Giáo xứ Vinh Hương

Con đường không biên giới

Thứ bảy - 11/04/2020 05:59
- Suy niệm thứ bảy Tuần Thánh
 
Trên thế gian này làm gì có “đường không biên giới”, làm gì có con đường bao phủ toàn cõi địa cầu, có mặt trong toàn thể thời gian, đến được hết mọi con người, bởi khi nói về đường, người ta nghĩ ngay đến đường ở đâu, đường dài ngắn bao nhiêu, phát xuất từ chỗ nào và dẫn đến chốn nào. Ấy là chưa nói đến: đường dành riêng cho thú vật, cho người đi bộ, cho xe đạp, xe máy, hay cho xe hơi, chưa kể những con đường khác như đường sông, đường biển, đường hàng không… Tắt một lời, đã là đường, ắt phải được giới hạn, định vị bằng một đơn vị đo lường; đã là đường thì không thể thiếu ranh giới, biên cương. Vì thế, khi nói đến “con đường không biên giới”, người ta khó có thể quan niệm đó là con đường của con người, mà thường nghĩ là con đường viễn tưởng huyền hoặc, con đường mơ ước vu vơ.
 
Nhưng Đức Giêsu đã mở ra con đường không biên giới. Ngài đã mở ra một cách thiết thực bằng con đường Thánh Giá đổ máu và mồ hôi, bị xỉ nhục và vu khống, bị đội mão gai và hnàh hạ, bi lột trần truồng và đóng đinh, bị đâm thủng cạnh sườn, và bị chôn trong mồ như mọi người.
 
Ngài đã mở ra con đường không biên giới một cách sống động bằng chính con người của Ngài: con người trăm phần trăm, vì Ngài đã nhập thể và làm người như chúng ta: trăm phần trăm vui mừng và hy vọng, trăm phần trăm sầu buồn và lo lắng, trăm phần trăm nhục nhằn và tang thương, trăm phần trăm kiếp người phải đau khổ và phải chết, trăm phần trăm trong thân xác biết đau khi bị đánh đòn, đóng đinh, và xông mùi hôi thối của tử thi trong mồ.
 
Ngài đã mở ra con đường không biên giới một cách lâu dài và tiệm tiến: khởi đi từ bước thứ nhất ở buổi Tạo Dựng, khi con người được dựng nên với hình ảnh Thiên Chúa và sống hạnh phúc trong ân nghiã Cha - Con với Ngài ( bài đọc 1); rồi Ápraham đuợc gọi lên đường đến nơi Thiên Chúa chỉ cho ông, vì ông được chọn làm tổ phụ một dân riêng “đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển” (bài đọc 2); tiếp đến là dân riêng được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập và vượt qua biển đỏ mà bàn chân họ vẫn ráo khô (bài đọc 3); nhưng rồi dân riêng ấy quên lời thề đã phản bội và bỏ Thiên Chúa, nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn thương và dắt đưa họ về (bài đọc 4); và mãi mãi Thiên Chúa là nguồn nước làm đã khát cơn khát của dân Ngài (bài đọc 5), cũng như muôn đời Thiên Chúa bảo đảm ơn bình an cho những ai đi trên đường lối của Ngài (bài đọc 6); sau cùng chính Thiên Chúa sẽ đoàn tụ con dân Ngài lưu lạc khắp muôn phương, và đưa tất cả về Đất của Ngài đã chọn cho dân Ngài (bài đọc 7). Và quả thực, Thiên Chúa đã chuẩn bị “Con đường không biên giới” của Ngài bằng một qúa trình rất lâu dài với Dân riêng.
 
Nhưng con đường ấy Thiên Chúa không thực hiện một mình. Trái lại, Ngài muốn cùng con người thực hiện, để con đường không biên giới ấy trở thành con đường của Thiên Chúa và của con người.
 
Con đường của Thiên Chúa và của con người, khi Ngôi Lời nhập thể để làm người như con người, và sống, chết với con người, để con người cũng được chết và sống lại, sống mãi với Thiên Chúa. Chỉ với khả năng sống chết cho nhau, thuộc về nhau trọn vẹn, con người và Thiên Chúa mới có thể cùng thực hiện Con Đường cứu độ không biên giới, mà Đức Giêsu mong đợi ấy.  
 
Qủa thực, khi nói đến “sống, chết với nhau”, người ta hiểu: chỉ có tình yêu mới có thể thúc đẩy hai người chấp nhận sống chết với nhau đến cùng. Khi sẵn sàng sống như con người, và chết cho con người, Đức Giêsu biểu lộ một tình yêu tuyệt đối, khi hiến mạng sống mình cho con người mà Ngài yêu, để Thiên Chúa và con người thuộc về nhau, nên một với nhau, tháp nhập trong nhau, nhất là để con người được sống lại với Ngài để cùng Ngài thực hiện con đường không biên giới, như thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma :
 
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta đuợc dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6, 3-5).
 
Được sống lại như Đức Giêsu đã sống lại, vì chúng ta đã chết với Ngài ở cuối đường tử nạn, nhưng cuối đường tử nạn không là “cùng đường, đường cùng”, cũng chưa là đích tới. Trái lại, cuối đường tử nạn là Con Đường mới được mở ra: con đường không biên giới của Đức Giêsu Phục Sinh, con đường Ngài cùng các môn đệ ra đi từ Galilê, nơi Ngài hẹn gặp các ông sau khi sống lại như trình thuật của thánh Mátthêu: “Sau ngày Sabát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala, và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ” (Mt 28,1). Các bà gặp một thiên thần, và thiên thần lên tiếng bảo các bà: “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy, như lời Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này : Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người” (Mt 28,5-7).
 
Sứ điệp Phục Sinh của thiên thần rất rõ:
 
“Người không có ở đây”, vì mộ phần không là chỗ của người sống, nhưng con đường mới là không gian cho người sống sinh hoạt, vì sống là lên đường, sống là bước đi, sống là thực hiện hành trình cuộc đời. “Người cũng không có ở đây”, vì ở đây chỉ là nơi dừng chân, chứ không là đích tới, bởi một con đường không biên giới vừa được mở ra từ biến cố sống lại.
 
Nhưng “Người đi Galilê”. Galilê là đất của mọi dân tộc ra vào; Galilê là vùng “bỏ ngỏ” cho mọi sắc dân, chủng tộc đi lại; Galilê là miền quy tụ, gặp gỡ của mọi nền văn hoá; Galilê là nơi Đức Giêsu chọn để khai trương con đường cứu độ không biên giới của Ngài, con đường đến với muôn dân của mọi thời, ở mọi nơi; Galilê là điểm hẹn của Đức Giêsu phục sinh với các môn đệ, không phải hẹn để kể chuyện chết chóc, mai táng, nhưng hẹn để sai đi: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).
 
Như thế, biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu đã mở ra con đường không biên giới đến với muôn dân của mọi thời, ở mọi nơi, bất phân chủng tộc, mầu da, giai cấp, trình độ, văn hoá, chính kiến… Con đường không biên giới vì không dừng ở một hạn chế nào, không bị ngăn cấm bởi một hàng rào nào, không bị kiểm tra bởi một trạm gác nào, và không phân biệt, kỳ thị, loại trừ bất cứ ai.
 
Con đường không biên giới khi bao trùm tất cả, toàn bộ, toàn phần thời gian và không gian. Con đường không biên giới khi không một con người nào từ “khai sinh lập địa” cho đến tận thế không có chỗ trên con đường này, và không được chúc phúc, cứu độ, nhờ Lời Hứa “ở lại cho đến tận thế với các môn đệ” trên con đường Truyền Giáo không biên giới đến với muôn dân của Đức Giêsu (x. Mt 28,20).
 
Thực vậy, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, trong đó người tín hữu được “dìm mình vào”, như kiểu nói của thánh Phaolô, sẽ chỉ có giá trị khi người tin theo Đức Giêsu đi về Galilê, nơi Đức Giêsu hẹn gặp, để cùng Ngài thực hiện con đường không biên giới “Đến Với Muôn Dân” loan báo Tin Mừng: Chúa đã chết và đã sống lại ! Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất cho nhân loại được sống hạnh phúc đời đời.
 
Đường Thánh Giá, đường Khổ Nạn, đường Từ Bỏ, tất cả đều dẫn đến “Sáng sớm Phục Sinh”, ở đó, Đức Giêsu sống lại ban Bình An phục sinh của Ngài cho chúng ta (x. Ga 20,19), để chúng ta cùng Ngài lên đường Truyền Giáo, con đường không biên giới của Thiên Chúa và của con người. Chỉ trên con đường Truyền Giáo không biên giới này, chúng ta mới sống trọn vẹn Ơn Gọi Kitô hữu của mình, khi được chết và sống lại với Đức Giêsu.

Tác giả bài viết: Jorathe Nắng Tím

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây