Giáo xứ Vinh Hương

Thân xác và vấn đề phái tính

Thứ tư - 21/02/2018 17:42

Có một câu chuyện đáng được nói đến ở đây, khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu về đức khiết tịnh trong đời tu. Nó được gọi là “chuyện bình thường”. Là chuyện bình thường khi con người nào cũng có phái tính, con người nào cũng biết yêu, muốn yêu và cần được yêu, có nhu cầu tình cảm, muốn được chăm sóc, quan tâm. Khi lớn lên, con người có xu hướng đi tìm nửa còn lại, muốn có một tổ ấm riêng và xây dựng hạnh phúc của mình nơi tổ ấm ấy với người bạn đời và những đứa con. Là chuyện bình thường khi ai cũng có một bản năng nhục dục, một khao khát mãnh liệt của thân xác muốn được thoả mãn. Và sức cám dỗ của nó rất mạnh… Bởi thế, nếu một tu sĩ nào đó cảm thấy tất cả những yếu tố này tồn tại nơi con người mình, thì hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã dựng nên mình cách bình thường, mọi cơ năng hoạt động tốt theo nguyên lý tự nhiên, chứ đừng cảm thấy mặc cảm hay tội lỗi hay xấu hổ ngượng ngùng; bởi vì, những điều này vốn dĩ là “chuyện bình thường thôi”.

Hãy nói một chút về cái mà chúng ta gọi là “con người”. Chúng ta tự nhận biết mình là “con người”, khác với những loài khác. Chúng ta cũng biết rằng mình là một huyền nhiệm, một thực thể có tính linh thiêng duy nhất trong trời đất. Tuy nhiên, ít bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: khi tôi nói mình là “con người”, tôi đang có ý gì vậy? Rõ ràng, hai chữ “con người” vẫn còn để lại trong chúng ta nhiều uẩn khúc chưa có lời giải đáp. Nhưng ít ra chúng ta nhận biết được một “con người” nhờ thân xác của họ, cái hữu hình đang hiện diện trước mắt chúng ta. Quả vậy, chẳng có con người nào lại không có thân xác. Thực-thể-không-có-thân-xác là “cái gì đó”, chứ không phải con người. Cũng chẳng ai có thể hiện hữu bên ngoài thân xác. Không thể có chuyện thân xác ở một nơi, nhưng “người đó” lại ở chỗ khác. Con người hiện hữu trong chính thân xác của mình.

Do ảnh hưởng của nhiều phong trào triết học thời xưa, nhiều người vẫn còn tin rằng thân xác là cái cầm tù con người. Họ mường tượng ra hình ảnh linh hồn ở trên trời tìm kiếm một thân xác nào đó rồi “nhập vào” hoặc bị “đày” vào, khiến cho nó cử động. Bởi thế, chính cái thân xác hữu hình này đã kiềm kẹp, không cho linh hồn được giải thoát để đi về miền tiêu diêu cực lạc, vui hưởng trạng thái hạnh phúc thiên thu. Vì thân xác vốn giới hạn, nên nó cũng chịu sự chi phối của không gian và thời gian. Nó sẽ trở nên tiều tuỵ, già yếu, mang lấy những tật bệnh. Nó mang vào trong con người những phiền sầu khổ ải. Nó làm cho con người mệt mỏi bởi những hành vi nó làm. Nó bắt con người phải chịu số phận hư nát của nó… Bởi quan niệm như vậy, người ta hạ thấp thân xác, khinh thường nó, xem nó như là kẻ thù. Họ hành xác, làm cho mình bị thương như một hình thức tu luyện. Có nhiều người còn tự kết liễu cuộc đời mình để giải thoát cho linh hồn, giúp linh hồn không còn chịu sự kiềm kẹp của thể xác…

Rõ ràng, đây là một quan niệm hết sức sai lầm. “Thân xác” không tách khỏi “con người”. Đúng ra mà nói, thân xác chính “là” con người. Khi cánh tay tôi đau, là tôi đau. Khi cái chân tôi đau, là tôi đau. Chẳng có một sự phân biệt nào giữa thân xác tôi với tôi cả. Con người tôi được phô bày ra trong thế giới này qua thân xác mà Chúa ban cho qua bố mẹ. Khi thân xác này chết, chính là tôi chết. Thế giới này mất đi một cái gì đó mà mãi mãi nó sẽ không bao giờ có lại được. Giáo Hội vẫn dạy rằng con người có xác và hồn. Nhưng không nên hiểu lời dạy này theo nghĩa đây là hai phần riêng biệt và chẳng dính dáng gì với nhau như kiểu xác là chiếc bình, còn hồn là nước nằm trong chiếc bình ấy. Con người là sự kết hợp tinh tuý giữa “cái mà ta thấy” (tức là thân xác) với “cái mà ta không thấy” (linh hồn). Con người vừa mang giá trị hữu hình và vô hình, vừa vật chất vừa tinh thần, vừa thể chất vừa thiêng liêng. Như thế, ngay chính nơi thân xác con người đã mang một giá trị cao quý đến nỗi nếu không có thân xác, con người chẳng còn là con người nữa.

Nhờ thân xác, chúng ta hiện hữu trong thế giới hữu hình và có tương quan với các loài khác. Loài người xuất hiện trên thế giới này đông vô số kể. Chẳng ai có thể đếm nỗi là đã từng có bao nhiêu con người tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến nay và từ nay đến khi thế mạt. Nhưng dù có đông thế nào, con người cũng chỉ có hai phái: nam hoặc nữ. Phái tính nam hay nữ này được thể hiện cách rõ ràng trên thân xác của mỗi người, được thành hình từ sự kết hợp giữa tinh trùng của bố và trứng của mẹ, với những nhiễm sắc thể đặc trưng. Người nam và người nữ có cấu trúc sinh học khác nhau, dẫn đến những sự khác biệt khác về tâm lý, cảm thức thiêng liêng… Chẳng ai sinh ra mà lại không là nam hay nữ, ít ra là về mặt sinh học. Đôi khi cũng có thể xảy ra trường hợp có những rối loạn tạm thời và càng sớm càng tốt, người đó phải điều chỉnh lại để đưa giới tính của mình về một trong hai phái mà Tạo Hoá đã định. Giới tính của con người làm phát sinh trong người đó những xu hướng tính dục. Xu hướng này phải trải qua một giai đoạn phát triển lâu dài.

Lời khấn khiết tịnh đụng chạm đến chiều kích này của con người. Đó là lời mời gọi để sống theo một con đường hơi khác với tự nhiên một chút, nhưng không đối nghịch với nó như hai thế đối cực. Nó có liên quan đến một số khía cạnh thiết yếu của con người như thân xác, tình cảm, nhu cầu gắn bó mật thiết, độc chiếm trong tình yêu… Thực thể nào không có thân xác thì chắc không cần phải sống sự khiết tịnh vì cơ bản, không có phạm trù này trong thế giới của họ. Lời khấn khiết tịnh có nhiều điều khó hiểu, vì nó gồm chứa một mầu nhiệm khôn tả, và nhờ đó nó đưa người ta vào một vùng trời với nhiều điều huyền bí. Cần có một sự tìm hiểu sâu xa để thấu được vì sao lời mời gọi sống khiết tịnh là một kiểu “siêu tự nhiên” (vượt trên tự nhiên), chứ không phải “phi tự nhiên” (đối nghịch với tự nhiên).

 

Tác giả bài viết: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây