Giáo xứ Vinh Hương

Nên giống Thầy hơn

Thứ ba - 05/07/2011 20:21

Nên giống Thầy hơn

- Những tín hữu phải cố gắng giống như Chúa Giêsu - sống như Ngài, hành động như Ngài, nói như Ngài và thậm chí là suy nghĩ như Ngài.
 

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được? Làm thế nào chúng ta có thể giống Ngài hơn? Chúng ta thực hiện được nhờ ở gần Chúa Giêsu (2 Cr 3,18).

Rất nhiều người trong chúng ta dành thời gian cho Chúa Giêsu, nhưng thời gian thật sự chất lượng chúng ta dành cho Ngài là bao nhiêu, thời gian mà chúng ta hoàn toàn ngừng mọi công việc trong ngày và hoàn toàn chú tâm đến Ngài, trò chuyện với Ngài, tận hưởng Ngài, nhận biết Ngài để trở nên giống Ngài hơn? Nếu chúng ta không dành thời gian cho Chúa Giêsu, thì cho dù chúng ta có bao nhiêu thời gian tốt đẹp, hoặc chúng ta có năng động thế nào hoặc tận tuỵ thế nào, cho dù chúng ta tốt với người khác như thế nào hoặc những điều người khác dành cho chúng ta, chúng ta sẽ không thể là sự phản chiếu tốt của Ngài hoặc của tình yêu Ngài đối với những người khác.

Tự điển định nghĩa “đồng cảm” là “một cảm giác gần gũi về mặt cảm xúc và tinh thần, một sự liên kết”. Đồng cảm với Chúa Giêsu vì thế cũng có nghĩa là thực hiện mối liên kết thuộc về tinh thần và cảm xúc cùng với Chúa Giêsu. Đến nhà thờ, ca ngợi, cầu nguyện, tạ ơn, đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa là những cách để tạo và duy trì mối quan hệ ấy. Đó chính là những nhân tố quan trọng cho cuộc sống tinh thần của chúng ta.
 
Thời gian hữu hiệu

Rất nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng tăng tốc khi khối lượng công việc gia tăng, và việc ấy càng khiến căng thẳng hơn. Dành thời gian thư giãn có thể giúp giảm áp lực, nhưng thời gian một mình hoặc cùng với bạn bè hoặc gia đình không thể mang đến cho chúng ta những gì Chúa Giêsu có thể ban cho chúng ta.

Những sở thích cũng có thể giúp thư giãn và vui thích, nhưng nếu không cẩn thận, chúng có thể là một trong những nguyên nhân chiếm thời gian của những điều thiết yếu, bao gồm điều thiết yếu nhất - dành thời gian cùng với Chúa Giêsu. Đó chính là sai lầm mà mọi người thường mắc phải - lấp đầy mọi khoảnh khắc nhàn rỗi bằng “sự bận rộn”, trong khi Chúa muốn họ dành thời gian đó cho Ngài.

Cách chắc chắn nhất để hoàn tất và phục hồi dài lâu - thực tế là cách duy nhất - chính là dành thời gian cùng với Chúa Giêsu. Chúng ta cần tình yêu, sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài, và cách duy nhất chúng ta có thể có được những điều ấy chính là dành thời gian cùng với Ngài.

Nhưng việc cố cắt xén thời gian từ thời khoá biểu hằng ngày không bảo đảm bạn sẽ gần gũi hơn với Chúa; bạn làm gì với thời gian ấy mới là điều quan trọng. Bạn phải thinh lặng, không bận tâm lo nghĩ về những công việc trong ngày, và để Chúa đong đầy bạn bằng những suy nghĩ mang tính xây dựng đức tin, củng cố, động viên và tích cực từ Lời sống động và Lời đã được ghi chép lại.

Chúa Giêsu đã nói điều kiện để có được một cuộc sống sinh lợi chính là ở trong Ngài. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Điều đó có nghĩa là nối kết với Ngài thông qua việc dành thời gian đọc Lời Ngài, cầu nguyện và lắng nghe Ngài.

Rất dễ khi để cho lời cầu nguyện trở thành một nghi thức lễ nghi, nhưng một điều có thể giúp bạn tránh được việc này chính là nghĩ về Chúa Giêsu như một Người Bạn, Người Tư Vấn, và Người Yêu như Ngài muốn được làm thế đối với bạn. Như ai đó đã từng nói: “Một người càng yêu mến Chúa Giêsu, người ấy càng vui sướng được ở một mình cùng Chúa Giêsu. Những người yêu nhau thích được ở một mình cùng nhau”.

Nhưng Ngài không ép bạn. Ngài chờ đợi để xem bạn có sẵn lòng gạt bỏ tất cả những điều xao lãng để có thể đặt Ngài lên trên hết. Nếu bạn đặt Ngài ở vị trí đầu tiên, bạn sẽ nhìn thấy và cảm nhận được quyền năng và sự giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống của bạn vượt xa những gì bạn có thể tưởng tượng.
 
Đặc tính của Chúa Giêsu

“Hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).

Đó chính là những đức tính chỉ rõ về Chúa Giêsu, và nếu chúng ta đọc Lời Chúa và dành thời gian với Ngài trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ mặc lấy những thuộc tính của Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể trông đợi được thay đổi trở nên tốt hơn? Hãy xem danh sách dưới đây:

Bác ái: Chúa là Tình Yêu. Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần phải thể hiện tình yêu theo mọi cách có thể.

Hoan lạc: Hạnh phúc thật sự đến từ việc gần gũi với Chúa và sống cuộc sống của chúng ta theo cách của Ngài.

Bình an: Trong Cựu Ước, từ “bình an” được dịch với ý nghĩa rộng hơn: sự trọn vẹn, sự hoàn hảo và sự khoẻ mạnh toàn diện. Trong Tân Ước, “bình an” thường được nhắc đến như là sự yên bình nơi tâm hồn, một sự kết hợp với hy vọng, trông cậy, và thanh thản nơi tâm trí và tinh thần. Bình an đến từ đức tin, và đức tin đến từ Chúa qua việc đọc và tin vào Lời Chúa.

Nhẫn nại: Duy nhất một bản dịch tiếng Anh Kinh Thánh dịch từ này là “kiên nhẫn” - khả năng kiên trì một cách điềm tĩnh khi đối mặt với khó khăn. Chúng ta thường cần phải kiên nhẫn, hoặc với người khác hoặc trước những hoàn cảnh, và chúng ta cần phải làm như thế bằng tình yêu.

Nhân hậu: Nhân hậu là phải có bản tính ôn hoà và tử tế, có cách xử sự hoà nhã và danh giá, quan tâm, công bằng và cảm thông. Chúa Giêsu là một Đấng nhân hậu thật sự.

Từ tâm: Tự điển Kinh Thánh nói rằng từ tâm bao gồm: công chính, thánh thiện, công bằng, tử tế, khoan dung, nhân từ và yêu thương. Những định nghĩa khác bao gồm có đức tính chính trực và tiết hạnh, và có được tâm tính nhân hậu và tử tế. Một lần nữa, những điều này chính là đặc điểm của Chúa Giêsu. Nếu Thần Khí của Ngài ở trong chúng ta, thì những đặc tính ấy cũng phải nên là đặc điểm của chúng ta.

Trung tín: Một trong những định nghĩa về sự trung tín chính là đức tin không giao động. Một định nghĩa khác chính là tận tâm, có trách nhiệm và hết lòng với nhiệm vụ.

Hiền hoà: Tôi đặc biệt thích một định nghĩa về hiền hoà chính là “một thái độ khiêm tốn trước Chúa và hoà nhã với người khác, xuất phát từ việc nhận biết rằng Thiên Chúa điều khiển mọi sự”.

Tiết độ: Đây chính là khả năng kiểm soát hành vi của bạn, đặc biệt có liên quan đến những cách phản ứng và những sự bốc đồng.
 
Chúa Giêsu muốn truyền cho chúng ta những đặc tính ấy, để chúng thấm vào trong xương tuỷ của chúng ta. Nhờ thế, chúng ta sẽ thể hiện chúng trong cuộc sống, không chỉ vì lợi ích của bản thân chúng ta thông qua việc thay đổi bản chất và cải thiện tính tình, nhưng còn vì lợi ích của những người khác, những người mà Ngài muốn ban ơn và tác động đến thông qua tấm gương của chúng ta.

 

Tác giả bài viết: Nghi Ân

Nguồn tin: http://www.truyenthongconggiao.org

 Tags: như ngài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây