Giáo xứ Vinh Hương

5 Phút Cho Lời Chúa tháng 02 - 2016

Chủ nhật - 31/01/2016 06:55

Ý chung: Cầu cho chúng ta, biết quan tâm đến vũ trụ vạn vật, là hồng ân nhưng không đã nhận được, để canh tác và gìn giữ cho các thế hệ tương lai. 

Ý truyền giáo: Cầu cho những cơ hội đối thoại và gặp gỡ giữa niềm tin Kitô giáo với các dân tộc Châu Á được gia tăng. 


 
Chúa Nhật Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu Thứ Bảy
  01 02 03 04 05 06
07 08 09 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29          

01/02/16                     THỨ HAI TUẦN 4 TN
                                                            Mc 5,1-20
 
CHỨNG NHÂN TẠI GIA
 
Kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Chúa. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh.” (Mc 5,18-19)
 
Suy niệm: Mọi người đều được mời gọi sống ơn Chúa kêu gọi mình. Người thì sống đời độc thân, người thì sống đời tu trì, đa số thì sống đời gia đình. Tuy rằng hình thức đời sống có khác nhau, nhưng tất cả mọi đời sống đều cùng chung một mục tiêu như Chúa Giê-su đã nói, đó là phải ‘mang lại hoa trái’. Tin Mừng hôm nay thuật lại, người bị quỷ ám được Chúa chữa lành ước muốn được ở với Chúa như các tông đồ, muốn đi theo Chúa trên từng cây số trong vùng Pa-lét-tin, muốn ‘đi phượt’ với Chúa đến vùng thôn quê ra vùng thành thị như một người ‘không có nơi gối đầu’, không phải bằng xe máy, mà bằng đôi chân trần. Nhưng anh bất ngờ khi nghe Chúa nói với anh,“về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh”. Anh khám phá ra rằng, để sinh hoa trái thiêng liêng, điều cốt yếu không phải khăng khăng làm điều anh muốn, mà là tìm điều Chúa muốn. Và điều Chúa muốn anh thực hiện là chia sẻ kinh nghiệm về lòng Chúa thương xót cho người trong gia đình của mình. Một khi anh chia sẻ kinh nghiệm đức tin như thế, anh đã đã sinh hoa trái thiêng liêng trong gia đình của anh rồi.
 
Mời Bạn: Nhiều người đang quên mất bổn phận về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm. Bạn quyết tâm gì khi nghe lời Chúa hôm nay?
 
Sống Lời Chúa: Kể cho người thân trong gia đình nghe một kinh nghiệm Chúa yêu thương bạn hay gia đình bạn.
 
Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.
[Mục Lục]

 
02/02/16                       THỨ BA TUẦN 4 TN
Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
Bế mạc Năm Thánh Đời Sống Thánh Hiến Lc 2,22-40
 
TÌNH YÊU MỜI GỌI TÌNH YÊU
 
Khi đã đủ thời gian, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa. (Lc 2,22)
 
Suy niệm: Lễ dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh được dành cầu xin cho cuộc hiến tế của Chúa Giê-su trở thành nguồn hứng khởi cho mọi Ki-tô hữu, cách riêng cho các tu sĩ nam nữ là những người “không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết nên” bày tỏ lòng quảng đại “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.” Người sống đời thánh hiến quyết tâm dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa theo gương Chúa Giê-su. Vì thế, tuy người tu sĩ có quyền sử dụng sự tự do của mình như mọi người, nhưng vì yêu Chúa hết lòng, họ bắt chước Chúa Giê-su từ bỏ ý riêng của mình để chọn ý Chúa. Người tu sĩ có quyền diễn tả cảm xúc như người khác, nhưng vì yêu Chúa hết linh hồn, họ tự nguyện sống thong dong như Chúa Giê-su vì Nước Trời. Người tu sĩ có quyền sở hữu như mọi người, nhưng vì yêu Chúa hết trí khôn, họ quảng đại cống hiến những gì mình có cho việc truyền giáo. Năm thánh Đời Thánh Hiến là dịp cho tu sĩ trở về nguồn cội ơn gọi và củng cố lời cam kết “theo sát Chúa Ki-tô” mọi ngày.
 
Mời Bạn: Thánh Tê-rê-xa đã tự hỏi: “Thế giới này sẽ thế nào, nếu không có các tu sĩ?” Câu hỏi này càng thôi thúc tín hữu quý mến ơn gọi thánh hiến, vừa cầu nguyện và cổ động nhiều người trẻ dấn thân sống ơn gọi thánh hiến.
 
Sống Lời Chúa: Mỗi thứ năm hằng tuần, hãy dâng những hy sinh và cầu nguyện cho các tu sĩ.
 
Cầu nguyện: Xin Mẹ Ma-ri-a tiến dâng các tu sĩ cho Chúa như Mẹ tiến dâng Chúa Giê-su lên Chúa Cha. Amen.
[Mục Lục]

 
03/02/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo      Mc 6,1-6
 
KHÁM PHÁ NGỌC TRONG ĐÁ
 
Đức Giê-su chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 6,5-6)
 
Suy niệm: Vậy là cuộc ra mắt của Đức Giê-su với người đồng hương Na-da-rét thất bại nặng nề. Lý do thật dễ nhận thấy: lòng thành kiến. Ca dao Việt Nam nhận định: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi”. Có thể nói rằng bất cứ ai thành tâm thiện chí đến gặp Đức Giê-su, đều được ơn hoán cải: xấu nên tốt (ông Gia-kêu, người phụ nữ Sa-ma-ri…), tốt nên tốt hơn (các tông đồ, ông Ni-cô-đê-mô…), trừ những kẻ cứng lòng tin như dân làng Na-da-rét. Họ đánh mất cơ hội ngàn vàng ‘đổi đời’ chỉ vì họ chỉ biết nhìn đến quá khứ 30 năm Ngài chung sống ở giữa họ: một bác thợ mộc, một anh láng giềng, người con trong một gia đình tầm thường. Đôi mắt họ bị lớp vỏ quen thuộc che khuất, trí óc họ bị bao phủ bởi sương mù thành kiến, và họ đã hụt mất một cơ may.
 
Mời Bạn: Nhớ đến câu ngạn ngữ Anh: “Sự quen thuộc sinh ra lòng khinh thường”. Các bí tích, nghi thức trong đời sống đạo, vợ chồng, bạn hữu, họ hàng, hội viên đoàn thể… trong đời thường, có thể quá quen thuộc với bạn, khiến bạn coi thường, và vì thế, nhiều khi bạn không nhận ra đúng giá trị của những điều, những con người quen thuộc ấy.
 
Sống Lời Chúa: Tập nhận ra một khía cạnh tích cực, một đức tính nổi bật của những người sống quanh mình.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội Thánh có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.          
[Mục Lục]
(Rabbouni)

 
04/02/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
                                                            Mc 6,7-13
 
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC THƯƠNG XÓT
 
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (Mc 6,12)
 
Suy niệm: Lời rao giảng đầu tiên của Gio-an Tẩy Giả là: “Anh em hãy sám hối” (Mt 3,2). Khởi đầu sứ vụ của mình, Đức Giê-su cũng rao giảng: “Anh em hãy sám hối” (Mt 4,17). Đến lượt các môn đệ được sai đi rao giảng, các ông cũng kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Sám hối là điều kiện để được tha thứ, được Chúa xót thương. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (Ep 2,4), Người muốn thi thố lòng thương xót đến mọi người. Tuy nhiên, phía con người cần phải ăn năn sám hối để lãnh nhận ơn cứu độ hay lãnh nhận sự thương xót của Chúa. Như cái máng muốn thông nước cần dọn sạch rác rưởi, cũng vậy tâm hồn tội lỗi muốn lãnh nhận lòng thương xót của Chúa cũng cần ăn năn sám hối.
 
Mời Bạn: Nói tới sám hối chúng ta thường nghĩ tới một trạng thái u buồn ảm đảm, nhưng thực ra đáng vui mừng hơn là buồn. Vì người sám hối là người đổi mới cuộc đời, đưa mình trở về tình trạng trong sạch. Chuyện người con thứ trong Tin Mừng Lu-ca chương 15 cho thấy niềm vui của người sám hối trở về. Chính khi anh nói lời sám hối với người cha, là lúc anh nhận được lòng thương xót tha thứ của cha và niềm vui được “sống lại” sau những ngày “chết” trong tội lỗi. Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót mời gọi chúng ta sám hối đó bạn!
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ hãy dành vài phút để xét mình và dâng lên Chúa tâm tình sám hối chân thành.
 
Cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 50,3-4)
[Mục Lục]

 
05/02/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo     Mc 6,14-29
 
LÒNG THƯƠNG XÓT KHÔNG CHẾT
 
Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su,… liền nói: “Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã chỗi dậy!” (Mc 6,14.16)
 
Suy niệm: Vua Hê-rô-đê trượt dài trên con đường tội lỗi: từ cuộc sống ăn chơi sa đoạ, ông liên tiếp phạm từ tội ác này đến tội ác khác, mà đỉnh điểm là sát hại Gio-an Tẩy Giả chỉ để giữ sĩ diện vì lời ông trót thề trong một phút cuồng si. Dù vậy tiếng nói lương tâm không ngừng thức tỉnh ông quay về con đường hướng thiện: ông vẫn biết “ông Gio-an là người công chính thánh thiện”, khi Gio-an khiển trách về đời sống thác loạn của mình, Hê-rô-đê “rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”. Và giờ đây, ông linh cảm Đức Giê-su là Gio-an Tẩy giả hiện hình: phải chăng đó là dấu chỉ tiếng nói của lòng thương xót Chúa không chết trong tâm hồn Hê-rô-đê? Thiên Chúa không muốn để một con người dù tội lỗi cách mấy đi nữa phải hư mất, nên vẫn tiếp tục lên tiếng trong lương tâm để thúc giục con người tỉnh ngộ quay về với đường ngay nẻo chính. Chỉ cần quay đầu trở lại là gặp được bến bờ thứ tha.
 
Mời Bạn: Lòng thương xót của Chúa không còn là một nghi vấn mà là xác tín của chúng ta. Thiên Chúa là Cha không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ cho con cái. Ngài mong mỏi chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Trái lại, dẫu bạn tội lỗi mấy đi nữa, hãy quả quyết đứng lên và trở về với Cha để được ấp ủ trong lòng thương xót của Ngài.
 
Chia sẻ: Bạn có bị “dị ứng” đối với bí tích Hoà giải không? Vì lý do gì?
 
Sống Lời Chúa: Trong Năm Thánh này, bạn thường xuyên đến với Bí tích Hoà giải hơn, để cảm nhận sâu xa hơn lòng thương xót của Chúa đối với bạn.
 
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn tội.
[Mục Lục]

 
06/07/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo Mc 6,30-34
 
LÒNG NHIỆT THÀNH VÌ SỨ MẠNG
 
“Anh em hãy lánh riêng ra… mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ để ăn uống nữa… Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương… và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,31.34)
 
Suy niệm: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu…” Lời ca khúc ấy nghe nao lòng. hôm nay lòng nhiệt tình vì sứ mạng của Đức Giê-su cũng làm ta nao lòng như vậy. Ngài là nhà thừa sai cần mẫn hay lam hay làm, quên mình và chỉ quan tâm lo lắng cho người khác. Dầu không có một thời biểu chặt chẽ, Người vẫn chú ý ‘lên lịch’ cho các môn đệ: sau một đợt làm việc căng thẳng thì cần “nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ‘lịch’ ấy thường xuyên bị xáo trộn. Thầy trò tránh đám đông để tìm chút nghỉ ngơi, nhưng đám đông nhanh chân hơn, đã ‘đón lõng’ thầy trò! Thế là lại phải mau mắn đáp ứng, bởi vì Đức Giê-su vẫn chạnh lòng thương!
 
Mời Bạn: Hãy chiêm ngắm một Giê-su như bị vắt kiệt bởi nhiệt tình sứ mạng. Chúng ta được khuyến khích có lịch làm việc; nhưng lịch ấy có cứng quá đến nỗi nhiều khi biến ta thành những kẻ vô tâm và bất nhẫn không?
 
Chia sẻ: Làm sao để học bài học “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu để đón nhận những người tìm đến với mình – thay vì là quạu quọ bực bội?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi lần cảm thấy bị quấy rầy và muốn nổi cáu với ai đó, ta nhớ đến Đức-Giêsu-chạnh-lòng-thương!
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an. Xin cho con biết quên mình, để phục vụ vì yêu thương tha nhân. Amen.
[Mục Lục]

 
07/02/16       CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C
                                                             Lc 5,1-11
 
BÀI HỌC RA KHƠI
 
Người bảo ông Si-mon: “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-mon trả lời: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,4-5)
 
Suy niệm: Ngư dân giàu kinh nghiệm thường nắm rất rõ về khí hậu, con nước, địa điểm, thời gian… Thế mà nhiều khi chẳng bắt được gì! Si-mon hôm nay tưởng phải nếm một đêm trắng tay như thế, nhưng cuối cùng ông được một mẻ cá thật to. Điều thú vị là thành công này không do kinh nghiệm nghề biển của ông, mà do ông sẵn sàng vâng lời Đức Giê-su – một bác thợ mộc (có lẽ không biết gì nhiều về chuyện đánh cá!) Câu chuyện cho thấy rõ: đành rằng kinh nghiệm là một chìa khóa quan trọng của thành công, nhưng đức tin còn quan trọng hơn kinh nghiệm nhiều. Đức tin có thể làm nên phép lạ!
 
Mời Bạn: Đời Ki-tô hữu là một chuyến ra khơi chài lưới người. Những kiến thức, kỹ năng, ‘ngón nghề’ có thể rất ích lợi cho chuyến ra khơi này, và ta được khuyến khích trang bị. Song đừng quên rằng cái ta cần nhất là đức tin. Thiếu một đức tin đủ mạnh, tất cả kiến thức và kinh nghiệm của ta đều trở thành thừa. Chính Đức Giê-su xác nhận: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
 
Chia sẻ: Tại sao sự vâng phục đức tin lại quan trọng như thế trong đời sống đạo của Ki-tô hữu?
 
Sống Lời Chúa: Tập buông ‘khí giới’ của mình xuống - đó là những chống chế dựa trên kinh nghiệm và khôn ngoan thuần túy con người - để mau mắn đáp trả các gợi ý của Chúa trong đức tin.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa biết rõ lòng tin nơi con yếu nhược. Xin rứt con ra khỏi thái độ tự mãn và cứng cỏi. Xin cho con biết tin vào tình yêu và quyền năng của Chúa nhiều hơn. Amen.
[Mục Lục]

 
08/02/16                     THỨ HAI TUẦN 5 TN
Mồng Một Tết Bính Thân           Mt 6,25-34
 
GIÁ TRỊ NHỮNG NGÀY XUÂN
 
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)
 
Suy niệm: Tết là ngày đoàn tụ, ngày gia đình, gia tộc sum vầy. Theo cha Cadière, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, những dịp như ngày Tết, mọi cá nhân trong gia đình sum họp bên nhau, đầm ấm, san sẻ tình thương và lòng kính trọng đối với người còn sống, người còn sống nhớ đến và noi gương người đã khuất, mọi thành viên nhớ đến trách nhiệm và vinh dự cùng các thành viên khác.[1] Vì nhận ra tính cách linh thiêng và cao quý của ngày Tết, mọi người Việt khắp nơi sẵn lòng xếp lại mọi lợi ích vật chất thường ngày để về đoàn tụ với gia đình của mình. Đối với người Việt, mọi lợi ích vật chất đó không thể so sánh với lợi ích thiêng liêng và cao quý của những ngày Tết. Đánh giá và chọn lựa đúng đắn đó phát sinh từ thứ bậc ưu tiên được Thiên Chúa thiết định trong mỗi con người: tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Mọi lợi ích vật chất có giá trị của nó, nhưng không thể lấn át việc tìm thánh ý Chúa và xây dựng Nước Chúa. Nói tóm lại, sum họp gia đình làø sống ý Chúa, thể hiện ưu tiên tìm những giá trị thiêng liêng và cao quý, còn những thứ khác Thiên Chúa sẽ ban thêm cho.
 
Mời Bạn: Sum họp gia đình là điều Thiên Chúa muốn khi Ngài nài xin Chúa Cha cho chúng ta nên một và cho biết đó là dấu hiệu chúng ta là môn đệ của Ngài. Bạn làm gì trong những ngày Tết này để biểu thị ước muốn sum họp?
 
Sống Lời Chúa: Đi thăm viếng nhau
 
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình
[Mục Lục]

 
09/02/16                       THỨ BA TUẦN 5 TN
Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ          Mt 15,1-6
 
THỜ CHA KÍNH MẸ LÀ ĐẠO CON
 
“Các ông bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đầu là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt 15,5-6)
 
Suy niệm: Đối với người Công Giáo, ngày mồng Hai Tết là ngày thực hiện hành vi đạo Hiếu. “Hiếu” là biết kính trọng thương mến và phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Ông bà cha mẹ đã qua đời, con cái lo viếng phần mộ, sớm tối lo hương khói, dâng lễ cầu nguyện cho và xin các ngài phù hộ; nếu các ngài còn sống, con cái thăm viếng và bày tỏ lòng hiếu thảo. Cha mẹ già yếu thì ở với con. Con có thì của ngon vật lạ dâng tiến cha mẹ; con không có thì dâng chén cơm nóng, bát canh ngon phụng dưỡng cha mẹ; con ở riêng thì cứ tháng gởi đồng quà hay tấm bánh cung dưỡng mẹ cha. Những người con nào tìm lý do này khác để thoái thác sống đạo hiếu với cha mẹ thì bị liệt vào hàng bất hiếu. “Hiếu” phải có “Đễ.” “Đễ” là tình anh chị em yêu thương nhau, kính trên nhường dưới và điều này là báo hiếu cha mẹ. Trong Thánh Kinh, chữ hiếu được xem trọng. Chính Chúa Giê-su trở nên gương mẫu cho ta. Ngài thảo kính Cha trên trời và hiếu thảo với cha mẹ trần gian. Ngài vừa lo việc Chúa Cha trên trời, vừa vâng phục giúp đỡ thân mẫu, nhất là đem ơn cứu độ cho cha mẹ mình.
 
Mời Bạn: Bạn có kế hoạch nào để phụng dưỡng ông bà cha mẹ trong năm mới này?
 
Sống Lời Chúa: Dâng một món quà và một lời cầu cho ông bà cha mẹ.
 
Cầu nguyện: Xin Chúa cho gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng Chúa và hết lòng hòa thuận thương yêu nhau.
[Mục Lục]

 
10/02/16                             THỨ TƯ LỄ TRO
Mồng Ba Tết. Thánh hoá công ăn việc làm Mt 6,-6.16-18
 
GẶP CHÚA TRONG THANH VẮNG
 
“Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6)
 
Suy niệm: Lời Chúa trong Lễ Tro nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta tìm giờ thinh lặng đối diện với Ngài để được rọi soi tận tâm hồn và để được Ngài biến đổi bên trong. Thiếu sót những thời giờ cần thiết này sẽ là một thảm họa. Bất ngờ chuyện nữ sinh một trường ở Huế đánh nhau, người ta mới nhận ra rằng, nét dịu dàng, e ấp, ngoan hiền làm nên phẩm hạnh cao quý của các cô gái Huế đã biến mất tự bao giờ theo sự xuống cấp của nền giáo dục. Chuyện đáng tiếc xảy ra, bấy giờ người ta mới ngộ ra rằng, từ lâu cha mẹ, nhà trường, xã hội và các cộng đoàn Giáo Hội nữa, đã không nhìn lại trách nhiệm của mình. Nếu mỗi thành phần thường xuyên dành thời giờ nhìn lại bổn phận của mình, đạo đức sẽ không sa sút. Vì vậy, thời giờ thinh lặng cần biết bao, nhất là đối với Ki-tô hữu. Mẹ Tê-rê-xa nói rằng, chúng ta cần tìm gặp Thiên Chúa, nhưng không thể tìm gặp Ngài trong sự ồn ào, náo loạn, bởi Thiên Chúa là người bạn của thinh lặng. Hãy nhìn thiên nhiên thinh lặng thế nào! Chúng ta cần thinh lặng để nhìn lại chính mình, để lắng nghe lời Chúa, gặp gỡ Chúa và đắm mình trong tình yêu của Chúa. Mùa Chay là mùa tạo bầu khí thinh lặng để được gặp Chúa.
 
Mời Bạn: Bạn có dốc lòng nào để hằng ngày thực hiện việc gặp Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, dành 5 phút đọc và suy niệm lời Chúa.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài. Xin cho con trở lại với Chúa và yêu Chúa.
[Mục Lục]

 
11/02/16                THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Đức Mẹ Lộ Đức                              Lc 9,22-25
 
VÁC THẬP GIÁ MỖI NGÀY THEO CHÚA
 
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Mt 25,40)
 
Suy niệm: Mùa Chay thánh là thời gian thuận tiện để các Ki-tô hữu chiêm ngắm và cùng bước theo Chúa Ki-tô trên con đường khổ nạn của Ngài. Con đường Chúa đã đi qua không phải là con đường du lịch nghỉ mát mà là con đường chiến đấu thường xuyên và trường kỳ chống lại sự ác và ma quỷ, là kẻ chẳng những gây ra, cầm đầu sự ác mà còn là tên cám dỗ loài người chúng ta nữa. Đi trên con đường khổ nạn của Chúa, mỗi người phải vác lấy cây thập giá của mình, đó chính là từ bỏ “cái tôi” với những thói hư tật xấu của mình, đồng thời chiến đấu chống lại những cám dỗ thử thách mà ai cũng phải gặp trên đường đời của mình.
 
Bạn có biết bạn cần phải từ bỏ những gì để bước theo Chúa Ki-tô trên con đường khổ giá mà Ngài đã đi không? Sự từ bỏ mà Chúa Ki-tô mời gọi có làm cho bạn khó chịu, đau khổ trong hành trỉnh theo Chúa không? Mùa Chay này là dịp thuận tiện để bạn khám phá và triệt bỏ những thói hư tật xấu đang cản trở bạn sống cuộc sống thân mật với Chúa.
 
Mời bạn suy nghĩ và chia sẻ: Tại sao, để vác thập giá mình trong đời sống cộng đoàn, rất cần thái độ nhẫn nại và bao dung?
 
Sống Lời Chúa: Xét mình để thấy rõ nết xấu thâm căn cố đế nhất, nết xấu làm bạn ray rứt nhất và bạn quyết tâm cách mạnh mẽ nhất để nhổ bỏ nó trong Mùa Chay thánh này.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đoái nhìn con bằng ánh mắt đầy yêu thương của Chúa để giải thoát con khỏi ách nô lệ của tính hư nết xấu và cho con sẵn sàng mang lấy ách êm ái của Chúa. Amen.
[Mục Lục]

 
12/02/16                  THỨ SÁU SAU LỄ TRO
                                                          Mt 9,14-15
 
TINH THẦN MỚI CỦA LỀ LUẬT
 
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc khi chàng rể còn ở với họ?” (Mt 9,15b)
 
Suy niệm: Tại sao ăn chay, tại sao không? Một vấn nạn tưởng là nhỏ nhưng lại thúc bách người ta đặt ra nhiều vấn nạn khác! Phải chăng đối với các môn đệ của Gio-an, những người giữ luật, họ sợ mình đang làm sai? Hoặc giả họ băn khoăn, vì ghen tỵ: mình thì “bị” luật giữ còn môn đệ Giê-su thì không? Đức Giê-su có đang gây “gương mù gương xấu” khi thả lỏng cho các môn đệ trong chuyện tịnh chay? Hay đời sống chan hòa giữa Đức Giê-su và các môn đệ có lôi cuốn họ đến để tìm hiểu về mối tương quan thầy trò này? Để trả lời một vấn nạn, Đức Giê-su lại đưa ra một vấn nạn khác, qua Chúa minh định rằng: Ngài chính là vị Tân Lang, và các môn đệ là khách mời dự tiệc cưới: “Chẳng lẽ khách dự tiệc – là các môn đệ – lại than khóc khi chàng rể – là chính Ngài – còn đang ở với họ” sao?
 
Mời Bạn: “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới” (Mt 9,17). Chúa là Rượu Mới của Giao Ước mới. Ngài mời gọi chúng ta hãy “thức thời”, mặc lấy tinh thần mới để thực thi luật mới của Ngài là luật yêu thương.
 
Chia sẻ: Những việc làm nào của tôi còn theo thói nệ luật, chưa được thúc đẩy bởi lòng thương xót như Chúa dạy?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, hãy sống chậm lại, nhìn sâu hơn những dấu chỉ của Chúa để nhận ra tiếng nói và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có những lề luật chúng con phải tuân giữ, có những lúc chúng con phải sống theo Lời Chúa mà bỏ qua luật. Xin cho chúng con biết sang suốt để nhận ra đâu là những gì chúng con cần làm hầu mang lại vinh quang Thiên Chúa. Amen.
[Mục Lục]

 
13/02/16                 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
                                                           Lc 5,27-32
 
ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG
 
Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5, 27-28)
 
Suy niệm: Người Do thái coi những nhân viên thuế vụ là người gian dối, thậm chí là phản quốc vì họ cộng tác với người Rô-ma và sách nhiễu đồng bào. Nhiều chỗ trong Phúc Âm cho thấy họ bị liệt vào hạng người bị loại trừ khỏi xã hội, đồng sàng với hạng ‘gái điếm’ và ‘ngoại giáo’ (Mt 9,10; 11,19; 18,17; 21,31). Ai giao du với họ cũng bị coi là ‘dơ bẩn’. Thế nhưng, Chúa Giê-su không ngại tiếp xúc với họ. Thậm chí Chúa còn kêu gọi ông Lê-vi, một quan chức ngành thuế, và chọn ông làm tông đồ của Ngài. Chưa hết Ngài còn đến dùng bữa tại nhà ông cùng với nhiều đồng bạn của ông Lê-vi. Quả thực “cái nhìn đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát Lê-vi khỏi ách nô lệ bạc tiền” và biến đổi ông thành tông đồ Mát-thêu của Đức Ki-tô.
 
Mời Bạn: Trái ngược với Đức Ki-tô, chúng ta lại thường giam hãm người khác trong ngục tù của cái nhìn thành kiến. Chính bạn cũng hãy đặt mình trước cái nhìn yêu thương của Chúa và nhìn người khác bằng cái nhìn của Chúa. Đó là cái nhìn bao dung, tha thứ, biết khám phá ưu điểm của người khác và tin tưởng điều tốt đẹp nơi họ và trợ giúp họ thể hiện điều tốt đẹp đó.
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xét mình: Tôi đang có thành kiến với ai? Nguyên do tại sao? Tôi sẽ sửa chữa thế nào?
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giải thoát con khỏi cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ để con biết nhìn người khác với ánh mắt đầy yêu thương của Chúa. Xin Chúa cho con nhận ra được những điều tốt đẹp nơi tha nhân. Amen.
[Mục Lục]

 
14/02/16      CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – C
                                                             Lc 4,1-13
 
CẦN CÓ MÙA CHAY
 
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. (Lc 4,1-2)
 
Suy niệm: Ngay từ Chúa Nhật đầu Mùa Chay thánh, Phụng vụ Lời Chúa thuật lại cho chúng ta việc Đức Giê-su đã trải qua những cơn cám dỗ khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai. Biến cố đó không chỉ nhắc nhở chúng ta rằng, trong thân phận con người, ai cũng phải đối mặt với cám dỗ. Mà hơn thế nữa Chúa Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là dẫn đầu gia đình nhân loại khẳng định lại căn tính và ơn gọi của mình là thụ tạo và là con cái Thiên Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” – “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” – “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
 
Mời Bạn: Cơn cám dỗ là cần thiết để nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người vốn yếu đuối vì tội nguyên tổ và dễ bị tổn thương trước sức tấn công của ác thần. Cơn cám dỗ đặt chúng ta trước sự chọn lựa: chối bỏ hay khẳng định lại ơn gọi và sứ mạng của mình là con cái của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần được Thánh Thần dẫn đưa vào trong hoang địa của mùa Chay, để ở đó cùng Đức Giê-su, đối đầu với cơn cám dỗ, chúng ta chiến đấu và chiến thắng.
 
Chia sẻ: Để chiến đấu và chiến thắng cám dỗ, Chúa Giê-su đã dùng phương thế nào?
 
Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay này, gia đình tôi quyết tâm dành 5 phút mỗi ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là những người  tội lỗi. Chúng con tín thác vào Chúa.
[Mục Lục]

 
15/02/16                    THỨ HAI TUẦN 1 MC
                                                        Mt 25,31-46
 
LÀ LÀM CHO CHÍNH CHÚA
 
“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
 
Suy niệm: Khi phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Ấn Độ, mẹ Têrêsa Calcutta trả lời các nhà phỏng vấn: “Tôi thấy Chúa qua những con người bé nhỏ này”. Vì thế, mẹ Têrêsa đã phục vụ họ một cách trân trọng, như một con người, mang trong mình hình ảnh Đức Ki-tô. Mẹ đã sống Lời Chúa một cách triệt để. Bởi vì Chúa Ki-tô hiện thân nơi người nghèo, như Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta. Việc bác ái mang chất Ki-tô này giúp ta làm việc lành mà không cầu danh lợi, không huênh hoang tự đắc, không tìm lời khen, không coi thường người nghèo nhưng luôn tôn trọng họ... Chất Ki-tô khiến chúng ta làm tất cả để tôn vinh danh Chúa, để tình người được lớn lên trong tình Chúa.
Mời Bạn: Mùa Chay kêu gọi chúng ta không phải chỉ ăn kiêng vài món bị cấm. Nhưng sống chay tịnh là bớt những thói hư tật xấu để tập tính tốt, bớt chi tiêu ăn uống để chia sẻ cho người nghèo hơn mình, bớt thời gian cho mình để quan tâm đến người khác, bớt hận thù để gia tăng yêumến, bớt nghi ngờ để thêm tin tưởng... Đó là chay tịnh đích thực. Không chay tịnh như thế thì không thể cho đi để phục vụ Chúa nơi người anh em được.
 
Chia sẻ: Cho đi cách tốt đẹp nhất là cho đi với nụ cười. Tại sao?
 
Sống Lời Chúa: Làm bất cứ điều gì cho người anh em, bạn hãy tự nhủ: “Con đang làm cho Chúa đó.” Như thế mọi việc sẽ nên tốt đẹp.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa trong anh em, để tình Chúa thắt chặt tình người nơi chúng con.
[Mục Lục]

 
16/02/16                      THỨ BA TUẦN 1 MC
                                                            Mt 6,7-15
 
CẦU NGUYỆN LÀ TÔN VINH
 
Đức Giê-su nói với họ: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.”(Mt 6,8)
 
Suy niệm: Cầu nguyện là hơi thở, là lẽ sống của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, phải sau một thời gian dài đi theo Chúa, các môn đệ mới được Ngài dạy cho biết cách cầu nguyện. Phải chăng là hơi muộn? Song Ngài làm thế là để các môn đệ không theo lối cầu nguyện rập khuôn, hình thức sáo rỗng, lải nhải nhiều lời, mà trái lại Ngài muốn họ ở lại với Ngài, sống với Ngài, để họ cảm nghiệm được mối tương quan thân tình giữa Ngài với Chúa Cha, hiểu được lương thực của Thầy là làm theo ý Cha và sứ mạng của Thầy là làm vinh danh Cha. Bởi thế, Chúa Giê-su nói thật rõ ràng: cầu nguyện là như Ngài thưa chuyện cùng Cha, là làm cho danh Cha được vinh hiển, là tôn vinh Cha, là vui lòng trở nên dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay quan phòng của Ngài.
 
Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian đặc biệt nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện phải đi đôi với việc ăn chay và bố thí, để sống thật đậm đà lòng khao khát được yêu mến Chúa, nỗi thao thức ước mong Chúa được tôn vinh. Bạn đã đi vào tâm tình ấy chưa? Như thế, bạn đâu cần phải xin Chúa có của ăn của để, vì Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín ẩn, Ngài biết rõ bạn cần gì trước khi bạn cầu xin. Vậy bạn hãy cầu nguyện đi, như Chúa Ki-tô đã dạy chúng ta.
 
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi nghe Chúa Giêsu nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,6)?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu ngày sống và trước khi đi ngủ, bạn hướng lòng về Chúa và dâng lên Ngài một tâm tình cầu nguyện.
 
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
[Mục Lục]

 
17/02/16                     THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ Lc 11,29-32
 
ĐỪNG THẢ MỒI BẮT BÓNG
 
“Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.” (Lc 11,31)
 
Suy niệm: Cha James F. Keenan, Dòng Tên, khai triển một luận đề luân lý rất thú vị rằng “người ta phạm tội vì họ quá mạnh chứ không phải vì họ quá yếu.” Nghịch lý này còn được thấy nơi nhiều trường hợp khác nữa. Thiếu, không phải vì thiếu, mà vì có quá nhiều. Như cá giữa đại dương mà loay hoay đi tìm… nước! Như người Việt Nam ta từng bị mang tiếng là ‘chết trên đống thuốc’ (có ý nói rất nhiều cây cỏ quen thuộc của chúng ta là những vị thuốc quí giá mà ta không ngờ!). Chung qui, vấn đề nằm ở chỗ hoặc do người ta vô minh, hoặc do bướng bỉnh, hoặc do cả hai. Đây cũng là vấn đề của những người Do Thái thời Đức Giê-su. Họ có điều quí nhất trong tầm tay, nhưng họ không nhận ra, và họ mải kiếm tìm những thứ khác thôi.
 
Mời Bạn: Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta sực tỉnh nhìn lại thấy mình đang ‘thả mồi bắt bóng’. Ta sẽ đi tìm ánh sáng và sự khôn ngoan đích thực ở đâu, nếu không phải nơi Lời Chúa vốn luôn trong tầm tay ta? Ta sẽ tìm sự sống và sức mạnh tinh thần ở đâu, nếu không phải là nơi Thịt Máu Chúa vốn được trao ban cho ta mỗi ngày?
 
Chia sẻ: Là Ki-tô hữu, bạn nghĩ thực ra chúng ta rất giàu hay rất nghèo?
 
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, tiếp cận với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, ta ý thức rằng mình đang có được điều quí nhất có thể có dưới gầm trời này.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ nơi Chúa con mới no thoả mọi khát vọng của con.
[Mục Lục]

 
18/02/16                  THỨ NĂM TUẦN 1 MC
                                                            Mt 7,7-12
 
CẦU NGUYỆN HỮU HIỆU
 
“Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ  gõ cửa thì sẽ được mở cho.” (Mt 7,7)
 
Suy niệm: Chúng ta bị ảnh hưởng bởi cơ chế xin-cho ngoài xã hội, nên trong lãnh vực tôn giáo, nhiều lúc đâm ra nghi ngờ: Xin gì? Điều này có đáng xin không? Xin với ai? Liệu có được không? Chúa Giêsu dạy ta khác: “Cứ xin, cứ tìm, cứ gõ,” và kết quả là: “sẽ được, sẽ thấy, sẽ được mở cho”; bởi vì Đấng mà ta khấn xin là Chúa, hơn thế nữa, là Cha ta. Chúa nói với ta cầu nguyện không phải với quan hệ trên-dưới, có quyền-không có quyền, cho - không cho..., mà là trong quan hệ thân thiết cha-con. Ngài chỉ mong chúng ta cầu nguyện với cả tấm lòng, với trọn niềm tín thác.
 
Mời Bạn: Bạn có nhận thấy rằng đã bao lần mình cầu xin mà không được không phải tại Chúa hẹp hòi, mà vì chúng ta thiếu niềm tin-cậy-mến, và hơn nữa chúng ta đã không cầu nguyện với tư cách người con “xin cho ý Cha được thể hiện”?
 
Chia sẻ: Bạn hãy duyệt lại cách cầu nguyện qua việc đọc kinh có thật là “khẩu niệm tâm suy”, “trí-lòng hòa hợp” chưa? Hay bạn đọc cách máy móc, kiểu “dân này thờ kính ta ngoài môi miệng, còn lòng trí chúng thì xa ta” (Mt 15,8)?
 
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm Lời Chúa trong thư Gia-cô-bê: “Anh em phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm”(Gc 1,6-8).
 
Cầu nguyện: Mượn lời viên đại đội trưởng Rôma cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa chỉ nói một lời là tôi tớ Chúa được lành mạnh” (Mt 8,8).
[Mục Lục]

 
19/02/16                   THỨ SÁU TUẦN 1 MC
                                                          Mt 5,20-26
 
KHỬ TRỪ SỰ TỨC GIẬN
 
“Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” (Mt 5,21-22)
 
Suy niệm: Cái làm cho con người phải ân hận nhất là tính dễ nổi giận của mình, bởi vì người dễ nổi giận thì rất dễ phá hoại công việc của mình cũng như kế hoạch của người khác. Khi trưng dẫn luật Mô-sê: “Chớ giết người”, Chúa Giê-su không bác bỏ, Ngài cũng đồng ý như vậy, nhưng Ngài còn muốn đưa nó đi xa hơn nữa, đi đến tận cùng ý muốn của Thiên Chúa, đó là trừ khử sự tức giận, là nguyên nhân sâu xa đi đến tội giết người, chẳng những giết thân xác mà còn giết cả phẩm giá và danh dự kẻ khác. Kinh nghiệm cho thấy chiến tranh phát sinh từ hận thù tranh chấp: trước khi loại bỏ kẻ khác bằng súng đạn, thì người ta đã loại trừ nhau ra khỏi tâm hồn mình bằng lòng hờn giận, ghen ghét, bằng tiếng cãi cọ, chửi rủa.
 
Mời Bạn: Tính nóng nảy thì ai cũng có. Bạn có phải là người không biết kềm chế tính nóng màø phải nhận lấy hậu quả khó lường của nó? Thiên Chúa thì rất chậm nổi giận nhưng rất mau thi ân giáng phúc cho kẻ cầu xin với Người, và nếu có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì yêu thương suốt đời từ đời nọ đến đời kia. Là con cái Thiên Chúa, bạn tập sống như Ngài.
 
Chia sẻ: Bạn có thể làm gì để chế ngự tính nóng nảy?
 
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, bạn chủ động đến làm hoà với một người mà vì nóng nảy bạn đã làm mất lòng họ.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã rộng lượng tha thứ cho con tất cả, xin giúp con cũng biết quảng đại tha thứ cho anh chị em con. Con muốn sống yêu thương mọi người chỉ vì chính Chúa đã quảng đại yêu thương con. Amen.
[Mục Lục]

 
20/02/16                   THỨ BẢY TUẦN 1 MC
                                                          Mt 5,43-48
 
THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA
 
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”  (Mt 5,48)
 
Suy niệm: “Lòng thương xót thì không gượng ép, tựa như mưa từ trời nhẹ rơi xuống đất. Lòng thương xót ấy đem lại phúc lành cho người thực hiện lẫn người được thực hiện” (W. Shakespeare). Khi yêu thương kẻ thù, lòng ta không còn cay đắng, nhưng được thanh thản, an bình, và kẻ thù của ta cũng được nhẹ nhỏm, an vui như vậy. Lòng yêu thương kẻ thù ấy được diễn tả bằng những việc làm cụ thể như cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, chào hỏi kẻ ghét mình. Yêu thương kẻ thù không phải là chuyện của cảm xúc, nhưng là của ý chí, của quyết tâm vượt qua khuynh hướng bản năng tự nhiên. Tại sao Chúa đòi ta lại phải yêu thương kẻ thù? Thưa, vì lòng thương xót ấy làm ta nên giống Thiên Chúa, Đấng luôn khoan dung với người lành kẻ dữ.
 
Mời Bạn: “Tôi luôn nhận thấy rằng lòng thương xót đem lại nhiều hoa trái hơn là sự công bằng nghiêm ngặt” (Tổng thống A. Lincoln). Cư xử dựa trên lẽ công bằng chặt chẽ, lý lẽ đúng-sai có thể làm bạn yên tâm, uy quyền của bạn được bảo đảm. Thế nhưng, cư xử dựa trên lòng thương xót lại đem nhiều thiện ích cho người anh em hơn. Bạn chọn cư xử theo cung cách nào trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này?
 
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi tập tha thứ cho những người tôi ghét bằng cách chào hỏi, nói chuyện với họ, nhất là với người chung một mái nhà.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa tha thứ cho người ngược đãi mình bằng cách cầu nguyện cho họ trên thập giá. Xin cho con, nhờ noi gương Chúa, cũng biết sẵn lòng tha thứ cho kẻ thù, để có thể trở nên con cái Cha trên trời. Amen.
[Mục Lục]

 
21/02/16      CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – C
                                                        Lc 9,28b-36
 
DUNG MẠO ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA
 
Đang lúc Đức Giê-su cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (Lc 9,29)
 
Suy niệm: Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót trình bày cho ta thấy dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Giê-su, một Đức Giê-su vừa đau khổ u buồn vừa hân hoan vui mừng. Đau khổ cùng với nỗi đau của con người, đặc biệt đau khổ trong cuộc Khổ Nạn. Hân hoan trong tình yêu với Chúa Cha và với con người, hân hoan vì yêu và được yêu. Ngài yêu mến Chúa Cha, yêu thương con người; Ngài được Chúa Cha yêu lại: “Đây là Con Ta yêu dấu,” cũng như được nhiều người, nhất là môn đệ, yêu thương đáp trả. Kinh nghiệm tình yêu cho ta biết rằng yêu là chấp nhận đau khổ, nhưng yêu cũng đồng nghĩa với còn hy vọng, niềm vui. Dung mạo Đức Giê-su vui tươi, hy vọng vì yêu thương, tin tưởng nơi con người; dung mạo ấy lắm lúc đượm vẻ đau buồn cũng vì yêu con người, yêu cho đến cùng.
 
Mời Bạn: Bạn làm thế nào để duy trì niềm vui thánh thiện mình đang có? – Bạn hãy cầu nguyện sốt sắng như Chúa Giê-su, và hãy “dựng lều” ở lại với Ngài trong bí tích Thánh Thể hằng ngày, nhất là khi bạn hiệp thông với Ngài cách đặc biệt khi rước lễ.
 
Sống Lời Chúa: Đừng đánh mất niềm hy vọng khi gặp thử thách, đừng chỉ biết tận hưởng niềm vui mà quên mất việc bổn phận. Sau khi được biến đổi như ba môn đệ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê, bạn hãy “xuống núi,” trở lại với công việc đời thường cách tốt đẹp.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dung mạo Chúa trở nên chói lói, sáng ngời đang khi cầu nguyện. Xin cho con siêng năng cầu nguyện, để cũng được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn con đến Chân, Thiện, Mỹ. Amen.
[Mục Lục]

 
22/02/16                    THỨ HAI TUẦN 2 MC
Lập tông toà thánh Phê-rô       Mt 16,13-19
 
CÔNG TRÌNH HỘI THÁNH
 
Đức Giê-su hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)
 
Suy niệm: Khi xây nhà, ai cũng thừa biết phải bắt đầu từ nền móng, và là một nền móng được gắn vào đá vững chắc, chứ không ai khờ dại xây nhà hờ hững trên nền cát. Để xây Hội Thánh, Chúa Ki-tô cũng muốn xác định tính vững chắc của những tảng đá Ngài sẽ dùng để làm nền móng cho Hội Thánh là các tông đồ. Phép thử của Ngài là một câu hỏi. Cần phải biết “Thầy là ai?” để hiểu mục đích mà Thầy nhắm đến khi thiết lập Hội Thánh. Cần phải biết Thầy để biết được giới hạn của mình cũng như để lường trước sức nặng của Hội Thánh mà Thầy sẽ đặt lên vai mình. Qua phép thử này, Chúa Ki-tô cho biết tính vững chắc của Hội Thánh không hệ tại những đầu óc thông thái mà là một niềm xác tín vững vàng vào Đấng mà mình đang đi theo. Với niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống thì Hội Thánh có sức đứng vững trước mọi thách thức, chống phá, dù là quyền lực của ác thần Sa-tan.
 
Mời Bạn: Qua hơn hai mươi thế kỷ, biết bao vương quyền hay thể chế trần gian đã sụp đổ, nhưng Hội Thánh Chúa Ki-tô vẫn kiên vững; sự thật này minh chứng cho một nền móng vững chắc của tòa nhà Hội Thánh. Mời bạn tiếp nối lời tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” để góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian nay.
 
Sống Lời Chúa: Nhiệt thành tham gia vào đời sống của Giáo Hội địa phương là bạn đang góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa Ki-tô.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, chúng con tin rằng Hội Thánh Chúa luôn vững bền. Xin gìn giữ chúng con trong Hội Thánh để chúng con thuộc về Chúa luôn.
[Mục Lục]

 
23/02/16                      THỨ BA TUẦN 2 MC
Th. Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo Mt 23,1-12
 
CHIẾC CẶP CỦA GIÁO HOÀNG
 
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ…” (Mt 23,11)
 
Suy niệm: Hình ảnh ĐGH Phanxicô luôn tự tay mình xách chiếc cặp da trong các chuyến công du không giống các nguyên thủ quốc gia khác đã gây ngạc nhiên cho nhiều người. Khi được hỏi, Ngài vui vẻ trả lời “bạn phải tự làm lấy việc của mình đó là điều bình thường”. Đó là một trong số ít hình ảnh của ĐGH Phanxicô, vị lãnh đạo có tinh thần phục vụ, luôn bận tâm sâu sắc với những người nghèo khổ và bất hạnh. Hãy nghe những gì tổng thống Obama nói về Ngài khi đón tiếp ĐGH tại Nhà trắng: “Với lòng khiêm tốn, Ngài mang lấy một sự đơn sơ, lịch thiệp trong lời nói và sự quảng đại trong tinh thần. Chúng tôi nhìn thấy nơi Ngài một mẫu gương sống động cho những lời giảng dạy của Chúa Giê-su, Đấng là vị lãnh đạo có thẩm quyền luân lý, không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động.”
 
Mời Bạn: Trong khi xã hội hôm nay người ta tìm mải kiếm của cải và quyền lực để khẳng định mình quan trọng và tìm cách cai trị người khác. Đức Giê-su đang mời gọi bạn làm chứng nhân cho Ngài bằng đời sống thánh thiện, vui tươi và tinh thần khiêm tốn phục vụ âm thầm như muối, như men giữa lòng đời.
 
Chia sẻ: Hành động hôm nay bạn quyết tâm sẽ làm để phục vụ người khác, với tất cả sự khiêm tốn là gì?
 
Sống Lời Chúa: Suy ngẫm câu “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em hãy dùng mà phục vụ người khác” (1Pr 4,10).
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới con người luôn tìm mọi cách thống trị người khác. Xin cho biết học được nơi Chúa tinh thần của người tông đồ, luôn biết tìm hy sinh và khiêm tốn phục vụ như Chúa. Amen.
[Mục Lục]

 
24/02/16                     THỨ TƯ TUẦN 2 MC
                                                        Mt 20,17-28
 
XÓT THƯƠNG: PHỤC VỤ
 
“Cũng như Con Người đến (...) là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28)
 
Suy niệm: Trong những ngày Tết Nguyên Đán vừa qua, hầu như ai cũng được vui hưởng những ngày tết vui tươi, ấm cúng, kể cả những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Để đem lại niềm vui cho các gia đình ấy, hẳn nhiều người đã phải âm thầm hy sinh, lặng lẽ chia sẻ. Mùa Chay trong Năm Thánh Lòng Thương Xót mới bắt đầu, cái "âm thầm," điều "lặng lẽ" kia lại càng cần hơn nữa. Chúng ta thường nghĩ rằng thầy Giê-su phục vụ qua những việc  làm, mà quên rằng Ngài phục vụ trước hết qua lòng xót thương nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi. Vì thế, trước khi nghĩ đến phải làm gì để giúp đỡ tha nhân, ta cần nhìn tha nhân bằng “ánh mắt đầy yêu thương của Chúa”. Cảm nhận nỗi đau của anh chị em chung quanh là chính nỗi đau của mình, ta đã bắt đầu việc phục vụ người khác rồi đấy.
 
Mời Bạn: Bạn và tôi thường mong muốn làm được thật nhiều điều hữu ích cho người khác. Điều đó cũng phải lẽ thôi! Thế nhưng, có được ánh mắt yêu thương của Chúa là điều ta ít quan tâm. Cầu chúc bạn Năm Mới và mùa Chay thánh thật "thịnh vượng" trong lòng thương xót của Chúa nhé!
 
Chia sẻ: Cảm thông và chia sẻ luôn là thái độ cần có để chúng ta nên giống thầy Giê-su. Bạn hãy chia sẻ những cảm nghiệm có được khi sống Năm Thánh Lòng Thương Xót qua việc liên đới với nỗi đau của người chung quanh.
 
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn người khác với ánh mắt thương xót, khoan dung, thông cảm như Chúa dạy.
 
Cầu nguyện: Đọc kinh "Năm Thánh Lòng Thương Xót," xin cho có ánh mắt yêu thương-tinh thần phục vụ của Chúa.
[Mục Lục]

 
25/02/16                  THỨ NĂM TUẦN 2 MC
                                                        Lc 16,19-31
 
BIẾT NGHE – TIN, VÀ BIẾT YÊU
 
“Mô-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16,31)
 
Suy niệm: Có hai điều đặc biệt trong dụ ngôn này: 1/ Người nghèo có tên La-da-rô (nghĩa là "Thiên Chúa giúp"), lần đầu tiên một nhân vật trong dụ ngôn có tên rõ ràng; 2/ Số phận hạnh phúc hay trầm luân của con người sau khi chết. Tuy không giải thích tại sao anh La-da-rô được hạnh phúc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng dụ ngôn cho ta hiểu rằng việc hưởng thụ của cải vật chất cách ích kỷ dẫn người nhà giàu tới chỗ dửng dưng, vô cảm với người nghèo, cản trở lòng tin vào Thiên Chúa. Ông nhà giàu không bị phạt vì giàu có, mà vì ông đã làm ngơ trước tình cảnh khốn cùng của La-da-rô. Tình trạng giàu nghèo đời này không quyết định số phận ta ở đời sau, nhưng hệ tại ở thái độ và cách thế đón nhận, sẻ chia.
Mời bạn: Đức tin của bạn được củng cố, phát huy ngày qua ngày nhờ một trí óc và con tim biết vâng nghe theo Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội và gương các thánh. Nhờ đó, bạn dễ dàng thanh thoát "những thú vui thế gian," sức hấp dẫn của tiện nghi, hưởng thụ, mà quan tâm hơn đến tình yêu đối với tha nhân, nhất là với ai đang cần sự trợ giúp cụ thể, vật chất cũng như tinh thần.
 
Sống Lời Chúa: Bên cạnh bạn có “anh La-da-rô” nghèo khổ nào không? Bạn hãy có một nghĩa cử chia sẻ bằng vật chất, tinh thần trong tình liên đới  của kinh “Thương người có mười bốn mối.”
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con, ai cũng nghèo về một mặt nào đó, ai cũng cần đến người khác… Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo để nhận lãnh, can đảm nhận mình giàu để hiến trao. Amen.      
[Mục Lục]                       (Rabbouni)

 
26/02/16                   THỨ SÁU TUẦN 2 MC
                                            Mt 21,33-43.45-46
 
TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT
 
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Mt 21,42)
 
Suy niệm: Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su vừa ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Pha-ri-sêu gây ra cho mình, vừa loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh ấy, Thiên Chúa tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, lòng thương xót mạnh hơn tội lỗi của con người. “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Vâng, Chúa Giê-su chính là tảng đá bị giới lãnh đạo Do Thái loại bỏ bằng cái chết trên thập giá.  Thế nhưng, cái chết hy sinh ấy trở thành nguồn ơn cứu độ tha tội cho con người, là cửa ngõ khai mở nguồn sống mới cho nhân loại.
Mời Bạn: Màu tím của mùa Chay dù không phủ lên khuôn mặt bạn lớp khăn tang của buồn sầu, tang thương, nhưng là màu báo hiệu mùa sám hối, cầu nguyện và chay tịnh, để hướng bạn về cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn hãy tin tưởng phó thác vào lòng thương xót của Chúa,  sám hối trở về để được Chúa xót thương tha thứ qua bí tích Hòa giải.
 
Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lòng Thương Xót hoặc ít là mỗi ngày một lần nhìn lên Thánh giá đấm ngực và đọc: “Vì cuộc Khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.”
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa, do tội lỗi chai lì, con không biết thương xót người khác, cũng chẳng quan tâm yêu mến Chúa. Xin dủ lòng thương xót tha thứ cho con, và ban ơn nâng đỡ để con biết yêu mến Chúa và yêu thương nhau.
[Mục Lục]

 
27/02/16                   THỨ BẢY TUẦN 2 MC
                                                 Lc 15,1-3.11-32
 
NGƯỜI CHA HOÀN HẢO
 
“Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15,32)
 
Suy niệm: Hai người con thật bất ngờ trước cung cách đối xử quá nhân lành của cha mình. Người con thứ không thể tưởng tượng mình được tha thứ và đón tiếp như vậy. Người con cả cũng không thể ngờ cha mình bỏ qua tội lỗi người em mình dễ dàng đến thế. Anh đòi hỏi sự công bằng của chủ-tớ, chứ không dựa trên tình nghĩa cha-con. Tình yêu của người cha hoàn hảo đến độ cả hai người con ngỡ ngàng, vì ông yêu con bằng lòng thương xót cao vời, vượt lên trên sự công bằng. Nhà thơ và soạn kịch W. Shakespeare cho rằng lòng thương xót không phải là phẩm tính của loài người mà là của Thiên Chúa, vượt qua lằn ranh nhân loại. Người cha của lòng thương xót hoàn hảo mà Đức Giê-su muốn giới thiệu chính là Thiên Chúa của chúng ta.
Mời Bạn: Nhân loại cần tình thương hơn là sự công bằng. Chỉ dừng lại ở sự công bằng của lề luật, lý lẽ, con người sẽ dễ trở nên dửng dưng, vô cảm trước nhu cầu của người anh em, làm cho lòng thương xót không thể triển nở được.
 
Chia sẻ: Khi chỉ cư xử với nhau dựa trên sự công bình, ta chưa trở thành hoàn thiện “như Cha trên trời.” Ta cần phải có lòng nhân từ, là nhân đức trọng hơn mọi lễ phẩm.
 
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi tập cách ứng xử với người lân cận dựa trên lòng thương xót, chứ không chỉ dựa trên sự công bằng khô cứng.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của Chúa Cha cho con. Xin giúp con thấu hiểu rằng Tin Mừng về lòng thương xót Chúa thì vô biên. Bao lâu lòng thương xót bị giam hãm, đời sống sẽ như ao tù.
[Mục Lục]

 
28/02/16      CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – C
                                                             Lc 13,1-9
 
THƯỜNG XUYÊN HOÁN CẢI
 
“Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13,5)
 
Suy niệm: Mỗi dịp mùa Chay, lại nghe các cha lập lại điệp khúc “hãy sám hối, hãy hoán cải!” Lại ngồi suy nghĩ: bản thân mình tuy chưa phải là thánh thiện, nhưng cũng thuộc loại tốt rồi! Mình còn chỗ nào cần phải sám hối, hoán cải nữa đâu! Có lẽ ông A, bà B kia mới cần... Đó có thể là cảm nghĩ của ta cũng như nhiều người. Thật ra, Lời Chúa nhắc nhở rằng cần thiết phải có một sự thay đổi, điều chỉnh thường xuyên trong lối nghĩ cũng như lối sống của ta cho hợp với Tin Mừng hơn. Tin Mừng nói với ta rằng mải mê hưởng thụ các tiện nghi đang khi người lân cận thiếu thốn đã trái với tinh thần của người môn đệ Chúa. Tin Mừng xác quyết rằng không quên mình, không sống cho người khác, cũng chẳng quan tâm đến hạnh phúc người chung quanh là chưa sống đạo thật sự. Người thân trong gia đình, người lân cận mời ta bỏ đi thói nói xấu, xét đoán, gán cho họ những ý đồ xấu. Họ mời ta khoan dung hơn, thông cảm hơn, cư xử nhân hậu với họ hơn. Mùa Chay này, ta có làm ngơ trước lời ngỏ ấy không?
 
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi quyết tâm đổi mới lối suy nghĩ và lối sống: tích cực hơn trong việc tham gia sinh hoạt chung, quảng đại hơn trong việc quan tâm giúp đỡ người khác, bao dung hơn trong các mối tương quan.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con không bao giờ tự mãn về mình, nhưng phải thường xuyên hoán cải, đổi mới theo đòi hỏi của Tin Mừng Chúa. Đây là điểm yếu của con, vì con thích an phận trong lối sống, an toàn cho bản thân trong lối nghĩ, và an nhàn cho thân xác của mình. Xin giúp con dám đổi mới trong mùa Chay này. Amen.
[Mục Lục]

 
29/02/16                    THỨ HAI TUẦN 3 MC
                                                           Lc 4,24-30
 
ĐÓN NHẬN SỰ THẬT
 
Mọi người trong hội đường phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành... để xô Người xuống vực. (Lc 4,28)
 
Suy niệm: A. Schopenhauer, một triết gia vô thần, chủ trương thế giới hiện tượng này là sản phẩm của một ý chí mù quáng; ông cho rằng mọi sự thật đều trải qua giai đoạn bị chế diễu, bị chống đối và mãi đến giai đoạn cuối cùng mới được công nhận là hiển nhiên. Có vẻ những người đồng hương của Chúa đang đi theo lối mòn đó: Họ giận dữ với Ngài vì Ngài dám nói lên sự thật: Thiên Chúa là Chúa của các dân tộc, chứ không phải của riêng dân Do Thái. Ngài ban ơn cho cả những người dân ngoại như người đàn bà góa ở Si-đôn, hay cho Na-a-man, quan chức người Xy-ri-a. Hôm nay cũng vậy, Đức Giê-su không dành ưu tiên cho người đồng hương Na-da-rét hay người Do Thái. Tin Mừng Nước Trời của Ngài phải được dành cho mọi dân tộc trên trái đất này.
 
Mời Bạn: Người Na-gia-rét phạm sai lầm vì đã dừng lại giữa đường trong khi tìm kiếm sự thật. Vì thế, họ đánh mất cơ hội nhận ra Đấng Cứu Thế. Bạn hãy tránh đi vào vết xe đổ ấy mỗi khi đi tìm kiếm một sự thật: sự thật về Chúa, về mình, về người anh em, để “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).
 
Sống Lời Chúa: Tôi tập bình tĩnh, không bực tức khi được nghe nói một sự thật về mình, để rồi dần dần sẽ nhận thấy sự thật ấy quá rõ ràng với mình.
 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa can đảm đối diện với những chống đối khi loan báo Tin Mừng Nước Trời, dù lắm lúc suýt mất mạng vì sự can đảm ấy. Xin ban ơn nâng đỡ con, để con cũng không ngại ngùng khi gặp những thách đố, chống đối, chê cười trong lúc thi hành sứ vụ của Chúa giao phó. Chúa là thành lũy của con. Amen.
[Mục Lục]
 
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây