Giáo xứ Vinh Hương

5 Phút Cho Lời Chúa tháng 10 - 2015

Thứ năm - 01/10/2015 10:16
Ý chung : Cầu cho việc xóa nạn buôn người : Xin Chúa cho nạn buôn người, một hình thức nô lệ mới, bị xóa tận gốc.

Ý truyền giáo : Cầu cho việc rao giảng Tin Mừng ở Á Châu : Xin cho các cộng đoàn Ki tô hữu của lục địa Á Châu, với tin thần truyền giáo, biết công bố Tin Mừng cho tất cả những ai đang mong chờ.

[Mục Lục]
 
Chúa Nhật Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu Thứ Bảy
        01 02 03
04 05 06 07 08 09 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31

01/10/15 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN

Th. Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su Mt 18,1-5
BÉ NHỎ NHƯ TRẺ THƠ

“Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

Suy niệm: Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su là vị thánh trẻ nhất (24 tuổi) được tôn vinh danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh. Lý do nào khiến thánh nhân được vinh dự chen vai thích cánh cùng các bậc thầy lừng danh về tu đức trong Hội Thánh? Thưa, vì chị đã để lại cho các tín hữu một con đường nên thánh đơn sơ, trong tầm với của mọi người, quen được gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Con đường thơ ấu ấy gồm có hai bước: trước hết là yêu mến dâng trọn con người mình, như một đứa trẻ, trong cánh tay Chúa nhân lành; thứ đến là chứng tỏ lòng yêu mến ấy "bằng cách rắc hoa; những bông hoa này là tất cả các hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói, và làm mọi việc bé nhỏ nhất với lòng yêu mến" (Th. Tê-rê-xa).

Mời Bạn: "Không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào mà không làm một hy sinh nhỏ, ở đây bằng gương mặt tươi cười, ở kia bằng một lời khả ái, luôn luôn làm việc đúng đắn dù nhỏ bé nhất và làm vì tình yêu mến" (Th. Tê-rê-xa). Chắc chắn mỗi ngày bạn có rất nhiều cơ hội nên thánh dần dần qua những hy sinh yêu thương nhỏ bé như vậy.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm như chị thánh Tê-rê-xa: "Hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa cứu độ đang đau khổ trong các chi thể của Hội Thánh để cứu rỗi thế gian."

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phó thác tin tưởng nơi Cha nhân lành như trẻ thơ. Vâng theo lời Chúa và theo mẫu gương của Chúa, thánh Tê-rê-xa cũng đã đi con đường thơ ấu thiêng liêng ấy. Xin cho con cũng tập tành bước đi trên con đường thơ ấu này.[Mục Lục]

02/10/15 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Các Thiên Thần hộ thủ Mt 18,1.5-10
TRONG AN BÌNH CỦA THIÊN THẦN

“Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)

Suy niệm: Một trong những nghề mới phát triển ở Việt Nam là nghề vệ sĩ. Đã có những công ty tuyển mộ và huấn luyện vệ sĩ để bảo vệ cho các ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc, doanh nhân, hay các nhân vật quan trọng. Vệ sĩ như hình với bóng, đêm hay ngày, với chủ nhân, để bảo vệ chủ của mình. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có một vệ sĩ đang gìn giữ mình từng giây từng phút, qua bao năm tháng cuộc đời mà chẳng đòi hỏi một đồng lương hay một đãi ngộ nào. Vệ sĩ ấy chính là thiên thần hộ thủ được Chúa cắt cử chăm sóc mỗi người trong cuộc đời. Giống như vệ sĩ, thiên thần hộ thủ hiện diện bên cạnh chúng mình như hình với bóng, để canh phòng sự dữ làm hại chúng ta; thế nhưng, ngài cũng đành bó tay khi chúng ta dùng tự do để khước từ sự hướng dẫn của ngài.

Mời Bạn: P. Corde có cái nhìn thật ảm đạm về tình bằng hữu: “Cách hay nhất để giữ bền các bạn hữu là không bao giờ mượn họ một tí gì, cũng chẳng bao giờ để họ nợ một tí gì.” Chỉ có thiên thần hộ thủ là người bạn thân mà bạn có thể nợ rất nhiều và nợ suốt đời. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng giữ tình bạn hữu qua việc nhạy bén nhận ra và vâng theo sự hướng dẫn của ngài.
Sống Lời Chúa: Cố gắng nhận diện và vâng theo sự hướng dẫn sống theo ý Chúa của thiên thần hộ thủ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã chỉ cho chúng con biết có thiên thần hộ thủ đang hiện diện bên cạnh chúng con. Xin cho chúng con mau mắn vâng theo ý Chúa qua sự hướng dẫn của thiên thần hộ thủ, trong từng giây phút cuộc đời chúng con. Amen.[Mục Lục]

03/10/15 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,17-24
NÊN NGƯỜI HỮU ÍCH

“Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,20)

Suy niệm: Bill Gates đã thố lộ rằng Melinda, vợ ông đã giúp ông sử dụng tài sản của một “vua máy tính” cách hữu ích. Vợ chồng Bill Gates đã lập quỹ từ thiện giúp cho các tổ chức phòng chống bệnh HIV/AIDS, bệnh lao và mang nhiều phương tiện kỹ thuật đến cho những người thu nhập thấp hoặc vô gia cư. Đối với họ, người hữu ích còn là người có mối tình thân với tha nhân, điều thường bị lãng quên trong xã hội đề cao thu nhập này. Đối với Ki-tô hữu, mối tương quan với Thiên Chúa quyết định cuộc đời của họ có hữu ích hay không. Những thành công ở đời này, dù làm cho quỷ thần phải khuất phục, chưa hẳn đã có giá trị trước mắt của Thiên Chúa, bởi nó có thể được dùng để đánh bóng đương sự, để thu hút vinh quang cho mình. Điều phải đạt đến là qui hướng mọi sự về với Chúa, về sự trên trời. Ngay cả một việc đơn sơ nhất, mặc dù yếu đuối hay bị chia trí bởi trăm công nghìn việc, tay cầm tràng hạt Mân Côi với thiện chí muốn gặp Chúa cũng đã làm nên điều hữu ích rồi.

Mời Bạn: Ngày hôm nay bạn làm được điều gì hữu ích không? Hãy kiểm tra “cổng nối kết” của bạn với Chúa trong khi làm việc thì bạn sẽ có câu trả lời.

Chia sẻ: Làm thế nào cổ động nhiều người lần hạt Mân Côi?

Sống Lời Chúa: Siêng năng lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng tại giáo phận bạn.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết sống tình thân với Chúa như Mẹ từng sống, một mối tình thân mọi lúc, mọi nơi. Xin cho tên con cuối cùng được ghi trên trời, như Mẹ được bây giờ.[Mục Lục]

04/10/15 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – B
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi Mc 10,2-16
THIÊN ĐÀNG CHO TRẺ THƠ

“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Mc 10,14)

Suy niệm: Có người nói: “Trẻ em là trường dạy người lớn.” Tin Mừng hôm nay tán đồng câu nói có vẻ nghịch lý này. Thấy các môn đệ ngăn cản trẻ em đến với mình, Chúa Giê-su “bực mình” và dạy họ phải có tâm hồn trẻ thơ thì mới được vào Nước Thiên Chúa. Tâm hồn trẻ thơ là tinh thần khiêm tốn đơn sơ. Nếu lòng ham muốn địa vị quyền hành trong xã hội đã là căn cớ cho bao nhiêu bất an xáo trộn tranh chấp thì tinh thần trẻ thơ khiêm nhu hiền hoà đơn sơ là nguồn hạnh phúc bình an và đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh lâu bền. Chúa muốn chúng ta trở nên như trẻ thơ là mặc lấy tâm tình yêu thương tín thác nơi Thiên Chúa như Chúa Giê-su, để mặc cho Thiên Chúa yêu thương và làm cho chúng ta lớn lên với những ân huệ của Ngài.

Mời Bạn: Thành thật nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ thấy rõ nhưng giới hạn yếu kém và nhất là tội lỗi của mình. Tinh thần trẻ thơ giúp chúng ta  khiêm tốn chấp nhận thân phận con người thật của mình và sẵn sàng phó thác cho lòng từ bi và quyền năng Thiên Chúa, để cho ơn thánh biến đổi mình trở nên con cái Thiên Chúa.

Chia sẻ: Có những anh chị em tân tòng rất trưởng thành về đức tin, trong khi đó những người “đạo gốc” nhưng đức tin vẫn còn trong tình trạng ấu trĩ. Bạn đang ở trong tình trạng nào?

Sống Lời Chúa: Khiêm tốn là dám nhận lỗi mình bằng cách xét mình và chân thành nghe ý kiến của người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho ơn khiêm tốn để con biết rõ con và con sống như trẻ thơ trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.[Mục Lục]

05/10/15 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Lc 10,25-37
TRỞ THÀNH NGƯỜI THÂN CẬN

“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29)

Suy niệm: Giám mục Myriel, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Những người cùng khổ” của Victor Hugo, đã cứu anh J. Valjean khỏi rắc rối với cảnh sát khi anh ăn trộm bộ muỗng đĩa của toà giám mục, lại còn tặng anh thêm mấy chân đèn bạc và nhắn nhủ: “Thôi con đi, đừng bao giờ quên lời cha. Con hãy hứa với cha là con sẽ dùng số tiền bán các đồ vật này để làm lại cuộc đời, sống lương thiện giúp ích cho xã hội.” Cảm kích trước tấm lòng nhân hậu như thế, Valjean đã được biến đổi từ một người tội phạm thành một thị trưởng gương mẫu. Lòng trắc ẩn của vị giám mục coi phạm nhân như người thân cận, minh hoạ hình ảnh người Sa-ma-ri coi nạn nhân bị cướp trên đường Giê-ri-khô như người thân cận của mình, không tiếc công sức, thời giờ, tiền bạc để cứu giúp nạn nhân trong tình huống cấp bách.

Mời Bạn: “Tránh sang bên kia đường” là cám dỗ không phải chỉ của thầy tư tế hay thầy Lê-vi, mà cũng có thể là cám dỗ cho chính bạn khi bạn dửng dưng trước những người lâm cảnh khốn cùng vì cho rằng mình không có bổn phận giúp người xa lạ hay không thân thiết với mình. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn đổi lại thái độ: khi giúp đỡ chia sẻ với ai đó bằng lời nói hay việc làm bác ái, bạn làm cho người ấy trở nên người thân cận với bạn.

Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng trợ giúp người khác không phải vì người ấy có liên hệ thân cận với tôi, mà chỉ vì người ấy đang thực sự cần tôi trợ giúp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con hay co cụm trong vòng những người thân quen. Xin giúp chúng con mở rộng vòng tay với mọi người nhất là những người bé mọn, khổ đau, nghèo đói.[Mục Lục]

06/10/15 THỨ BA TUẦN 27 TN
Th. Bru-nô, linh mục Lc 10,38-42
PHỤC VỤ KHÔNG ĐÒI THƯỞNG CÔNG

“Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.” (Lc 10,40)

Suy niệm: Ai cũng biết vở bi hài kịch cuộc đời “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” nhưng thói thường người ta vẫn cứ háo danh, làm điều gì hay cũng thích được người khác biết đến để khen tặng, để lưu danh. Người môn đệ của Đức Giê-su cũng ít nhiều lây nhiễm tinh thần thế tục ấy. Lời than phiền của cô Mác-ta hôm nay không hẳn là ghen tỵ với cô em Ma-ri-a mà còn có ý ngầm phân bua với Thầy Giê-su: con vất vả vì phục vụ Thầy mà sao Thầy không để ý tới. Chúng ta cũng hay than phiền với Chúa như vậy: con đã đọc kinh, đi lễ, tham gia hội đoàn mà sao Chúa không quan tâm đến con, sao con cứ mãi gặp khó khăn. Hãy nhớ Lời Chúa dạy như kim chỉ nam cho việc phục vụ: "anh em đã được cho không, thì cũng phải cho cho không như vậy" (Mt 10,8).

Mời Bạn: Chúng ta thường hay sống theo lối “có qua có lại mới toại lòng nhau,” so đo hơn-thiệt với Chúa trong mọi việc. Bạn hãy sống tinh thần quảng đại "biết cho đi mà không cần tính toán, biết phục vụ mà không đòi một phần thưởng nào  khác," bạn nhé!

Chia sẻ một kinh nghiệm hạnh phúc khi làm cho người khác được hạnh phúc, dù phải hy sinh nhiều.

Sống Lời Chúa: Giáo hội đang rất cần những người sống tinh thần vô vị lợi, để diễn tả một Thiên Chúa quảng đại, không tính toán với con người. Tôi sẵn lòng trở thành con người như vậy.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích” (Thánh I-nhã).[Mục Lục]

07/10/15 THỨ TƯ TUẦN 27 TN
Lễ Đức Mẹ Mân Côi Lc 1,26-38
LỜI KINH CẢM TẠ

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (Lc 1,26-38)

Suy niệm: Theo lời khai của cô bé Bernadetta trước Ủy ban điều tra của giáo quyền, khi Mẹ Ma-ri-a hiện ra với cô tại hang đá Lộ Đức, thì mỗi khi cô lần chuỗi, Đức Mẹ cũng lần chuỗi với cô. Có điều đáng lưu ý: khi cô đọc kinh Lạy Cha và Sáng danh thì Mẹ cùng đọc với cô, nhưng khi cô đọc kinh Kính Mừng thì Mẹ thinh lặng chắp tay trước ngực. Thực ra, tư thế và cử chỉ nào của Mẹ cũng đều diễn tả tâm tình ngợi khen, tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Khi đọc kinh Lạy Cha và Sáng Danh, Mẹ cung kính hợp với Đức Giê-su và toàn thể thần thánh mà ca tụng Thiên Chúa, hợp lời cầu xin với các ngài; khi nghe đọc kinh Kính Mừng, Mẹ lặng thinh chiêm ngắm và cảm tạ hồng ân lớn lao Chúa ban cho Mẹ, đó là Thiên Chúa làm người ở trong lòng Mẹ. Không phải một vài lần là thấu hiểu, mà cần phải “suy đi nghĩ lại trong lòng” suốt cả cuộc đời. Hiểu như thế, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đặt thêm Năm Sự Sáng vào kinh Mân Côi và kêu gọi tín hữu siêng năng lần hạt, bởi cứ mỗi lần đọc lời cầu nguyện đơn sơ ấy, như Mẹ Ma-ri-a, tín hữu được đào sâu đức tin và chân thành phó thác cho Chúa.

Mời bạn: Hội Thánh dành riêng tháng 10 kính Đức Trinh Nữ Mân Côi để cùng Mẹ sống mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Bạn đã biết và suy gẫm Năm Sự Sáng chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn cùng gia đình lần chuỗi chung với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết chiêm ngắm Thiên Chúa đang ở với con, như Mẹ biết lắng nghe Chúa cắt nghĩa cho Mẹ tình yêu của Ngài.[Mục Lục]

08/10/15 THỨ NĂM TUẦN 27 TN
Lc 11,5-13
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

“Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)

Suy niệm: Ngày kia thánh Clémant Hofbauer vào một quán ăn để xin giúp đỡ cho các cô nhi. Thấy vậy, một người đang đánh bài chửi bới, rồi nhổ vào mặt ngài. Ngài lặng lẽ rút khăn tay lau mặt, rồi bình thản nói: “Đó là phần ông cho tôi. Còn phần cho các em cô nhi của tôi đâu?” Ông này há mồm kinh ngạc, xin lỗi, rồi vui vẻ dốc hết túi tiền tặng ngài. Nhờ kiên trì, thánh nhân rốt cuộc đã đạt được ước nguyện. Đức Giê-su dạy khi cầu nguyện, ta cũng cần kiên trì tin tưởng, cho thấy lòng chân thành cũng như phó thác tuyệt đối nơi Chúa. Ngài  hứa rằng chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời ta cầu xin, nhưng theo cung cách khôn ngoan, nhân hậu của Ngài. Vậy mà nhiều lần chúng ta vội vàng thất vọng, cho rằng Ngài thinh lặng, làm ngơ.

Mời Bạn: Lắm lúc gặp các biến cố xảy ra không như mong muốn, bạn cảm thấy Chúa chẳng thương, hay chẳng có Chúa. Những lúc ấy, bạn nhìn lại xem mình đã phó thác cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa hay đang cố nài ép Chúa làm theo ý mình? Bạn hãy tiếp tục kiên trì gõ cửa, tìm kiếm ý Chúa trong đời. Ngài không ban hay chưa ban vì những lý do chỉ mình Ngài biết, vì Ngài thông biết, thấy trước mọi sự.

Sống Lời Chúa: Tôi tập kiên trì cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, khi được nhận lời cũng như lúc chưa được, để thánh ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa kiên nhẫn lắng nghe và nhân hậu nhận lời con cầu xin theo cung cách của Chúa. Xin dạy con đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng kiên trì tìm kiếm, gõ cửa vì “ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ.” Amen.[Mục Lục]

09/10/15 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Th. Đi-ô-ni-si-ô, giám mục và các bạn tử đạo Lc 11,15-26
QUỶ KHÔNG THỂ CHỐNG QUỶ

“Nếu Sa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” (Lc 11,18)

Suy niệm: Giải thích những phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ của Chúa Giê-su, người Do Thái cho rằng Ngài lấy danh quỷ tướng mà trừ quỷ con. Thực ra, Chúa Giê-su còn có thể làm những việc kỳ diệu, tốt đẹp mà quỷ ma không thể nào làm được. Tuy nhiên, do sự cứng lòng và ghen tương, họ không nhận ra hay không muốn chấp nhận những việc tốt lành Ngài thực hiện. Trừ quỷ mà dùng sức quỷ thì chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông,” tự hủy diệt chính mình! Hơn nữa, các hành động của Chúa Giê-su nhằm triệt hạ dứt khoát sự hoành hành của ma quỷ trong đời sống con người thì không thể nào Ngài có hành vi thoả hiệp với ma quỷ được. Vậy, những việc tốt đẹp Chúa Giê-su làm cho con người minh chứng Ngài từ Thiên Chúa mà đến, là Đấng Thiên Sai.

Mời Bạn: Nhiều người vẫn sợ quyền năng ma quỷ, hoặc dựa vào thế lực của chúng trong việc sử dụng ma thuật, bùa ngải, hay chạy theo chúng trong lối sống xấu xa, truỵ lạc. Đời sống thiêng liêng là một cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống lại ma quỷ. Trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội chúng ta tuyên bố từ bỏ ma quỷ để tin vào Thiên Chúa. Bạn có muốn đi tới cùng với Chúa Giê-su trong cuộc chiến chống lại ma quỷ này không?

Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực từ bỏ một thói xấu, như một cách trừ khử sự dữ của ma quỷ nơi mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa thế gian đầy dẫy sa đọa và gian tà này, xin cho con sức mạnh để dứt khoát tin theo và thực thi  lời Chúa dạy. Bắt cá hai tay sẽ lại “làm cho tình trạng của con còn tệ hơn trước” (Lc 11,26). Amen.[Mục Lục]

10/10/15 THỨ BẢY TUẦN 27 TN
Lc 11,27-28
MỐI PHÚC THỨ CHÍN

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.” (Lc 11,28)

Suy niệm: Tám mối phúc thật được Chúa gồm tóm vào một mối: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Lắng nghe chưa đủ, còn phải thực hành. Không thể thực hành đúng, nếu không lắng nghe và hiểu cho đúng. Nêu lên “mối phúc thứ chín” này Chúa Giê-su ngầm tôn vinh Đức Mẹ không chỉ vì đã “cưu mang và cho Ngài bú mớm” mà còn vì Mẹ nêu gương sống khiêm nhu đón nhận Lời Chúa, suy niệm trong lòng, và thực hành. Mẹ đúng là người có phúc.

Mời Bạn: Chúng ta có biết bao nhiêu dịp nghe Lời Chúa: nào là khi tham dự thánh lễ, nào là đọc và suy niệm Lời Chúa cá nhân hoặc trong gia đình. Nhưng có thật chúng ta đã tận dụng những dịp tốt này để nghe Lời Chúa chưa? Hoặc giả chúng ta vẫn nghe, nhưng phải chăng chúng ta vẫn mãi chưa là người có phúc, bởi chúng ta nghe cách lơ đễnh, không nghe với lòng tin yêu, không chú tâm suy gẫm, hầu có thể sống Lời Chúa. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta chỉnh đốn lại cung cách nghe-hiểu-sống Lời Chúa. Đừng để Lời Chúa đến với bạn rồi qua đi vô ích!

Chia sẻ: Gia đình bạn, cá nhân bạn đã dành những thời gian nào để đọc, nghe Lời Chúa? Và đã có những quyết tâm cụ thể để thực hành Lời Chúa chưa?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm ngay hôm nay tận dụng mọi cơ hội để thực hành lời Chúa dạy ngõ hầu hạt giống Lời Chúa trổ sinh những bông hạt mới để dâng lên Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để hôm nay trôi đi mà không đưa con tiến thêm một bước trên đường sống theo Lời Chúa, để con được hưởng phúc dành cho kẻ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Amen.[Mục Lục]

11/10/15 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B
Mc 10,17-30
BẠN CÒN THIẾU MỘT ĐIỀU

“Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ còn thiếu một điều.” (Mc 10,20-21)

Suy niệm: Chúa Giê-su không phủ nhận giá trị của ước muốn nên thánh nơi người thanh niên khi đến hỏi Chúa con đường nên thánh. Ngài cũng không chê bỏ khát khao sống thánh thiện của các Ki-tô hữu hôm nay. Giữa một thế giới sa sút đạo đức mà giữ được những điều răn của Chúa dạy đã là đáng nể phục rồi! Giữa một xã hội tục hoá như hôm nay mà giữ ngày Chúa Nhật hay đọc kinh đã là lối sống đạo đức đáng trân trọng rồi! Nhưng Chúa Giê-su vẫn cho là chưa đủ: ông bà còn thiếu một điều, anh chị còn thiếu một điều, em còn thiếu một điều, nghĩa là còn bước dấn thân nữa thôi sẽ đi theo Chúa trọn vẹn. Nhưng dường như có một sơi dây đang cột chặt, không cho người thanh niên và chúng ta tiến thêm một bước nữa theo Chúa cho trọn: sợi dây hám lợi, sợi dây chức phận, sợi dây biếng nhác, sợi dây đam mê thấp hèn, sợi dây tật xấu. Nơi cá nhân và gia đình, chỉ mỗi chúng ta mới biết được điều mình đang thiếu là gì, khiến mình chưa trọn thuộc về Chúa. Thánh Phao-lô chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm nên thánh của ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Ki-tô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết tất cả và coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và kết hợp với Ngài” (Pl 3,7-8).

Mời Bạn: Một bước nữa thôi sao mà khó quá với người thanh niên giàu có trong Tin Mừng. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày lặp lại với Chúa quyết tâm nên thánh.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha.[Mục Lục]

12/10/15 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Lc 11,29-32
ĐẶC ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM

“Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na giảng; mà đây thì còn hơn ông Gio-na nữa.” (Lc 11,32)

Suy niệm: Ni-ni-vê là thủ đô của nước Át-si-ri-a và người dân Ni-ni-vê nổi tiếng hung dữ và hiếu chiến. Vậy mà vừa nghe lời Giô-na rao giảng, từ vua quan đến thứ dân đều ăn năn sám hối. So với họ, dân Do Thái được chính Chúa Giê-su đích thân làm cho họ những điềm thiêng dấu lạ nhiều hơn gấp bội phần. Chúa đã ban cho họ những điều kiện tối ưu để đến với Chúa và lãnh nhận ơn cứu rỗi nhưng họ đã khước từ. Vì thế họ sẽ bị kết án nặng nề hơn trong ngày phán xét vì sự cứng tin của mình.

Mời Bạn: Đặc ân luôn đi liền với trách nhiệm. Người lãnh nhận ơn Chúa phải biết ơn Ngài và có thái độ đáp trả tương xứng, bằng không họ phải trả lẽ về sự từ chối với ơn Chúa của mình. Ngày nay con người chịu tác động của trào lưu tục hoá, không nhận ra sự hiện diện của Chúa và tình thương của Ngài. Vì thế thay vì biết ơn Chúa và yêu mến Ngài, họ mải mê chạy theo vật chất, quyền lực và lạc thú. Trách nhiệm của con người trước những hồng ân của Chúa thật nặng nề biết bao!

Sống Lời Chúa: Dù bận rộn nhiều việc nhưng tôi luôn biết dành thì giờ hồi tâm mỗi ngày để ra ơn Chúa và tình thương của Ngài dành cho tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho  con đức tin mạnh mẽ để con nhận ra Chúa đang đồng hành với con dưới muôn vàn dáng vẻ. Chúa đang nói trong Lời Chúa, đang trao ban sức sống mới trong Thánh Thể. Xin đừng để con đánh mất cơ hội gặp Chúa đang đến với con trong từng con người, từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.[Mục Lục]

13/10/15 THỨ BA TUẦN 28 TN
Lc 11,37-41
THANH TẨY TRONG TÂM HỒN

Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-sêu mời Người dùng bữa rằng: “Này, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)

Suy niệm: Trong thời đại này, giới kinh doanh luôn tìm mọi cách để cải tiến mẫu mã sao cho hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Không ít nhà sản xuất đã dùng mẫu mã để làm hoa mắt khách hàng. Trong cuộc sống, không biết tự bao giờ con người đã để mình bị cuốn theo những hình thức bên ngoài mà quên đi cốt lõi bên trong. Tệ hơn nữa, nhiều người dùng lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài để che đậy những âm mưu đen tối. Và cũng từ đó nhiều người thực hành các việc đạo đức chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài hay biến nó thành lớp vỏ che đậy những dự tính đầy tà tâm. Tôn giáo đối với họ nặng về lễ nghi hơn là tâm tình với Thiên Chúa. Người ta tổ chức những cuộc lễ lớn, kiệu rước linh đình rất tốn kém nhưng lại từ chối giúp đỡ anh chị em đang túng thiếu. Trong khi đó, “Thiên Chúa muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ” (Mt 9,13) thì sao?

Mời Bạn: Bạn nghĩ gì khi các em thiếu nhi sẵn sàng dành thời gian để tập hát, tập múa trong các dịp lễ Phục Sinh, Giáng Sinh nhưng lại ít tham dự Thánh Lễ và ngại làm việc bác ái?

Chia sẻ: Làm thế nào để tránh óc vụ hình thức trong công việc đạo đức?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần chuẩn bị trang phục đi dự Thánh Lễ, chúng ta đừng quên chuẩn bị tâm hồn để mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần rước lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống thành thực với Chúa và với anh em. Xin cho con thực hành các công việc đạo đức chỉ vì yêu mến Chúa mà thôi.[Mục Lục]

14/10/15 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Ca-lít-tô, giáo hoàng, tử đạo Lc 11,42-46
KHOE VIỆC NHỎ, BỎ VIỆC LỚN

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)

Suy niệm: Trong xã hội Do Thái ngày xưa, chế độ thuế thập phân chỉ đánh trên những khoản thu nhập chính như lúa mì, rượu nho… còn những khoản thu nhập chẳng đáng là bao từ những thứ hoa màu phụ như bạc hà, vân hương, các loại rau cỏ, thì không buộc. Những người Pha-ri-sêu tự nguyện đóng thuế thập phân những cây trồng phụ thêm ấy là tốt. Nhưng điều làm cho họ mất tốt là họ đóng thuế để tìm tiếng khen và để lập “thành tích” như những thứ trang điểm cho con người bên ngoài của họ; trong khi đó họ bỏ qua những việc quan trọng, cần ưu tiên làm như công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa. Họ đã sai lầm vì thích chú tâm làm việc tốt nhỏ mà bỏ trách nhiệm thi hành việc giá trị lớn.

Mời Bạn: Câu chuyện Tin Mừng cả 2000 năm, nhưng vẫn mới mẻ như chuyện thời sự và đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Lời Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu thời xưa là lời sống động đang nhắc nhở chúng ta. Não trạng thích tìm tiếng khen, khoe thành tích, đang phổ biến thời nay, có nguy cơ làm cho mình thích tìm những đồ “trang trí” rẻ tiền cho bộ mặt của mình bằng những việc làm tốt phụ mà bỏ qua các bổn phận chính đó bạn!

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm việc gì thì hãy làm cho sáng danh Cha, đừng làm cho “sáng danh ta”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con có lý trí để hiểu đâu là điều quan trọng phải ưu tiên làm. Xin ban cho chúng con biết quên mình để chúng con chỉ lo dấn thân làm vinh danh Chúa.[Mục Lục]

15/10/15 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-xa Giê-su, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh Lc 11,47-54
KHỐN THAY!

“Các ngươi đã giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” (Lc 11, 52)

Suy niệm: Luật sĩ và Pha-ri-sêu thay vì dùng kiến thức và địa vị của họ trong xã hội để phục vụ, họ lại thường ‘lên mặt ta đây’, thích phô trương, chú trọng những việc chi li hình thức mà “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”, “thích ngồi ghế đầu trong Hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng”, “thích chất lên vai kẻ khác những gánh nặng nề nhưng chính mình thì không đụng ngón tay vào” (x. Lc 11,37-46). Sau khi ‘kể tội’, Chúa Giê-su ‘tổng kết’ bản cáo trạng Luật sĩ và Pha-ri-sêu bằng ‘tội danh’ “giấu chìa khoá” vì hai lý do: - lời giảng dạy của họ giết chết tinh thần YÊU THƯƠNG là cốt lõi của lề luật, biến luật trở thành gánh nặng; - lối sống giả hình của họ là cớ vấp phạm cho nhiều người.

Mời Bạn: Trong bối cảnh cá nhân chủ nghĩa của thế giới hôm nay, “bản chất luật sĩ và Pha-ri-sêu” càng dễ có cơ hội bùng phát nơi các giáo xứ, cộng đoàn tu trì, nơi những người được coi là “công giáo” nhất. Liệu bạn có mắc tội “giấu chìa khoá”, trở thành vật ‘cản mũi kỳ đà’ chắn ngang cửa vào Nước Trời không?

Sống Lời Chúa: Sau một ngày làm việc, học hành… bạn dành ít phút để nhìn lại chính mình để phát hiện “bản chất luật sĩ và Pha-ri-sêu” nơi chính bạn. Bạn nêu quyết tâm cụ thể để sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là chủ tể muôn loài, thế nhưng Chúa đã đến trong thế gian “không phải để được người ta phục vụ nhưng là để được phục vụ muôn người” (Mt 20,28). Xin cho chúng con biết hoạ lại mẫu gương KHIÊM TỐN PHỤC VỤ của Chúa trong cách sống của chúng con. Amen.[Mục Lục]

16/10/15 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. Hét-vích, nữ tu. Lc 12,1-7
BẢO HIỂM GIÊ-SU

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa... Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném anh em vào hỏa ngục.” (Lc 12,4-5)

Suy niệm: Sợ hãi luôn ám ảnh con người. Nhỏ sợ ma, lớn sợ bệnh, già sợ chết. Người ở biển thì sợ bão, ở núi sợ lũ, ở sông sợ lụt. Giàu thì sợ mất của, nghèo lại lo cái ăn. Bởi sợ, người ta đầu tư, cắt cóp mua bảo hiểm, từ nhân thọ, lao động đến tai nạn, sức khỏe. Nhưng bảo hiểm thì bảo hiểm, người ta vẫn không hết sợ, vì không ai biết trước tương lai sẽ ra sao.

Chúa Giê-su dạy các môn đệ đừng sợ cái không đáng sợ, từ cái ăn cái mặc hằng ngày cho đến cả cái chết. Vì tất cả những thứ đó đều là phụ tuỳ, tạm bợ; tất cả đều đâu có đáng gì so với giá trị mà tình thương của Thiên Chúa đã dành cho con người. Cái đáng sợ thực sự là khi còn ở đời này đã không ăn năn hoán cải, đã chối bỏ Đấng có quyền “ném ta vào hoả ngục” đời đời.

Mời Bạn: Chúa Giê-su mời gọi ta tham gia bảo hiểm mang tên Ngài, một bảo hiểm không chỉ bảo đảm cho thân xác bạn, cũng không chỉ giới hạn ở đời này, mà bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc trọn vẹn cả hồn xác bạn, đời này cũng như đời sau.

Chia sẻ: Bạn đã từng cảm nghiệm sự bình an khi ở lại thinh lặng với Chúa trước Thánh Thể để suy niệm Lời Ngài chưa? Hôm nay mời bạn hãy thử đi nhé.

Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành là bảo đảm bạn đi đúng con đường; kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể là bảo đảm cho bạn cùng sống và cùng sống lại với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con, để con luôn tín thác vào Chúa từng phút giây đời con. Amen.[Mục Lục]

17/10/15 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo Lc 12,8-12
SỨC MẠNH CỦA TRUYỀN THÔNG

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)

Suy niệm: Chỉ mới đây thôi, người ta mới nhận ra rằng văn hoá cũng là một lãnh vực làm ăn có lời mà có khi lời rất đậm. Bằng chứng là tại nước ta các điểm kinh doanh về văn hoá (nhà sách, dịch vụ internet…) vẫn đua nhau mọc lên. Quả thật, không ai chối cãi sức mạnh của văn hoá qua các phương tiện truyền thông như sách vở, báo chí, phim ảnh, truyền hình, internet, v.v... một sức mạnh xây dựng cũng nhiều mà huỷ diệt cũng khủng khiếp. Hơn lúc nào hết, sứ mạng tuyên xưng danh Chúa “trước mặt thiên hạ” phải được đẩy mạnh bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Lời Chúa nghe được “trong phòng kín” có thể được chuyển ngay tức khắc thành “lời rao giảng trên mái nhà” mà ở mọi xó xỉnh xa xôi nhất trên thế giới đều có thể tiếp cận, truy cập được.

Mời Bạn: Người Ki-tô hữu tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ki-tô bằng chính cuộc sống của mình, điều đó đúng! Nhưng xin bạn đừng quên rằng nếu bạn không “nói” gì và không dùng những phương tiện truyền thông hiện đại để “nói” lên lời tuyên xưng của bạn, thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để loan báo Tin Mừng. Tệ hại hơn, bạn đang bỏ ngỏ cửa nhà bạn để những ảnh hưởng xấu ùa vào tác hại trên chính người thân của bạn.

Chia sẻ một sáng kiến phổ biến cho nhau cách nhanh nhất và hiệu quả nhất những chứng từ loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Điện thoại, gửi thư gửi email, vào mạng xã hội, để chia sẻ cho một người bạn một chứng từ sống đức tin mà bạn nhận được.

Cầu nguyện:  Đọc kinh Lạy Cha.[Mục Lục]

18/10/15 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – B 
Khánh Nhật Truyền Giáo Mc 10,35-45
LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,43-44)

Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân.

Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều mình đã học được nơi Chúa.

Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn, chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu tòan công tác của người được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền hành hay tham quyền cố vị hay không?
Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, không ai biết đến để làm sáng danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không đòi một quyền lợi nào.[Mục Lục]

19/10/15 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Th. Phao-lô Thánh giá, linh mục Lc 12,13-21
SINH LỢI CHO NƯỚC TRỜI

“Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)

Suy niệm: Đồng tiền liền khúc ruột. Chả thế mà người ta “lu bu tối ngày” để làm ra tiền. Có tiền đã khó, sử dụng đồng tiền càng khó hơn. Đồng tiền như thể có một ma lực khó kiềm chế. Nó gây ra điều tốt mà cũng có thể là căn cớ cho điều ác. Chúa Giê-su cũng hay đá động đến chuyện tiền bạc. Ngài không chỉ vẽ cách làm giàu, nhưng dạy cách sử dụng tiền của một cách khôn ngoan. Người giàu trong bài Phúc Âm đáng trách không phải vì ông ta giàu hay là làm ăn gian giảo, nhưng vì ông nghĩ rằng mình có tiền mua tiên cũng được: ông chỉ lo tích trữ rồi hưởng thụ mà không lo tìm Nước Thiên Chúa. Lối sống như thế, Chúa Giê-su gọi là thiếu khôn ngoan.

Mời Bạn: Xã hội ngày nay có xu hướng đánh giá con người theo khả năng tài chính. Đồng tiền đang được đề cao. Tiền có thể trở thành một ông chủ và biến ta thành tên nô lệ cho nó. Nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ dễ dàng đầu tắt mặt tối làm ra thật nhiều tiền của, rồi chạy đua theo việc mua sắm tiêu dùng mà xao lãng làm cho thêm đậm đà tình Chúa, vun đắp cho ấm áp tình người. Ki-tô hữu không khinh chê tiền của, nhưng biết rõ giới hạn và nhất là mối đe doạ của nó.

Sống Lời Chúa: Dù thu nhập của bạn có thế nào đi nữa, ít nhất bạn cũng có thể trích một khoản tiền bằng “đồng tiền của bà goá” trong Phúc Âm để dành vào việc chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cũng như đồng tiền phải sinh lời, xin Chúa giúp con biết dùng của cải Chúa ban để sinh lời cho Nước Trời.[Mục Lục]

20/10/15 THỨ BA TUẦN 29 TN
Lc 12,35-38
HẠNH PHÚC NGƯỜI TÔI TRUNG

“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,38)

Suy niệm: Chủ nhân các xí nghiệp ngày nay muốn tăng hiệu suất làm việc của công nhân thường dùng ‘chiêu’ tạo cho họ có cảm tình gắn bó với xí nghiệp như là gia đình của mình. Còn người tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su không phải là người thợ làm công ăn lương sau khi lao động ngày tám tiếng rồi về nhà mình; trái lại, người ấy ở luôn tại nhà chủ như người ăn kẻ ở trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Hạnh phúc cho kẻ phụng sự Chúa như người tôi trung không phải là sẽ được tăng lương mà thật bất ngờ: chủ sẽ đổi thân phận làm đầy tớ phục vụ họ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).

Mời Bạn: Phải chăng Chúa đã không gọi các môn đệ Ngài là bạn hữu đó sao? Ngài đã không thân hành rửa chân cho họ đó sao? Và phải chăng Chúa đã không yêu các bạn hữu Ngài đến nỗi chịu chết vì những người Ngài yêu đó sao? Thật phúc dường nào khi được phụng sự Chúa và được Ngài đối xử như bạn hữu, như con cái, được thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Ngài.
Chia sẻ: Chúa muốn bạn làm gì khi nói: “Các con cũng hãy rửa chân cho nhau”?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn thật tốt việc bổn phận của bạn với tấm lòng tận tuỵ của người tôi trung.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, kể sao cho xiết ơn Chúa dành cho con; tình yêu Chúa đánh động tận đáy lòng con. Con sẽ bội bạc với Chúa biết chừng nào nếu con không yêu Chúa với tất cả con người và cuộc sống của con. Lạy Chúa, con xin dâng hiến cuộc đời con để phụng sự Chúa như người tôi trung.[Mục Lục]

21/10/15 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Lc 12,39-48
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.” (Lc 12,47)

Suy niệm: Người tôi tớ khôn ngoan là người biết ý chủ mình. Người tôi tớ tài giỏi là người đã biết suy đoán ý chủ lại còn luôn tỉnh thức sẵn sàng chu toàn việc bổn phận của mình (x. Lc 17,10), và trung thành sinh lợi cho chủ từ những việc rất nhỏ (x. Lc 19,17). Trái lại, hình ảnh phản diện là tên đầy tớ lười biếng bất trung, lại còn lu loa đổ thừa tại ông chủ khắc nghiệt (x. Lc 19,21), tên đầy tớ này chỉ làm cho ông thêm tức giận và, phần mình, hứng chịu hậu quả cơn thịnh nộ của ông mà thôi.

Mời Bạn: Sự bất ngờ Chúa muốn nói chính là việc Ngài quang lâm ngự đến xét xử trần gian, và đối với mỗi cá nhân là cái chết của mình. Ngày ấy tất yếu sẽ đến và việc chuẩn bị sẵn sàng chẳng bao giờ là thừa. Đó chính là thái độ của người tôi tớ trung thành và khôn ngoan, được Thiên Chúa là vị chủ nhân lành khen thưởng và cho vào hưởng hạnh phúc với Ngài (x. Mt 25,21).

Chia sẻ: Diarmuid O’Murchu nhận định: “Kẻ nào biết mở lòng trí mà đọc các dấu chỉ của thời đại là những kẻ sẽ đóng góp hữu ích nhất trong những tình huống quyết định cho vận mệnh con người”. Trước những biến động của thế giới hiện tại, nhận định trên có giúp bạn xác tín hơn vào lời Chúa dạy không?

Sống Lời Chúa: Sống tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách: -1/ Quyết tâm chu toàn việc bổn phận hôm nay mỗi khi bắt đầu một ngày mới; -2/ Xét mình về những việc bổn phận ấy vào cuối mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con sống như người tôi trung của Chúa, luôn tỉnh thức và sẵn sàng làm theo lời Ngài dạy con.[Mục Lục]

22/10/15 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng Lc 12,49-53
NÉM LỬA XUỐNG TRẦN

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49)

Suy niệm: Lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su biết trước những đau khổ phải chịu, và Chúa sẽ phải chịu chết. Nhưng lòng Chúa vẫn nung nấu lửa yêu thương chúng ta. ‘Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên’. Chúa “ném lửa” tình yêu để đẩy lui sự chia rẽ, lửa tha thứ để đẩy lui hận thù, lửa chân thật để đốt tiêu tan sự giả dối, lửa bừng sáng để đẩy lui bóng tối tội lỗi. Lửa Chúa ném vào tâm hồn chúng ta và Chúa mong ước đến cùng là lửa ấy bùng cháy. Lòng Chúa khắc khoải để truyền “hết lửa” cho chúng ta cũng được đầy lửa, dù cái giá Chúa phải chịu là đón nhận một phép rửa cuối cùng, tức là hy sinh mạng sống của Chúa để cứu chúng ta.

Mời Bạn: Trong gia đình, nếu không có lửa tình yêu thì làm sao cha mẹ có động lực để tần tảo nuôi con, chăm sóc con từng ly từng tí, lo cho con chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bồng ẵm trên tay, nâng niu trên đầu gối. Trong Giáo hội, nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử đạo sẽ chẳng muốn đổ máu nữa. Hôm nay, Chúa đã ném lửa tình yêu của Chúa trong tôi và Chúa muốn tôi bùng cháy lửa tình yêu.

Chia sẻ: Làm thế nào để giữ lửa và bùng cháy lửa mà Chúa đã ném vào cõi lòng chúng ta?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ niềm vui, hy vọng cho người mà bạn gặp gỡ là tiếp tay “ném lửa” tình yêu của Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ném lửa tình yêu vào lòng chúng con, và Chúa luôn khắc khoải để lửa chúng con bùng cháy thành tình yêu nồng nàn đối với tha nhân.[Mục Lục]

23/10/15 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Ca-pét-ra-nô, linh mục Lc 12,54-59
KHÔN NGOAN NHẬN ĐỊNH

“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?” (Lc 12,57)

Suy niệm: Để điều trị bệnh, trước hết bác sĩ phải chẩn đoán, xét nghiệm. Để xúc tiến một cuộc đầu tư sản xuất hay kinh doanh, nhà doanh nghiệp bắt đầu bằng việc nghiên cứu thị trường (tình hình cung cầu, khả năng cạnh tranh, những cơ hội, những rủi ro…). Trước khi sắp xếp một chuyến đi, người đi lại tìm hiểu diễn biến của thời tiết. Nói chung, trong mọi lãnh vực, việc bắt mạch và dự báo là rất quan trọng. Dự báo sai có thể dẫn tới những thảm họa khôn lường (như trường hợp dự báo sai đường đi của cơn bão Chanchu hồi tháng 5/2006). Cũng vậy, cung cách sống đạo và loan báo Tin Mừng của chúng ta hôm nay, để được đúng hướng, cần bao gồm việc nghiêm túc XEM và XÉT các ‘dấu chỉ của thời đại’, chứ không thể chỉ nhắm mắt chúi mũi LÀM! Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Sao các người không tự mình xem xét cái gì là phải?”

Mời Bạn: Mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều chuyển tải thông điệp của Chúa. Chúng ta cần phải bình tâm và khôn ngoan nhận định để biết đâu là điều Ngài muốn cho ta, trong những chọn lựa hằng ngày và nhất là khi phải đưa ra những quyết định quan trọng.

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về ích lợi của việc áp dụng phương pháp Xem-Xét-Làm? Cách nào để đạt được sự bình tâm?

Sống Lời Chúa: Nhìn mọi biến cố trong đời sống với cái nhìn của Chúa. Siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống có bao điều con phải cân nhắc và chọn lựa. Xin cho con luôn biết khôn ngoan nhận định, luôn đủ quảng đại và dũng cảm để chọn lựa những gì đẹp lòng Chúa.[Mục Lục]

24/10/15 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục Lc 13,1-9
XÉT MÌNH, ĐỪNG XÉT NGƯỜI

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,4)

Suy niệm: Cha ông chúng ta vẫn khuyên dạy con cháu: “gieo gió gặt bão”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”... Và trong Thánh Kinh, các câu chuyện như lụt Hồng Thuỷ, thành Sô-đô-ma bị tàn phá,v.v… cũng thường được giải thích theo quan niệm báo ứng ấy. Không lạ gì người Do Thái thời Chúa Giê-su, cũng như chúng ta ngày nay, thích áp dụng nguyên tắc nhân quả “ác giả ác báo” nhưng là áp dụng cho người khác! Trước hai tai hoạ xảy ra gây chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân “tội lỗi hơn mọi người khác” nên mới bị thảm hoạ như vậy. Đành rằng, nếu gieo gió thì có thể sẽ gặt bão, song Chúa Giê-su khuyên mỗi người không nên hồ đồ xét đoán người khác, nhưng hãy xem các biến cố đó là cơ hội giúp ta xét lại chính mình mà trở về với nẻo chính đường ngay. Vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét chung cuộc trên mọi người.

Mời Bạn: “Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gio-an Tẩy Giả, Chúa Giê-su, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội. Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ. Còn sống là còn cơ hội để sám hối! Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái (x. Lc 13,6-9).

Chia sẻ: Vì sao chúng ta thích xét người hơn là xét mình?

Sống Lời Chúa: Nhớ lại những lần mình đoán xét sai về người khác để quyết tâm từ bỏ tật xấu này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sám hối thật khó biết bao, bởi chúng con không đủ khiêm tốn để nhận rằng mình lầm lỗi. Xin ban ơn giúp sức để chúng con vượt qua sự kiêu căng tự phụ của mình.[Mục Lục]

25/10/15 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – B
Mc 10,46-52
LỜI CHÚA LÀ LỜI CỨU ĐỘ

Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường… Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi.”(Mc 10,46-47)

Suy niệm: Giữa muôn ngàn âm thanh hỗn độn, đối với người mù đang ăn xin ngoài thành Giê-ri-cô, chỉ có tên Giê-su mới thực sự là lời có ý nghĩa và sức mạnh cứu chữa cho anh. Thế nên “vừa nghe đó là Đức Giê-su Na-da-rét anh liền đáp lại bằng lời kêu xin phát xuất từ lòng tin: “Lạy ông Giê-su, xin dủ lòng thương tôi.” Chính Chúa Giê-su đã xác nhận “lòng tin của đã cứu anh” nhờ đó “anh nhìn thấy được và đi theo Người.”

Mời Bạn: Cuộc sống chúng ta ngày nay cũng tràn ngập âm thanh. Có những âm thanh ta muốn nghe, được nghe. Có những âm thanh ta bị nghe, quấy rầy hoặc tra tấn ta. Tuy nhiên, trong những âm thanh đó, điều quan trọng là chúng ta nhận biết âm thanh nào thực sự là “lời cứu độ,” lời yêu thương mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta.

Chia sẻ: Trong một thế giới ồn ào xao động, đầy dẫy những thông tin như hiện nay, bạn thường xử lý cách nào để “lòng đạo’’ của mình không bị chao đảo? Bạn có dễ dàng để mình trở thành nạn nhân của những thông tin “thập cẩm’’ đó không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành một khoảng lặng để chăm chú lắng nghe Lời Chúa nhờ đó có thể nhận ra Lời Ngài ở giữa những âm thanh xô bồ của cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa vì Lời Chúa là sức sống của con, là ánh sáng đời con.[Mục Lục]

26/10/15 THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17
ĐỨNG THẲNG LÊN!

Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ ám làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.” (Lc 13,11-12)

Suy niệm: Trong Thánh Kinh, bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Người đàn bà bị quỷ ám này còng lưng đã lâu; bà không ngước nhìn lên cao được, cái nhìn của bà là mặt đất, chỉ giới hạn trong vùng đất nhỏ trước mặt, không thể nhìn xa hơn, không thể thấy người quanh mình. Mặc cảm và bệnh tật khiến bà càng xa lánh mọi người và cả Thiên Chúa nữa. Nhưng Chúa Giê-su không hề muốn tình trạng bà cứ vậy mãi, cứ không thấy Ngài mãi, nên Ngài đã đi bước trước. Trông thấy bà, Chúa Giê-su gọi bà lại, giải thoát bà khỏi tội và cho bà đứng thẳng như một con người, có khả năng ngước nhìn lên cao. Thánh Phao-lô cho biết, ngước nhìn lên cao là khả năng của những người thuộc về Chúa, những người chú tâm tìm kiếm những sự trên trời (x. Cl 3,2). Nhờ lời Chúa, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền, có khả năng ngước lên cao sống mối tương quan với Chúa và với mọi người. Và đáp lại lòng thương của Chúa, bà hết lòng ngợi ca Thiên Chúa.

Mời Bạn: Có những khối nặng đang làm tâm hồn bạn “còng” xuống, khối nặng vật chất, khối nặng tội lỗi, khối nặng tự ái, khiến bạn không còn muốn thấy Chúa và cộng đoàn. Bạn cần ngồi lại đối diện với Chúa và xét xem, điều gì đang làm bạn “còng” xuống và xin Chúa chữa lành.

Sống Lời Chúa: Xét mình hằng ngày trước khi đi ngủ và tạ ơn Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thấy con và Chúa muốn chữa lành con. Xin Chúa cứ thực hiện nơi con điều Chúa muốn.[Mục Lục]

27/10/15 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
DÙNG DỤ NGÔN, VÍ NƯỚC TRỜI

Chúa Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?” (Lc 13,18)

Suy niệm: Để rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su đã phải cân nhắc “phải ví Nước ấy với cái gì đây”. Nước Trời, một thực tại nhiều người mong đợi nhưng chưa ai nhìn thấy, đã được nói đến nhiều nhưng thường hay bị hiểu lầm. Chúa Giê-su cân nhắc rồi Chúa đã chọn cách dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời.

Mời Bạn: Có người kể chuyện một gánh xiếc về miền quê lưu diễn. Đang chuẩn bị diễn buổi khai trương thì gánh xiếc bốc cháy. Một diễn viên đang đóng bộ cánh chàng hề chạy vội vào làng để kêu người đến giúp chữa cháy. Dân làng được một phen cười no bụng và cho rằng gánh xiếc đã nghĩ ra một lối quảng cáo thật hay. Đến khi họ hiểu ra anh hề có ý báo tin đám cháy thực sự thì cả gánh xiếc đã ra đống tro tàn. Bạn thân mến, việc loan báo Tin Mừng của chúng mình cũng trở thành trò hề nếu chúng mình không nói được thứ ngôn ngữ cho người đương thời hiểu được sứ điệp tình yêu của Đức Ki-tô. Sống Lời Chúa: Xin bạn đọc lại và suy gẫm giáo huấn của Giáo Hội: - “Nên theo phương pháp sư phạm có tính khơi gợi, dùng những câu chuyện, dụ ngôn, biểu tượng rất đặc trưng với phương pháp giảng dạy của Á Châu.” [1] - “Để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời.” [2]

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ loan báo Tin Mừng bình an cho những người anh chị em đồng bào của con.[Mục Lục]

28/10/15 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ Lc 6,12-19
CẦU NGUYỆN VÀ HOẠT ĐỘNG

“Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)

Suy niệm: Silouanne là một đan sĩ già đáng kính, sống đơn sơ thánh thiện. Suốt nhiều năm thầy coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một hôm các tu sĩ hỏi Ngài: “Thưa thầy, làm sao thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ, trong khi chúng con không rời mắt khỏi họ, mà họ vẫn lừa được chúng con?”. Thầy trả lời: “Tôi cũng không rõ, chỉ biết rằng mỗi sáng tôi đến xưởng và luôn cầu nguyện cho họ, tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi bước vào xưởng, tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt cả ngày”.

Mời Bạn: Dù tất bật với việc rao giảng và chữa lành bệnh tật, Đức Giê-su luôn dành cho mình một thời gian cầu nguyện riêng với Đức Chúa Cha mọi lúc và mọi nơi. Chúng ta cũng được mời gọi sống cầu nguyện mỗi ngày, nhờ đó chúng ta có thể biết được điều Chúa muốn trên cuộc đời của mình và có được sức mạnh cho các hoạt động đông đồ. “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (ĐHV.119)

Chia sẻ: Tôi đang thực hành việc cầu nguyện và sống thái độ cầu nguyện trong những công việc hằng ngày của mình thế nào?

Sống Lời Chúa: “Lương thực cuả Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34)

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con hiểu và biết siêng năng tìm đến với Chúa trong giờ cầu nguyện, là nguồn tình yêu, sức mạnh và ý nghĩa của cuộc đời chúng con. Amen.[Mục Lục]

29/10/15 THỨ NĂM TUẦN 30 TN
Lc 13,31-35
BÌNH THẢN TRƯỚC CÁI CHẾT

Có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa với Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này. Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,31-35)

Suy niệm: Một lần kia, thánh Gioan Bosco hỏi các học sinh của ngài đang chơi đùa: Nếu ngay bây giờ, các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì? Thánh Đa-minh Sa-vi-ô điềm nhiên trả lời: Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục chơi. Đón nhận cái chết một cách bình thản, điềm tĩnh đã là thái độ đáng khâm phục của các bậc triết nhân. Là Con Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giê-su cũng không tránh khỏi nỗi lo âu sợ hãi trước cái chết trong cơn hấp hối tại vườn Giết-sê-ma-ni. Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn đón nhận cái chết như một phần thiết yếu trong chương trình cứu độ Chúa Cha đã giao phó mà Ngài thực hiện cho tới khi hoàn tất dù có bị đe doạ tính mạng.

Mời Bạn: Cuộc sống của mỗi ki-tô hữu cũng không kém những thách đố, đe doạ, khó khăn của xã hội thăng tiến hôm nay. Chúng ta có can đảm chấp nhận và vượt qua không?

Chia sẻ: Đứng trước một lựa chọn nào phải chịu nhiều mất mát hy sinh, bạn có bình tĩnh chấp nhận? Thái độ của bạn ra sao khi đứng trước những sự chống đối?

Sống Lời Chúa: Khi gặp một điều trái với ý muốn, bạn dành một phút thinh lặng để nhớ tới Chúa và xin Ngài ban ơn giúp sức để vượt qua.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống trọn giây phút hiện tại, chu toàn mọi công việc được giao phó, để con an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi con.[Mục Lục]

30/10/15 THỨ SÁU TUẦN 30 TN
Lc 14,1-6
THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT

“Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” (Lc 14,3).

Suy niệm: Đối với người Do thái, luật ngày sa-bát có một vị thế tối quan trọng, bởi sa-bát là ngày thánh dành cho Đức Chúa (x. Xh 20). Ngoài chiều kích tôn giáo, luật ngày sa-bát còn có mục đích nhân đạo, nghĩa là trong ngày này, dân Chúa sẽ được nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của ngày sa-bát đã mai một đi bởi thái độ nệ luật của giới lãnh đạo Do thái. Vốn khởi đi từ một luật vị nhân sinh, thì giờ đây luật ngày sa-bát trở thành một sự cưỡng ép, một cơ hội để luận tội. Trong bối cảnh đó, với câu hỏi “có được chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” Chúa Giê-su đưa nhóm Pha-ri-sêu trở về với ý nghĩa nguồn cội của luật ngày sa-bát: tôn vinh Thiên Chúa bằng cách thực thi đức ái. Chính tình yêu là khởi điểm và cùng đích của mọi lề luật kể cả luật giữ ngày sa-bát.

Mời Bạn: Khi chữa lành cho người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su chỉ cho thấy sống đức ái là cách thức tôn vinh Thiên Chúa trọn hảo nhất. Đây chính là phương thế hữu hiệu nhất làm cho Danh Chúa được tỏa sáng trước mặt mọi người.

Chia sẻ: Chia sẻ về khó khăn khiến bạn ngại dấn thân phục vụ tha nhân.

Sống Lời Chúa: Tôi thánh hóa ngày Chúa nhật bằng cách dâng lễ cách sốt sắng, thăm viếng người đau ốm, cao tuổi, hoặc giúp đỡ một người nghèo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới hôm nay lạnh lẽo hơn vì thiếu vắng tình người. Xin giúp con thắp lên ngọn lửa yêu thương qua việc đón nhận, săn sóc những người hoạn nạn, thiếu thốn chung quanh con. Nhờ đó, tình thương của Chúa được lan tỏa cho mọi người.[Mục Lục]

31/10/15 THỨ BẢY TUẦN 30 TN
Lc 14,1.7-11
LUÔN CHỌN CHỖ CUỐI

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14,11)

Suy niệm: Cuốn Đắc Nhân Tâm của D. Carnegie đã giúp cho nhiều người thành công trong kinh doanh cũng như trong giao tế đời thường. Tỷ phú Mỹ W. Buffett thú nhận rằng cuốn sách ấy đã thay đổi cuộc đời ông. Khi dạy ta chọn chỗ cuối để rồi sẽ được mời lên cỗ nhất, Đức Giê-su không nhằm dạy ta bài học về đắc nhân tâm hay xử thế trong bữa tiệc để thành công trong cuộc sống. Người đã chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc cuộc đời” là chính Ngài. Thật vậy, Ngài đã hạ mình từ một vị Chúa trở thành con người, một người thợ thủ công nghèo, sinh sống ở ngôi làng quê hẻo lánh. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, thường lân la, thân thiết với những kẻ hèn kém, tội lỗi. Cuối cùng, đỉnh cao của “bàn tiệc” ấy là cái chết đau thương trên thập giá.

Mời Bạn: Chọn chỗ cuối như vậy, rốt cuộc, Đức Giê-su lại được siêu tôn trong mầu nhiệm phục sinh vinh hiển. Bạn cũng được mời gọi sống như Ngài, chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc cuộc đời” qua nỗ lực chống lại cám dỗ của thèm muốn chức tước, vinh dự, quyền lực, tranh giành ảnh hưởng. Chắc chắn, chính Chúa sẽ là chủ bàn tiệc mời bạn ngồi vào bàn tiệc Nước Trời với Ngài.

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống hạ mình khiêm tốn, không nghĩ mình xứng đáng hơn người khác, không tranh giành ảnh hưởng với người anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vui lòng chọn chỗ cuối trong “bàn tiệc” trần gian. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn biết chọn chỗ cuối trong cộng đoàn để phục vụ người khác, thay cho thái độ thèm muốn chức tước, quyền lực. Amen.[Mục Lục]


 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây