Giáo xứ Vinh Hương

5 Phút Cho Lời Chúa tháng 04 - 2015

Thứ năm - 02/04/2015 00:31

- Ý Chung : Cầu cho việc quý trọng thọ tạo : Xin cho con người biết quý trọng thọ tạo và chăm sóc như quà tặng của Thiên Chúa.

- Ý Truyền Giáo : Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại : Xin cho các Ki tô hữu bị bách hại cảm nhận được dự hiện diện đầy an ủi của Chúa Phục Sinh và sự liên đới của toàn thể Giáo Hội.

 [Mục Lục]

Chúa Nhật Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu Thứ Bảy
      01 02 03 04
05 06 07 08 09 10 11
12 13 14 15 16 17 18
19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30    



01/04/15 THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Mt 26,14-25

CÒN TỒI TỆ HƠN SỰ CHẾT…

Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.” (Mt 26,23)

Suy niệm: Đối với nhiều người, điều còn tồi tệ hơn cả cái chết là sự phản bội. Họ có thể hình dung ra cái chết, nhưng không thể hình dung nổi sự phản bội, nhất là sự bội phản của người thân yêu. Đức Giê-su thì khác, Ngài biết rõ sự phản bội của Giu-đa dù ông đã khôn khéo che dấu hành vi tội ác của mình. Ông có thể qua mặt các bạn đồng môn, nhưng không qua được mắt Thầy mình. Thầy của ông có thể dùng nhiều biện pháp để loại trừ ông, hoặc đích thân trừng trị, hoặc báo tin cho các môn đệ khác và chắc chắn họ sẽ không để ông yên thân. Thế nhưng, thứ “vũ khí” duy nhất mà Ngài dành cho ông là lời mời gọi của tình thương, tiếng gọi của tình nghĩa thầy trò.

Mời Bạn: Năm này qua năm khác, bạn có thể che dấu tội lỗi mình với người chung quanh, ngay cả với những người thân trong gia đình hay cộng đoàn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không thể nào che dấu trước mặt Thiên Chúa. Ngài biết rõ mọi tội lỗi kín đáo của bạn và đang âm thầm mời gọi bạn hoán cải, nhất là trong Tuần Thánh này.

Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh năm nay tôi sẽ nhìn thẳng vào một tội lỗi kín đáo lâu nay của mình, xác tín Chúa biết, đang mời tôi chừa bỏ tội ấy. Tôi sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đau đớn trước sự bội phản của ông Giu-đa, nhưng không từ bỏ ông, trái lại luôn dùng tình yêu thương để mời gọi ông trở lại. Chúng con cảm phục sự khoan dung, nhân hậu của Chúa. Xin cho chúng con thật sự hoán cải, từ bỏ một tội lỗi đang kéo ghì mình xuống, để được thật sự sống lại với Chúa. Amen. [Mục Lục]

02/04/15 THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Ga 13,1-15

YÊU ĐẾN CÙNG

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1)

Suy niệm: “Yêu đến cùng”, một mặt muốn diễn tả sự chung thủy của tình yêu – yêu cho đến chết; mặt khác, “yêu đến cùng” còn muốn nói lên tính vượt trội, nghĩa là vượt trên tất cả những gì con người có thể tưởng tượng được để bày tỏ tình yêu. Đức Ki-tô đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài bằng một tình yêu như thế. Để biểu lộ tình yêu cao độ này: Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; Ngài lập Bí tích Thánh Thể để trao ban chính Thịt và Máu của Ngài; và Ngài lập Bí tích Truyền Chức Thánh để tiếp tục công cuộc trao ban cho đến cùng. Khi trao ban những gì cao quí nhất cho những kẻ thuộc về mình, Đức Ki-tô muốn biến họ thành một cầu nối để tình yêu của Ngài được lan tỏa cho đến cùng, Ngài mời gọi họ: “Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.

Mời Bạn: Làm như Thầy đã làm không chỉ lập lại các nghi thức mà phải yêu như Ngài đã yêu, là dám hiến thân phục vụ tha nhân để diễn tả một tình yêu cho đến cùng.

Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh lễ và kết hiệp với Chúa Ki-tô trong Bí tích Thánh Thể để thực sự được nuôi dưỡng bởi tình yêu của Ngài và có thể yêu thương như Ngài đã yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, chúng con đang sống trong năm Phúc Âm Hóa cộng đoàn, Mẹ Hội Thánh muốn chúng con quay về với tình yêu của Chúa để trước hết được thánh hóa, hầu có thể yêu tha nhân như Chúa đã hiến thân mình để yêu thương chúng con. [Mục Lục]

 

03/04/15 THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Ga 18,1-19,42

MỌI TỘI NHÂN DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ

“Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.” (Ga 19,36)

Suy niệm: Một chi tiết quan trọng mà chỉ mình Gio-an để ý: đó là quân lính không đánh giập ống chân Chúa Giê-su vì Chúa đã chết, nhưng lại đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Ngài, bấy giờ máu và nước chảy ra. Như vậy, sự chết của Chúa trên cây thánh giá phát sinh sự sống. Nước là sự sống, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Nước cũng là biểu tượng của bí tích thanh tẩy (rửa tội), bí tích đem lại sự sống mới cho ta. Máu là biểu tượng của sự sống, mất máu là mất sự sống, truyền máu là thông truyền sự sống. Máu của Đức Giê-su còn quý giá hơn nữa, vì đem lại sự sống trường sinh: “Ai uống máu này thì có sự sống đời đời” (Ga 6,54). Nước từ thánh giá rửa sạch tội ta, máu Chúa đổ ra trên thánh giá để cứu chuộc ta.

Mời Bạn: Máu và nước từ thân xác Đức Giê-su trên cây thánh giá đem lại sự sống cho bạn. Bạn không chỉ được mời gọi nhìn lên cây thánh giá ấy với lòng tin tưởng, nhưng còn được mời gọi vác thánh giá cuộc đời mình. Nhiều Ki-tô hữu chỉ thích thánh giá cài trên khuy áo, đeo trên ngực, chứ không thích vác thánh giá trên vai. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Tôi cảm nhận sâu sắc lòng yêu thương của Chúa khi chịu treo trên thánh giá. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, tôi vẫn kiên trung loan báo tình thương của Chúa Giê-su chịu đóng đinh cho những người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con không làm phiền lòng Chúa nữa, để khi hôn thánh giá Chúa, con có thể yêu mến Chúa hết lòng, quyết tâm từ nay sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con mở miệng nói được khi hôn thánh giá: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa.” [Mục Lục]

 

04/04/15 THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Mc 16,1-8

CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

“Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.” (Mc 16,6)

Suy niệm: Để cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh, chúng hãy dừng lại thật lâu bên mộ Chúa để cùng với ba người phụ nữ trong Tin Mừng sau một đêm thấp thỏm không ngủ được, ngay khi trời vừa tảng sáng, đã vội vã chạy ra mộ, với dầu thơm để ướp xác Thầy. Nhưng khi đến nơi, các bà không thấy một cái xác để ướp dầu thơm, mà các bà đã gặp chính Đức Giê-su, Đấng Phục Sinh. Quả thế, Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Từ đây, sự phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô xác tín: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,17). Đã có bao nhiêu lễ Phục Sinh qua đi, nhưng thử hỏi, điều đó có giúp ích gì cho cuộc sống của bạn hôm nay? Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh, mời bạn hãy “giết chết” những gì là tính mê nết xấu trong con người cũ; đó là lòng ghen ghét, đố kỵ… để sống lại trong Chúa Ki-tô là con người mới của tình yêu thương, bao dung và tha thứ. Chỉ có như vậy, việc bạn mừng lễ Phục Sinh mới thực sự có ý nghĩa và mang lại cho bạn niềm hy vọng được Phục Sinh với Chúa mai ngày.

Sống Lời Chúa: Sống hiền lành và bác ái là dấu chỉ tôi đã sống lại trong con người mới với Chúa Ki-tô phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Đấng là Nguồn Mạch Sự Sống, xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con sống tràn ngập yêu thương, bao dung và tha thứ. Amen. [Mục Lục]

 

05/04/15 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – B

Ga 20,1-9

ĐÔI MẮT CỦA NGƯỜI YÊU CHÚA

Bấy giờ người môn đệ kia… cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,8)

Suy niệm: Nhiều người đã “mục sở thị” ngôi mộ trống, nhưng phản ứng của họ trước dấu chỉ này rất khác nhau. Ma-ri-a Mác-đa-la ban đầu bối rối, hốt hoảng và nghĩ rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (c. 2). Còn các thượng tế và lính canh mồ, do động cơ chính trị và lợi lộc tiền bạc, nên đã bóp méo sự thật bằng những lời bịa đặt: “Ban đêm, lúc chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi” (Mt 28,13). Duy chỉ Gio-an, người ‘môn đệ Chúa yêu’ nhìn thấy ngôi mộ trống và tin rằng Chúa đã phục sinh. Với đôi mắt của người yêu Chúa nồng nàn, Gio-an đã thấy điều mà đôi mắt thể lý không thể thấy được. “Ông đã thấy và đã tin” vì tình yêu đầy tràn trong trái tim người môn đệ Chúa Giê-su yêu này.

Mời Bạn: Dù không nhìn thấy ngôi mộ trống như những môn đệ năm xưa, nhưng chúng ta vẫn có vô vàn cơ hội để khám phá sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh. Thật vậy, Ngài vẫn đang tỏ mình cho chúng ta qua rất nhiều dấu chỉ khác nhau: công trình tạo dựng, các biến cố trong cuộc sống thường ngày, các cử hành phụng vụ… Muốn thấy được sự hiện diện của Ngài, chúng ta cần có đôi mắt tin yêu của một người môn đệ đích thực để nhận ra những gì vượt lên trên dáng vẻ bề ngoài.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và xin ơn nhận ra vinh quang phục sinh của Ngài trên cây thập giá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, Chúa đã sống lại thật để đem lại niềm hy vọng cứu độ cho nhân loại. Xin giúp chúng con luôn nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc sống. Amen.[Mục Lục]

 

06/04/15 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS

Mt 28,8-15

ĐỪNG SỢ, VÌ CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI!

“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Suy niệm: Các phụ nữ đi ướp thuốc thơm cho một xác chết, nhưng lại được gặp một Đấng Phục Sinh. Nỗi buồn bỗng trở thành niềm vui, một niềm vui không phải chỉ dành riêng cho mình, vì họ lãnh nhiệm vụ đi loan báo cho các Tông đồ. Niềm vui Phục sinh ấy bắt đầu lan tỏa, từ người này qua người khác, trong cộng đoàn những người theo Đức Giê-su. Trong khi ấy, một tin thất thiệt về Ngài cũng bắt đầu lan rộng nơi cộng đoàn người Do Thái nhằm dập tắt sự thật mà họ không muốn đón nhận. Thế nhưng, họ đã thất bại, không một sức mạnh nào có thể bưng bít sự thật vĩ đại ấy. Một khi nỗi sợ hãi đã biến thành niềm vui, một khi xác tín được giải thoát khỏi bóng tối tử thần để sống lại với Thầy, các môn đệ Ngài có thể vượt qua mọi nỗi sợ, để đưa Tin Mừng Phục sinh đến tận chân trời góc bể.

Mời Bạn: Chúa Phục Sinh có phải là niềm vui bền vững, chi phối cuộc đời bạn, hay chỉ là niềm vui nhất thời, kéo dài được vài ngày? Có khi còn thua niềm vui được thăng chức, ‘trúng mánh’? Bạn tin vào Thiên Chúa, vâng giữ điều răn mến Chúa yêu người, chấp nhận vác thập giá cuộc đời…. vì dựa trên niềm tin vào việc Chúa Phục Sinh.

Sống Lời Chúa: Tôi quan tâm chia sẻ niềm vui Chúa Phục sinh cho những người tôi tiếp xúc mỗi ngày, nhất là người đang đau khổ, bệnh tật… để giúp họ vượt qua nỗi buồn và sợ hãi ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh, niềm vui Phục sinh đã đem lại sự biến đổi sâu xa cho những ai đón nhận Tin mừng. Xin cho con cũng để niềm vui ấy chi phối, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và hành xử của cuộc đời con. Amen. [Mục Lục]

 

07/04/15 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS

Thánh Gioan B. Lasan Ga 20,11-18

MỐI TƯƠNG GIAO THÂN TÌNH

Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (Ga 20,16)

Suy niệm: Lòng yêu mến đã hối thúc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn tối. Lòng yêu mến thúc đẩy bà chạy tìm các môn đệ, và bây giờ sau khi các ông ra về, lòng yêu mến ấy níu chân bà lại bên ngôi mộ trống. Buổi sáng hôm đó, bà đã trải qua bốn tâm trạng khác nhau: lo lắng làm thế nào lăn tảng đá lấp cửa mồ để ướp thuốc thơm cho xác của Thầy, đau buồn vì nghĩ người ta đã lấy xác Thầy, vui mừng vì nhận ra Thầy, và cuối cùng, vinh dự được là người đầu tiên đưa Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ. Những giọt nước mắt đau buồn đã biến thành niềm vui vỡ òa. Niềm vui ấy không thể giữ riêng trong tim, ghi trong trí, nhưng phải được loan đi, truyền lại cho mọi người: “Tôi đã thấy Chúa!”

Mời Bạn: Với bà Ma-ri-a, Đức Giê-su là tất cả; cuộc đời bà xoay quanh trục mang tên Giê-su. Tâm trạng của bà: vui hay buồn, sướng hay khổ, hạnh phúc hay bất hạnh là tùy việc có Ngài trong cuộc đời, thi hành sứ vụ Ngài giao hay không. Còn đối với bạn thì sao? Đức Giê-su chiếm địa vị thế nào trong đời bạn, trong sinh hoạt của bạn?

Sống Lời Chúa: Tôi tập kết hiệp với Chúa suốt ngày qua các bổn phận của mình, bằng cách dâng lên Chúa một lời nguyện tắt trước mỗi công việc, xin Chúa chúc lành cho công việc ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đã sống lại thật! Ha-lê-lu-i-a! Xin cho niềm vui Phục sinh chan hòa trong cuộc sống của con, nhờ mối tương giao thân thiết và kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua Lời, qua các bí tích con nhận lãnh, cũng như qua việc con kết hiệp với Chúa từng giây phút cuộc đời con. Amen.[Mục Lục]

 

08/04/15 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS

Lc 24,13-35

CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH

Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su đến gần và cùng đi với họ. (Lc 24,15)

Suy niệm: Ba ngày sau khi Chúa chịu tử nạn, các môn đệ vẫn còn kinh hãi. Họ trốn kỹ trong nhà, đóng kín cửa, nơm nớp lo sợ tới lượt mình. Hôm nay, hai môn đệ người làng Em-mau tính chuyện rút lui, về quê cũ làm ăn. Chủ chiên đã bị đánh gục, đàn chiên ắt tan tác. Nhóm môn đệ của Chúa Giê-su sau ba năm gầy dựng nay như sắp tới hồi tan rã. Đúng lúc đó, Chúa Giê-su phục sinh hiện đến và đồng hành với các ông. Người ân cần hỏi han, giải thích Kinh Thánh. Lòng các ông ấm lại khi nghe nói “Người phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang.”Khi mời Người ở lại dùng bữa cơm thân mật với mình, các ông nhận ra đó chính là Người! Người vẫn đang sống, đang hiện diện với các ông. Người đang bẻ bánh và trao cho các ông. Cách cư xử gần gũi, thân tình của Ngài là chìa khoá Chúa Giê-su dùng để khai mở lòng tin của các môn đệ, giúp các ông đón nhận mầu nhiệm Phục Sinh.

Mời Bạn: Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta một bài học kép: – Đức Ki-tô vẫn đồng hành với chúng ta khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và kết hiệp với Người trong Thánh Thể; – với lối sống gần gũi thân tình, bạn sẽ mở đường cho anh chị em mình đến với Đức Ki-tô Phục Sinh.

Sống Lời Chúa: Chúng ta dùng việc chia sẻ Lời Chúa trong nhóm làm phương thế giúp nhau gặp gỡ Chúa Phục Sinh và giới thiệu Chúa Phục Sinh cho người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra Chúa vẫn đồng hành với chúng con. Xin sưởi ấm lòng chúng con và khơi lên nơi chúng con niềm hy vọng. [[Mục Lục]

 

09/04/15 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS

Lc 24,35-48

CÁCH HIỆN DIỆN MỚI

“Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,48)

Suy niệm: Khi đồng hành với hai môn đệ Em-mau và khi bẻ bánh trước mặt các ông, Chúa Phục sinh từ nay muốn cho thấy một cách hiện diện mới của Ngài: cùng đi đường, cắt nghĩa Kinh thánh, cử hành nghi thức bẻ bánh và sai các môn đệ đi làm chứng cho Ngài. Nói là mới vì những việc này không còn hạn hẹp trong khung cảnh đền thờ, cũng không đóng khung trong phạm vi địa lý là đất nước Do Thái lúc Chúa còn ở với các môn đệ. Cách thức hiện diện mới này sẽ được Chúa long trọng nhắc lại trước khi Người lên trời, và trở thành mệnh lệnh cho mọi kẻ tin vào Ngài, khai mở thời đại rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Giáo Hội đang theo đuổi chính là làm mới lại nhiệt tình tông đồ này để mọi người nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện giữa nhân loại, trong mọi tình huống của cuộc sống.

Mời Bạn: Bạn có tin vào cách thức hiện diện mới ấy không? Có thể bạn nghi ngại như hai môn đệ Em-mau, nhưng dần dần theo thời gian, cùng với những trải nghiệm đức tin, bạn nhận ra Chúa đang hoạt động với bạn, cùng bạn tiếp tục đi đến với anh chị em.

Chia sẻ: Hãy chia sẻ động lực giúp bạn làm việc tông đồ hiện nay cho người trong nhóm. Thiếu động lực này (làm chứng về Chúa) mọi sự sẽ như tiếng phèng la mà thôi!

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ hằng ngày, vì ở đó chúng ta sẽ “nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở lại với chúng con “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn,” để chúng con có đủ sức mạnh làm chứng cho Chúa Phục Sinh. [Mục Lục]

 

10/04/15 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS

Ga 21,1-14

TRÊN BỜ BIỂN VỚI CHÚA

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa…(Ga 21,9)

Suy niệm: Bảy môn đệ rủ nhau đi đánh cá, nghề cũ của họ. Thầy đã sống lại, đã hiện ra với nhóm các bà, rồi với nhóm các ông. Nhưng… rồi sao nữa? Liệu có gì sáng sủa hơn không? Thôi thì, chi bằng quay về nghiệp cũ! Họ cần kiếm cái gì để ăn, ‘làm một cái gì đó cho qua ngày’ – trong khi chờ đợi nghe ngóng tình hình. Nhưng ‘nghiệp cũ’ xem chừng không mỉm cười với các ông. Suốt đêm hì hục chẳng bắt được con cá nào! Thế rồi Thầy đến mà không ai nhận ra. Lời Thầy nói “cứ thả lưới” khiến bao hồi ức lại ùa về. Và lưới đầy cá, đến độ không kéo lên thuyền được. Và họ nhận ra Thầy. Nhưng kìa, còn bất ngờ hơn nữa: trên bờ đã có sẵn bánh, và cá trên than hồng. Cá dưới biển góp với cá trên bờ, của trò góp với của Thầy, thành một bữa điểm tâm thân tình thú vị.

Mời Bạn chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn qua câu chuyện ‘Trên Biển Hồ’ về:

(1) không có Chúa, người môn đệ Chúa chẳng làm được gì;

(2) sứ mạng là việc của Chúa, Chúa có thể làm trọn, nhưng Chúa muốn các môn đệ cộng tác – và đây là vinh dự của người môn đệ;

(3) cá quá nhiều, thuyền không kham nổi, nhưng bờ thì khả kham => Giáo Hội hữu hình không bao trùm được hết những người được cứu độ; và Nước Thiên Chúa thật sự lớn hơn Giáo Hội.

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ với ý thức sống lại cảm nghiệm này của các môn đệ với Đức Ki-tô phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, chúng con xin tạ ơn Chúa vì đã cho chúng con được vinh dự cộng tác vào sứ mạng của Ngài. Xin Chúa luôn hiện diện và hướng dẫn mọi công cuộc tông đồ của chúng con. Amen. [Mục Lục]

 

11/04/15 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS

Mc 16,9-15

ĐỂ TIN MỪNG ĐƯỢC ĐÓN NHẬN

Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. (Mc 16,10-11)

Suy niệm: Công cuộc loan báo Tin Mừng thường đầy thử thách, gian nan trong mọi thời. Vào thời kỳ đầu của Giáo Hội, nhiều người không tin và không đón nhận Tin Mừng Chúa sống lại. Thời đại hôm nay cũng thế, có nhiều người khước từ Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, thậm chí có những người đã lãnh bí tích Rửa Tội mà vẫn không đón nhận Tin Mừng Chúa sống lại và không sống đức tin, vì thế, họ được xem là “người đã Rửa Tội mà không tin”. Dĩ nhiên, những ai không đón nhận Tin Mừng thì phải chịu trách nhiệm về số phận của mình. Nhưng người tín hữu chúng ta vẫn phải chịu phần nào trách nhiệm về sự cứng lòng tin của anh chị em mình. Vì sao ư? Đức hồng y Martini nhận định rằng, vì chúng ta loan báo “chỉ một nửa”, nghĩa là loan báo Tin Mừng với những chữ nghĩa mà lại thiếu trái tim, loan báo Tin Mừng mà “chẳng hiểu gì cả” (Lc 24,25), loan báo Tin Mừng Chúa sống lại mà lòng lại đầy cay đắng, thất vọng thì không thuyết phục được người nghe. Vì vậy, để Tin Mừng được nhiều người đón nhận, thì tâm hồn chúng ta phải chứa đầy Tin Mừng rồi mới thốt ra trên môi miệng chúng ta.

Mời Bạn: Phải chăng vì chúng ta quên lãng bổn phận truyền giáo, thiếu hiểu biết hoặc thiếu nhiệt thành truyền giáo nên nhiều người vẫn còn xa Chúa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày một việc lành với ý chỉ cho việc truyền giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho con nên người môn đệ nhiệt thành của Chúa trên cánh đồng truyền giáo. [Mục Lục]

 

12/04/15 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B

Kính Lòng Thương Xót Chúa Ga 20,19-31

VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA

“Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20,20)

Suy niệm: Khi Thầy Giê-su chịu đóng đinh và chết treo trên thập giá, các môn đệ bàng hoàng khiếp sợ, không biết số phận của mình rồi sẽ ra sao. Bởi thế các ông vui sướng biết chừng nào khi thấy Thầy mình đang sống đứng giữa các ông với vết thương trên tay, chân và cạnh sườn, dấu chứng hùng hồn của sự phục sinh. Sự hiện diện của Chúa trong lúc này quả là chiếc phao cứu nạn, dẫn dắt các ông từ chỗ sợ hãi thất vọng đến tin tưởng phó thác. Các thánh tông đồ đã cảm nhận nơi chính mình và cộng đoàn của mình tác động mạnh mẽ lạ lùng của Đấng phục sinh. Đó là Tin Mừng cứu độ mà các ngài thấy mình có bổn phận phải làm chứng cho mọi người để “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giê-su đem đến” (Chân phước Phao-lô VI).

Mời Bạn: Sống giữa thế gian, người kitô cùng vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng như mọi người khác. Tuy nhiên họ được kêu mời để tin và nhận ra Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện và đồng hành với họ trong cuộc sống. Niềm tin này đem lại cho họ niềm vui sâu xa và sức mạnh thiêng liêng để sống dấn thân, hy sinh quảng đại. Đây chính là dấu chỉ thuyết phục để loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Tôi sốt sắng kết hiệp với Chúa Ki-tô qua các bí tích và nhận ra Ngài hiện diện nơi người nghèo khó để yêu thương và phục vụ họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, các môn đệ của Chúa rất vui mừng khi được thấy Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa trong những lần Chúa muốn âm thầm hiện đến và ban tặng niềm vui cho chúng conAmen. [Mục Lục]

 

13/04/15 THỨ HAI TUẦN 2 PS

Th. Mác-ti-nô I, giáo hoàng Ga 3,1-8

GIÊ-SU, NGÀI LÀ THIÊN CHÚA

Ông Ni-cô-đê-mô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” (Ga 3,2)

Suy niệm: Ông Ni-cô-đê-mô là một người thuộc phái Pha-ri-sêu; hơn nữa, ông còn là thầy dạy nổi tiếng tại Giê-ru-sa-lem. Tuy người ta gọi ông là “Rabbi,” là “Thầy,” ông đầy lòng kính trọng dành danh xưng này để gọi Chúa Giê-su. Ông nhìn nhận Đức Giê-su là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến.” Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để ông được ơn cứu độ, trừ phi ông tin vào Chúa Giê-su, và được tái sinh trong Thánh Thần. Chúa muốn ông điều chỉnh đánh giá của ông về Ngài, vì Ngài còn hơn những gì ông biết, không chỉ là “tôn sư được Chúa sai đến”, mà còn là chính Thiên Chúa, Đấng bày tỏ quyền năng Thiên Chúa trong lời giảng dạy và các phép lạ.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không chỉ muốn điều chỉnh quan niệm của ông Ni-cô-đê-mô, Ngài còn muốn mỗi người chúng ta hôm nay điều chỉnh thanh luyện niềm tin của chúng ta vào Chúa cho tinh tuyền, để chúng ta thực sự là người Ki-tô hữu, chứ không chỉ là người có “đạo”. Sự khác biệt lớn lao giữa người có “đạo” và người Ki-tô hữu là người “có đạo” là người chỉ có tên trong sổ sách, trên danh nghĩa, còn người Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Giê-su và trở nên một với Ngài.

Sống Lời Chúa: Nhìn vào thánh giá và tuyên xưng đức tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết đặt trọn cuộc đời con vào Chúa và xin cho con luôn dám dấn thân theo Chúa, vì Chúa là Đấng Cứu Độ của con. Ôi, lạy Đấng con tôn thờ! [Mục Lục]

 

14/04/15 THỨ BA TUẦN 2 PS

Ga 3,7b-15

THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

“Như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15)

Suy niệm: “Đầu đội trời, chân đạp đất” là tinh thần sống của người Ki-tô hữu. Tuy đang ở trần gian, người Ki-tô hữu đã hướng lòng lên Đấng Phục Sinh, đồng thời hướng cuộc đời mình tới sự Phục Sinh sau này. Đây không phải là một lối sống hão huyền, hay một niềm hy vọng vô căn cớ. Chính Đức Giê-su là Đầu đã khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh, thì chúng ta là chi thể của Thân Mình Đức Giê-su cũng sẽ theo Đầu đi vào trong vinh quang Phục Sinh với Người. Nhưng làm sao có Phục Sinh nếu không kinh qua thập giá? Đầu đã chịu giương cao trên thập giá nên cũng được giương cao trong vinh quang Phục Sinh. Tương tự như thế, chúng ta cũng đi theo con đường thập giá đến vinh quang.

Mời Bạn: Cuộc đời người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai là sự phục sinh hay Nước Trời, và vì tương lai phục sinh mà chấp nhận đi vào con đường tự hủy. Định luật: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24) là một lời kêu mời thiết thực cho những ai muốn được phục sinh với Đức Giê-su.

Chia sẻ: Bạn đã nối kết những hy sinh thập giá đời mình với thập giá Đức Giê-su thế nào?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ thánh giá đời bạn cho một người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh là niềm hy vọng cho chúng con, xin hướng tâm lòng và cuộc đời chúng con tới Chúa, để dù đang sống trong những thực tại với nhiều hy sinh thập giá, chúng con vẫn tìm được niềm vui. [Mục Lục]

 

15/04/15 THỨ TƯ TUẦN 2 PS

Ga 3,16-21

BƯỚC THEO ĐỨC GIÊ-SU, ÁNH SÁNG TRẦN GIAN

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Các dân tộc vùng Á đông chúng ta đều biết đến khái niệm của cụm từ “âm – dương”. Cũng như học thuyết nhị nguyên của người phương tây, cụm từ âm – dương này nói lên hai mặt đối lập của một vần đề: tối – sáng, tốt-xấu, đúng-sai, thánh-phàm… Và thánh Gio-an trong sách Tin Mừng của mình cũng đã sử dụng ý niệm này để diễn tả điều chân thiện, sự thiêng thánh của Thiên Chúa để đối lập với những điều xấu, điều tà… của thế gian. Đức Giê-su là ánh sáng, là nguồn gốc của sự chân thiện, và Ngài đã đến thế gian để xua tan đi bóng tối lầm lạc, chỉ vẻ cho con người biết điều chân thiện, hướng về Chúa là Đấng Thánh hầu được hưởng phúc đời đời. Là môn đệ của Chúa Ki-tô, Đấng tốt lành thánh thiện, chúng ta được mời gọi hãy sống thánh và biết tránh xa tội lụy, biết nghe theo sự thật để chối từ sự dối trá, biết sống trong ánh sáng của sự thánh thiện để đẩy lui bóng tối tăm tội lỗi. Có như thế, con người hôm nay mới nhận biết đâu là chân lý giữa nơi tối tăm gian trá, đâu là sự thánh thiện của một vị Thiên Chúa rất mực yêu thương con người.

Mời Bạn: Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi bước đi trong ánh sáng của Người. Ước mong sao cuộc sống của chúng ta minh chứng được rằng giữa cõi thế gian tăm tối tội lụy này, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng Thánh.

Chia sẻ: Bạn làm gì để sống đúng là người đang bước đi trong ánh sang của Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Luôn lấy lời Chúa làm chuẩn mực cho mọi chọn lựa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi. [Mục Lục]

 

16/04/15 THỨ NĂM TUẦN 2 PS

Ga 3,31-36

“ĐƯỢC SAI ĐI” VÀ “ĐI RA”

“Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.” (Ga 3,34)

Suy niệm: Nhờ hiện tượng toàn cầu hóa, các quốc gia xích lại gần nhau hơn, những rào cản như địa dư, ngôn ngữ được xoá bỏ và các nền văn hoá được gặp gỡ giao thoa. Giữa muôn vàn lợi ích lớn lao, toàn cầu hoá lại dẫn đến một nguy cơ không nhỏ: đó là não trạng muốn cào bằng mọi giá trị, kể cả những gì vẫn được xem là chuẩn mực trong đời sống con người. Trong xã hội Việt Nam, người ta vốn quan niệm “đạo nào cũng như đạo nào,” nay lại chịu ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá cào bằng này, các Ki-tô hữu mất dần cảm thức về bổn phận phải đem Chúa đến cho lương dân. Ngoài ra, lỗ hổng kiến thức về giáo lý còn khiến họ không tự tin trình bày Đạo của mình trước những nghi vấn, nhất là của những người không thiện cảm. Đành rằng bản chất của Giáo hội là truyền rao Tin Mừng và mỗi Ki-tô hữu, qua Bí tích Rửa tội, đều nhận lãnh sứ vụ “đi ra” để làm chứng tá cho Chúa Kitô, nhưng hiện nay việc thực hành đức tin lắm khi chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà thờ, chưa có dấu hiệu “đi ra.”

Mời Bạn: Rụt rè trước những câu hỏi liên quan đến Đạo, bạn có tìm cơ hội trau dồi thêm kiến thức giáo lý và thanh luyện ý hướng “đi ra” làm chứng cho Chúa Giêsu không? Bạn có xác tín rằng Chúa vẫn “sai bạn đi” và một khi bạn “đi ra” để nói Lời Chúa thì Chúa Thánh Thần luôn ở cùng bạn không?

Sống lời Chúa: Thường xuyên học hỏi giáo lý và không ngại nói về Chúa Giê-su cho những ai muốn tìm hiểu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ghi khắc lời thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” [Mục Lục]

 

17/04/15 THỨ SÁU TUẦN 2 PS

Ga 6,1-15

TỰA VÀO CHÚA THÌ HƠN

Chúa Giê-su hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người biết mình sắp làm gì rồi. (Ga 6,5-6)

Suy niệm: Trước đám đông dân chúng đến mình, Chúa Giê-su đã đặt vấn đề cho các môn đệ, nhưng chỉ là “để thử các ông.” Nhu cầu của đám đông quá lớn, Chúa lại bảo các môn đệ phải cho họ ăn. Phi-líp-phê, người được hỏi, lo lắng không biết lấy tiền đâu để mua bánh; ấy là chưa kể, dù có tiền, biết mua ở đâu đủ bánh cho một lượng người đông đảo như thế! Vì thế, cho đến chiều tối, các môn đệ vẫn lúng túng không tìm ra được giải pháp cho đám đông ăn. Quả thật, Chúa Giê-su muốn các ông quan tâm đến con người thời đại và ra lệnh cho các ông làm hơn những gì các ông có thể, vì Chúa muốn các ông nhận ra giới hạn của mình trên bình diện tự nhiên, và cũng để các ông nhận ra rằng Chúa không là “nơi” cung cấp dư đầy bánh ăn vật chất mà Ngài còn là chính tấm bánh trường sinh, bẻ ra cho muôn người được ăn và sống đời đời.

Mời Bạn: Chúa sai chúng ta đến với muôn dân và ra lệnh cho chúng ta làm hơn những gì chúng ta có thể. Mệnh lệnh của Chúa không cho chúng ta thoái thác. Nhưng đôi lúc chúng ta cứ theo giải pháp nhân loại như Phi-líp-phê loay hoay tìm kinh phí ở đâu để mua bánh. Những giải pháp quen thuộc chưa phải là giải pháp tốt nhất. Mời bạn hãy đến với Chúa Giê-su: Ngài có cách tốt hơn, theo cách thức riêng của Ngài mà con người không hề nghĩ đến.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm một công việc, bạn hứa nỗ lực thực thi thánh ý Chúa và xin Chúa sáng soi ban sức.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Sáng soi” trước mỗi công việc hay mỗi quyết định. [Mục Lục]

 

18/04/15 THỨ BẢY TUẦN 2 PS

Ga 6,16-21

ĐỪNG SỢ, VÌ CÓ CHÚA Ở CÙNG

Biển động, gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,18-20)

Suy niệm: Có hai cụm từ luôn sóng đôi trong Thánh Kinh, đó là các cụm từ “đừng sợ” và “Thiên Chúa ở với ngươi”. Sở dĩ chúng gắn liền với nhau như thế, vì lời “đừng sợ” không chỉ mang nghĩa xoa dịu nỗi lo, mà còn xác quyết một thực tại vững vàng: Thiên Chúa ở với. Ông Gio-su-ê được Chúa sai dẫn dắt dân Chúa vào Đất Hứa, ông sợ hãi, bấy giờ Thiên Chúa nói với ông: “Chính Đức Chúa đi phía trước anh… đừng sợ”. Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ, ông sợ, Thiên Chúa nói với ông: “Đừng sợ! Ta sẽ ở với ngươi.” Phaolô bị bắt, không lối thoát, bấy giờ Chúa Phục Sinh nói với ông: “Đừng sợ, cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con.” Các Tông Đồ trên con thuyền sóng gió hôm nay cũng thế, được Chúa bảo đảm: “Thầy đây mà, đừng sợ”. Tất cả họ là những người được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng và tất cả đều sợ hãi. Vì thế, đối với họ, không có một sự giúp đỡ nào mạnh mẽ và yên tâm hơn sự hiện diện của Chúa bên cạnh.

Mời Bạn: Lời “đừng sợ” không biến các môn đệ Chúa thành những kẻ máu lạnh không biết sợ, nhưng lôi kéo họ chạm vào một thực tại lớn lao, đó là Chúa Phục Sinh đang ở với các ngài. Bạn cũng được bảo đảm như thế trong mọi hoàn cảnh.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp khó khăn, tai ương, thử thách, bạn nhắc lại lời Chúa: “Thầy đây mà, đừng sợ!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đã sống lại và đang sống với chúng con, cả trong nghịch cảnh. [Mục Lục]

 

19/04/15 CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – B

Lc 24,35-48

BỪNG CHÁY NIỀM VUI

Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24,35)

Suy niệm: Một cơn gió có thể làm cho con diều cất cao khỏi mặt đất; một cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh đủ làm thay đổi cuộc đời con người tức khắc và mãi mãi. Đó là kinh nghiệm gặp Chúa của hai môn đệ Em-mau. Họ đang lê gót về quê cũ mà lòng não nề, thất vọng sau cái chết thảm của Thầy Giê-su. Đi bên cạnh họ, Đức Giê-su lắng nghe họ kể lể nỗi lòng. Thực ra, Ngài muốn họ bày tỏ con người thật của họ đang bị tắt ngấm niềm tin hơn là nghe câu chuyện. Chúa biết họ đang thiếu một đốm lửa của niềm tin, đốm lửa này một khi được bùng lên sẽ phá vỡ bóng tối dày đặc đang che khuất niềm hy vọng nơi họ, sẽ làm cho gương mặt của họ tươi vui thay vì sầu buồn, sẽ giúp họ phấn khởi quay lại Giê-ru-sa-lem để sống đời truyền giáo, thay vì quay về chốn cũ. Chúa Giê-su đã thắp lên đốm lửa ấy, đó là lời Chúa và Thánh Thể, đốm lửa ấy làm biến đổi tâm hồn và cuộc đời họ, khiến họ chia sẻ rằng lòng họ bừng cháy vì được nghe lời Chúa và gặp Chúa.

Mời Bạn: Những khi nghe lời Chúa, mỗi khi tham dự thánh lễ, bạn hãy sống kinh nghiệm của hai môn đệ Em-mau: lòng bừng bừng cháy và mắt sáng lên vì nhận ra Chúa.

Sống Lời Chúa: Trong ngày sống hôm nay, bạn hãy chia sẻ cho người khác niềm vui gặp Chúa Phục Sinh của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, làm chứng về công việc và lời nói của Chúa thì không khó, nhưng khó là chỉ nói mà ít bắt chước theo Chúa. Xin cho con mỗi ngày theo Chúa không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động nữa. Amen. [Mục Lục]

 

20/04/15 THỨ HAI TUẦN 3 PS

Ga 6,22-29

VÌ NHỮNG GIÁ TRỊ CAO HƠN…

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn.” (Ga 6,27)

Suy niệm: Thánh giám mục Gio-an Kim Khẩu nói rằng con người như bị ‘đóng đinh’ vào những sự vật của đời này. Thử quan sát quanh mình và thấy ngài nói có lý! Nhà doanh nghiệp đầu tư thời giờ, tiền bạc để có thêm lợi nhuận; viên chức tìm mọi cách để được thăng quan tiến chức, kể cả bằng cách ‘chạy’ cửa hậu; nông dân đêm ngày trông mong thời tiết thuận hoà để được vụ mùa bội thu; công nhân đấu tranh, đình công để được tăng lương; kẻ ‘no cơm rửng mỡ’ chỉ mong vui chơi trác táng sa đoạ; nghệ sĩ miệt mài đêm ngày để có những tác phẩm để đời… Hối hả hay chậm rãi, say mê hay bất đắc dĩ, siêng năng ‘cày’ hay lao động sơ sơ ‘trớt quớt’, tất cả tâm trí, tay chân chúng mình như bị ‘đóng đinh’, bị dán chặt vào các giá trị của cuộc sống này, không còn chỗ cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.

Mời Bạn: Đáp lại lời Đức Giê-su, mời bạn hãy ra công làm việc không phải chỉ nhằm có của ăn của để, mua sắm đồ đạc tiện nghi, vui chơi giải trí, hay chỉ để tồn tại qua ngày, nhưng còn vì những giá trị đem lại sự sống đời đời như “Tám Mối Phúc Thật” (khó nghèo, khiết tịnh, hiền lành, công chính…), xây dựng nền văn minh tình thương…

Sống Lời Chúa: Sống tốt đẹp những giá trị trần thế (nghề nghiệp, gia đình, học đường, giao tế) để tôn vinh Thiên Chúa cho người chung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Cha chí nhân, vũ trụ trái đất và tài nguyên của nó, là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. (Rabbouni) [Mục Lục]

 

21/04/15 THỨ BA TUẦN 3 PS

Th. An-xen-mô, giám mục, tiến sĩ HT Ga 6,30-35

BÁNH CỦA THIÊN CHÚA

“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực… bánh đem lại sự sống cho thế gian.” (Ga 6,32-33)

Suy niệm: Khi Chúa Giê-su nói: “Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời,” Ngài muốn nói thứ bánh man-na trong hoang địa chưa phải là bánh bởi trời, mà là bánh Ngài sẽ ban trong bữa Tiệc Ly, đó là phép Thánh Thể. Phép Thánh Thể ấy trở thành dấu chỉ cho thấy Chúa yêu ta đến cùng (Ga 13,1), là nguồn sống đích thực cho ta, vì Thịt Máu Ngài ban tặng không phải là Thịt Máu của một xác chết, nhưng của Đấng Phục Sinh. Thật vậy, thân xác Chúa phục sinh trở nên bất tử, thật sự đem lại cho con người sự sống đời đời: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi không hề phải đói”(c. 35). Ta tin và đón nhận bánh trường sinh ấy với lòng tin yêu cảm mến, vì dựa trên chính lời quả quyết của Chúa Giê-su. Nhờ siêng năng rước Chúa, ta sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Mời Bạn: Ngày nay, một số tín hữu không còn siêng năng lãnh nhận Thánh Thể hoặc lãnh nhận bí tích này một cách máy móc, vô hồn, vô cảm. Bạn có xác tín công cuộc Tân Phúc Âm Hóa hiện nay sẽ bị hụt hơi nếu không được tiếp sức bằng bánh của Thiên Chúa, bánh ấy chính là Lời và Thánh Thể của Chúa Giê-su, tác nhân chính của mọi cuộc canh tân? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm của mình về bí tích Thánh Thể cho anh chị em, cũng như lắng nghe trải nghiệm của người khác.

Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ mỗi khi có thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã ban chính Thịt Máu Chúa cho con. Xin ban sự sống đời đời cho những ai thành tâm và siêng năng “ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” mỗi ngày. [Mục Lục]

 

22/04/15 THỨ TƯ TUẦN 3 PS

Ga 6,35-40

CÁM ƠN CHÚA ĐÃ SĂN SÓC CON!

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)

Suy niệm: Chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su kể lại rằng cuộc đời chị được Chúa Giê-su săn sóc thật đặc biệt. Chị kể, thuở nhỏ, chị rất thích hoa. Vì thế, chị nghĩ, khi vào Dòng Kín rồi, chị sẽ không còn thưởng thức và nhìn ngắm những bông hoa xinh đẹp nữa. Thế nhưng, hơn cả mong đợi của chị, khu vườn nhà kín trồng thật nhiều hoa. Trong tập sách Chuyện một tâm hồn chị viết: Chúa đã cưng chiều con quá đỗi. Chúa ban cho con hơn lòng con mong đợi. Quả thật, đúng như Chúa đã hứa, Chúa sẽ chăm sóc cho những ai bỏ mọi sự mà theo Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng tỏ lộ cho chúng ta rằng: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” Chúa Giêsu không chỉ nuôi chúng ta hôm nay và ngày mai, bằng của ăn, thức uống; Ngài còn nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng là chính Mình Máu Ngài, để chúng ta sống đời đời.

Mời Bạn: Cuộc đời bon chen với bao lắng lo cho cơm áo gạo tiền lắm khi chiếm hết tâm trí bạn, làm bạn mệt mỏi. Chúa Giê-su đã chẳng nói: Chúa cho tôi ăn uống, để tôi không đói khát bao giờ sao? Sao bạn không dừng lại và tự hỏi lòng mình: Tôi ơi, tại sao tôi không buông cuộc đời tôi cho Chúa Giêsu săn sóc?

Sống Lời Chúa: Sắp xếp công việc để có thể tham dự thánh lễ ngày thường để có thể lãnh nhận bí tích Thánh Thể thường xuyên hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tạ ơn, vì Chúa đã cho con được tái sinh làm con cái Chúa và nuôi dưỡng con bằng Mình Máu Thánh. Xin cho con nhìn thấy, mà thêm tin tưởng vào Chúa. [Mục Lục]

23/04/15 THỨ NĂM TUẦN 3 PS

Th. A-đan-be-tô, giám mục, tử đạo Ga 6,44-51

SỨC MẠNH TÌNH YÊU

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)

Suy niệm: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống.” Để nói được điều nầy, Con Thiên Chúa đã thực hiện ‘cú đúp’ gồm hai cuộc biến đổi: thứ nhất, nhập thể làm người; thứ đến, biến mình thành tấm bánh. Một việc kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của con người! Nhưng với cử tọa bấy giờ, câu nói đó thật khó nghe; các môn đệ cũng trách Ngài “sao mà chướng tai quá!” Nhưng đôi khi trong cuộc sống, có những việc mà đối với người này là điên dại, nhưng lại là chọn lựa ưu tiên, tối hậu với người kia: một chàng đẹp trai sáng sủa lại đi cưới một cô gái ‘ma chê quỷ hờn’, người đó ‘ngon lành’ như thế sao lại đi tu nhỉ?… Và cuộc sống sẽ tốt biết bao khi mọi hành vi đều được thúc đẩy bởi tình yêu. Phần Chúa Giê-su Ngài biết mình phải làm gì và tại sao làm vậy; chính tình yêu đã thúc đẩy Ngài làm những việc có vẻ ‘điên dại’ như thế!

Mời Bạn: Thế giới này Thiên Chúa dựng nên chưa hoàn hảo, cả ơn cứu độ cũng chưa hoàn thành, nghĩa là sứ mạng của mỗi người vẫn còn đó. Làm gì ư? Hãy yêu đi rồi bạn biết mình phải làm gì.

Chia sẻ: Tình yêu, nói thì dễ nhưng sống thật khó, tự bạn nỗ lực hay đã kín múc nó từ đâu?

Sống Lời Chúa: Thánh Thể là Bánh từ trời xuống, hãy vượt qua rào cản và đến với nguồn thần lương ấy mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể là nguồn mạch mọi ơn phúc, xin đổ tình yêu Chúa đầy tâm hồn con; xin cho con yêu thương bằng tình yêu của Chúa, để mỗi điều con nghĩ và mọi việc con làm đều là một nghĩa cử yêu thương, ngõ hầu cùng với Chúa, con làm cho thế giới quanh con trở nên tốt đẹp hơn. [Mục Lục]

 

24/04/15 THỨ SÁU TUẦN 3 PS

Th. Phi-đen Dích-ma-ring-gân, linh mục Ga 6,52-59

LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người đó sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54)

Suy niệm: Dân chúng ở hội đường Ca-phác-na-um hôm ấy chắc hẳn đã sởn gai ốc kinh ngạc khi nghe những tuyên bố “giật gân” của Chúa Giê-su về của ăn trường sinh: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” Họ vốn biết man-na là của ăn mà Thiên Chúa đã ban cho cha ông họ trong suốt hành trình bốn mươi năm sa mạc. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là của ăn vật chất nuôi sống họ trong một thời gian nhất định mà thôi. Chúa Giê-su khiến người ta sững sờ khi xác nhận rằng thịt và máu ngài chính là man-na mới, có sức đem lại sự sống trường sinh! Ngài lặp lại đến bốn lần cặp từ ăn thịt và uống máu (cc. 53-56) để nhấn mạnh tầm quan trọng vô song của thần lương này đối với ơn cứu độ con người. Ai ăn thịt và uống máu Chúa Giê-su thì được kết hiệp với Ngài, được sự sống đời đời làm gia nghiệp, và được sống lại trong ngày sau hết.

Mời Bạn: Thịt và máu được hứa ấy đã được đóng ấn bởi Bữa Tiệc Ly và được thực hiện bằng cái chết thập giá của Chúa Giêsu, được hiện tại hoá trong thánh lễ nơi bí tích Thánh Thể; nơi đó Ngài tiếp tục chịu hiến tế để dưỡng nuôi linh hồn ta bằng Mình và Máu rất châu báu của Ngài. Đây là mầu nhiệm đức tin của chúng ta. Bạn thường chuẩn bị tâm hồn và thái độ thế nào mỗi khi đi dự tiệc Thánh? Bạn có cảm nhận sâu xa niềm vui được cứu độ mỗi khi rước Chúa vào lòng, hay chỉ thực hành một cách máy móc theo thói quen?

Sống Lời Chúa: Siêng năng tham dự thánh lễ ngày thường và dọn mình rước Mình Thánh Chúa cách sốt sắng.

Cầu nguyện: Hát: “Ta là Bánh hằng sống…” [Mục Lục]

 

25/04/15 THỨ BẢY TUẦN 3 PS

Th. Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng Mc 16,15-20

CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,19-20)

Suy niệm: Chúa về trời, hoàn tất sứ mạng tại thế, còn các Tông Đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội, các tông đồ không đơn độc nhưng luôn “có Chúa cùng hoạt động.” Lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội chứng minh điều đó. Bất chấp những yếu đuối của con người, những thành công hay thất bại giữa trần gian, Tin Mừng vẫn luôn được rao giảng cho đến tận cùng trái đất.

Mời Bạn: Căn cứ vào lệnh truyền của Đức Ki-tô thì việc loan báo Tin Mừng phải là mối quan tâm hàng đầu của bạn và mỗi việc bạn làm phải được biến thành một hành động loan báo Tin Mừng. Thế nhưng dường như lệnh truyền này nơi bạn vẫn đang bị tê liệt? Những thăng trầm trong lịch sử có làm bạn nao núng, chao đảo, ảnh hưởng đức tin và nhuệ khí tông đồ không? Bạn nhớ rằng bạn có dấn thân hành động thì Chúa mới “cùng hoạt động với bạn.”

Chia sẻ: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Bạn nghĩ gì về lời nói đó của thánh Phao-lô? Bạn có sáng kiến gì để thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần tham dự cử hành phụng vụ, hãy chú ý lắng nghe và cảm nghiệm lời chào này: “Chúa ở cùng anh chị em”, để luôn chuẩn bị tâm hồn đón nhận cách xứng đáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin củng cố đức tin, để chúng con luôn cảm thấy Chúa ở cùng chúng con mọi ngày. Xin ban cho con ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để con dạn dĩ loan báo Tin Mừng cho anh chị em con. Amen. [Mục Lục]

26/04/15 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B

CHÚA CHIÊN LÀNH Ga 10,11-18

CẦN NHIỀU MỤC TỬ NHÂN LÀNH

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê không phải là mục tử.” (Ga 10,11-12)

Suy niệm: Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ Chúa Chiên Lành và kêu gọi cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ. Theo thống kê của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số người theo đuổi ơn gọi nay giảm đi một nửa so với 50 năm trước, cứ 1000 tín hữu thì chỉ có 1 người sống ơn gọi linh mục tu sĩ. Con số ấy không làm Giáo Hội an tâm trước nhu cầu con người thời đại đang cần sự chăm sóc của các mục tử. Cầu nguyện là giải pháp đầu tiên như Chúa dạy, “các con hãy xin chủ ruộng.” Đức Bê-nê-đi-tô đã nói: nơi nào người ta nhiệt tâm cầu nguyện, nơi đó có nhiều ơn gọi. Thứ đến, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi. Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định, dù có nhiều người trẻ không dám sống “chuẩn mực cao của đời sống Ki-tô hữu thường nhật”, Giáo hội vẫn không ngừng cầu nguyện cho người trẻ “dám đánh liều đời mình cho lý tưởng thanh cao”, bởi “Ki-tô hữu được chọn không phải cho những chọn lựa mọn hèn, mà hướng đến những nguyên lý cao cả nhất.” Ơn gọi nơi người trẻ là hạt giống tốt Chúa gieo vào lòng họ, để họ nên giống Ngài, nhưng hạt giống đó thường bị quỷ dữ lấy đi, lôi kéo người trẻ chọn theo con đường có vẻ thoải mái hơn. Tuy nhiên, niềm vui chỉ đến với những ai đáp lại lời mời gọi từ trên cao.

Mời Bạn: Nhìn vào cơn đói Thiên Chúa của con người thời nay và suy nghĩ về sự cần thiết của ơn gọi linh mục tu sĩ.

Sống Lời Chúa: Khích lệ một người trẻ đi tu.

Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán…” [Mục Lục]

 

27/04/15 THỨ HAI TUẦN 4 PS

Ga 10,1-10

CHÂN DUNG VỊ MỤC TỬ TỐT LÀNH

“Người giữ cửa mở cho anh ta vào và chiên nghe tiếng của anh. Anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Khi chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” (Ga 10,3-4)

Suy niệm: Người giữ cửa là Thiên Chúa Cha, Ngài sai Đức Giê-su, Con của Ngài đến trong thế gian, trao ban cho Người công việc chăn dắt đàn chiên và đưa chúng trở về cùng Cha. Công việc của Đức Giê-su là đến cứu chuộc loài người chúng ta. Những phẩm tính của Đức Giê-su, Vị Mục tử nhân lành và chính hiệu, đó là: gọi tên từng con – dẫn chiên ra – đi trước chúng.

Mời Bạn chiêm ngắm thái độ chân tình và thân thương của Đức Giê-su: °Ngài chăm sóc và gọi tên từng con! vuốt ve con béo tốt, nâng niu con yếu gầy, hỏi han tình trạng của từng con! Mỗi con là một giá trị độc đáo đối với Ngài; °dẫn chúng ra, một cách chăm sóc gần gũi, thân thương, Ngài dẫn chúng đi tìm đồng cỏ xanh tươi, suối nước mát trong!° đi trước chúng, vì Ngài lường trước những nguy hiểm đang rình chờ đàn chiên! Chúng cần được Ngài bảo vệ, che chở, giữ gìn chống lại trộm cướp và thú dữ!

Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm được tâm tình và thái độ riêng tư, ân cần, chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ, che chở và yêu thương thật sự của Chúa trong đời bạn chưa? Nếu có, mời bạn chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng quý báu của bạn ! Nếu chưa, thì giờ đây mời bạn hãy để cho Lời Chúa động chạm đến lòng trí bạn, để Ngài trao ban cho bạn cảm nghiệm tuyệt vời ấy!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Vị Mục tử nhân lành của con! Con yêu mến Chúa![Mục Lục]
 

28/04/15 THỨ BA TUẦN 4 PS

Th. Lu-y Ghi-nhông đơ Mông-pho, linh mục Ga 10,22-30

LẮNG NGHE VÀ ĐI THEO

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10,27)

Suy niệm: Mời bạn quan sát một ổ chim non mới nở: Giữa muôn vàn tiếng động xung quanh, những chú chim non vẫn ngủ say trong tổ trong khi chim mẹ bay đi tìm mồi. Nhưng khi chim mẹ bay về, miệng ngậm miếng mồi và đậu nhẹ lên tổ, lũ chim non liền nháo nhác, miệng kêu “chíp chíp” liên hồi. Những đôi mắt chưa mở, những cái miệng há rộng chờ chim mẹ mớm cho những miếng ăn. Dù không thấy nhưng chúng biết chắc đó là mẹ chúng, chúng sẽ được ăn và được an toàn. Hình ảnh những con chiên chủ chiên cũng như vậy. Chúng phân biệt được tiếng chủ khác với tiếng người lạ. Chúng đi theo chủ chăn, vì chúng biết rằng ở đó chúng được nuôi sống và được an toàn. Chúa Giê-su ví mình như người chủ chăn đó; ai nghe và đi theo tiếng của Ngài thì được sống: được “sống dồi dào” và “sống đời đời” (x. Ga 10,10; 6,58).

Mời Bạn: “Mỗi người Ki-tô hữu, trong đó có con, đều được Chúa mời gọi nên thánh. Đừng sợ! Thiên Chúa là Đấng Thánh vẫn luôn phù hộ và đỡ nâng con. Cứ bám chặt vào Ngài chắc chắn con sẽ làm thánh” (Hồng Y Ph.X. Nguyễn Văn Thuận).

Chia sẻ: Điều gì hiện nay đang làm cản trở bạn không “nghe” được tiếng của Chúa và “đi theo” Ngài?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thưa với Chúa như thánh Phê-rô đã thưa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, vì Thầy mới có lời ban sự sống” (Ga 6,68).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa cuộc sống luôn bị lôi cuốn bởi những âm thanh của công việc và trách nhiệm. Xin cho con biết lắng “nghe” được tiếng Chúa và “làm theo” trong Sự Thật, Công Bằng và Tình yêu. Amen. [Mục Lục]

 

29/04/15 THỨ TƯ TUẦN 4 PS

Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT Ga 12,44-50

ĐỨC GIÊ-SU, VỊ TRUYỀN GIÁO KHIÊM NHU

Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi thì không phải là tin vào tôi mà là tin vào Đấng đã sai tôi. Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.” (Ga 12,44-45)

Suy niệm: Đức Giê-su luôn minh định mình chỉ là ngôn sứ “nói những lời của Thiên Chúa” (Ga 3,34), rằng giữa Ngài và Chúa Cha có một sự kết hợp mật thiết là Người Con Chí Ái luôn vâng phục, là “kẻ được Cha sai đến” “để thực thi ý Chúa Cha” (Ga 12,27; Dt 10,5-7). Ngài đã không ngừng dẫn đưa nhân loại đến gặp gỡ Chúa Cha và giúp họ trải nghiệm mối thâm tình “Cha-Con” với Chúa Cha nơi Ngài.

Mời Bạn: Đức Giê-su cho thấy Ngài là nhà truyền giáo đích thực: là người đến không phải để nói về mình mà là nói lời của Chúa Cha và tỏ cho chúng ta biết chương trình cứu rỗi của Ngài. Noi gương Đức Giê-su, bạn không thể là một nhà truyền giáo nếu không sống cách mật thiết mối tình Cha-con ấy với Chúa Cha trong Đức Ki-tô và dùng chính cuộc sống bản thân để làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu cứu độ.

Sống Lời Chúa: Truyền giáo không chỉ bằng một số công việc mà là truyền giáo thường xuyên bằng việc kết hợp sâu xa với Chúa trong lời cầu nguyện và bằng đời sống diễn tả Thiên Chúa là Đấng tốt lành và yêu thương con người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế gian đã không muốn đón nhận ánh sáng Lời Chúa, họ đã bị thất bại, nhưng chính Chúa cũng đã không lên án họ, vì Chúa đến trong thế gian để cứu rỗi chứ không phải để lên án! Xin Chúa ban cho chúng con lòng khiêm tốn đích thực và lòng nhiệt thành hăng say loan báo Lời Chúa cho mọi người anh em để anh em con và chính bản thân con cũng sẽ được ơn cứu độ của Chúa. [Mục Lục]

 

30/04/15 THỨ NĂM TUẦN 3 PS

Th. Pi-ô V, giáo hoàng. Ga 13,16-20

ĐỌC VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em.” (Ga 13,17)

Suy niệm: Có lẽ không con đường nào dài hơn con đường từ đầu đến tay, từ lý thuyết đến thực hành. Ai cũng từng cảm nghiệm được sự thách đố và khó khăn khi thi hành điều mình nhận biết hay quyết tâm thực hiện. Từ chỗ biết đến chỗ sống điều mình biết không chỉ là con đường dài nhất, nhưng còn là con đường chẳng dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là trắc trở và lắm gian nan. Đang khi ấy, con đường nên thánh của người môn đệ Chúa Giê-su gồm hai bước: bước hiểu biết Lời Chúa và bước thực hiện Lời ấy, nhất là qua việc phục vụ tha nhân với lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), nghĩa là biết đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Thực hiện được hai bước song hành này là ta thật sự trở nên những chứng nhân sống động cho tình yêu Chúa giữa xã hội hôm nay.

Mời Bạn: Đừng bao giờ hài lòng vì đã đọc Lời Chúa mỗi ngày, vì bạn còn thiếu bước hai, là thực hiện Lời Chúa ấy mỗi ngày, nhất là qua việc sống đức ái với những người lân cận. Để chu toàn đức ái Kitô hữu, bạn hãy bắt đầu từ những nghĩa cử yêu thương nhỏ mọn.

Chia sẻ: Chia sẻ cảm nghiệm về những khó khăn bạn phải đương đầu khi sống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thi hành Lời Chúa bằng cách phục vụ một người nghèo khó ở bên cạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con biết rằng nếu không có Chúa chúng con sẽ không làm gì được. Xin ở bên chúng con luôn mãi, ban ơn giúp sức để chúng con mau mắn thực thi Lời Chúa. Amen. [Mục Lục]

 
 
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây