Giáo xứ Vinh Hương

Nhưng những người khác đâu?

Thứ năm - 04/04/2019 20:40
 
Hầu hết chúng ta từ nhỏ được dạy để tin rằng mình có quyền sở hữu bất kỳ điều gì mà chúng ta có được cách ngay chính, dù là qua lao công hay được thừa kế hợp pháp. Dù tài sản đó có lớn bao nhiêu chăng nữa, miễn là chúng ta không gian lận để có nó, thì nó là của ta. Niềm tin này được tôn trọng tuyệt đối trong pháp luật của các nước dân chủ, và chúng ta thường tin rằng nó được Kitô giáo phê chuẩn về mặt đạo đức. Phần nào đúng, nhưng còn nhiều điều cần phải hiểu thêm.

Đây không thật sự là quan điểm trong các bản văn Kitô giáo, cũng không nằm trong huấn giáo xã hội của Giáo hội Công giáo. Không phải mọi thứ chúng ta có được cách ngay chính qua lao công của mình thì đơn thuần là của mình chiếm hữu. Chúng ta không phải là hòn đảo, và chúng ta không sống một mình trên đời theo kiểu việc lo cho phúc lợi của người khác là một chuyện muốn thì làm không thì thôi. Thi sĩ và văn sĩ người Pháp, C-harles Peguy từng nói rằng khi tiến đến cổng thiên đàng, chúng ta đều sẽ bị hỏi: “Nhưng những người khác đâu?” (“Mais ou sont les autres?”) Câu hỏi này dành cho cả tính nhân văn và đức tin của chúng ta. Nhưng những người khác đâu? Thật là ảo tưởng và sai lầm khi nghĩ rằng mọi thứ chúng ta có do lao công thì phải là của mình. Nghĩ như thế là phải xem lại đời mình.

Thân sinh của ông Bill Gates, cách đây 15 năm, đã viết trên tờ Sojourners một bài, thách thức không chỉ người con nổi tiếng của mình, mà cả chúng ta nữa, với những lời này: “Xã hội có quyền rất lớn trên tài sản của người giàu. Điều này không chỉ bắt rễ trong các truyền thống tôn giáo, mà còn trong việc thành thật tính đến sự đầu tư trọng yếu của xã hội để tạo nền tảng màu mỡ cho sự sinh sản của cải. Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo đều xác nhận quyền sở hữu riêng và tài sản riêng, nhưng đặt ra các giới hạn luân lý về quyền sở hữu tuyệt đối. Mỗi truyền thống đều khẳng định chúng ta không phải là cá thể đơn độc mà là những thành phần trong cộng đồng, một cộng đồng có quyền trên chúng ta. Khái niệm “cái này hoàn toàn là của tôi” là một sự vi phạm những lời dạy và truyền thống này. Việc xã hội có quyền trên tài sản tích lũy của cá nhân “được căn cứ trên việc công nhận sự đầu tư gián tiếp và trực tiếp của xã hội vào thành công của một cá nhân. Nói cách khác, người đó không tự mình tạo dựng được chừng đó.” (Sojourners, tháng 1 đến tháng 2, 2003)

Không một ai tự mình tạo dựng được chừng đó, và do đó khi đạt được chừng đó, người đó phải công nhận rằng điều mình tích lũy được là kết quả không chỉ nhờ lao công của người đó mà còn nhờ cơ sở hạ tầng của toàn xã hội mà người đó sống. Do đó, những gì người đó tích lũy được không hoàn toàn là của người đó, không thể xem là tài sản đó hoàn toàn chỉ nhờ công sức của người đó mà có được.

Hơn thế nữa, luôn có một thứ mà Benjamin Hales gọi là “tấm màn của giàu sang” khiến chúng ta tin rằng mỗi người chúng ta xứng đáng có mọi thứ mình kiếm được. Hales đã khẳng định là không. Khó lòng xác định được ai là người được sở hữu cái gì. “Tấm màn của giàu sang là việc con người tin rằng nguồn lực, cơ hội và tài năng là những thứ ai cũng có được một cách nhưng không, rằng của cải dư tràn, rằng sự ngẫu nhiên hay tình cờ không có tác động tiêu cực gì đến những người đấu tranh để thành công nhưng lại thất bại vì những vấn đề không phải lỗi của họ… Nó khiến người ta làm ngơ trước nghịch cảnh của người khác, những nghịch cảnh người ta phải mang lấy từ khi lọt lòng. Khi nhất quyết rằng chúng ta cân nhắc các chính sách chung theo quan điểm của những người có lợi thế nhất, thì tấm màn của giàu sang lấp liếm đi sự thất thường của may rủi vô tình. Nhưng khoan đã, có lẽ bạn nghĩ, thế thì còn gì là thưởng phạt? Những người đã lao công, cực nhọc, vắt kiệt sức mình để khiến cuộc sống của mình và gia đình tốt đẹp hơn thì sao? Đây thật sự là một vấn đề quan trọng. Nhiều người làm việc cật lực để kiếm tiền cho mình và xứng đáng được giữ những gì họ kiếm được. Cả các giáo lý và lương thức đều trả lời như thế. Tấm màn của giàu sang thì cho rằng sân chơi công bằng, mọi thứ đạt được là đạt được cách công bằng, và không có may rủi gì cả. Khi làm thế, là nó thiên vị cho những người tốt số. …Thật là ảo tưởng của sự giàu sang khi tin rằng mỗi người chúng ta xứng đáng có những gì chúng ta kiếm được.” (New York Times, 12-8-2012)

Kinh thánh và huấn giáo xã hội của Công giáo tóm tắt điều này như thế này: Thiên Chúa dựng nên trái đất và muôn vật cho loài người. Do đó, theo lẽ công bằng, những thứ được tạo dựng phải chia đều cho mọi người. Mọi quyền khác đều chiếu theo nguyên tắc này. Chúng ta có quyền tư hữu và không ai bác bỏ quyền này của chúng ta, nhưng quyền đó phải chiếu theo lợi ích chung, theo sự thật rằng của cải vốn được định cho tất cả mọi người. Của cải và sở hữu phải được hiểu là những thứ để chúng ta quản lý hơn là chiếm giữ tuyệt đối. Cuối cùng, có lẽ điều thách thức nhất, là không một ai được dư thừa nếu người khác không có được những gì thiết yếu. Khi tích lũy của cải và sở hữu, chúng ta phải luôn đối diện với câu hỏi này: “Nhưng những người khác đâu?” (“Mais ou sont les autres?”)

 

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser, 2019-03-25 - J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây