Giáo xứ Vinh Hương

Trong “tĩnh” có “động”

Thứ sáu - 24/08/2018 07:04
Trên “diễn đàn” cuộc đời, chúng ta vẫn nghe trong các cuộc chuyện trò, người ta thường nói với nhau: Cuộc sống bây giờ đứng lại là thụt lùi. Câu nói này hẳn là đúng và có thể dùng làm đòn bẩy thúc đẩy con người vươn tới, nhất là trong một xã hội  ngày càng “phẳng” thì nói như thế càng thôi thúc chúng ta bắt kịp với thời đại “lướt” hiện nay.

Chấp nhận câu nói trên là đúng, nhưng không phải nó đúng ở mọi phương diện. Tại sao người ta lại chỉ làm việc có 6 ngày/tuần hay 8h/ngày? Chẳng phải là để con người có thời giờ tiếp thêm sức và trau dồi thêm khả năng sao? Tại sao trên đường chúng ta đi thường xuất hiện những đèn xanh, đèn đỏ? Chẳng phải là để những người tham gia giao thông có khoảng thời gian dừng lại quan sát để được an toàn và trật tự hơn sao? Tại sao một năm có 12 tháng mà các học sinh chỉ học có 9 tháng? Chẳng phải là để có thời gian chuẩn bị cho năm học mới hay sao?

Một người cứ đi, cứ đi thì chắc sẽ mỏi. Nếu trên cuộc hành trình ta vẫn cần những lúc dừng chân để lấy sức đi tiếp thì trong cuộc đời mỗi người cũng cần những khoảng lặng để có thể bước những bước đi bớt sai lầm hơn. Như thế đâu phải là thụt lùi mà là một trạm dừng đầy lợi ích cho những ai biết sinh lời trong lúc nghỉ ngơi.

Trong đời sống thánh hiến, hàng tháng nhất là hàng năm, mỗi tu sĩ đều có thời gian ít nhất là bảy ngày trọn dành ra để dừng lại, đây là thời gian được gọi là tĩnh tâm. Tĩnh tâm theo nghĩa của từ là để cho cái tâm tĩnh, nhưng ở một góc nhìn khác thì tĩnh tâm không nên để cho cái tâm tĩnh nghĩa là các tu sĩ dùng thời gian này để cho con tim lên tiếng và lí trí hoạt động. Trong kế sách của người xưa có dạy “biết người, biết ta trăm trận trăm thắng” hay “khôn cũng chết, dại cũng chết nhưng biết là sống”. Một người được gọi là “biết” là người biết biến cơ hội thành của cải, biết biến những giây phút dừng lại thành vốn liếng để tiếp tục cuộc hành trình.

Chúng ta thử xem nếu cuộc sống chỉ có mỗi “pray” thì sẽ thế nào? Chắc sẽ không ổn cho nên cần có “stop” trên đường đi, nếu không, đơn giản trong từ điển đã không có “stop”. Vậy Stop là cần thiết vì giúp chúng ta thấy rõ bản thân mình hơn. Thánh Augustino nói: “Một tâm hồn đầy ắp những thứ khác thì sẽ rỗng Chúa, còn một tâm hồn rỗng những thứ khác thì sẽ đầy ắp Chúa”. Mục đích của đời người là tìm kiếm hạnh phúc, vậy nếu chúng ta cứ “pray” suốt ngày thì liệu còn thời gian để hưởng nếm sự bình an và hạnh phúc? Cũng vậy, mục đích của đời tu là tìm kiếm chính Chúa, chúng ta cũng cần có lúc dừng lại để cho trái tim được thinh lặng bên trái tim, cho lí trí có thời gian nhìn lại chặng đường đã qua, từ đó sẽ nghe được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nếu người thánh hiến được ví tựa như dòng kênh thông chuyển ơn Chúa xuống cho mọi người thì trước khi thành kênh phải là bể chứa, vì ta không thể cho người khác cái mà mình không có, như lời thánh Bênađô nhắc nhở “Hãy là cái bể chứa trước khi trở thành kênh”.

Vậy dừng lại  đúng là vốn liếng. Dừng lại không phải chỉ để cái tâm tĩnh mà còn để lấy lại tinh thần, để biết mình đang ở đâu và Chúa đang ở đâu trong cuộc đời. Không phải cứ giàu có là hạnh phúc, cũng không phải cứ khấn dòng là tương quan giữa mình và Chúa tự động có, mà hạnh phúc hay tương quan có là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực của bản thân cộng với ơn Chúa ban.

Ước gì tất cả chúng ta, nhất là nhưng tâm hồn thánh hiến luôn có những chặng dừng chân thật đẹp. Hy vọng không tâm hồn nào bỏ lỡ dịp dừng chân trong cuộc đời. Cầu nguyện và cầu chúc cho những gì chúng ta lĩnh hội được trong chữ “stop” là vốn liếng, là một nhịp lấy đà cho những bước đi đẹp kế tiếp…


Tác giả bài viết: Hoa cát

Nguồn tin: www.gpbuichu.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây