nhờ nhân đức khôn ngoan mà con người có thể đoán hiểu được những mạc khải chân lý từ Thiên Chúa, để từ đó có thể trở nên con cái đích thực của Người.

I.3.Nhân đức công chính: Công bình không phải là cào bằng mọi giá trị (vật chất, tinh thần) của bản thân với tha nhân hay ngược lại. Công bình là nhân đức, nhờ đó con người biết nhận ra cái gì là của mình, cái gì là của anh em, còn cái gì là của Thiên Chúa. Công bình là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng", còn đối với con người thì công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử công minh với mọi người và thực thi công ích. Con người ngay thẳng chính trực thường có một cái tâm công bình, vì thế xã hội (cả Giáo Hội nữa) coi những người ấy là người công chính (như Thánh cả Giuse, chẳng hạn). Để trở nên người công chính, con người phải biết sống công bằng, ngay thẳng, thành thật ("Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” – Mt 5, 20 ; “Người công chính sẽ vui mừng trong Chúa, và ẩn náu bên Người. Mọi tấm lòng chính trực đều lấy thế làm vinh” – Tv 64, 11 ;“Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép : Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” – Rm 1, 17)

I.4.Đức tính can đảm: Can đảm là kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện cho dù có nhiều khó khăn cản lối, có nhiều thử thách cam go (“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian” – Ga 16, 33). Nhờ can đảm, con người cương quyết chống lại các cơn cám dỗ, vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý, chiến thắng sự sợ hãi (kể cả cái chết), để dám sống cho chính nghĩa (“Người nói : Hỡi người được quý mến, đừng sợ. Cứ an tâm. Can đảm lên ! Can đảm nữa lên !  Trong khi người nói với tôi như thế, tôi lấy lại được can đảm và đáp lại rằng : Xin ngài cứ nói, vì ngài đã làm cho tôi nên can đảm” – Đn 10, 19). Cũng cần nhấn mạnh can đảm không phải là cứ nhắm mắt làm liều, làm bừa, mà cần phải biết kết hợp với sự khôn ngoan và ơn Chua Thánh Thần soi sáng để nhận rõ mục đích của hành động. Khi đã biết chắc chắn đó là mục đích tốt đẹp mới dũng cảm và kiên cường vượt thắng.

I.5.Đức tính tiết độ: Tiết độ là biết điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng đúng mức những của cải trần thế. Nhờ đó, con người làm chủ được các bản năng tự nhiên và kiềm chế các ham muốn lệch lạc trong giới hạn chính đáng. (Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại” – Tt 2, 2).Đức tính tiết độ chính là cách trung hoà các cảm xúc mà Đông phương học gọi đó là thái độ ‘trung dung’, không thái quá cũng không bất cập, nhờ vậy mà nhận chân được đâu là những dục vọng lệch lạc cần phải kiềm chế, đâu là những lương năng tốt đẹp cần phát huy (lương năng : năng lực lương thiện).

Những đức tính nầy được gọi là nhân bản, nghĩa là thuộc về con người. Đã là người, phải có những đức tính căn bản đó. Nhiều người tuy không có niềm tin tôn giáo nhưng vẫn có những đức tính đáng quý nầy. Người Kitô hữu càng cần phải có những đức tính nhân bản hơn những người khác, vì muốn làm con Thiên Chúa thì trước hết phải sống cho ra người. Có được những đức tính nhân bản trước hết là nhờ ân sủng Thiên Chúa trao ban, sau đó là nhờ giáo dục, sự kiên trì tập luyện và thực hành trong đời sống. Tuy nhiên, tội lỗi đã làm con người bị tổn thương; vì thế, ngoài những nỗ lực tự nhiên, ta còn cần đến ơn Thiên Chúa nâng đỡ nhờ cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và cộng tác với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

II.  NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN :

Gọi là nhân đức đối thần vì những nhân đức nầy quy chiếu trực tiếp về Thiên Chúa như căn nguyên (xuất phát điểm của các nhân đức), động lực (thúc đẩy thể hiện các nhân đức) và là đối tượng (để thực thi nhân đức). Đối với Kitô giáo, các nhân đức đối thần là nền tảng và linh hồn của toàn bộ đời sống luân lý. Thiên Chúa ban cho ta những nhân đức nầy, để ta có khả năng hành động như con cái Thiên Chúa và đáng hưởng sự sống đời đời. Có ba nhân đức đối thần : Tin, Cậy và Mến (1Cr 13,13).

II.1. Đức tin: Đức Tin là một nhân đức nhờ đó ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy ta phải tin. Khởi đầu thì đó chỉ là một niềm tin trước thần linh, nhưng nhờ giáo dục và từng trải, niềm tin ngày một kiên định trở thành một nhân đức : Đức Tin. Đức Tin là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước hồng ân của Thiên Chúa (Thánh Âu Tinh : “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (GLHTCG, b. 2).Sự đáp trả ấy mang tính toàn diện nghĩa là của cả lý trí, tình cảm và hành động. Vì thế, đức tin phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể, vì "Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết"(Gc 2, 17). Hơn thế nữa, người môn đệ Chúa Kitô còn phải can đảm làm chứng và truyền bá đức tin (GH,  42). Đòi hỏi nầy xuất phát từ chính bản thân của đức tin, và là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ. Muốn được cứu độ, phải sống chứng nhân Tin Mừng : Tuyên xưng đức tin trước mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc ("Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời"  – Mt 10, 32-33  ; “Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” – Rm 1, 17; “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” – 1Pr 5, 9).

II.2. Đức cậy: Cậy trông là đặt hết niềm tin vào một đối tượng, cậy nhờ đối tượng ấy trợ giúp để hoàn thành một tâm nguyện đạt đến cứu cánh vĩnh cửu. Đối tượng duy nhất để cậy nhờ ở đây là Đức Kitô, sự trợ giúp là Chúa Thánh Thần, và cứu cánh chính là hạnh phúc Nước Trời. Vì thế, đức Cậy còn gọi là sự tín thác vào Chúa quan phòng. Như vậy, Đức Cậy là nhân đức nhờ đó ta khao khát Nước Trời, và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc của đời mình, tin tưởng vào các lời hứa của Chúa Kitô, và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần (“Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người” – Hc 2, 6). Con người ta sống không thể không có hy vọng, nếu không nói là người ta sống nhờ hy vọng (“Đức tin là hy vọng” – Tđ SPE SALVI, 3). Nhưng điều quan trọng là hy vọng vào ai, hy vọng cái gì ? Và làm thế nào để đạt tới ? Đối với người Kitô hữu, đích điểm của hy vọng không chỉ là hạnh phúc trần thế, nhưng chính là Thiên Chúa, là Nước Trời và sự sống vĩnh cửu (“lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em” – Cl 1, 5). Đồng thời người Kitô hữu ý thức rằng tự mình không thể đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu ấy, nhưng phải nương tựa vào Chúa. Chính vì thế, hy vọng trở thành cậy trông. Đức cậy trông là cái neo chắc chắn bền vững của tâm hồn, là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến thiêng liêng, và mang lại cho ta niềm vui ngay giữa những gian truân thử thách ("Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân... " – Rm 12,12). Lời cầu nguyện vừa diễn tả vừa nuôi dưỡng đức cậy trông (“cầu nguyện là nâng tâm hồn và trí khôn lên với Chúa” – GL/HTCG), vì thế ta cần phải đi sâu hơn mỗi ngày vào đời sống cầu nguyện (“Ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy… Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” – Rm 5, 4, 5).

III.3. Đức mến: Đức ái là nền tảng Kitô giáo. Đức ái là đức yêu thương không bờ bến, không giới hạn nhằm đến 2 đối tượng chính yếu : Thiên Chúa và con người ("Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" – Mt 22, 37-39). Đức Mến (cách gọi khác của đức ái) là nhân đức nhờ đó con người yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, con người sẽ yêu mến anh em (người thân cận) như chính bản thân mình (“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” – Ga 15, 12). Đức Mến thúc đẩy ta sống con thảo với Cha trên trời, và là anh em của mọi người (“Lời truyền dạy đó phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” – 1Tm 1, 5). Trong ngôn ngữ Việt Nam, người nhân đức là "kẻ có lòng thương người" và “lòng thương người" là một trong hai đức tính căn bản truyền thống của dân tộc : nhân-nghĩa ; nghĩa là lòng yêu thương được coi như cốt lõi của đạo đức dân tộc Việt Nam. Quan điểm nầy thật gần gũi với Kitô giáo, vì Đức Giêsu đã đặt đức mến làm điều răn mới – điều răn quan trọng nhất.

Đức mến được coi là "mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3,14), là linh hồn của mọi nhân đức, sự viên mãn của lề luật, là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức : "Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1Cr 13,13). Chúa Kitô chính là gương mẫu cao cả nhất thể hiện đức mến. Người đã chịu chết vì yêu mến con người ngay lúc con người còn thù nghịch với Thiên Chúa. Vì thế, Người mời gọi ta yêu thương như Người (Mt 5,44), yêu cả kẻ thù và đón nhận người bé mọn nghèo hèn như đón nhận chính Người (Mt 25, 40-45). Khi con người đã đón nhận nhân đức cao quý này từ Thiên Chúa, rồi duy trì và phát triển, thì cũng chính là lúc con người vươn tới tự do đich thực, để được hưởng hạnh phúc đời đời bên thánh nhan Thiên Chúa (”Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” – 1Tm 1, 14 ;“Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau – Gl 5, 13).

Ngoài ba nhân đức đối thần, Chúa Thánh Thần còn ban các hồng ân và hoa trái thiêng liêng, giúp người tín hữu dễ dàng sống theo sự hướng dẫn của Người. Bảy ơn Chúa Thánh Thần là : Ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn dũng cảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Chúa. Truyền thống của Hội Thánh cũng nói đến 12 hoa trái của Thần Thánh ("Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết" – Gl 5,22-23).

II.  KẾT LUẬN :

Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên định để làm điều thiện (GL/HTCG). Các nhân đức (đối nhân & đối thần) là những căn tính biểu lộ sự giao hoà giữa Thiên Chúa với con người và ngược lại, đồng thời cũng là sự giao hoà giữa con người với nhau. Tuy tách biệt ra từng nhân đức để dễ học hỏi và phân tích, nhưng thực sự tất cả đều quy về một mối duy nhất : Đức Ái. Đức Ái là hồng ân Thiên Chúa ban tặng con người một cách nhưng không (không cần đáp trả). Khi con người đón nhận hồng ân, tuy không đòi buộc đáp trả, nhưng phải ý thức và sống sao cho xứng đáng với tình thương vô biên ấy. Cũng không phải cứ an an tự tại vui hưởng, mà còn phải tìm mọi phương cách học hỏi, trau giồi cho đức hạnh ngày một trưởng thành và hoàn thiện hơn. Sự đáp trả của con người đối với Thiên Chúa hoàn toàn tự nguyện, nên càng cần phải đem hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực ra để thực hiện với niềm hy vọng vươn tới hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, chính bởi  vì ĐỨC TIN LÀ HY VỌNG.

 

 

BỐN

TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN

            Cùng với sự phát triển cơ thể, nhân bản con người cũng dần phát triển đạt tới độ trưởng thành. Cơ thể phát triển nhờ sự bảo dưỡng về thể dục (chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chế độ sinh hoạt, làm việc điều độ, cùng với những hoạt động giúp tăng cường sức khoẻ…). Nhân bản phát triển là nhờ sự giáo dục bảo dưỡng từ môi trường sống (gia đình, học đường, xã hội, tôn giáo). Như vậy thì nhân bản trưởng thành cũng đồng nghĩa với tinh thần làm chủ được bản thân (tính tự lập, tự chủ, tự chế, can đảm, kiên nhẫn, vượt thắng …), đi đến làm chủ xã hội, làm chủ trần thế. Muốn đạt yêu cầu đó, tất yếu phải có sự giáo dục : Giáo dục nhân bản cho con người ngày một trưởng thành hơn.

I.TU THÂN : Để được giáo dục, con người không những cần được đón nhận sự giáo huấn từ bên ngoài, mà còn cần thiết phải có từ bên trong : tự giáo dục, tự huấn luyện (“Trong công trình đào tạo, một vài điều xác tín đặc biệt được xem là cần thiết và hữu ích. Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yếu phải là ‘tự đào tạo lấy mình’. Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo : Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu” – TH/KTHGD V, 63). Phải chăng tự huấn luyện, tự giáo dục, tự đào tạo chính là những phương cách giúp con người tu thân ? Con người khi đã ý thức được giá trị đích thực của nhân bản, thì cũng là lúc nhận ra được hướng đi về mặt tinh thần cho cuộc đời mình được trưởng thành. Đó chính là con đường tu thân. Người Kitô hữu, hơn ai hết phải biết tu dưỡng bản thân theo 8 mối phúc. Thật ra, Tám Mối Phúc này là những điều hạnh phúc vượt qúa trí khôn và mọi sức lực của loài người bình thường. Nếu Thiên Chúa không nâng đỡ, không hướng dẫn, không ban ơn trợ lực, không thúc đẩy con người đi tới, thì con người mỏng giòn yếu đuối của chúng ta thật khó mà làm gì được. Do đó, sự trợ giúp của Thiên Chúa, qua những ơn phúc của Ngài – mà các nhà tu đức học phân chia thành nhiều loại như : Ân Sủng, Thánh Sủng, Đoàn Sủng, Hiện Sủng, Thường Sủng – là những ơn phúc đặc biệt, và là những tiếng gọi thường xuyên giúp ta đáp ứng với tiếng gọi thần linh của Thiên Chúa. Đã đành là phải có sự trợ giúp đắc lực của Thiên Chúa, nhưng nếu con người không quyết tâm thì sự tu thân cũng chẳng đi đến kết qủa. Vì thế, người Kitô hữu phải kiên tâm gắng sức tu tâm dưỡng tính theo theo 8 mối phúc trong “bài giảng trên núi” của Đức Giêsu (Mt 5, 1-12), người Thầy và cũng là Chúa chúng ta.

I. 1. Đức khó nghèo : Thiên Chúa chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó phải được hiểu như là dù thực sự có thiếu thốn vật chất hay dư thừa của cải, lúc nào tinh thần cũng vui tươi, bình thản (nghèo không oán thán, dư dật không nô lệ cho tiền của). Bất cứ trong hoàn cảnh nào, cũng phải coi của cải vật chất như là một phương tiện sinh nhai, không bao giờ là cứu cánh cho cuộc sống trần gian đầy cám dỗ vật chất mê muội ("Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." – Lc 12, 13). Tinh thần nghèo khó còn là đức tính thương cảm đùm bọc những anh em bất hạnh, khổ cực hơn mình. Phải chân nhận rằng, cuộc đời con người, xét về nhiều phương diện, là một chuỗi dài những thử thách cam go. Vì thế phải có tinh thần siêu nhiên và phải được ơn Chúa, người ta mới biết coi rẻ, coi nhẹ, coi thường những của cải vật chất nơi trần gian luôn bày biện ra trước mặt với những vẻ hào nhoáng, hấp dẫn. Để được như vậy, có một phương thế mà người tín hữu phải kiên trì rèn luyện, đó là cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ với Thần Khí Chúa xin ơn soi sáng, hướng dẫn, và thêm sức can đảm vượt khó trong mọi nghịch cảnh.

I.2. Đức khiêm nhường : Đức khiêm hạ đứng hàng đầu trong 7 điều cải hối do 7 mối tội đầu. Khiêm nhường là tự coi mình là người dưới, là người phục vụ anh em ("Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ?Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em – Ga 13, 12-16). Người khiêm nhường sẽ không phải bận tâm vì sợ kẻ khác đang đánh giá mình ra sao, sẽ được tự do, thong dong, tránh được những xúc cảm bồn chồn, lo lắng khi nghĩ đến những dèm pha đố kỵ của tha nhân. Họ sẽ dễ cảm hóa được thái độ kiêu căng, thù địch, nóng nảy của người khác bằng chính tấm lòng khiêm nhu, đại lượng của mình. Họ cũng là người rất tế nhị, không tỏ ra tắc trách trong công việc. Người có lòng khiêm tốn không mang nặng mặc cảm tự cao tự đại, cũng không phải là mẫu người tự ti, nên không tự làm khổ mình khi thấy mình lầm lẫn, dễ biết bỏ qua những chuyện kèn cựa, tị hiềm của anh em, tự tin vững bước trên hành trình hướng tới chân lý.  Muốn có được một cuộc sống an vui đích thực, ngoài những yếu tố căn bản khác ra, thì điều kiện không thể không có là đức nhu mì, tấm lòng từ tốn, khiêm cung.

I.3. Đức sầu khổ (biết khóc than) : Than khóc vì những điều lầm lỗi của bản thân đã xúc phạm đến Chúa, đến anh em, chính là việc quay trở về của đứa con hoang đàng, là người thu thuế đứng dưới cuối nhà thờ đấm ngực cầu xin : “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 11-14). Việc trở về với Thiên Chúa được gọi là việc hoán cải và hòa giải, bao gồm việc đau buồn và gớm ghét các tội mình đã phạm, với quyết tâm hối cải sẽ không phạm tội nữa. Do đó, việc hòa giải liên hệ tới dĩ vãng và tương lai. Nền tảng của việc hòa giải là niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự trở về ấy là đích điểm đón nhận lòng thương xót của Chúa, vì Người chính là người cha nhân hậu sẵn lòng dang tay đón người con hoang đàng, sẵn sàng để 99 con chiên mà đi tìm một con chiên bị lạc, sẵn lòng tha thứ cho người thu thuế biết hối cải. Tuy vậy, cũng cần phải ý thức rằng sự khóc than cũng có hai chiều kích : một mặt tích cực là sự hối tiếc ăn năn về những sai phạm lầm lỗi của bản thân; nhưng mặt khác lại là tiêu cực khi khóc than hờn dỗi (than thân trách phận), thậm chí đi đến chỗ oán ghét Thiên Chúa. Chỉ thực sự được Thiên Chúa chúc phúc khi sự khóc than xuất phát tự tấm lòng ăn năn hối cải vì những lỗi lầm xúc phạm đến Chúa, đến anh em, đồng thời với tâm nguyện thiết tha cầu xin lòng thương xòt của Chúa.     

I.4. Đức trọn lành (công chính) : Lời Chúa thông qua mạc khải đã cho con người được biết một cách rất xác thực rằng, con người đầu tiên đã được Thiên Chúa thiết lập trong tình trạng công chính (trọn lành). Nhưng con người đã bị thần  dữ xiểm nịnh, xúi giục, đã lạm dụng tự do của mình khi đi ngược lại giới răn, không vâng phục Thiên Chúa. Mà vì phạm tội, con người đã làm mất sự thánh thiện và công chính từ nguyên thủy do Thiên Chúa ban, không những chỉ cho hai vị nguyên tổ (Adam và Eva), mà còn cho tất cả nhân loại mãi mãi về sau ("Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” – Mt 5, 20). Bản tính con người bị tổn thương vì tội nguyên tổ, là đã mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Sự mất mát này được gọi là "tội tổ tông". Do hậu qủa của tội nguyên tổ, sự chết đã nhập vào thế gian,  bản tính con người bị suy nhược, đau khổ, dễ xu hướng về sự tội. Sự "hướng chiều" này vẫn quen gọi là dục vọng (dục : ước muốn ; vọng : hướng về). Tuy nhiên, nếu biết kiềm chế những đam mê, dục vọng có chiều hướng đi xuống, hạ thấp phẩm giá, nhân cách con người ; từ đó hướng chiều lên đường ngay lẽ phải, kiên cường sống theo Lời Chúa dạy, ắt sẽ vượt thắng đạt tới sự công chính như lòng Chúa mong đợi.

Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô hệ tại việc " Người đến để hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người " (Mt 20:28). Nhờ sự tuân phục đầy tình thương đối với Chúa Cha cho đến chết trên thập giá, thì Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng đền tội (cho nhân loại) của Người Tôi Tớ đau khổ như lời Tiên tri I-sa-i-a đã loan báo trước "làm cho nhiều người nên công chính khi mang lấy tội lỗi của họ" (Is  53:11). Cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô không những phục hồi phẩm giá, phục hồi lương tâm cho nhân loại, mà còn kéo lôi con người trở về với con đường công chính : làm con cái Thiên Chúa. Ai tin vào Chúa Kitô thì người ấy trở nên con cái của Thiên Chúa. Ơn được "làm nghĩa tử " ấy giúp người tín hữu có khả năng ước vọng "điều công chính", "sự trọn lành", và thực hành những nhân đức cần thiết để nên người trọn hảo.               

I.5. Đức thương người (bác ái) : Bác ái là tình yêu rộng rãi (bác : rộng ; ái : yêu). Bác ái là tình yêu không chỉ giới hạn trong phạm vi tình yêu giới tính (nam nữ). Kitô giáo chủ ở đức bác ái : mến Chúa yêu người. Lòng thương người, hiểu một cách cụ thể, phải là đức bác ái. Riêng với người Kitô hữu, thì bác ái là sống đạo : thực hành Lời Chúa, sống Lời Chúa, sống Đức Tin, (" Ai nghe lời Thầy  mà đem ra thực hành thì, Thày chỉ cho anh em hay, người đó giống như kẻ xây nhà, đã đào bới rất sâu, đã đặt nền móng trên đá...." ( Lc 6, 47-48), mà Lời dạy của Đức Kitô là : “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Bác ái là một bổn phận, là một nhiệm vụ, là một việc phải làm. Không phải chỉ là lời khuyên, như nhiều người quan niệm có làm hay không cũng được, vì Lời Chúa dậy rõ ràng : " Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2, 14-15). Trong 10 Điều Răn Chúa truyền dạy, thì chỉ có 3 điều “mến Chúa”, mà có tới 7 điều “yêu người”, Hội Thánh cũng dậy “Thương người có 14 mối : Thương xác 7 mối và thương linh hồn 7 mối”, trong đó thể hiện thật rõ nét những việc làm cụ thể để biểu hiện lòng thương người. Kinh Thánh xác định rõ ràng : lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em (“Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta… nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau... Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” – 1Ga 4, 10-12). Kitô giáo được gọi là “Đạo Yêu Thương”, “Đạo Bác Ái” chính bởi vì chỉ có một tôn chỉ duy nhất “Mến Chúa yêu người”.            

I.6. Đức trong sạch (khiết tịnh) : Một trong 3 lời khuyên của Phúc Âm là đức khiết tịnh – lòng trong sạch. Giữ cho tâm hồn trong sạch, giữ cho đời sống thanh khiết, không vướng vào những hệ luỵ tiền tài, danh vọng, và nhất là sắc dục, đó là sống khiết tịnh. Đã có những giải thích chưa đúng về nhân đức khiết tịnh, cho rằng lời khuyên này của Phúc Âm chỉ dành riêng cho những bậc tu hành, còn những người sống bậc hôn nhân thì làm sao mà khiết tịnh cho nổi ! Để tránh những hiểu lầm không đáng có, cần phải minh định ngay : Đức khiết tịnh nơi một bậc tu trì khác với nơi một người sống bậc hôn nhân. Ở bậc tu trì thì phải kiềm chế hoàn toàn vấn đề tình dục, còn ở bậc hôn nhân thì vấn đề tình dục chỉ là sống đúng với thiên chức vợ chồng, không lạm dụng, không mê đắm, sa đà quá độ và tuyệt đối không được thể hiện tình dục với người không phải là bạn đời của mình (ngoại tình, gian dâm, chơi bời trác táng…). 

I.7. Đức hoà thuận : Trong gia đình biết sống hoà hiếu với nhau, ngoài xóm làng biết sống tương thân tương ái, rộng ra xã hội biết sống chan hoà yêu thương, cho chí phạm vi thế giới luôn biết cổ võ cho một nền hoà bình chân chính, đó là nhân đức hoà hiếu thuận thảo. Những người như thế sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa là những ai biết hy sinh cho một nền hòa bình chân chính, trong đời sống riêng tư cũng như trong tập thể cộng đồng dân tộc, được thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày, được áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân trong mỗi cảnh ngộ của riêng mình. Con Thiên Chúa là những phần tử đáng được những phần thưởng cao qúi nhất, danh dự nhất, là những ai đã hiến thân cả một đời cho nền hòa bình thực sự, vững bền và vĩnh cửu. Hội Thánh đã nhắn nhủ con cái mình : "Chúa Kitô đến để hiệp nhất những gì bị phân rẽ, để hủy diệt tội lỗi và hận thù, và để làm cho con người tái nhận thức được ơn gọi nên một và tình yêu huynh đệ. Thế nên, Ngài là nguồn mạch và là khuôn mẫu cho một nhân loại được đổi mới, thấm nhiễm tình huynh đệ, chân thành, và một tinh thần an bình mà mọi người khát vọng" (Sl TRUYỀN GIÁO, 8), bởi chính Chúa Giêsu đã dậy : "Thày để sự bình an lại cho anh em, Thày ban sự bình an của Thầy cho anh em, Thày ban cho anh em sự an bình hoàn toàn khác với thế gían" (Ga 14, 27). Muốn có hòa bình thì phải biết xây dựng, bồi đắp  lòng thương yêu, sự hòa thuận ngay từ trong gia đình đến những cộng đồng, tập thể, và rộng ra là xã hội. Và trên tất cả là phải biết cậy trông, tín thác vào chính Đức Kitô vì "Chính Ngài là sự an bình của chúng ta."  (Eph 2, 14), " Chớ gì Thiên Chúa của niềm hy vọng đổ đầy lòng anh chị em niềm vui và sự an bình như anh chị em đã tín thác nơi Ngài” (Rm 15, 13).      

I.8. Đức hy sinh (bị bách hại) : Ngay sau điều Phúc Thứ Tám của  "Tám Mối Phúc Thật", Chúa Giêsu đã nhấn mạnh hơn về nhân đức “bị bách hại” : “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế" (Mt 5, 11-12).  Mầu nhiệm về công ơn cứu chuộc của Con Thiên Chúa xuống thế làm người được gắn liền với khổ giá của Chúa Kitô. Không qua con đường khổ giá và sự chết đau đớn của Chúa cứu thế, không thể mang lại hoa trái là đời sống vĩnh cửu của muôn người. Vì thế, qua các thời đại, người ta vẫn hiểu rằng, đây là trường hợp của những người bị xử tử, bị hành quyết, vì đức tin Công giáo, vì đạo thánh Chúa. Nhìn vào tấm gương 118 vị Thánh Tử đạo Việt Nam để thấy được rằng các ngài đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình vì Đao Chúa, vì Đức Tin Kitô giáo. Các ngài bị bách hại hoàn toàn không phải vì đời sống riêng tư của các ngài về đường chính trị (danh vọng, quyền lực) hay kinh tế (tiền của, vật chất), mà vì lòng dũng cảm tuyên xưng đức tin Kitô giáo, sự can đảm làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Điều đó giúp cho các Kitô hữu – cách riêng, các Kitô hữu Việt Nam – hiểu sâu hơn về Đạo Chúa, về tinh thần sống Đạo, về cuộc sống chứng nhân Tin Mừng trước những thử thách nghiệt ngã, những bách hại tinh vi và khủng khiếp của ba thù trong thời đại văn minh hiện nay.

            Các mối phúc là tiêu chuẩn để đánh giá và hướng dẫn đời sống, giúp ta thấy rõ được mục đích của cuộc đời và cùng đích tối hậu của mọi hành vi con người, đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt con người trước các mối phúc để họ tự chọn lựa và quyết định đời sống luân lý của mình. Họ cần nhận biết ý muốn của Thiên Chúa để thanh tẩy mình khỏi những bản năng xấu, loại bỏ quan niệm sai lầm coi hạnh phúc chỉ cốt ở giàu sang, danh vọng, quyền lực, hoặc chỉ cốt tại những công trình loài người, dẫu rất hữu ích, như khoa học kỹ thuật. Các mối phúc là con đường dẫn tới Nước Trời. Muốn được trưởng thành về nhân bản, con người phải từng bước dấn thân vào con đường ấy, nhờ Lời Chúa Kitô và ân sủng Chúa Thánh Thần, mà thực hiện những hành vi trong đời thường để sinh hoa kết trái tốt đẹp cho đồng loại và làm vinh danh Thiên Chúa.

            Ngoài 8 mối phúc ra, người Kitô hữu cũng rất cần thiết phải được giáo dục về 10 Điều Răn của Chúa, đồng thời cũng phải trau giồi thật kỹ lưỡng 14 mối thương người (“thương xác 7 mối” + “thương linh hồn 7 mối”). Đó phải là những điều kiện ắt có và đủ để con người có thể trưởng thành nhân bản.

II. GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI : Con người không thể sống riêng lẻ. Ngay trong việc tu thân, con người cũng phải đặt mình vào một môi trường xã hội cụ thể, đó chính là gia đình. Gia đình là xã hội thu nhỏ đối với xã hội loài người. Cũng vậy, gia đình là Giáo hội thu nhỏ của Giáo hội toàn cầu. Vấn đề này sẽ được bàn kỹ hơn ở Bài 6 : “CON NGƯỜI – GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI”.

III. ĐỜI TU : Từ Ơn gọi làm người, Thiên Chúa đã khắc ấn nhân bản vào con người. Vấn đề giáo dục nhân bản được đặt ra ngay từ thủa mới sinh (“dạy con từ thủa còn thơ”), thậm chí ngay từ khi con người còn là một bào thai trong bụng mẹ. Khoa học ngày nay đã chứng minh bào thai cũng biết nghe nhạc, điều này chứng tỏ bào thai ảnh hưởng cả môi trường bên ngoài. Nên chi trong thời gian mang thai, người mẹ (và kể cả người cha nữa, trong cách cư xử với người mẹ) về mặt thể chất nên có chế độ ăn uống điều độ, chừng mực (không bê tha rượu chè, hút xách…), về mặt tinh thần nên giữ cho thư thái ôn hoà, tránh nóng giận, buồn bực, không thô lỗ cục cằn… Con người đã được “tu thân” từ đó, nên khi đón nhận Ơn gọi tu trì, cũng là lúc con người cần được giáo dục nhân bản trưởng thành hướng về đời sống tu trì. Nói khác hơn, trong cuộc sống tu trì, vấn đề giáo dục nhân bản cũng đi từ khởi nguyên : Thiên Chúa Tình Yêu -> Phẩm giá và lương tâm con người -> tu đức.

Vì đây chỉ là một trong nhiều mặt giáo dục nhân bản Kitô giáo, nhưng lại là một chuyên khoa thần học tu đức rộng lớn, nên chỉ xin lướt qua vài nhận định. Mong có dịp sẽ được bàn kỹ hơn.

III.1. Kiên trì niềm tin : Từ một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa trở thành đức tin kiên vững, con người sẵn sàng đón nhận ơn gọi tu trì. Được gọi sống cuộc đời tu, chắc chắn phải cầu nguyện, học hỏi, sống cuộc sống đức tin theo thần học tu đức. Hướng nhắm tới là làm sao kiên trì được với đức tin luôn được trau giồi và củng cố, để đạt mục đích cuối cùng là được làm môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô.

III.2.  Khổ chế : Bước vào cuộc sống tu trì là đã chấp nhận từ bỏ tất cả những gì thuộc về trần gian, từ bỏ chính con người của mình, như lời dậy của Đức Kitô  "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Muốn từ bỏ, phải chấp nhận hy sinh, đó là con đường khổ chế mà các nhà tu hành chân chính tự nguyện chọn cho đời mình.

IV. KẾT LUẬN :

Đức Khổng Tử đã dạy : Muốn nên người (quân tử) thì phải biết tu thân, thân đã tu được rồi thì mới mong tề gia, điều hành gia đình cho tốt rồi mới hy vọng trị quốc, cai trị trông coi được đất nước, sau  đó mới mong bình thiên hạ (kiến tạo hoà bình cho 4 phương thiên hạ). Chữ tu (trong tu thân) bao hàm ý nghĩa ‘sửa chữa’ (sửa thân, răn mình) để nên tốt hơn. Vậy, để trường thành nhân bản, không gì tốt hơn là vạch ra một con đường tu tâm dưỡng tính (tu thân), sống sao cho phải đạo làm người, đạo làm con Thiên Chúa. Phải khẳng định ngay rằng “điều răn quan trọng nhất” (mến Chúa, yêu người) mà Đức Giêsu Kitô đã dạy chính là kim chỉ nam cho cuộc sống đúng với chân lý nhân bản Kitô giáo vậy.

Tác giả bài viết: JM Lam Thy Đinh Văn Diệm

Nguồn tin: thanhlinhnet.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây