Giáo xứ Vinh Hương

Cái chết của vị chủ chăn

Thứ bảy - 30/04/2011 00:15

Cái chết của vị chủ chăn

- Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam đang sống lại những nét tinh túy của cuộc đời Đức Gioan Phaolô II, học nơi Ngài cách sống và cái chết vì kính tin Thiên Chúa và yêu mến con người

Trong bầu khí chuẩn bị biến cố phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 1.5.2011, chúng ta cùng suy niệm với nhau những điều Đức Gioan Phaolô II đã để lại. nhất là vào lúc cuối đời…

Vào mỗi ngày thứ 6 Tuần Thánh tôi không thể quên được Đức Gioan Phaolô II, nhất là về ngày thứ 6 Tuần Thánh cuối cùng của Ngài năm 2005.

Đau khổ của con người.

Một trong những bút tích quý giá và không mấy ai trích dẫn của Ngài là tông thư được viết năm 1984 “Salvifici Doloris” (Về nhũng đau khổ của người Kitô hữu). Dựa vào truyền thống của Thánh Tông đồ Phaolô và giáo huấn truyền thống Công Giáo, Đức Gioan Phaolô II đã trải nghiệm trong suốt đời mình rằng: chính nhờ qua đau khổ mà Chúa Kitô đã thực sự liên đới với nhân loại, và cũng chính khi con người nếm mùi đau khổ thì họ có một sự liên kết sâu xa với Chúa Kitô, nguồn sống của chúng ta.

Trong thông điệp “Salvifici Doloris”, thì đau khổ là hệ lụy của tội lỗi và Chúa Kitô đã ôm lấy chính hệ quả nầy thay vì từ khước chúng. Qua sự đón nhận đau khổ, Đức Giêsu đã nếm trải nó cách trọn vẹn, Chúa mang lấy hậu quả của tội vào bản thân và trên đôi vai mình. Ngài làm thế là vì tình yêu dành cho ta, không chỉ muốn cứu chuộc ta , nhưng còn muốn nên một với ta, chia phần với điều ta đang chịu, trải nghiệm điều ta đang phải gồng gánh. Và chính với tình yêu sẻ chia và thông phần đau khổ vì yêu này, Chúa đã hoàn toàn phục hồi mối tương quan bị tội lỗi bẻ gãy, vì thế Ngài cứu chuộc ta.

Đức Gioan Phaolô II dạy rằng ý nghĩa của đau khổ đã hoàn toàn thay đổi bởi biến cố Nhập thể. Nếu không có biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, đau khổ chỉ là hậu quả của tội lỗi, là cơ hội thuận tiện cho con người có cái nhìn vào nội tâm, cho tâm hồn được cứng cáp hơn, và cũng là cơ hội để con người thể hiện tình yêu với nhau, những điều đó chỉ là những giá trị phụ thuộc. Bởi vì, qua biến cố Nhập Thể, chúng ta được thông dự vào Thân Mình Chúa Kitô. Đau khổ của ta là đau khổ của chính Chúa và là lời diễn tả của một tình yêu cứu chuộc.

Vì là vị lãnh đạo của hơn một tỷ người Công Giáo, vì là vì Giáo hoàng của thời đại của khám phá không gian và vi tính – tiếp xúc với hàng tỷ người; vì là vị Giáo hoàng với 26 năm lãnh đạo…mà những kinh nghiệm về đau khổ của Ngài có một tiếng vang lớn.. Như chúng ta biết, năm 1981. sau lần bị ám sát hụt ở quảng trường Roma. Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng: đau khổ là một sứ điệp vô cùng lớn của Kitô giáo.

Vào những năm tháng cuối đời của mình trên cương vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã thực sự trải qua những đau đớn của kiếp người.  Nhân loại nhận ra rằng chính đời sống tâm linh đem lại một sức mạnh cho phép Ngài vượt qua nỗi sợ hãi và ngay cả nỗi sợ thần chết. Thật là bài học đắt giá cho nhân loại! Cuộc chiến của Ngài với những tật bệnh thể lý của tuổi già cũng là bài học thâm thúy cho một xã hội khó chấp nhận người già và một nền văn hóa không nhìn thấy giá trị cứu chuộc của đau khổ…

Vào năm 1994, tuổi già và bệnh tật đã hầu như vô hiệu hóa những khả năng của Đức Gioan Phaolô, Ngài tâm sự với những người thân cận  rằng Ngài đã lắng nghe tiếng Chúa và rằng Ngài sẽ dẫn dắt Giáo hội bằng một phương thức mới. Ngài nói: “Tôi sẽ lãnh đạo bằng đau khổ”. “Ngài phải chịu nhiều đau đớn để mỗi gia đình và cả nhân loại nhận ra rằng có một thứ Tin Mừng trổi vượt hơn, có thể nói như vậy, là tin mừng về sự đau khổ - mà mọi người phải sẵn sàng chuẩn bị cho tương lai.

Lời an ủi với những người đồng cảnh ngộ.

Vào năm 1999, là năm chuẩn bị cho năm Toàn xá, Đức Gioan Phaolô II đã cho công bố “Tông thư cho những người cao tuổi” (Letter to the Elderly), tiếp nối những lời dành cho người trẻ năm 1985, cho các gia đình 1994, cho giới phụ nữ 1995 và các nghệ sỹ 1999. Và không kể đến những thư Ngài dành cho các linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm – kể từ khi bắt đầu trên ngôi Giáo Hoàng. Ngài viết những lời thật cảm động và đầy khích lệ dành cho những người đồng cảnh ngộ trong bức tâm thư này.

Ngài không hề sợ hãi khi phơi bày trước con mắt người đời những giới hạn và yếu đuối mà những năm tháng tuổi đời đè nặng trên đôi vai mình. Ngài không hề muốn dấu diếm chúng. Khi nói với giới trẻ, Ngài không ngại nói với họ rằng: “Cha là một linh mục già nua”. Đức Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục chu toàn sứ mạng trên ngai tòa Phêrô, Ngài hướng về tương lai với nhiệt tình của tuổi trẻ không héo úa và với một tinh thần được Ngài luôn dìn giữ cho tinh tuyền. Bức tâm thư này chứa đựng nhiều tình cảm cá nhân, rất thân tình và không có cung giọng phân tích về tuổi già…Đúng hơn, đây là lời đối thoại thân mật với những người cùng trang lứa với mình.

Ngài viết:”Sống lâu trên cuộc đời nầy giúp chúng ta nhìn những kinh nghiệm sống bằng một cái nhìn sáng suốt hơn và nhìn những đau thương một cách nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, những khó khăn từng ngày chỉ có thể trở nên dễ chịu hơn với sự trợ giúp của Thiên Chúa, thêm vào đó chúng ta được yên ủi biết bao vì biết rằng: ta sẽ được trường sinh sau cái chết vì đã trải qua một cuộc đời lành thánh.

"Những người dìn giữ kinh nghiệm sống” là tiêu đề cho một chương của bức tâm thư nầy. Ngài nói: “Trong quá khứ, người già được kính trọng nhiều hơn, điều nầy vẫn còn được dìn giữ ở một số dân tộc, nhưng nhiều nền văn hóa quá đề cao những người có ích là người trực tiếp làm ra sản phẩm. Ngày nay nhân loại dang dần chuộng chủ trương ‘cái chết êm dịu’ cho những hoàn cảnh khó khăn. Thật đáng báo động là ngày nay nhiều người không còn lấy làm kinh tởm với thuyết ‘cái chết êm dịu’, điều mà những người phò sự sống luôn xa tránh”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta nên nhớ rằng luật luân lý cho phép trong những trường hợp bệnh đã đến giai đoạn cuối thì được ngừng thuốc chữa lành bệnh, mà chỉ áp dụng những chăm sóc y tế bình thường nhằm giảm sự đau đớn cho bệnh nhân. Nhưng ‘cái chết êm dịu’ thì hoàn toàn khác về ý hướng và hoàn cảnh, được hiểu là dẫn đến cái chết cách trực tiếp, là một hành vi bản chất là xấu, vì vi phạm lề luật Chúa ban hành và xúc pham đến nhân phẩm con người.

...Bức tâm thư được kết thúc với chương “Những lời khích lệ sống trọn vẹn cuộc sống”. Ngài viết: “Tôi muốn chia sẻ thẳng thắn những cảm nhận của chính mình về cuộc đời lúc đã xế bóng, đã hơn 20 năm trên ngôi Giáo hoàng… Dù có nhiều biến chứng của tuổi già, tôi vẫn còn vui hưởng cuộc sống. Tôi tạ ơn Chúa về điều nầy. Thật là kỳ diệu vì vẫn còn có thể trao ban chính mình trọn vẹn vì lợi ích của Nước Thiên Chúa”

Ngài kết luận: “Ngay chính lúc nầy, cha cảm thấy an bình khi nhớ lại những khoảnh khắc được Thiên Chúa kêu gọi, lần lượt theo năm tháng của tuổi đời.{…} “Này con đây”. Được thuộc về Thiên Chúa là khao khát thâm sâu nhất trong trái tim con người, dù họ có ý thức về nó hay không”

Thật là một chữ ký tuyệt vời của Đức Gioan Phaolô II cho bức tâm thư này, vì chính Ngài đã trải nghiệm chúng bằng chính đời mình. Chúng tôi là nhân chứng về những điều ấy.

Không giấu giếm đau khổ .

Đức Gioan Phaolô II dạy rằng cuộc đời là linh thánh, dù cho đau khổ tràn ngập đời Ngài. Thay vì che đậy những biến chứng của bệnh tật, như nhiều người nổi tiếng vẫn thường làm, Đức Gioan Phaolô II để cho cả thế giới biết những gì mình đang trải qua. Sự đau đớn và cái chết của vị Giáo hoàng nầy không diễn ra thầm kín mà được trưng lên truyền hình và cả thế giới cùng theo dõi. 

Vào những ngày cuối đời, người lực sỹ đã trở nên bất lực, giọng nói dễ mến và vang đã trở nên im lìm, và bàn tay đã viết biết bao văn kiện đã không thể hoạt động nữa. Lời huấn dụ cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II chính là trở nên biểu tượng của Lời Thầy đã nói với tông đồ Phêrô năm xưa: “Thầy bảo cho con biết, khi con còn trẻ, con tự thắt lấy giây lưng và muốn đi đâu tùy ý, nhưng khi về giầ, con sẽ đưa tay ra cho người khác thắt giây lưng cho và đưa con đến nơi con không muốn đến” Sau đó, Chúa bảo ông Phêrô: “Hãy theo Ta”. (Ga 21,18-19).

Nhiều người Công giáo và không phải là Kitô hữu đã xem những đớn đau Đức Gioan Phaolô nếm trải thật giống như cơn hấp hối của chính Chúa Giêsu, và chính Đức Giáo hoàng cũng như những người thân cận – không ai mất can đảm khi so sánh như vậy.Vài năm trước khi mất, có những người đặt vấn đề Ngài nên từ chức, thì được Ngài trả lời: “Vậy Chúa Giêsu có xuống khỏi thập giá không?”. Có những người bàn luận  về khả năng điều hành Giáo hội, giống như ban quản trị của một nghiệp đoàn (CEO), họ đã lầm lẫn vấn đề. Đức Giáo hoàng không thi hành một chức việc, Ngài lãnh lấy một trách vụ thần linh, và những đau đớn Ngài chịu là phần cốt lõi của sứ vụ nầy.

Buổi chiều thứ sáu tuần Thánh cuối cùng.

Một trong những kỷ niệm sống động nhất mà tôi giữ được là về tuần lễ cuối cùng của Ngài. Đó là lúc Ngài tham dự nghi thức đi đàng Thương Khó vào chiều thứ 6 Tuần Thánh 2005. Trong nhà nguyện riêng, qua màn ảnh truyền hình, Đức Gioan Phaolô II tham dự vào những gì đang cử hành ở hý trường Coliseum. Màn hình camera trong nhà nguyện nầy được đặt phía sau để Ngài không bị chia trí khi tham dự đàng Thương khó. Đức TGM John Foley đang đọc phần suy niệm trên truyền hình bằng tiếng Anh, bài suy niệm của Đức Hồng Y Ratzinger thật sâu sắc.

Vào những chặng cuối, có ai đó đặt một cây Thánh Giá lớn trên đầu gối của Ngài, Ngài nhìn chăm chú và đầy lòng yêu mến khuôn mặt của Chúa Giêsu. Khi nghe những dòng chữ: “Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh giá”, Đức Gioan Phaolô II đã kéo sát vào mình và ôm chầm Thánh giá. Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng nầy. Thật là một bài diễn văn hùng hồn mà không cần lời! Giống hệt Chúa Giêsu, Đức Gioan Phaolô II đã ôm lấy Thánh giá.

Cái chết của vị giáo trưởng.

Nhiều giờ trước khi chết, Đức Gioan Phaolô II đã nói lên những lời còn nghe ra được: “Nào ta đi về nhà Cha”. Trong tinh thần hiệp thông cầu nguyện cho Ngài, Thánh lễ được cử hành trong phòng riêng Ngài và đám đông tụ họp ca hát ở bên dưới, nơi quảng trường Thánh Phêrô. Ngài mất lúc 9:37 tối ngày 2.4.2005. Qua những đau đớn, khổ nạn và cái chết được phổ biến rộng rãi, người linh mục thánh thiện, Người kế vị Thánh Phêrô, Người tôi tớ của Thiên Chúa đã diễn tả khuôn mặt Chúa Giêsu đau khổ bằng một cách thế rất cảm động.

Vị Giáo hoàng thánh thiện.

Karol Wojtyla là một nhân chứng ngoại thường. Qua lòng mộ đạo, những nỗ lực phi thường, những đau khổ và cái chết của mình, đã truyền đạt sứ điệp đầy sức mạnh của Tin Mừng cho mọi người trong thời đại chúng ta. Một yếu tố mang lại thành công cho sứ điệp của Ngài là đám đông nhân chứng luôn bao quanh Ngài, họ được lớn lên nhờ Ngài và chính họ nâng đỡ những chặng đường đời của Ngài. Đối với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ơn gọi nên thánh không loại trừ một ai, đó không phải là đặc ân dành riêng cho một nhóm người được tuyển chọn.

Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen gentium) xác định rằng sự thánh thiện của Kitô hữu bắt nguồn từ Giáo hội và diễn tả Giáo hội. Sự thánh thiện được biểu biểu lộ qua nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. (Số 39). Trong sự phong phú của ơn gọi nên thánh, được bắt nguồn từ một sự thánh thiện duy nhất và được thúc đẩy bởi một Thần khí duy nhất…theo gương Chúa Giêsu nghèo, khiêm hạ và thập giá, họ mang Chúa Giêsu nơi mình để xứng đáng dự phần trong vinh quang. (số 41).

Khi đám đông hò reo “Santo Subito” vào ngày an táng Đức Gioan Phaolô II, 8.4.2005, họ thực sự muốn nói gì? – Họ muốn hô to lên rằng: nơi Karol Wojtyla, họ thấy một con người đã sống thực với Thiên Chúa và đã sống với con người. Ngài là một tội nhân đã cảm nhận được lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa. Ngài là một vị tiên tri và là thầy dạy những điều đúng đắn cho người đương thời và thế hệ kế tiếp. Ngài nhìn ngắm chúng ta, yêu mến chúng ta , đã tiếp xúc với ta, đã chữa lành và ban cho chúng ta niềm hy vọng. Ngài bảo ta đừng sợ. Ngài chỉ cho ta cách sống và yêu, biết cách tha thứ và cách chết. Ngài dạy ta biết ôm lấy thập giá trong những trường hợp nguy kịch nhất của cuộc đời, vì biết rằng thập giá không phải là câu trả lời cuối cùng của Thiên Chúa.

Một người được tuyên phong là Thánh không phài là một công bố về sự toàn hảo. Không có nghĩa là người đó không có sự bất toàn, mảng tối, sự điếc và tội. Không phải là họ hoàn toàn trong trắng dưới cái nhìn của Vatican. Phong Thánh hoặc Á Thánh cho ai là muốn nói rằng một người đó gắn bó đời mình với Thiên Chúa, hoàn toàn tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa từ nhân, họ bước đi với sức mạnh và quyền năng của Chúa, tin tưởng vào những điều bất khả, yêu kẻ thù và những người ngược đãi mình, tha thứ giữa những những bất hạnh và bạo lực, hy vọng vượt ngoài mọi hy vọng, và làm cho thế giới nầy tốt đẹp hơn.

Người Thánh là người làm cho tha nhân quanh mình nhận ra rằng có một sức mạnh và một tinh thần có khả năng chuyển hóa đời họ, sức mạnh nầy không phải thuộc thế giới nầy mà là ở bên cạnh cuộc đời. Mỗi vị Thánh hé lộ cho ta nét đại cương của sự cao thượng và thánh thiện mà mỗi người được mời gọi hướng tới, họ cho ta nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa trong khi  ta đang trên đường lữ hành trần thế.

Với cuộc đời của Karol Wojtyla, một đứa trẻ vùng Wadowice lớn lên và trở thành linh mục và Giám mục giáo phận Krakow, tiếp đến là Giám mục giáo phận Roma, và là người hùng cho nhiều thời đại ..  sự thánh thiện thật dễ lan truyền. Tất cả chúng ta đều cảm kích và được khích lệ nhiều bởi gương của Ngài, Đức Gioan Phaolô II không chỉ là một “Đức Thánh Cha”, mà còn là người cha đã và đang là thánh.

Vào ngày lễ tang 8.4.2005, Đức Hồng y Giuse Ratzinger nói với thế giới rằng: Đức Giáo hoàng đang ngắm nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta từ “ cửa sổ của Nhà Cha”,

Khi chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ phong chân phước cho người mục tử vĩ đại, người linh mục và giám mục thánh thiện này, ngày 1.5.2011, chúng ta hãy học gương Ngài để biết cách bước qua ngưỡng cửa, mở cửa ra, biết dựng xây và yêu mến thập giá, biết loan truyền Tin mứng sự sống cho những người sống trong thời đại chúng ta.

Ước mong mỗi người chúng ta học được cách sống, cách chịu đau khổ và cách chết để trở về với Chúa. Xin Ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho những người đang trải qua đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Xin cho chúng ta có ước vọng sẵn sang mang đỡ gánh nặng của người khác, tiến bước trên con đường thánh thiện và là những vị Thánh.

(SUY NIỆM CỦA NGÀY THỨ 6 TUẦN THÁNH CỦA CHA ROSICA, CSB)

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện (Theo Dịch từ báo Zenit)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây