Giáo xứ Vinh Hương

Vinh Hương - Bài Giảng Lễ Tro

Thứ tư - 10/02/2016 18:29

Như tin đã đưa, thầy Đaminh Saviô Nguyễn Cơ Thạch con ông GB. Nguyễn Văn Nhàn và bà Têrêxa Nguyễn Thị Ngọc Khang thuộc giáo họ Vinh Sơn, mới được Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục giáo phận Phú Cường phong chức phó tế vào ngày 30.01.2016 tại Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam - Bình Dương

Xin chia sẻ bài giảng lễ của thầy vào sáng thứ tư Lễ Tro tại nhà thờ Vinh Hương.

BÀI GIẢNG THỨ TƯ LỄ TRO -  MÙNG 3 TẾT 

Kính thưa quý cố, quý ông bà và anh chị em

Thật ý nghĩa khi Mùa Chay được bắt đầu vào ngày mùng Ba Tết. Điều này muốn nói rằng, Mùa Chay không phải là mùa ảm đạm, u ám, nhưng là mùa chuẩn bị cho chúng ta đón chào một Mùa Xuân vĩnh cửu. Đó là ngày Đức Giêsu Kitô khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh của Người. Do vậy, Giáo Hội kêu gọi chúng ta hãy TRỞ VỀ, hãy HOÁN CẢI đời sống mình để đón MÙA XUÂN CỨU ĐỘ.

Chữ “Trở về” được dịch từ chữ Metanoia trong tiếng Latinh, có nghĩa là quay ngược lại, thay đổi tận căn, thay đổi não trạng trở về giao hòa với Thiên Chúa.

Như vậy, TRỞ VỀ:

- Là nhận ra Thiên Chúa là Đấng xót thương, nhân từ, khoan dung và giàu ân nghĩa.

- Là nhìn nhận thân phận con người chỉ là bụi đất, đầy bất toàn, yếu đuối, tội lỗi, và sẵn sàng sám hối quay về với Thiên Chúa.

Trước nhất, trở về là nhận ra Thiên Chúa là Đấng xót thương. Trong bài đọc I trích sách Cựu Ước cho chúng ta thấy,Thiên Chúa qua môi miệng Ngôn sứ Giô-en đã kêu gọi dân hãy hết lòng trở về: “Các người hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và tha thiết nài van”. Vì Thiên Chúa là Đấng “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.”

Sách tiên tri Egiêkiel thì cho biết: “Nếu ác nhân trở lại, từ bỏ tội lỗi đã làm và giữ lấy tất cả điều luật của Ta mà làm lành lánh dữ, nó sẽ được sống, không phải chết nữa” (18,21)

Và sách tiên tri Giêrêmia thì nói rằng : “Hãy trở lại, hỡi phường con phản loạn, vì chính Ta mới là Chúa tể các ngươi” (3,14) “ Nhưng nếu các ngươi trở lại, Ta sẽ làm cho ngươi nên vững vàng như tường đồng kiên cố” (15,19).

Trong Tân ước, Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi con người: “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), nhưng Người còn cho biết: “Trên trời sẽ vui mừng khi một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn là 99 người công chính không cần sám hối” (Lc 15,7-10).

Thứ hai, là nhìn nhận thân phận con người chỉ là bụi đất, đầy bất toàn, yếu đuối, tội lỗi, và sẵn sàng sám hối quay về với Thiên Chúa. Trong cựu ước, dân thành Ninivê đã ăn chơi truỵ lạc, phạm nhiều tội lỗi. Thiên Chúa muốn tiêu diệt thành này. Nhưng khi được ngôn sứ Giona cảnh báo, họ đã sợ hãi, bỏ đàng ăn chơi, tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Thấy dân chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành. Trong Tân Ước, chúng ta bắt gặp hình ảnh của “người con hoang đàng” sau khi đòi chia gia tài, ăn chơi phung phá với bọn đàn điếm, nhưng khi hết tiền, rơi vào cảnh túng thiếu, nó quyết định quay trở về để xin cha tha thứ.

Vậy, còn chúng ta, chúng ta phải làm gì để sám hối và trở về ?

Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay đã dạy chúng ta 3 cần làm, đó là: BỐ THÍ, CẦU NGUYỆN VÀ ĂN CHAY.

1. BỐ THÍ

Đây là việc thứ nhất chúng ta làm. Bố thí là nghĩa cử chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu thốn vật chất. Đức Giêsu đã kịch liệt lên án người giàu đóng lòng mình lại, nghĩa là ích kỷ không chia cơm xẻ áo với người nghèo. Người nói: "Khốn cho các ngươi, những kẻ giàu có! Vì các ngươi hiện đã có phần an ủi rồi." Câu chuyện Lazarô và người phú hộ là một bài học điển hình.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã căn dặn : Mỗi khi giúp đỡ người nghèo, chúng ta phải kính trọng và yêu mến họ, chứ không phải chỉ nhìn họ bằng nửa con mắt để xua đuổi, hoặc ném cho họ vài đồng tiền bẩn thỉu và nhàu nát.

Đức Giêsu dạy chúng ta, khi giúp người nghèo thì "đừng thổi loa", "đừng cho tay trái đừng biết việc tay phải làm, hầu việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi."

Như vậy, việc bố thí phải là một hành vi tương thân tương ái, “chị ngã em nâng”, “một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chúng ta chia sẻ cho nhau phải có tính cao thượng, nghĩa là "bố thí mà không cần đền đáp". Chúng ta cứ dấn thân  tha nhân, Thiên Chúa "sẽ hoàn trả lại" cho mình.

2. CẦU NGUYỆN

Việc thứ hai này chắc chắn là quan trọng nhất với người Kitô hữu. Như chúng ta cần không khí để thở thì chính lời cầu nguyện có sức biến đổi chúng ta, như bà Anna cầu nguyện để có được một đứa con; như Mẹ Maria cầu nguyện với các Tông đồ trong ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần; như thánh nữ Mônica đã cầu nguyện để Chúa hoán cải con trai mình là thánh Augustinô; và như chính Chúa Giêsu đã ăn chay cầu nguyện liên lỉ suốt 40 đêm ngày trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng công khai.

Thế nhưng, Đức Giêsu cảnh giác chúng ta khi cầu nguyện thì "đừng lải nhải như người ngoại!" Họ lắm lời vì họ tôn thờ nhiều thần tượng, họ vái tứ phương, họ lạy khắp phía. Nhưng khi cầu nguyện, hãy kín đáo và cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng thấu suốt mọi tâm can, bí ẩn.

Mẹ Têrêsa Calcutta khuyên chúng ta:

Khi cầu nguyện, chúng ta hãy để cho Đức Giêsu cầu nguyện trong lòng chúng ta, để chúng ta hướng tâm hồn mình lên cùng Chúa Cha trong thinh lặng. Nếu chúng ta không thể nói ra lời, Ngài sẽ nói cho chúng ta. Nếu chúng ta chẳng thể cầu nguyện, Ngài sẽ cầu nguyện thay chúng ta. Vậy chúng ta hãy phó thác tất cả mọi sự cho Thiên Chúa.

3. ĂN CHAY

Việc này cũng không kém phần quan trọng, và nó phải được thực hành theo tinh thần của Đức Giêsu: "Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy chúng ăn chay. Còn anh em, khi ăn chay phải rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, vì Cha của anh em Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em."

Thông thường khi "ăn chay" chúng nghĩ đến việc ăn một bữa no, rồi một bữa nhẹ... Thật ra, ăn chay trước hết là tìm kiếm một sức mạnh tâm linh lớn lao, chứ không chỉ đơn giản là việc ăn ít hơn thường ngày.

Tiếp theo, ăn chay để lòng chúng vơi đi những tham lam, ghen tuông, và nóng giận, và nhất là để được đổ vào tràn đầy hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Sau cùng ăn chay là hy sinh một phần tiêu xài của mình để giúp đỡ những người nghèo. Nếu chúng ta cất giữ tiền bạc vào "kho tàng dưới đất" của mình, thì việc ăn chay trở thành vô nghĩa, vì bởi nhờ ăn chay mà chúng ta trở nên keo kiệt hơn, và ích kỷ hơn. Như thế thà đừng ăn chay thì hơn.

Kính thưa cộng đoàn,

Với một chút tro được xức trên đầu hôm nay, theo gương Đức Giêsu, Giáo hội mời gọi chúng ta “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Vậy chúng ta hãy mở rộng cõi lòng mình đón nhận lời mời gọi này trong suốt Mùa Chay Thánh.

Ước gì cuộc hành trình hoán cải mà chúng ta đang khởi sự hôm nay, nhất là trong năm thánh LÒNG THƯƠNG XÓT, làm cho chúng ta nhận thức rằng chúng ta là con cái của một Cha trên trời, Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và giàu ân nghĩa, Đấng không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn leo lét, để rồi chúng ta luôn cảm nhận một cách sâu xa việc được hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với những anh chị em của mình qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Amen.

Tác giả bài viết: Thầy Phó Tế Đaminh Saviô Nguyễn Cơ Thạch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây