Giáo xứ Vinh Hương

Niềm vui của những người nghèo

Thứ hai - 17/12/2018 18:35
Chẳng ích gì để trang trí máng cỏ nếu chúng ta từ chối sứ điệp đầu tiên của Phúc Âm: Tình đoàn kết và yêu thương anh em chúng ta.



Những niềm vui của xơ Emmanuelle
Bài phỏng vấn của thầy phó tế Bertrand Révillion, Giám đốc điều hành tạp chí Panorama






Bertrand Révillion: Đứng trước bao nhiêu là cảnh nghèo khó và khốn cùng. Làm sao tin là Chúa không bỏ loài người?

Xơ Emmanuelle: Nhưng không phải Chúa tạo nên cái khốn cùng của loài người! Chính con người chịu trách nhiêm về cái khốn cùng này! Các xứ giàu không chịu chia sẻ với các xứ nghèo, mỗi người đều bảo vệ cho tư lợi của mình. Không phải Chúa muốn đàn ông, đàn bà, trẻ con suốt đời bươi đống rác để sống. Ngược lại, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu thương và chia sẻ với nhau… Vải sợi chiếc áo mình mặc, mình có trả đúng giá cho người nông dân Ai-Cập không? Chắc chắn là không! Một phần thịnh vượng của xứ giàu dựa trên sự khai thác các nước thứ ba. Phải hiểu điều đó và đấu tranh để làm giảm hố phân chia to lớn giữa nước giàu và nước nghèo. Chúng ta không thể nào mừng lễ Noel mà quên điều này. Chẳng ích gì để trang trí máng cỏ nếu chúng ta từ chối sứ điệp đầu tiên của Phúc Âm: Tình đoàn kết và yêu thương anh em chúng ta. Thánh Pháo-lô đã nói: “Điều quan trọng là đức tin được hành động bằng đức ái.”

Như vậy Thiên Chúa cần bàn tay chúng ta?

Chúa chỉ có bàn tay, năng lực lòng quảng đại của chúng ta để biến đổi thế giới này và để nhập thể. Đứng trước cái khốn cùng, chẳng ích gì để kêu: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” Phải xăng tay áo. Đức tin kitô nếu không hành động thì không trung thực với sứ điệp của Chúa Giêsu.

Cái đau khổ của những người nghèo không làm cho xơ nghi ngờ Chúa sao?

Không, bởi vì khi sống với những người bươi rác ở Ai-Cập, xơ tìm được một kho tàng mà không một xã hội giàu có nào ở phương Tây có thể mang lại: Niềm vui và tình huynh đệ. Xơ biết là lời khẳng định này có thể tạo tai tiếng, nhưng nếu con bỏ thì giờ ra để sống đích thực giữa người nghèo thì con sẽ khám phá, dù cho khốn khó, trong họ có một niềm vui mà niềm vui đó chỉ có thể đến từ Chúa.

Xơ Emmanuelle ngừng nói một lúc. Ánh mắt dịu dàng của xơ nhìn vào cây thập giá treo trên bức tường trắng treo trong phòng xơ. Một cây thập giá tuyệt đẹp làm bằng một khúc gỗ dùng rồi, với một sợi dây chuối và một sợi dây thép rỉ rét lượm trong đống rác ở Ai-Cập…

Đó là cây thập giá “vinh quang”. Giữa cái trần trụi của hài đồng ngày Giáng Sinh và trần trụi trên Thập Giá, mọi chuyện đã nói lên đủ… Đúng, đến với Chúa là làm phong phú cái nghèo khó. Ai muốn hiểu thì sẽ hiểu…

Niềm vui khiêm hạ

Bertrand Révillion: Làm sao đi đến khiêm hạ? Đập vỡ hình ảnh mình đặt ra cho mình và trong đó, mình khép kín lại, dửng dưng với đau khổ của người khác?

Xơ Emmanuelle: Xơ sẽ không nói “đập vỡ” nghe có vẽ dữ dằn quá. Xơ sẽ nói “buông xuống”, buông một cách nhè nhẹ làn da giả tạo như mình nhẹ nhàng bóc vỏ cam. Xơ, xơ đang bóc xong trái cam, xơ bóc làn da cuối. Xơ tìm ở đó cái gì? Ồ, không phải là một trái cây ngon ngọt. Nhưng là một trái cây khô! Xơ thấy một khoảng trống, gần như hư không…

Con không chắc con hiểu rõ.

Nó là đơn giản: khi mình đang còn năng động, đang làm việc, mình làm một trăm chuyện trong ngày, mình có cảm tưởng mình sống, mình tưởng mình có nhiều khả năng, mình còn có nguy cơ nghĩ rằng mình là tác giả của một vài loại thành công. Trước, xơ là “Xơ Emmanuelle”, xơ đi diễn thuyết, xơ viết những quyển sách bán chạy, người ta gọi điện thoại tới tấp đến xơ, đến gặp xơ, xơ… quan trọng, xơ sống! A, như vậy mới là sống! Lợi ích của lớn tuổi là mình không còn cái bản sắc giả tạo đó nữa. Bây giờ, xơ không có chuyện gì là to tát, xơ không còn là nhân vật quan trọng. Và tình trạng này không làm xơ buồn, ngược lại là đàng khác, nó làm cho xơ vui. Xơ không còn gì thì xơ có nhiều chỗ cho Chúa trong lòng xơ.

Phải chấp nhận “giảm xuống”, xóa mình đi để Chúa lớn mạnh trong lòng mình?

Xơ nghĩ công việc lớn của một đời là làm cho đời mình bớt đầy. Chúng ta đầy cả những chuyện của mình. Phải buông ra. Chúng ta bị cột chặt vào cách suy nghĩ, vào cách thấy. Chúng ta bị vướng.

“Xơ cảm thấy như ở trong sa mạc. Nhưng chính trong sa mạc là nơi Chúa nói và cải hóa tâm hồn con người…”

Rất hiếm người thực sự tự do. Không phải đơn giản để thoát khỏi ràng buộc của chính mình. Phải để rơi từng lớp vỏ cam, từng lớp một, và phải buông, buông, buông hoài. Đến một ngày, có một cái gì đó rất tinh tế, rất mong manh. Chưa bao giờ xơ cảm thấy nghèo hèn như vậy. Xơ Emmanuelle khốn khổ này, một mình trong sa mạc (dù lúc nào cũng có nhiều người chung quanh). Xơ cảm thấy như ở trong sa mạc. Nhưng chính trong sa mạc là nơi Chúa nói và cải hóa tâm hồn con người. Vậy thì xơ không buồn. Xơ hạnh phúc, rất hạnh phúc! Xơ không tưởng tượng Chúa thương xơ nhiều như vậy, Chúa thương mỗi người trong chúng ta. Con có thấy không? Thật không tưởng tượng được: Chúa thương mình vô cùng, với một tình thương dịu dàng vô tận, dù mình như thế nào đi nữa. Người phàm như mình, mình chỉ thích thương và ưu tiên thương, độc quyền thương những người thương mình. Còn Chúa yêu tất cả mọi người, từng người, không tính toán, không biết là có được thương trở lại hay không. Chúa thương không điều kiện, bắt đầu bằng những người ít “dễ thương” nhất.

Sống…

… Là thở cùng với Chúa! Xơ thở ra với Chúa, thở vào với Chúa. Đôi khi… (Thinh lặng. Ánh nhìn tinh nghịch và xơ Emmanuelle không thể nào không nói đùa ngay) Xơ thú nhận, đôi khi, xơ cũng “toát mồ hôi” vì xơ cứng đầu lắm!

Yêu…

… Không bao giờ con người yêu cho đủ. Chỉ có một mình Chúa là yêu trọn vẹn vì Chúa là tình thương. Lòng thương xót của Chúa vô tận. Quả tim của Chúa vén cho chúng ta thấy cái khốn cùng của chúng ta. Xơ không biết để ra trọn cuộc đời có đủ để học yêu thương không. Xơ không biết là mình có thể “học” thương được. Mình chỉ có thể buông cho tình yêu, bỏ cho tình yêu. Buông bỏ, giữa cơn sóng gió, dám để Chúa Kitô chèo con thuyền đời của chúng ta.

 

Tác giả bài viết: Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây