Giáo xứ Vinh Hương

5 Phút Cho Lời Chúa tháng 01 - 2017

Thứ bảy - 31/12/2016 18:07

Ý cầu nguyện: Cầu cho mọi kitô hữu trung thành với giáo huấn của Chúa, biết sống đời cầu nguyện và bác ái huynh đệ để tái lập sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội, bằng cách cộng tác để đáp trả lại các thách đố hiện nay của nhân loại.

[Mục Lục]

Chúa Nhật Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu Thứ Bảy
01 02 03 04 05 06 07
08 09 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 31        

01/01/17 CHÚA NHẬT TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa     Lc 2,16-21
 
VUI MỪNG VÀ CẢM TẠ
 
“Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16)
 
Suy niệm: Từ thế kỷ thứ ba, các tín hữu đã tôn danh Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa. Mặc dù bấy giờ có nhiều phản đối từ các lạc giáo, nhưng các tín hữu vẫn hiểu rõ việc tuyên xưng này không do trí óc loài người suy luận, mà là do sự thật Ngôi Hai xuống thế làm người trong lòng Mẹ Ma-ri-a. Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người là bảo chứng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Các mục đồng chứng kiến Chúa Giê-su nằm trong máng cỏ, bên cạnh có Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, tai họ nghe tiếng thiên thần ca tụng, họ mau mắn tin vững chắc, Hài Nhi là Thiên Chúa làm người. Nơi Mẹ Ma-ri-a còn hơn thế, vì Mẹ mang lấy Ngôi Hai trong lòng Mẹ. Mẹ cảm nghiệm trong từng thớ thịt mình sự hiện diện của Đấng cao cả và Mẹ nhận ra ân sủng được làm Mẹ Thiên Chúa. Mầu nhiệm và tước hiệu này được Mẹ đón nhận với lòng cảm tạ, ràng buộc cuộc đời mình vào thánh ý Thiên Chúa. Nếu có ai bảo rằng ràng buộc như thế là nô lệ, thì họ chưa hiểu gì về tình yêu của Mẹ đối với Chúa. Thi hào Tagore đã nói: “Trong tình yêu, nô lệ và giải phóng không tương khắc, vì tình yêu vừa tự do nhất, vừa ràng buộc nhất.” Vì vậy, sự tuân hành thánh ý Chúa nơi Mẹ là một thúc bách của tình yêu như thánh Phao-lô đã trải qua: “Tình yêu Chúa thúc bách tôi” (2Cr 5,14).
 
Mời Bạn: Một năm mới lại đến. Bạn được bảo đảm có Chúa ở cùng trong những ngày tháng tới. Bạn đã cảm tạ ơn Chúa và theo gương Mẹ quyết sống  năm mới theo lời Chúa dạy chưa?
 
Sống Lời Chúa: Dâng một quyết tâm lên Chúa cho năm mới này.
 
Cầu nguyện: Hát “Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh…”[Mục Lục]

 
02/01/17 THỨ HAI TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Th. Ba-xi-li-ô Cả, giám mục, tiến sĩ HT Ga 1,19-28
 
HẠNH PHÚC QUANH TA
 
“Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” (Ga 1,26)
 
Suy niệm: Trên xe buýt ở Thụy Điển,  anh lính Mỹ ba hoa: “Nước Mỹ là nước dân chủ nhất thế giới, người dân có thể tới Toà Nhà Trắng và bàn luận công việc với tổng thống”. Một người đáp lại: “Ăn thua gì, ở nước tôi, người dân và nhà vua cùng đi trên xe buýt và nói chuyện với nhau”. Khi ông xuống khỏi xe, những hành khách khác cho anh  biết đó chính là vua Adolf VI. Anh lính nước ngoài không biết vua Thụy Điển, còn người dân biết, là chuyện bình thường. Đang khi ấy Vua của trời đất đang hiện diện giữa dân mình, nhưng mấy ai nhận ra, bởi vì Ngài không oai phong lẫm liệt từ trời xuống, nhưng lặng lẽ nhập thể làm người nơi cung lòng một thôn nữ, sinh ra trong một hang đá tăm tối, nôi nằm là máng ăn hôi hám của chiên bò, âm thầm lớn lên ở làng bé nhỏ Na-da-rét. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đi đến mút cùng của thân phận làm người, để bày tỏ lòng yêu thương.
 
Mời Bạn: “Đừng dùng cân tiểu ly để cân đo hạnh phúc, nếu dùng cái cân thường, bạn sẽ thấy hài lòng” (Ngạn ngữ Đức). Hạnh phúc ở quanh bạn, nơi gia đình bạn sinh sống, trong công việc bạn làm, nơi người bạn gặp gỡ. Hạnh phúc ở trong bạn, khi Thiên Chúa hiện diện và chúc lành cho bạn qua từng giây phút.
 
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời qua việc dâng lên Chúa một lời cầu nguyện ngắn bắt đầu ngày sống và vào cuối ngày.
 
Cầu nguyện: Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện, để con khỏi quên Chúa. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Amen.   (cha Piô)[Mục Lục]

 
03/01/17 THỨ BA TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Danh Thánh Chúa Giê-su            Ga 1,29-34
 
ĐÂY LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA
 
Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
 
Suy niệm: Sứ vụ của Đức Giê-su được khai mạc một cách rất đơn sơ: Người đến với Gio-an bên bờ sông, và được giới thiệu “Đây là Chiên Thiên Chúa…” Không có lễ nghi ‘sai đi’ rầm rộ, hoành tráng như ta thường thấy ngày nay. “Đây Chiên Thiên Chúa…” là lời giới thiệu quá quen thuộc, vì ta vẫn lặp lại mỗi ngày, đến nỗi ta dễ quên cái hàm ý chất chứa cả vận mạng Đức Giê-su trong mấy tiếng này. Như con chiên Vượt Qua đã bị sát tế để mở màn cuộc giải phóng toàn dân Ít-ra-en, Đức Giê-su cũng sẽ đảm nhận cùng một sứ mạng ấy. Người sẽ bị sát tế. Sứ vụ của Người sẽ dẫn đến cái chết trong đó Người trao hiến chính mình. Và như vậy, ngay trên bờ sông Gio-đan hôm nay đã thấy thoáng hiện ra cây thập giá ở chân trời!
 
Mời Bạn: Cũng như Thầy, không có sứ vụ nào của người môn đệ mà không bao hàm thập giá. Chúng ta cần tích cực đón nhận một số hy sinh, bỏ mình nho nhỏ nhưng cần thiết hằng ngày, để làm quen dần với con đường thập giá của Thầy.
 
Chia sẻ: Theo bạn, trong xã hội đậm tính tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, chứng tá hy sinh và bỏ mình có còn giá trị và sức thuyết phục của nó không?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi khi chúng ta ăn ‘Chiên Thiên Chúa’, chúng ta cũng được nhắc nhở trở thành tấm bánh để được bẻ ra và được ăn bởi bao anh chị em đang đói cồn cào hôm nay.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa đã trả giá bằng cái chết để mưu cầu sự sống cho con, xin cho con biết chấp nhận chết đi mỗi ngày, để phục vụ anh chị em mình. Amen.[Mục Lục]

 
04/01/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
                                                          Ga 1,35-42
 
NHỮNG NHỊP CẦU
 
Ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1,36)
 
Suy niệm: Nếu ngôi sao lạ trên trời chỉ đường cho các đạo sĩ phương đông, thì Gio-an Tẩy Giả là nhịp cầu dưới đất nối kết các môn đệ mình với Đấng Thiên Sai. Rồi như một hiệu ứng dây chuyền, An-rê và Phi-líp-phê lại trở thành nhịp cầu đưa dẫn những người khác nữa đến với Đấng mà họ đã gặp. Và cứ thế sự việc tiếp diễn cho đến hôm nay. Vai trò của người môn đệ Đức Giê-su là làm chứng về Thầy mình, để làm cho những người khác nữa cũng trở thành môn đệ (x. Mt 28,19). Những nhịp cầu, chứ không phải những bức tường, là biểu tượng của sứ mạng Giáo Hội.
 
Mời Bạn: Đến phiên mình hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những nhịp cầu giúp anh chị em mình gặp gỡ Đức Giê-su. Đây là bản chất của Giáo Hội, của ơn gọi Ki-tô hữu. Ngày nào Giáo Hội không còn quan tâm đến sứ mạng loan báo Đức Ki-tô thì ngày đó Giáo Hội không còn là Giáo Hội nữa! Và lịch sử cho thấy bao giờ việc loan báo Đức Ki-tô cũng kèm theo những cái giá phải trả. Chứng nhân, ngay từ đầu, đã là những người tuẫn đạo (martyrs).
 
Chia sẻ: Theo bạn, ngày hôm nay chúng ta có thể làm những gì để đóng vai trò nhịp cầu đưa dẫn anh chị em mình đến với Đức Giê-su? Bạn hãy chỉ ra một vài gương chứng nhân của thời đại hôm nay.
 
Sống Lời Chúa: Hôm nay khi gặp gỡ tiếp xúc với người khác, tôi đặc biệt ý thức mình là một nhịp cầu.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin đốt lên trong con ngọn lửa nhiệt tình làm chứng cho Chúa, và xin cho con sẵn sàng đón nhận những phiền toái xảy ra trong đời sứ mạng của mình. Amen.[Mục Lục]

 
05/01/17 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
                                                          Ga 1,43-51
 
NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT
 
Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” (Ga 1,45)
 
Suy niệm: Vua xe hơi Henry Ford nhận định: “Người bạn tốt nhất của tôi là người khơi dậy những điều tốt nhất trong tôi.” Phi-líp-phê quả là người đứng hàng đầu trong số những bạn như thế: Ngay khi vừa được Chúa Giê-su kêu gọi Phi-líp-phê đã nhanh chóng chạy đến nói với bạn. Ông muốn trao cho bạn món quà quý giá nhất mà ông vừa có. Rồi khi bạn chần chừ, ông đã mời bạn đến với Chúa Giê-su. Na-tha-na-en đã đến, và đã gặp Chúa Giê-su; và nhờ cuộc gặp gỡ đó, Na-tha-na-en được mở rộng tầm nhìn để thấy được những mầu nhiệm cao cả. Hai người bạn cùng trở thành môn đệ của Chúa, cùng chia sẻ sứ mạng tông đồ, tiếp tục dẫn dắt người khác đến với Đấng Ki-tô.
 
Mời Bạn: Xưa cũng như nay, tình bạn là tình cảm cao quý nhất và là tài sản vô giá của con người. Tình bạn càng linh thiêng hơn khi nó dẫn tới tình bạn với Thiên Chúa. Thân phận con người hèn mọn, tội lỗi dám đâu mơ tưởng cao xa. Nhưng chính Chúa Giê-su khi giáng sinh làm người đã mở đường cho chúng ta đến với tình bạn đó. Mời bạn nhìn ngắm Con Thiên Chúa đến làm bạn với con người nơi hang đá bé nhỏ để cảm nghiệm sâu xa tình bạn với Thiên Chúa và nhờ đó được lớn lên trong tình người.
 
Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm Chúa Hài Nhi nơi hang đá và cầu nguyện cho một người bạn lương dân của mình.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa cho con nhiều lắm song con cứ lo lắng mãi thôi. Xin thúc đẩy con đến bên Chúa, lắng nghe và sống Lời Ngài.[Mục Lục]

 
06/01/17 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
                                                            Mc 1,7-11
 
KHIÊM HẠ ĐỂ NHẬN RA CHÚA
 
“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7)
 
Suy niệm: Mầu nhiệm Nhập thể là mầu nhiệm của khiêm hạ. Quả thật, chính là khiêm hạ mà Con Thiên Chúa “hoàn toàn trút bỏ vinh quang… trở nên giống hẳn phàm nhân” khi sinh ra khung cảnh hang đá như người nghèo nhất trong những người nghèo (x. Pl 2,6-7). Hôm nay, khi xin chịu phép rửa của Gio-an, Đấng Cứu Thế còn khiêm hạ đến mức chấp nhận thân phận tội nhân để gánh lấy tội lỗi của muôn người. Chính vì Ngài khiêm hạ sâu thẳm như thế, con người chúng ta nếu muốn nhận ra Ngài cũng phải tự hạ đúng tại nơi mà Ngài khiêm hạ. Gio-an Tẩy giả đã tự hạ như thế khi ông nói: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”; nhờ đó ông đã nhận ra Ngài và giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
 
Mời Bạn: Để nhận ra Con Thiên Chúa và đón nhận hồng ân cứu độ, trước hết, phải trở nên khiêm hạ, phải nhận biết mình nhỏ bé và tội lỗi cần được Ngài cứu độ. Bạn và tôi có cảm nghiệm Chúa Giê-su làm người và ở với chúng ta cách sống động trong từng ngày sống chưa? Chúng ta hãy noi theo cách thế của Gio-an Tẩy giả, ông đã nhận thấy nơi Chúa là Đấng trổi vượt, ông không đáng cởi quai dép cho Người.
 
Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ bé và kín đáo để phục vụ anh chị em trong tinh thần khiêm hạ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã từ trời “cúi xuống” làm người để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết kính trọng phẩm giá của anh chị em, và biết “cúi xuống” phục vụ họ như Chúa đã dạy và nêu gương cho chúng con.[Mục Lục]

 
07/01/17 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Th. Rây-mun-đô, linh mục            Ga 2,1-11
 
CỨ VIỆC LÀM THEO
 
Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,4-5)
 
Suy niệm: Với kinh nghiệm đức tin và nền suy tư sâu xa của Hội Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư Mục Vụ năm 2005 đã khuyên các tín hữu luôn nhớ lời Mẹ Ma-ri-a căn dặn “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” để sống đức tin. Bởi đây là kinh nghiệm của Mẹ trên hành trình đức tin. Vào ngày Truyền Tin, Mẹ đã nêu gương “cứ việc làm theo” dù không biết sự việc sẽ như thế nào, hậu quả sẽ ra sao, Mẹ đã tin vào Chúa Giê-su trước khi thấy Người. Càng “suy đi nghĩ lại” những việc Chúa đã làm, Mẹ khám phá bàn tay Chúa dẫn đưa hơn là nhận ra những việc Chúa sẽ thực hiện. Hôm nay, trong tiệc cưới Ca-na, Mẹ lại là người đi tiên phong trong niềm tin vào Chúa Giê-su. Bởi, trước đó, Chúa Giê-su chưa hề làm một phép lạ nào, dù ở Na-da-rét hay một nơi nào khác, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của đôi tân hôn, Mẹ trình bày ưu tư của mình với Chúa và chờ đợi với hết niềm tin tưởng, dù Giờ của Chúa Giê-su chưa đến vẫn là thách thức cho niềm tin. Kinh nghiệm đầy khôn ngoan trong đức tin của Mẹ là “Người bảo gì, cứ việc làm theo”.
 
Mời Bạn: Chúng ta có thói quen chờ đợi Chúa thực hiện như ý mình xin. Làm sao bạn và tôi hiểu được những điều Chúa làm, phải không bạn? Đức tin đòi hỏi chúng ta luôn tín thác vào Chúa dù không hiểu được việc Ngài làm.
 
Sống Lời Chúa: Nói với Chúa niềm tin của bạn.
 
Cầu nguyện: Xin Mẹ dạy con biết sống tín thác như Mẹ, để con khơi dậy được lòng tin vào Chúa nơi anh chị em con.[Mục Lục]

 
08/1/17 CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH – A
                                                            Mt 2,1-12
 
ĐỂ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ
 
“Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2,2)
 
Suy niệm: Lễ Hiển Linh là ngày Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại, mà các nhà đạo sĩ là đại diện. Thiên Chúa muốn cho mọi dân tộc nhận biết Ngài để được hưởng ơn cứu độ. Ngay từ Cựu Ước, Ngài đã chọn Áp-ra-ham tham gia vào chương trình ấy khi nói với ông: “nhờ ngươi mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Và trong suốt lịch sử, Thiên Chúa sai các tiên tri và Hội Thánh hôm nay đi loan báo ý định nhân lành ấy. Biến cố Thiên Chúa làm người là cao điểm trọn vẹn bày tỏ ý định của Ngài muốn cứu độ mọi dân tộc, điều đó có nghĩa là từ nay không một ai không có khả năng gặp gỡ Chúa. Michel Quoist tự nhủ: cuộc đời cả triệu sinh linh thì không thể không có ý nghĩa gì. Huống hồ trong cái nhìn của Thiên Chúa về con người, tất cả đều là con cái Ngài và Ngài là Thiên Chúa của họ. Có người đã gọi việc Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ là “giấc mơ của Thiên Chúa” (Edgar Javier), nhưng giấc mơ ấy chưa thành tựu nơi lòng nhiều người nếu hôm nay vẫn thiếu những tín hữu truyền giáo và thiếu những người mở lòng đón nhận Chúa Giê-su.
 
Mời Bạn: Ngôi sao lạ trở nên dấu chỉ dẫn đường cho các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, còn các bạn thì sao? Là người trẻ, các bạn có chú tâm dẫn đưa bạn của mình tin yêu Chúa Giê-su để được cứu độ không?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một lời nói hoặc một việc làm để giới thiệu Chúa cho tha nhân.
 
Cầu nguyện: Khi thấy bao người chưa biết Chúa, xin Chúa cho con thấy rõ ơn gọi truyền giáo của con hơn.[Mục Lục]

 
09/01/17    THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Chúa Giê-su chịu phép rửa         Mt 3,13-17
 
LẤY CHI ĐÁP ĐỀN TÌNH CHÚA
 
“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Chúa Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3,14-15)
 
Suy niệm: Khi làm phép rửa cho Chúa Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả đã ý thức rõ vị trí của mình là người cần được Chúa gột rửa tâm hồn. Tuy nhiên, Chúa cho Gio-an Tẩy Giả và mọi người biết rõ hơn, Ngài còn là Đấng sẵn sàng đứng giữa các tội nhân để dùng lời của Ngài gỡ những chiếc mặt nạ tâm hồn của mọi người xuống mà thống hối đón nhận Ngài, Con Yêu Dấu của Chúa Cha. Chúa Giê-su là Con của Chúa Cha theo bản tính, còn mỗi chúng ta được nâng lên làm con Thiên Chúa nhờ ân sủng được ban. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta không chỉ là tạo vật của Thiên Chúa, mà còn là con của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ là Tạo Hóa, mà còn là Cha nhân lành của chúng ta nữa. Ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta là thế, nhưng một nhà tu đức vạch rõ sự vô ơn của chúng ta như sau: Thật đáng tiếc, nhiều Ki-tô hữu không lưu tâm đến ngày họ được rửa tội. Người ta mừng sinh nhật, ngày cưới, ngày khấn dòng, ngày chịu chức, nhưng không ai mừng kỷ niệm ngày được rửa tội!
 
Mời Bạn: Bạn cố nhớ lại ngày được rửa tội, ngày được Chúa Ba Ngôi đổ tràn sự sống cứu độ, được nên một với Chúa Giê-su và ở trong Hội Thánh.
 
Sống Lời Chúa: Dành ít phút cảm ơn Chúa vì bạn được làm con Chúa.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu con lên khỏi những vướng bận hằng ngày, dành thì giờ với Chúa nhiều hơn, vì muốn dành riêng con cho Chúa. Chúa đã nâng con lên khỏi mọi vướng bận, bồng ẵm con vào lòng và chỉ muốn con tung chạy trong tình yêu Chúa mà thôi.[Mục Lục]

 
10/01/17                       THỨ BA TUẦN 1 TN
                                                         Mc 1,21-28
 
ĐỂ LỜI CÓ UY QUYỀN
 
Chúa Giê-su vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,21-22)
 
Suy niệm: Nguyễn Trãi đã nói: “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi.” Những giá trị tầm thường như cỏ rác nhiều khi có ưu thế lấn át những giá trị cao cả. Thế giới hôm nay đầy dẫy cỏ rác. Nhưng muốn có vườn hoa đẹp, cần phải diệt cỏ. Những lời giảng dạy của các kinh sư và biệt phái không thể làm nên một thế giới đẹp và hạnh phúc, vì thiếu những việc làm đi kèm. Chúa Giê-su từng vạch cho thấy, “họ nói mà họ không làm” (Mt 23,3). Còn nơi Chúa Giê-su, lời giảng dạy của Ngài rất uy quyền, vì lời rao giảng ấy luôn đi kèm với lối sống gương mẫu của Ngài. Uy quyền nơi Ngài diễn tả trong việc khiêm tốn cúi xuống phục vụ, trong việc hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, trong việc chữa lành và dẫn đưa con người đến thiện ích đích thực. Quyền uy nơi lời rao giảng của Ngài còn diễn tả đến cao độ khi hiến mạng sống của mình. Nói cách khác, lời rao giảng uy quyền của Chúa nhằm đưa các giá trị trường cửu trở về ưu thế và đưa con người bị lấm cỏ rác trở về với hương hoa thiên đường.
 
Mời Bạn: Tại sao các tín hữu ngày nay ngần ngại loan báo Tin Mừng? Phải chăng vì nơi nhiều tín hữu đang có mối lo sợ phải sống trước những lời của mình rao giảng? Bạn thì sao?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc để thực hành theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho con tham dự vào lời uy quyền của Chúa, nhờ đó, những lời con loan truyền, con yêu thích sống theo và vui tươi chia sẻ cho mọi người.[Mục Lục]

 
11/01/17                       THỨ TƯ TUẦN 1 TN
                                                         Mc 1,29-39
 
PHƯƠNG DƯỢC HỮU HIỆU
 
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1,35)
 
Suy niệm: Cuộc hội thảo của Hiệp Hội Các Y Sĩ Bác Sĩ Công Giáo tại Mi-Lan, I-ta-li-a, ngày 18 tháng 11 năm 2006 đã đúc kết: “Cầu nguyện là một phương thuốc thần diệu cho tâm linh và thể xác của con người”. Trong bài phát biểu bế mạc cuộc hội thảo, các y bác sĩ Công Giáo đã được ca ngợi “là những người nhiệt tình phục vụ, và đã biết nhìn sâu vào nhu cầu cần thiết của sức khoẻ tâm linh cũng như toàn thể sinh hoạt của con người để tìm ra phương dược hữu hiệu nhất giúp trị liệu các bệnh nhân”. Họ chính là hình ảnh của Đức Giê-su, vị y sĩ siêu phàm, biết tìm thánh ý Thiên Chúa trong việc chữa bệnh nhân, cũng như biết lấy sự cầu nguyện làm khởi điểm và động lực cho mọi hoạt động.
Mời Bạn chiêm ngắm Chúa Giê-su sau một ngày tất bật, “từ sáng sớm, đã ra nơi hoang vắng, cầu nguyện tại đó.” Và mời bạn học kinh nghiệm của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình.”
 
Chia sẻ: Bạn có phải là người để cho đủ thứ sự việc trong ngày chiếm đoạt, đến nỗi không có lấy một chút thời gian định tâm cầu nguyện?
 
Sống Lời Chúa: Lắng nghe lời Chúa, nguyện ngắm, cầu nguyện giúp ta suy nghĩ các phần việc của ta, để ta chu toàn các việc ấy tốt đẹp hơn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con nghệ thuật dùng những lúc nghỉ ngơi đôi ba phút, trở lại tiếp xúc với lòng mình, lắng nghe tiếng Chúa và từ đó rút ra nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng dũng cảm mới. Amen.[Mục Lục]

 
12/01/17                   THỨ NĂM TUẦN 1 TN
                                                         Mc 1,40-45
 
VƯỢT QUA NHỮNG RÀO CẢN
 
Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc1,41)
 
Suy niệm: Theo quan niệm của Cựu Ước, bệnh phong cùi không những là một bệnh truyền nhiễm đáng sợ mà còn được xem như là hình phạt của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Ai đụng vào người phong cùi sẽ mắc ô uế. Vì thế người phong cùi bị loại khỏi mọi sinh hoạt của cộng đồng xã hội lẫn tôn giáo. Cho nên việc chữa lành bệnh phong cùi có thể được xem như là cho một người chết sống lại. Phép lạ đó vừa chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa vừa minh chứng Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để yêu thương, tha thứ, để cứu vớt và để chữa lành. Ngài đã vượt qua những hàng rào cấm kỵ để đem Tin Mừng tình yêu đến với những người tội lỗi, những người thấp cổ bé miệng, những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái bấy giờ. Ngài mời gọi tất cả những ai theo Ngài cũng hãy làm như vậy.
 
Mời Bạn: Can đảm vượt qua những bức tường được dựng lên để phân chia giàu nghèo, màu da, chủng tộc, tội lỗi, thánh thiện để đến với anh chị em, để yêu thương, nâng đỡ và cứu vớt họ.
 
Chia sẻ: Ngày nay người ta có xu hướng ‘đèn nhà ai nấy sáng’. Vậy người Kitô hữu chúng ta phải làm gì?
 
Sống Lời Chúa: Bạn hãy đến thăm và chuyện trò với những người đang bị những chứng bệnh nan y. Nhất là những người bị HIV trong giai đoạn cuối. Bạn có thể làm được điều đó không?
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đến để yêu thương và cứu vớt chúng con. Xin cho chúng con không ngừng cảm tạ Chúa và biết sống quên mình cho anh chị em. Amen.[Mục Lục]

 
13/01/16                     THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT Mc 2,1-12
 
CAN ĐẢM TỪ BỎ VÀ ĐỔI MỚI
 
Chúa Giê-su nói với người bại liệt: “Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” (Mc 2,11)
 
Suy niệm: Dù muốn hay không, cuộc sống người bại liệt này từ lâu nay bị trói chặt vào chiếc chõng này. Nó trở thành vật bất ly thân của anh. Chúa Giê-su thấy rõ sự bất lực của anh. Ngài tha tội cho anh và truyền lệnh: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” Ngài muốn anh được ơn tha thứ đồng thời cũng phải ra khỏi thế giới cái chõng nhỏ bé tù túng kia để bắt đầu một cuộc sống mới. Khi vác chõng bước đi, anh thực sự đổi đời và làm cho người khác nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tôn vinh Ngài.
 
Mời Bạn: Chúng ta rất dễ bị tê liệt trong đời sống thiêng liêng hay trong việc tông đồ vì những cố tật hay định kiến; chúng như cái chõng không cho ta tự do đến với Thiên Chúa và tha nhân. ĐTC Phan-xi-cô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).
 
Sống Lời Chúa: Khi ai đó phê bình góp ý tôi, tôi lắng nghe và bình tâm suy xét, chứ không vội chống chế biện minh.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con vững bước trong đêm trăng mờ ảo hay ngày sáng rạng ngời. Xin dạy con nhìn phía trước, đừng lầm lẫn những gì của ngày mai với những gì của ngày hôm qua. Xin dạy con cùng với Ngài làm nên ngày mới… Xin dạy con trước những vách ngăn, biết mở toang chúng ra để chúng trở thành cánh cổng của một lộ trình mới. (ĐHY Etchegaray)[Mục Lục]

 
14/01/17                                          THỨ BẢY TUẦN 1 TN
                                                                           Mc 2,13-17
 
ĐẾN ĐỂ KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI
 
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)
 
Suy niệm: Đức Ki-tô được sai đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi. Ngài là Đấng Thánh, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Ngài đến để kêu gọi. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Hội Thánh và mỗi người chúng ta, cũng được Ngài sai đến để kêu gọi: sống và làm chứng cho muôn dân về Ơn Cứu Độ. Trước tiên là sống Ơn Cứu Độ cho chính mình, nghĩa là phải ý thức mình là người tội lỗi và cần được cứu độ; sau là làm chứng về chương trình này của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.
 
Mời Bạn: Chắc chắn rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần ta đã chọn thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nhìn nhận mình là người tội lỗi, đó là điều kiện tiên quyết. Trong phần sám hối Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Bạn có ý thức điều đó không? Chỉ có người tội lỗi đích thực, mới cầu xin ơn tha thứ; và khi được thứ tha, tâm hồn mới bình an và cuộc sống mới đổi thay. Ngược lại, hình thức máy móc đó sẽ dẫn đến tình trạng “vẫn như cũ”.
 
Chia sẻ: Có nhiều người nhận định: một số khá đông người Công giáo Việt Nam sống đạo hình thức và thói quen: nhiều lễ hội, xây dựng hoành tráng nhưng ít giáo lý và thiếu sống Lời Chúa. Bạn nghĩ sao? Làm thế nào để sửa đổi tình trạng này?
 
Sống Lời Chúa: Trong năm 2017 này, gia đình tôi quyết tâm đọc kinh tối và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay Chúa cũng đến gọi đích danh con và đang đứng chờ con. Xin giơ tay cứu vớt tâm hồn con đang ngập tràn tội lỗi.[Mục Lục]

 
15/01/17       CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – A
                                                          Ga 1,29-34
 
GÁNH TỘI ĐỀN THAY
 
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
 
Suy niệm: Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma dùng những con vật một người chọn theo thứ tự ưu tiên, để qua đó biết được bậc thang giá trị của người ấy trong cuộc đời. Các con vật tiêu biểu là cừu tượng trưng tình yêu; bò: công việc; cọp: tham vọng; heo: tiền tài; ngựa: gia đình. Con Chiên (Cừu) Thiên Chúa không chỉ là biểu tượng tình yêu chung chung, nhưng là tình yêu cho đến tận cùng, không có giới hạn, yêu đến độ gánh thay và xoá sạch tội lỗi của cả trần gian. Chúa Giê-su, Chiên Thiên Chúa đã thực hiện công cuộc gánh thay và xoá tội ấy không bằng phô truơng sức mạnh quyền năng, nhưng bằng tâm tình hiền lành khiêm tốn, bằng việc hy sinh chính thân mình trên cây thập giá. Thánh Gio-an nêu rõ: giờ chết của Chiên Thiên Chúa chính là giờ sát tế chiên chiều áp lễ Vượt Qua (Ga 19,31).
 
Mời Bạn: “Những tình cảm đẹp nhất là những tình cảm trong đó không có chỗ cho cái tôi” (L.Cordière). Chiên Thiên Chúa gánh thay và xóa tội trần gian cách vô cầu, chỉ mong con người được hạnh phúc. Noi gương Ngài, người Ki-tô hữu cũng phải thanh lọc quả tim cho trong sáng, sống tinh thần vô vị lợi trong các mối quan hệ hằng ngày.
 
Chia sẻ: Chiên Thiên Chúa có là động lực thúc đẩy tôi sống tinh thần hy sinh quên mình cho người lân cận không?
 
Sống Lời Chúa: Nhớ đến lòng hy sinh quên mình của Chúa Giê-su khi đọc lời “Đây Chiên Thiên Chúa…” trong thánh lễ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa là Chiên Thiên Chúa, gánh thay và xoá bỏ tội chúng con. Xin giúp chúng con ghi nhớ và sống xứng đáng với lòng yêu thương quên mình đó của Chúa.[Mục Lục]

 
16/01/17                     THỨ HAI TUẦN 2 TN
                                                         Mc 2,18-22
 
TẠI SAO KHÔNG ĂN CHAY?
 
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,19)
 
Suy niệm: Hầu như trong tôn giáo nào việc ăn chay cũng được coi trọng. Hồi giáo qui định chay tịnh suốt tháng Ramadan, và coi đó như phương thế tuyệt hảo để nhận thức Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt. Các Phật tử sùng đạo ăn chay trường, không chỉ trong việc ăn uống mà còn bao gồm cả việc tiết dục, nhằm chế ngự thân xác để tâm hồn thanh thản hầu thoát khỏi cõi trần tục luỵ. Phụng vụ Do Thái giáo buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội;[1] những người đạo đức còn ăn chay nhiều hơn, có khi một tuần hai lần (Lc 18,12). Những người thắc mắc tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không ăn chay như các môn đệ của Gio-an Tẩy giả hoặc những người Pharisêu là bởi vì:  
1.      họ chỉ nghĩ đến chay tịnh như việc làm vụ hình thức mà quên mất tinh thần của nó là đặt mình khiêm hạ trước nhan Thiên Chúa và tha thiết xin được kết mối liên hệ mật thiết với Ngài;
2.      họ đã không nhận ra Đức Giê-su chính là vị Thiên Chúa họ khao khát mong chờ mà nay đang hiện diện ở giữa họ.
 
Mời Bạn: Ngày nay người ta thường coi nhẹ việc chay tịnh hoặc có giữ chay nhưng vì một lý do thuần tuý tự nhiên (để giảm béo chẳng hạn…). Chúa Ki-tô dạy chúng ta chay tịnh hay không chay tịnh đều chỉ vì một mục đích duy nhất là để được kết hợp mật thiết hơn trong tình thân với Ngài.
 
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh kín đáo để tỏ lòng yêu mến Chúa.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không đòi hy lễ cao siêu nhưng đã kêu gọi con để con thuộc trọn về Chúa. Con xin thưa này con xin đến để làm theo ý Chúa.[Mục Lục]

 
17/01/17                       THỨ BA TUẦN 2 TN
Th. An-tôn, viện phụ                    Mc 2,23-28
 
GIỮ LUẬT VÌ YÊU MẾN
 
“Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)
 
Suy niệm: Kể từ ngày 15/12/2007, đội mũ bảo hiểm đã thành luật cho người đi xe gắn máy ở nước ta. Các phương tiện truyền thông cố gắng làm cho người dân thấy rõ lợi ích của việc đội chiếc mũ rầy rà đó để họ chấp hành tự nguyện chứ không coi đó chỉ là chuyện ‘đối phó,’ tránh né công an. Luật lệ rất cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội. Ai cũng phải phải tuân thủ luật pháp chính đáng. Các môn đệ bứt bông lúa mà bị người Pha-ri-siêu phóng to lên thành gặt lúa, lỗi luật ngày sa-bat. Nếu câu nệ luật pháp hay áp đặt những luật lệ phi lý thì luật pháp không còn ý nghĩa. Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc có giá trị cho mọi thứ lề luật: ngày sa-bát lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.
Mời Bạn: Trong Hội Thánh cũng có luật lệ, giới răn. Ki-tô hữu sống đạo chân chính sẽ giữ luật trong tâm tình mến Chúa yêu người là nền tảng của mọi lề luật. Cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng, lắm lúc người con Chúa không biết phải cư xử thế nào cho đúng luật. Những khi đó họ sẽ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và khiêm tốn bàn hỏi với các vị hữu trách khôn ngoan để biết cách hành xử đúng đắn.
 
Chia sẻ: Trong cộng đoàn của chúng tôi, có những luật lệ, cách ứng xử tạo nên kỳ thị, bất công không?
 
Sống Lời Chúa: Xin ơn biết giữ luật trong tình yêu mến Chúa để tôi không khô cằn xơ cứng, nhưng luôn bén nhạy, sẵn sàng có những thích nghi cần thiết.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa. Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài… Vì Chúa là Đấng ngày đêm con đợi trông.[Mục Lục]

 
18/01/17                       THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất Mc 3,1-6
 
NGÀY SA-BÁT, LÀM VIỆC LÀNH
 
Đức Giê-su bảo người bị bại tay: “Anh chỗi dậy, ra giữa đây.” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
 
Suy niệm: Để đón nhận và sống sứ điệp Tin Mừng, cần biết nhìn và có một tấm lòng. Khi gọi người bị bại tay ra đứng giữa hội đường, Chúa Giê-su không có ý hạ giá anh, nhưng Ngài kêu gọi chúng ta hãy dám nhìn thẳng vào người anh em đau khổ, bị bỏ rơi, bị lãng quên và lắng nghe lời chất vấn của lương tâm: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ?” Mệnh lệnh “làm lành lánh dữ” của lương tâm sở dĩ có tính tuyệt đối vô điều kiện bởi vì nó xuất phát từ chính Thiên Chúa. Người ta chỉ chu toàn bổn phận thánh thiêng thờ phượng Chúa khi và chỉ khi “làm điều lành”. Mà “điều lành” không gì khác hơn là phục vụ, chia sẻ cách cụ thể với người anh em đau khổ đang ở giữa cộng đoàn đây.
 
Mời Bạn: Bạn đang làm những “điều lành” nào trong ngày Chúa Nhật, Ngày Của Chúa? Bạn có bận bịu công việc làm ăn đến nỗi không còn thì giờ cho Chúa, cho gia đình, con cái? Hay bạn cũng ngưng công việc làm thường ngày, những để mê đắm trong bài bạc, nhậu nhẹt say sưa?
 
Chia sẻ: Ngày Chúa Nhật của bạn thường diễn ra như thế nào? Có thể sắp xếp cách khác để ngày ấy trở thành ngày của mến Chúa yêu người cách đặc biệt hơn không?
 
Sống Lời Chúa: Gác lại việc làm ăn thường ngày để đi thăm một người trong khu xóm đang cần sự quan tâm chia sẻ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con nhiệt tâm làm việc lành, biết yêu thương phục vụ những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh xung quanh con.[Mục Lục]

 
19/01/17                   THỨ NĂM TUẦN 2 TN
                                                            Mc 3,7-12
 
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
 
Các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì ... kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm chúng không được tiết lộ Người là ai. (Mc 3,11)
 
Suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn trao ban tình yêu ấy cho nhân loại để ai tin và đón nhận Người thì được cứu độ. Nhằm tỏ bày tình yêu, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách, nhưng phương thế cuối cùng và hoàn hảo là qua chính Con Một Người (x. Dt 1,1-2). Nghe biết các việc Chúa Giê-su đã làm, người ta lũ lượt kéo đến với Người; việc tìm đến với Chúa mới chỉ là bước đầu cho một tiến trình đón nhận ơn cứu độ. Một cách tiệm tiến, Thiên Chúa dẫn đưa họ vào mầu nhiệm tình yêu trọn vẹn nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su, để rồi cùng với Đức Giê-su họ sẽ dâng về cho Thiên Chúa một tình yêu tự do và trọn hiến. Quá trình mạc khải không nhằm cho con người một danh xưng hay một khái niệm, song là một tình yêu. Và tình yêu phải được đáp trả bằng tình yêu, chứ không thể chỉ bằng sự hiểu biết suông hay ‘tụng kinh’ suông trên môi miệng.
 
Mời Bạn: Tình yêu cần được thể hiện qua việc làm. Một việc làm thiếu tình yêu là sự lừa dối; tình yêu thiếu việc làm thì tình yêu chết. Xã hội ngày càng dạt theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, hời hợt thiếu chiều sâu, thành thử con người thường đánh giá và đối xử với nhau qua hình thức bề ngoài. Hậu quả là một xã hội suy thoái về đạo đức. "Anh em chớ uốn mình theo thế gian này!" (Rm 12,2).
 
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với tấm lòng thành, kết hợp cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Cầu Nguyện: Hát Kinh Hoà Bình: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.”[Mục Lục]

 
20/01/17                     THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo Mc 3,13-19
 
Ở VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI
 
Rồi Chúa Giê-su lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. (Mc 3,13-14)
 
Suy niệm: Có những người không đi theo Chúa Giê-su như các môn đệ nhưng vẫn có thể nhân danh Ngài mà trừ quỷ (x. Lc 9,49). Khả năng trừ quỷ không phải là “độc quyền” của các môn đệ và vì thế cũng không phải là “dấu vết riêng” để xác định căn tính của người môn đệ Đức Ki-tô. Nhân dịp chọn gọi và thiết lập Nhóm Mười Hai, Chúa cho chúng ta biết tiêu chuẩn xác định căn tính người môn đệ là: (1) được Chúa gọi đến; (2) đến để ở với Ngài; (3) ở với Ngài để được sai đi. Để làm môn đệ của Chúa Giê-su thì phải “ở với Ngài” cách trọn vẹn từ khi “được kêu gọi” đến lúc “được sai đi”. Nếu không có mối quan hệ thân thiết với Chúa Giê-su thì chưa phải là người môn đệ đích thực của Ngài.
 
Mời Bạn: Người ta có thể làm điều tốt – cứu trợ nạn nhân bão lụt chẳng hạn – dưới nhiều động cơ và danh nghĩa khác nhau. Việc dấn thân phục vụ của bạn sẽ thiếu “chất ki-tô” nếu bạn chưa “ở với Chúa”. Bạn được kêu làm môn đệ Đức Ki-tô, bạn chỉ là tông đồ thực thụ khi bạn trở thành thân thiết hơn với Ngài trước khi đem Ngài đến với người khác qua cuộc sống dấn thân phục vụ.
 
Sống Lời Chúa: Đầu mỗi ngày, bạn dành ít phút hồi tâm nhớ Chúa và cầu nguyện với Ngài, để nhờ đó mọi việc bạn sắp làm trong ngày sẽ được biến thành một việc tông đồ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã kêu gọi con làm môn đệ Chúa, để con tận hiến cho Chúa ngay ở giữa thế gian này. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để con luôn ở với Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.[Mục Lục]

 
21/01/17                    THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo           Mc 3,20-21
 
BỊ CHO LÀ MẤT TRÍ
 
“Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” (Mc3,21)
 
Suy niệm: Chúa Giê-su khởi đầu rao giảng tại Ga-li-lê, mà nói rõ hơn, nơi Ngài thường xuyên lui tới là Ca-phác-na-um. Ngài say mê với sứ vụ đến độ thường quên cả ăn uống. Thế là Ngài bị cho là mất trí. Na-da-rét chỉ cách Ca-phác-na-um khoảng 47 km về hướng tây nam nên tiếng đồn về ông thầy Giê-su nhanh chóng được loan truyền về làng. Nghe tiếng đồn ấy, thân nhân xuống Ca-phác-na-um tìm Ngài để đưa về quê nhà. Với họ, Chúa Giê-su là con người không bình thường: bỏ nghề mộc ổn định, đi lang thang đây đó; không lập gia đình như những người đàn ông khác; chiêu mộ một nhóm môn đệ mà đa số là ngư dân chẳng giống ai; rồi rước họa vào thân khi gây chuyện với giới lãnh đạo tôn giáo. Mà kể cũng lạ: Mất trí mà làm được các phép lạ kỳ diệu, mà có những lời rao giảng thu hút lòng người? Điều này chỉ có ai tin Chúa Giê-su mới lý giải được: “vì lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 3,17).
 
Mời Bạn: Nhiệt thành trong đời sống đạo, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, có thể bạn cũng được gán cho cái nhãn “mất trí, bất bình thường”. Bạn nản lòng hay kiên vững trong tư thế người môn đệ Chúa Ki-tô? Khi thấy những chứng tá nhiệt thành trong giáo xứ, bạn thờ ơ, cười chê hay bạn hoán cải và sống theo các mẫu gương ấy?
 
Sống Lời Chúa: Tôi chấp nhận tất cả, miễn sao Chúa Ki-tô được rao giảng.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ngạc nhiên và buồn lòng vì bị ngườoi thân hiểu lầm. Xin giúp con khi gặp những hiểu lầm, chống đối vì là môn đệ Chúa, biết kiên trì sống niềm tin và loan báo Tin Mừng Chúa. Amen.[Mục Lục]

 
22/01/17       CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A
                                                          Mt 4,12-23
 
HÃY THẮP SÁNG LÊN
 
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16)
 
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn điện, ánh sáng văn minh... Tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật, chứ không thể soi sáng giúp ta nhìn ra “người khác” là “anh em.” Và nhất là, nhân loại vẫn còn thiếu một thứ ánh sáng đủ mạnh để đẩy lùi “bóng tối tử thần,” bóng tối kích động hận thù, gieo rắc sự chết. Ánh sáng ấy được tìm thấy nơi các sách Tin Mừng, chiếu rọi suốt dọc dài lịch sử Giáo hội: ánh sáng giúp người Sa-ma-ri nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho kẻ bị bọn cướp đánh dở sống dở chết nằm bên đường (Lc 10,25-37); ánh sáng bừng lên giúp Mác-ti-nô thành Tu-ri-nô, giữa tiết trời mùa đông giá lạnh, chia đôi áo choàng cho người ăn xin co ro bên đường... Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đã được Đức Ki-tô mang xuống từ trời, Ngài ước mong phải chi ngọn lửa ấy bừng lên (Lc 12,49).
 
Mời Bạn: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” (E. Roosevelt) Phải chăng vì bạn chưa làm gì tích cực để đẩy lùi bóng tối nên nó vẫn còn giúp cho tham nhũng, bóc lột hoành hành, vẫn còn bao che cho lường gạt, trộm cắp, vẫn còn đồng lõa với nạn giết người, phá thai... Phải chăng vì ngọn đèn Ki-tô hữu chúng ta đã “hết dầu” nên bóng tối lan tràn như thế?
 
Sống Lời Chúa: Làm một hành động tích cực để phản ứng lại những gì là bóng tối tội lỗi.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là Ánh Sáng đích thực. Xin cho chúng con kiên vững trong ánh sáng của Chúa, để đẩy lùi mọi thứ bóng tối ra xa chúng con.[Mục Lục]

 
23/01/16                     THỨ HAI TUẦN 3 TN
                                                         Mc 3,22-30
 
CẢM NHẬN THIÊN CHÚA
 
Các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Chúa Giê-su rằng Người bị quỉ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa vào thế quỉ vương mà trừ  quỉ. (Mc 3,22)
 
Suy niệm: Linh mục Léopold Cadière, một học giả chuyên nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, đã nhận xét: “Phải thừa nhận rằng người Việt, nói cho đúng, sống trong thế giới siêu nhiên… cho dù ở giai cấp nào, … [họ] đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần thánh trong thiên nhiên.” Tuy nhiên, từ chỗ cảm nhận sự hiện diện của thần linh tới chỗ tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một bước dài mà không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được. Những người kinh sư Do Thái, tức là những người trí thức bấy giờ, mặc dù đã chứng kiến phép lạ của Chúa Giê-su, nhưng thay vì nhìn nhận uy quyền và tin vào Chúa Giê-su thì họ lại xuyên tạc, cho rằng: Chúa Giê-su đã bị quỉ ám và dùng quyền lực của tướng quỉ để trừ quỉ. Họ trở thành những người chống lại Chúa Thánh Thần.
 
Mời Bạn: Một ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế là xã hội bị tục hóa, cảm thức thần thiêng và tâm tình tín ngưỡng sút giảm. Người tín hữu cần tỉnh thức để mình khỏi bị lung lạc bởi xu hướng quá đề cao hưởng thụ vật chất. Cần biết trân trọng giữ gìn ơn đức tin để luôn gắn bó với Thiên Chúa.
 
Chia sẻ: Đã có lần nào tôi trao đổi với một người lương dân về Thiên Chúa chưa? Đâu là những yếu tố thuận lợi và không thuận lợi cho một cuộc trao đổi như vậy?
 
Sống Lời Chúa: Tạ ơn Thiên Chúa đã cho tôi được ơn nhận biết và tin vào Chúa Giêsu. Tôi sẽ tích cực chăm lo vun xới đức tin của mình.
 
Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin – Cậy – Mến.[Mục Lục]

 
24/01/17                       THỨ BA TUẦN 2 TN
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-xi-ô, giám mục Mc 3,31-35
 
SỐNG XỨNG ĐÁNG LÀ CON CHÚA
 
“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.” (Mc 3,35)
Suy niệm: Nhiều người thời nay thường cậy dựa vào “nhất thân nhì thế” như bàn đạp để thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Có lẽ những người Do Thái hâm mộ Chúa Giê-su ngày xưa cũng mang tâm trạng “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ,” nên mới sốt sắng “mách” với Đức Giê-su: “Mẹ và anh chị em Thầy đang tìm Thầy ngoài kia.” Nhưng những người thân này của Chúa mới đây còn cho rằng Ngài “mất trí”, phải chăng giờ đây họ lại muốn tìm đến để bắt Ngài về nhà (x. Mc 3,20-21). Để sửa chữa những cái nhìn sai lệch đó, Chúa Giê-su xác định người thân đích thực của Ngài là những ai “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.
 
Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi chúng ta thoát ra khỏi quan niệm thế tục để vươn cái nhìn của mình lên một tầm cao mới: Chúng ta xác tín mình là con cái của Chúa Cả trời đất, là hoàng tộc của Thiên Chúa cao sang và thể hiện tư cách đó bằng cách thực thi ý muốn của Thiên Chúa, đó là sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống thường nhật của mình.
 
Chia sẻ: Dựa trên lời chỉ dẫn của thánh Phao-lô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31), mời bạn thảo luận để vạch ra một chương trình sống dành cho những người là anh chị em với Chúa Giê-su.
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhắc lại điều tâm niệm: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20) và “xin cho chúng ta biết ái mộ những sự trên trời” (Ngắm thứ Hai, Năm Sự Mừng).
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tự hạ nên giống chúng con mọi đàng, để nâng chúng con lên làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết sống sao cho xứng đáng với địa vị cao trọng này.[Mục Lục]

 
25/01/17                    THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. Phao-lô Tông đồ trở lại   Mc 16,15-18
 
GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ
 
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho các loài thọ tạo.” (Mc16,15)
 
Suy niệm: Từ thế kỷ thứ 6, người ta đã bắt đầu mừng lễ Thánh Phao-lô Tông đồ trở lại. Không mừng sao được vì đây quả là một sự kiện đặc biệt trong Hội Thánh. Từ một người Do Thái nhiệt thành với Lề Luật, không nhân nhượng với bất kỳ ai đi ngược với Do Thái giáo, Sao-lô trở thành Tông Đồ của Đức Ki-tô, Đấng tự đồng hóa mình với các tín hữu đang bị bách hại. Cuộc “gặp gỡ” trên đường đi Đa-mát ấy làm đảo lộn tình thế: chàng thanh niên đang lùng bắt Đức Ki-tô trở thành người bị Đức Kitô “chộp bắt,” trở thành lợi khí của Ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng, nhất là cho dân ngoại (x. Cv 9,15). Kể từ lần gặp gỡ ấy, Phao-lô đã được biến đổi tận căn: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi…” (Pl 3,8).
 
Mời bạn nhớ lại cuộc gặp gỡ gần đây nhất giữa bạn với một người thân thiết của mình. Kinh nghiệm của bạn về cuộc gặp này: vui, buồn, hạnh phúc, ưu tư, nhiều kỷ niệm... Đồng thời bạn cũng nhớ lại lần gặp gỡ giữa bạn với Chúa, khi cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ… Đó có phải là cuộc gặp gỡ đậm tình yêu? Ở cuộc gặp gỡ ấy, bạn có cảm nhận được lệnh truyền của Thầy Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho các loài thọ tạo”?
 
Chia sẻ: “Thiên Chúa cũng muốn viết thẳng trên những đường cong của đời ta” (Youcat 49). Thánh Phao-lô đã chứng minh như thế, còn bạn thì sao?
 
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời Thánh Phao-lô: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1,12).
 
Cầu nguyện: Hát: Gặp gỡ Đức Kitô.[Mục Lục]

 
26/01/17                       THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. Ti-mô-thêâ và Ti-tô, giám mục Lc 10,1-9
 
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG
 
“Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” 
(Lc 10,3)
 
Suy niệm: Những ai được mời gọi đi gặt lúa? Ban đầu là Nhóm Mười Hai; rồi đến 72 môn đệ; tiếp đến là mọi người thuộc mọi dân nước. Ti-mô-thêâ và Ti-tô thuộc những người kế tiếp này. Là môn đệ của Phao-lô, cả hai đã noi gương thầy mình, can đảm rao giảng Tin Mừng, dù chịu nhiều đau khổ, thậm chí cả bách hại, tựa như chiên con giữa bầy sói, như lời Chúa Giê-su căn dặn trong bài Tin Mừng hôm nay. Ti-mô-thê từng đi truyền giáo với Phao-lô, ở lại với Phao-lô khi ngài bị tù, sau đó được giao coi sóc các giáo đoàn mới thành lập như Ê-phê-xô, bị ném đá đến chết tại đây. Ti-tô được Phao-lô sai đi coi sóc giáo đoàn đảo Crê-ta, cũng như đi truyền giáo tại vùng Đan-ma-ti-a.
Mời Bạn: Chúa cũng sai bạn làm chứng nhân cho Ngài giữa đời. Bạn hãy nỗ lực làm cho Tin Mừng mình rao giảng thực sự đáp ứng những khát khao thầm kín của con người hôm nay như khao khát an bình, niềm tin, hạnh phúc và yêu thương. Đáp ứng qua lời nói và đời sống của bạn, một đời sống đầy lòng tha thứ, cảm thông, sẻ chia, tin tưởng và đạo đức như thánh Ti-mô-thê và Ti-tô.
 
Sống Lời Chúa: Hãy can đảm làm chứng cho Chúa hằng ngày dù có đau khổ trăm bề: “Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1,7).
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa  sai chúng con đi vào thế giới, một thế giới đầy bạo lực, vô cảm, ích kỷ. Xin cho con luôn ghi nhớ chỉ thị của Chúa. Xin cũng ban cho con lòng can đảm, để con loan báo và sống tình thương Chúa mọi  nơi mọi lúc. Amen.[Mục Lục]

 
27/01/17                     THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Th. An-gê-la Mê-ri-xi, trinh nữ Mc 4,26-34
 
SỰ KỲ DIỆU CỦA HẠT GIỐNG
 
“Đêm hay ngày, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên…” (Mc 4,27)
 
Suy niệm: Hạt giống gieo xuống đất rồi nẩy mầm thành cây, trổ đòng đòng, sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt là việc rất bình thường và “xưa như trái đất.” Thế nhưng, suy nghĩ kỹ hơn, ta nhận ra hạt giống lại vô cùng diệu kỳ: đêm hay ngày, nó lớn lên với một tiến trình đáng ngạc nhiên, như một lập trình đã có sẵn, không cần sự can thiệp của con người. Chúa Giê-su dùng hình ảnh hạt giống ấy để trình bày sự tăng trưởng kỳ diệu của Nước Thiên Chúa. Tựa như hạt giống âm thầm lớn lên cho đến ngày đem lại kết quả mỹ mãn, Nước Thiên Chúa ấy cũng đang lặng lẽ tăng trưởng từng giây phút cho đến ngày thành toàn, không ai có thể ngăn cản được sự tăng trưởng đó. Dụ ngôn mang lại cho ta cái nhìn lạc quan về sự lớn mạnh âm thầm nhưng vững chắc của Nước Thiên Chúa trên thế giới.
 
Mời Bạn: Bạn đã có lần bi quan về sự phát triển của Giáo Hội trên thế giới, về con số nhỏ nhoi người Ki-tô hữu tại vùng miền bạn sống, về sự tham gia ít ỏi của giới trẻ trong sinh hoạt giáo xứ. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn đừng nản lòng, nhưng lạc quan, tin tưởng vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, sự âm thầm lớn lên của Nước Trời mặc dù bao cản trở, khó khăn.
 
Sống Lời Chúa: Câu Lời Chúa nào đã và đang đánh động, hướng dẫn cuộc đời bạn? Nếu chưa tìm được, hãy chọn một lời làm châm ngôn sống của bạn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường con đi.” Xin giúp con biết lắng nghe và đem ra thực hành mỗi ngày. Xin ban cho con niềm lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa, không mệt mỏi rao giảng Lời dù nhiều lúc chưa thấy kết quả. Amen.[Mục Lục]

 
28/01/17                    THỨ BẢY TUẦN 3 TN
MỒNG MỘT TẾT ĐINH DẬU.  Cầu bình an   Mt 6,31-33
 
LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
 
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
 
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau những điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, –“ban thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
 
Mời Bạn: Bạn có dám tin vào lời hứa của Chúa, hoặc dám nhận lời chúc của Ngài không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.
 
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
 
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy.[Mục Lục]

 
29/01/17       CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – A
MỒNG HAI TẾT. Kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ           Mt 15,1-6
 
HÃY THỜ CHA KÍNH MẸ
 
“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.”(Mt 15,4)
 
Suy niệm: “Mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ kể tháng kể ngày.”  Đây không chỉ là tiếng thở dài của một người mẹ hay lời cay đắng của bà trút lên con mà còn là bản tường trình về tình yêu cằn cỗi, nghèo nàn của những người con đối với ông bà, cha mẹ mình. Thời nay, sự cằn cỗi ấy dường như có cơ hội gia tăng. Báo chí thông tin có những cụ già 80, 90 tuổi, hằng ngày phải lao động nặng nhọc để sống hoặc nuôi người vợ liệt lào, trong khi đàn con khôn lớn của ông hiếm khi trở lại thăm nom, phụng dưỡng. Với nhiều lý do, có những người con tự miễn chuẩn cho mình bổn phận đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Giáo Hội tại Việt Nam dùng ngày Mồng Hai Tết cầu nguyện đặc biệt cho tổ tiên để thực hành lời của Chúa: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và hâm nóng lòng hiếu thảo của người tín hữu. Mẫu gương Chúa Giê-su đối với cha mẹ luôn cần được Ki-tô hữu khám phá để sống theo.
 
Mời Bạn: Bạn có những chương trình cho từng ngày trong những ngày Tết này. Trong số đó, có thời gian nào bạn sẽ dành cho ông bà, cha mẹ không? Bên cha mẹ, ông bà, bạn lắng nghe, ân cần vấn an, chuyện trò như là người con hay như người ban phát, thi ân?
 
Chia sẻ: Người ta đối xử với cha mẹ và người thân thế nào, họ sẽ đối xử với bạn như vậy. Bạn nghĩ gì về nhận định đó?
 
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn  bày tỏ lòng hiếu thảo của bạn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua những việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho mẫu gương sống của Con Cha trở thành sống động trong lối sống của con đối với Cha và đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của con. Xin Cha ban ơn phúc cho các ngài, nhất là trong những ngày của tuổi già.[Mục Lục]

 
30/01/17                     THỨ HAI TUẦN 4 TN
MỒNG BA TẾT. Thánh hóa công việc làm    Mt 25,14-30
 
THÁNH HÓA BẢN THÂN
 
“Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai nén, tôi đã gây lời được hai nén khác đây.” (Mt25,22)
 
Suy niệm: Steve Jobs, một thiên tài công nghệ, khuyên ta: “Công ăn việc làm chiếm phần lớn cuộc đời bạn, và cách duy nhất giúp bạn thật sự mãn nguyện là làm những gì bạn tin là vĩ đại. Và cách duy nhất để làm việc vĩ đại là yêu thích điều bạn làm.” Như mọi người, các Ki-tô hữu cũng chăm chỉ lao động để (1) tự sinh sống hay nuôi gia đình; (2) như một cách bày tỏ lòng yêu mến những người thân, và (3) như một phương cách đóng góp vào việc xây dựng cuộc sống xã hội. Ngày đầu năm mới, khi mong Chúa thánh hóa công ăn việc làm là ta cầu xin Ngài cho công ăn việc làm trong năm mới thành phương thế cứu độ ta; những lao nhọc, từng giọt mồ hôi giúp ta cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
 
Mời Bạn: Đối với Chúa, việc bạn làm không quan trọng bằng cách bạn làm. Nhờ vậy, trước mặt Ngài, công việc của người quét đường cũng có giá trị như vị tổng thống. Trong năm mới Đinh Dậu, qua những vất vả, mệt nhọc của lao động, bạn xin Chúa cho mình sống tương quan với Chúa và với người khác được tốt đẹp, hài hòa hơn.
 
Sống Lời Chúa: Trong năm mới này, tôi sẽ làm việc trong tinh thần trách nhiệm, công bằng, để đẹp lòng Chúa, hài lòng người khác, và như món quà tình yêu với gia đình mình.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con qua một năm, tuy vất vả lao nhọc, nhưng công ăn việc làm đem lại cuộc sống an vui cho chúng con. Xin Chúa chúc lành cho công ăn việc làm trong năm mới được ổn định, thuận lợi. Xin giúp con biết thánh hóa chính bản thân qua công ăn việc làm ấy.[Mục Lục]

 
31/01/17                       THỨ BA TUẦN 4 TN
Th.Gio-an Bốt-cô, linh mục        Mc 5,21-43
 
VỚI NIỀM TIN, MỌI SỰ THAY ĐỔI
 
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc5,34)
 
Suy niệm: Bánh mì xăng uých gồm có hai miếng bánh mì kẹp bên ngoài, bên trong có nhân là rau, thịt hay cá. Khi ta thưởng thức bánh xăng uých, ta thường không phân biệt miếng này là bánh mì, miếng kia là nhân thịt, nhân cá. Tất cả tạo thành một hương vị riêng của loại thức ăn nhanh phổ biến hiện nay. Bài Tin Mừng hôm nay cũng được sắp xếp tựa như kiểu bánh xăng uých. Khởi đầu là câu chuyện con gái ông trưởng hội đường Giai-rô bị đau nặng, “nhân” ở giữa là câu chuyện người đàn bà bị bệnh loạn huyết được chữa lành, rồi tiếp đến câu chuyện cô con gái ấy được Đức Giê-su cho chỗi dậy từ cõi chết. Toàn bộ bài Tin Mừng cho ta thấy những điều kỳ diệu xảy ra trong cuộc sống phát xuất từ niềm tin của con người cùng với quyền năng yêu thương của Thiên Chúa.
 
Mời Bạn: Cả hai bệnh nhân này đều trong tình cảnh hầu như tuyệt vọng: bé gái đã chết, người đàn bà bị bệnh 12 năm chữa trị mãi không khỏi. Thế nhưng, đụng chạm đến con người Chúa Giê-su với lòng tin, mọi sự đã thay đổi. Cũng vậy, hãy để Thánh Thể Chúa, Lời Chúa “đụng chạm” đến bạn mỗi ngày để giúp linh hồn bạn mạnh khỏe hơn.
 
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ điều chỉnh lại việc rước lễ của mình: chuẩn bị trước kỹ lưỡng hơn, cám ơn Chúa sốt sắng hơn khi Chúa đang ngự trong tâm hồn.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa Chúa là nguồn sống và là chủ của sự sống. Con xác tín rằng hễ khi nào được tiếp xúc, gần gũi Chúa là con nhận được sự sống thần linh của Chúa. Xin giúp con siêng năng đến với Chúa, “đụng chạm” đến Mình Thánh Chúa và Lời hằng sống của Chúa. Amen.[Mục Lục]

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây