Giáo xứ Vinh Hương

Chúa Nhật Phục Sinh

Thứ sáu - 22/04/2011 19:20

Chúa Nhật Phục Sinh

- Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

 

A- Canh thức Vượt Qua : 

(Bài đọc 1 : St 1, 1 – 2,2; Bài đọc 2 : St 22, 1-18; Bài đọc 3 : Xh 14, 15 – 15, 1a; Bài đọc 4 : Is 54, 5-14; Bài đọc 5 : Is 55, 1-11; Bài đọc 6 : Br 3, 9-15.32 – 4, 4; Bài đọc 7 : Ed 36, 16-17a.18-28; Bài đọc 8 : Rm 6, 3-11; Tin mừng : Mt 28, 1-10)

 1- Sứ điệp nguyên thủy :

 (1) Phụng vụ Lời Chúa của Đêm Canh thức Vượt Qua, trước tiên, qua Bảy bài đọc đầu tiên, trình bày cho thấy hiện thực của Lịch sử nhân loại, khởi đi từ Biến cố Sáng tạo (St 1, 1 – 2, 2), như một Lịch sử Giao Ước Tình yêu giữa Thiên Chúa và con người (Is 55, 1-11), trong đó Thiên Chúa luôn luôn là Đấng trung thành với Giao Ước (Xh 14, 15 – 15, 1a; Is 54, 5-14; 55, 3.11), còn con người thì có kẻ trung tín (St 22, 1-18), có kẻ phản bội (Br 3, 9-15.32 – 4,4), và cùng một con người có lúc trung tín có lúc phản bội và ngược lại (Ed 36, 16-17a.18-28).

 (2) Con người, dù được tạo dựng “theo Hình ảnh Thiên Chúa” và “giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27), nhưng vốn rất mỏng dòn, yếu đuối, dễ sa ngã, dễ bất trung, bất tín, phản bội, vì thế, luôn luôn cần đến Thiên Chúa tuyệt đối tín trung, Đấng vốn có tên gọi là “Tình Yêu” (St 1, 28; Is 54, 10; 55, 3.7; xem 1 Ga 4, 8), là “Đấng cứu” (Xh 14, 30; Is 54, 5.8; xem Mt 1, 21-25) và là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Xh 14, 24-31; Br 3, 36; Ed 36, 28; xem Is 7, 14; Mt 1, 23).

 (3) Thứ đến, Mt 28, 1-10 và Rm 6, 3-11, một đàng, mặc khải cho thấy rằng “Giờ vinh quang” của Mầu nhiệm Phục sinh chính là “Giờ” trong đó con người của Thần Khí (hay con người của sự sống đích thực), hoàn toàn và một lần thay cho tất cả, chiến thắng trên con người của xác thịt (hay con người của tội lỗi, của sự chết thuộc linh), hay nói cách khác, đó là “Giờ” của cái chết của Sự chết; đàng khác, còn mặc khải cho thấy rằng cũng như Đức Giêsu-Kitô vì đã hoàn toàn sống theo Thần Khí của Thiên Chúa-Cha và hoàn toàn sống cho Thiên Chúa, nên “nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha” đã được làm cho phục sinh, cũng vậy, loài người, nếu muốn được phục sinh như Ngài, cũng phải sống và chết “trong” Ngài và “như” Ngài : đó chính là ý nghĩa và mục đích của Bí tích Thánh tẩy (Mt 28, 1-10; Rm 6, 3-11; xem Cl 1, 15-20).

 2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :

 (1) Mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh cho thấy điều mà Đức Giêsu-Kitô đã nói về mình hoàn toàn là Sự thật : “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14, 6). Là “Đường” qua đó con người đến được với Thiên Chúa-Ba Ngôi và ngược lại; là “Sự thật” về Thiên Chúa và về con người, bởi vì Ngài vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật; là “Sự sống”, bởi vì Ngài là hiện thân của sự sống vĩnh hằng viên mãn, bao gồm những mối tương quan tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhau và với loài người (Rm 6, 3-11; xem Cl 1, 17.19).

 (2) Là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14, 6), nên Đức Giêsu-Kitô cũng là Ánh sáng của nhân loại và của trần gian (Ga 1, 4-5).

B- Thánh Lễ Chính Ngày :

(Bài đọc 1 : Cv 10, 34a.37-43; Bài đọc 2 : Cl 3, 1-4; Tin mừng : Ga 20, 1-9)

 1- Sứ điệp nguyên thủy :

 (1) Phụng vụ Lời Chúa của Thánh Lễ Chính Ngày Phục sinh mặc khải cho thấy việc Đức Giêsu-Kitô sau khi chết đã được Phục sinh, dựa trên ba nguồn chứng cứ : a) các nhân chứng đã mục thị Đức Giêsu đã chết nay vẫn sống và là những kẻ đã từng sống và đã từng cùng ăn cùng uống với Ngài trước và sau Phục sinh (Cv 10, 39-42); b) các lời đã báo trước, bao gồm các lời của các ngôn sứ và các lời của chính Đức Giêsu (Ga 20, 9; Cv 10, 43); c) dữ kiện ngôi mộ trống (Ga 20, 3-8).

 (2) Khi nói Đức Giêsu-Kitô đã chết và đã được phục sinh, điều nầy, một đàng,  có nghĩa là nhân tính của Đức Giêsu, - vốn là hiện thân của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời và hiệp nhất với Ngôi Lời và là Con, - đã chết và đã được phục sinh; đàng khác, có nghĩa là trong Đức Giêsu-Kitô phục sinh, toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, về mặt khách quan, cùng được phục sinh với Ngài (Cl 3, 1.3-4) : sự sống mới đã “hiện hữu” đó rồi (déjà) trong Đức Giêsu-Kitô phục sinh, nhưng chưa “hiện diện” (pas encore) đối với những ai chưa tin vào Ngài (Ga 20, 8; Cv 10, 43) và chưa sống theo Thần Khí Phục sinh của Ngài (Cl 3, 1-2).

 (3) Sứ mạng trung tâm của Giáo hội, vì thế, là rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu-Kitô Phục sinh trong cuộc sống thường ngày của mình, cho đến khi hoàn tất mầu nhiệm hiệp nhất giữa Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô là Giáo Hội và chính Đức Giêsu-Kitô trong ngày Quang lâm, hay, nói theo ngôn ngữ Đông phương, khi mà tình trạng “Thái hòa” (Thiên-Địa-Nhân) trong tương quan giữa Thụ tạo và Thiên Chúa Tạo thành được hoàn tất (Cl 3, 3-4; Cv 10, 42).

 2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :

 (1) Cho một thế giới tục hóa và giải thiêng đang chết dần mòn mà cứ tưởng là mình đang sống, đang nô lệ mà cứ tưởng là mình đang tự do, đang thất vọng chán chường mà cứ tưởng là mình đang tràn đầy hy vọng, đang khổ đau mà cứ tưởng mình đang hạnh phúc. : sứ điệp Thập giá-Phục sinh của Đức Giêsu-Kitô sẽ là điều duy nhất cần thiết cho thế giới hiện nay (Cv 10, 42).

 (2) Nếu không có sự Phục sinh Đức Giêsu-Kitô, và, cùng với Ngài, sự phục sinh của toàn thể nhân loại mọi nơi và mọi thời, tất cả đều trở thành vô nghĩa và phi lý, kể cả đức tin, đức cậy và đức mến của những người kitô-hữu : vì thế, mọi thứ chủ thuyết duy vật vô thần, trong tận sâu thẳm của chúng, đều có nguy cơ dẫn đến những khuynh hướng phi nhân, phi đạo đức và phi lý (Cv 10, 42).

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây