Giáo xứ Vinh Hương

Ở nơi làm việc hay ngoài xã hội, chúng ta có khờ dại khi sống khiêm nhường không?

Chủ nhật - 10/06/2018 03:50
Đức tính khiêm nhường đích thực là phong phú và tạo nên nhiều lợi ích cho người có lòng khiêm nhường ở nơi làm việc, trong gia đình và ngoài xã hội.

Có ý kiến cho rằng, lòng khiêm nhường thường ngăn chúng ta sống thật với chính mình. Trong các quảng cáo và các chương trình truyền hình, người ta có khuynh hướng xem người khiêm tốn là người ngây ngô dễ dàng bị xỏ mũi.

Họ ở cùng một gia đình với những người chán ngắt. Họ không mua hàng hiệu, không đề cao bản thân, không chơi trội, không gây chú ý, không cạnh tranh ở sở làm vì họ không có tham vọng, và dễ dàng bị lợi dụng mà họ không biết. Chúng ta thường hình dung họ là những người cúi đầu đi với nụ cười hồn nhiên như thiên thần ở khóe môi, họ không bao giờ to tiếng, không gắt gỏng. Đúng, thật là cả một sai lầm khi nghĩ về tính khiêm nhường chân thực là như vậy!

Khiêm nhường là một nhân đức

May thay, trong một trường học kinh doanh, một nhà nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu xem thật sự khiêm tốn là như thế nào và kết quả cho thấy, khiêm nhường là điều rất có lợi cho môi trường kinh doanh!

Khiêm nhường là một trong các đức tính để tuyển chọn người quản lý. Chúng ta hãy tìm hiểu xem tại sao.

Khiêm nhường chân thực là đức tính của người đi tìm để hiểu con người sâu đậm của mình. Một người khiêm nhường biết tất cả các khía cạnh về bản thân mình, điểm mạnh cũng như điểm yếu. Nếu chúng ta làm một phân tích theo phương pháp biết sở trường và sở đoản của mình (SWOT) trong việc tuyển dụng nhân viên thì người khiêm tốn không do dự khi điền vào ô các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Vì thế họ không sợ. Họ sẵn sàng.

Người khiêm tốn ý thức các giới hạn của mình, nhưng đồng thời họ có một nhận định rõ ràng về bản chất con người không ai hoàn hảo trọn vẹn và chúng ta tất cả đều có thể cải thiện nếu chúng ta muốn.

Người khiêm tốn muốn mình trở nên người tốt hơn và sẽ làm những gì cần thiết để đạt được. Đây là sự khác biệt tầm vóc với người kiêu ngạo, người kiêu ngạo không chấp nhận khuyết điểm của mình; còn người bi quan, họ không hình dung họ có thể sửa đổi để tốt hơn.

Khiêm tốn: giữa sức mạnh và mềm dẻo

Đức tính khiêm nhường chân thực có thể so sánh với cây trúc. Cây trúc trông mảnh khảnh, mềm yếu và ít ai để ý tới. Nó không cho bóng mát. Tuy nhiên nó mềm dẻo, lớn mạnh và mang ô-xy đến cho môi trường chung quanh.

Cao thượng: những người khiêm nhường làm cho phong phú các giá trị ở môi trường gia đình, ở nơi làm việc và cho chính bản thân mình. Họ luôn muốn cải thiện và tìm cách hướng thượng.

Mang dưỡng khí: họ làm cho bầu khí các buổi nói chuyện thành dễ chịu, họ là công dân tốt, họ cải thiện chất lượng sống của mình và của những người chung quanh.

Mềm dẻo: Khi có cơn gió mạnh thổi đến, trong khi các cây khác lung lay, bị gãy thì cây trúc hướng theo chiều gió và vẫn đứng vững. Đương nhiên người khiêm tốn cảm thấy mình đang ở trong cơn bão nhưng họ ý thức được vấn đề, sức mạnh của họ nằm trong các cố gắng để thích ứng với thay đổi mà không bị bứng gốc cũng như không bị hư thân cây.

Học để biết chính mình và chấp nhận chính mình

Đức tính khiêm nhường đi kèm với khả năng đặt lại vấn đề và nâng giá trị những chuyện chung quanh mình: tôi có đang sống cuộc sống giúp tôi đạt được các mục tiêu của mình không? Chuyện này có làm cho tôi hạnh phúc không? Có giúp tôi đạt được mục đích của mình không? Hay chỉ là ảo tưởng? Hành động của tôi có đúng theo lương tâm của tôi không? Chúng ta đi đến một điểm quan trọng: chấp nhận mình bất toàn.

Không ai thích chú ý đến lỗi lầm của mình, nhưng tất cả chúng ta phải chấp nhận chính mình cũng như chấp nhận những người biết rõ họ. Đừng sợ khi dò tìm nội tâm của mình, lặn sâu như lặn xuống đáy biển để hiểu đáy lòng mình. Chúng ta có thể nhận ra những điều tích cực, nhưng cũng thấy cả các khía cạnh tiêu cực. Chúng ta phải can đảm kéo chúng lên mặt nước để chắt lọc, để sắp đặt lại theo thứ tự cần thiết.

Khiêm nhường là chấp nhận con người thật của mình, và làm tất cả để đi ra khỏi tình trạng này. Đôi khi cần phải có cần trục để nhổ bật mọi sự lên. Và chúng ta có thể đặt tên cho cái cần trục này là: xin tha thứ, sửa chữa, xin được giúp đỡ, nhìn nhận lỗi lầm trước mặt mọi người hay trước mặt đương sự mình đã xúc phạm, chiến đấu chống lại sự lệ thuộc… Tóm lại, chấp nhận người khác không thích sự hiện diện của mình, nhưng đó là thực tế.

Xin giúp đỡ

Dựa vào người hướng dẫn thiêng liêng. Đây không phải là người huấn luyện chuyên nghề, nhưng người huấn luyện hướng dẫn chúng ta những chuyện căn bản. Họ có thể hành động như người mẹ, người cha, người anh, người họ hàng, người bạn thân, một linh mục, một tâm lý gia, một bác sĩ tâm thần… Mặt khác, họ là người nhìn chúng ta từ bên ngoài, nhưng ở bên cạnh chúng ta, vì họ yêu thương chúng ta và muốn chúng ta được hạnh phúc.

Người hướng dẫn này đôi khi nương nhẹ chúng ta, nhưng thường thường họ rất trực tiếp. Khiêm tốn là để cho người khác thấy vết thương của mình để họ săn sóc băng bó: nhắc cho chúng ta nhớ thói vênh vang, lười biếng, các lý do giận dữ sẽ có biểu hiệu như thế nào… v.v.

Các đặc tính này xóa đi nỗi sợ hãi, giúp chúng ta cảm thấy có thể sống với người có tính khí mạnh mẽ hoặc người mắc phạm lỗi lầm, vì chúng ta sẽ an tâm khi thấy đương sự chấp nhận điều chúng ta nói hay quan sát, làm sao họ giải quyết mâu thuẫn bằng tính khiêm nhường (đôi khi chỉ cần năm phút, nhưng cũng có khi mất vài ngày).

Con đường dẫn đến đức khiêm nhường

Một người khiêm nhường nhận ra lỗi lầm của mình nhưng sửa chữa chúng theo thời gian. Và làm thế nào chúng ta có thể nhận ra điều đó ngay từ đầu? Vì đương sự vui vẻ và biết ơn, họ chứng tỏ cho thấy họ biết đồng cảm và bao dung.

Sự thay đổi có thể dễ dàng hơn nếu chúng ta có thể “hình dung” được người làm gương cho đức tính khiêm tốn. Chúng ta có thể học để biết cuộc đời của họ, đọc tiểu sử của họ, học cách phản ứng của họ khi đứng trước các tình huống khó khăn, v.v. Không phải chỉ có một cách để biểu lộ tính khiêm nhường, nhưng những người này đều có các nét chung.

Họ toát ra lòng nhân, theo nghĩa là làm cho bầu không khí chung quanh dễ chịu: trong gia đình, với hàng xóm láng giềng, với bạn bè, trong công việc… Và họ có óc hài hước. Họ khích lệ người khác, họ không tìm cách hành động vì lợi ích riêng của mình. Họ xây trường học, huấn luyện những người chung quanh, quảng đại truyền tải kinh nghiệm của mình, nâng giá trị những gì người khác làm … Họ là nguồn động lực cho những người xung quanh.

Người lãnh đạo có thể khiêm nhường không?

Chắc chắn là có. Người lãnh đạo là thỏi nam châm thu hút và khuyến khích người khác hành động. Ngoài ra, thời gian sẽ chứng minh cho người khiêm nhường vì thời gian củng cố cho các công việc của họ, và sẽ dễ dàng thấy thành quả mà họ đã xây dựng. Để trở nên người khiêm nhường, thì đừng ngại xin những gì mình cần, như nói lời cảm ơn, như khen ngợi những người đáng khen ngợi và xin tha thứ để sửa chữa điều mình đã làm sai.

 

Tác giả bài viết: fr.aleteia.org, Dolors Massot, 2018.01.29 - Pacôme Hồng Phước dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây