Giáo xứ Vinh Hương

Yêu như Chúa yêu - Audio

Thứ sáu - 08/05/2015 19:25
- Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 6 Phục sinh

Yêu như Chúa yêu 
Bài viết: Hà Vi
Thể hiện: Minh Quân

/
 
Trong chúng ta, ai cũng đã từng yêu và được yêu, và rất hạnh phúc trong tình yêu. Tuy nhiên, cũng có những người lại quá đau khổ vì tình yêu.
 
Thực vậy, yêu và được yêu, đó là nhu cầu của con người, và khi có được những điều đó thì xem ra nhu cầu của con người đã được đáp ứng! Vậy tại sao khi đã yêu và được yêu rồi mà chúng ta vẫn cảm thấy đau khổ? Điều này dễ hiểu vì, chúng ta yêu, được yêu nhưng chúng ta chưa sống tình yêu; hay nói cách khác, chúng ta yêu, được yêu nhưng chúng ta chưa "yêu như Chúa yêu".
 
Khi yêu và được yêu, đó mới chỉ là một phần của tình yêu, chỉ là tình yêu Eros (ái tình), đó là thứ tình yêu chiếm hữu, thuộc về cảm xúc, không được điều khiển bằng lý trí và ý chí. Cho nên khi yêu ai, ta muốn chiếm hữu người đó cho riêng mình, theo cảm xúc của mình; và nhất là khi yêu mà không được yêu thì cảm thấy đau khổ. Tuy nhiên, nhiều khi ta yêu và được yêu mà ta vẫn đau khổ là bởi vì ta không bao giờ cảm thấy được thoả mãn trong tình yêu. Chúng ta sẽ còn mãi đau khổ nếu chúng ta không thoát ra khỏi tình yêu Eros, để vươn tới sự trọn hảo trong tình yêu: tình yêu Agape (Tình yêu chia sẻ), “tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”, mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải vươn tới qua bài Tin mừng Chúa nhật VI Phục Sinh năm B.
 
Khi vươn tới sự trọn hảo của tình yêu (tình yêu Agape), chúng ta không chỉ có nhu cầu yêu và được yêu, mà còn có nhu cầu chia sẻ tình yêu với người mình yêu. Tình yêu Agape là thứ tình yêu luôn tìm đáp ứng nhu cầu hạnh phúc của người khác hơn là đáp ứng nhu cầu của chính mình; là sống cho nhu cầu hạnh phúc của người mình yêu chứ không chiếm hữu người yêu cho riêng mình. Khi sống tình yêu Agape, là khi chúng ta luôn biết đồng cảm cảm với người mình yêu: hạnh phúc của người mình yêu là của mình; và nỗi đau của người mình yêu cũng là của mình. Yêu như thế là ta đang yêu “như Chúa yêu”, yêu đến quên mình, hy sinh cả mạng sống vì người mình yêu. Khi  quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, chịu treo trên thập giá, hiến mình chịu chết, Chúa Giêsu trở nên mẫu gương tuyệt vời nhất về tình yêu cho tất cả mọi người chúng ta hướng đến, hầu xây dựng một cuộc sống chan hoà với mọi người, góp phần kiến tạo một nền “văn minh tình thương”. Yêu không đòi hỏi được đáp trả, yêu vô điều kiện.
 
Thế nhưng, để có thể sống được tình yêu của người “thí mạng sống vì bạn hữu”, chúng ta phải ở lại trong tình yêu của Chúa như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Đây là một đòi hỏi cho những ai yêu mến Người. Ở lại trong tình yêu bằng sự vâng phục, không làm mất ơn nghĩa với Người vì tội lỗi và bất xứng của ta. Đó là ta biết tuân giữ luật Chúa truyền. “Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người”. Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu, đó còn là việc ta sống mối hiệp thông thân mật với Ngài qua cầu nguyện. Vì trong cầu nguyện, chúng ta sẽ được Chúa mách bảo cho biết phải sống thế nào cho tốt và xứng hợp với thánh ý Ngài, trong tương quan tình yêu với tha nhân.
 
Nhìn lên thập giá Đức Kitô, chúng ta thấy được tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu không chỉ là Eros nhưng còn là Agape (ĐGH Bênêđictô XVI). Thiên Chúa yêu con người như một người nam yêu một người nữ, nhưng không chiếm hữu con người, mà là trao ban chính mình cho và vì hạnh phúc của con người.
 
Vậy để có thể yêu “như Chúa yêu”, không còn cách nào khác là chúng ta phải vượt ra khỏi tình yêu Eros để vươn tới tình yêu Agape trong cuộc sống hằng ngày, trong tương quan với người khác theo như từng ơn gọi riêng biệt của mỗi người chúng ta. Nơi cộng đoàn Giáo Xứ, các mục tử hãy yêu đoàn chiên được trao phó như Đấng "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người" (Mc 10, 45). Trong gia đình, vợ chồng hãy yêu nhau bằng tình yêu dâng hiến cho nhau như Chúa yêu; cha mẹ hãy yêu con cái bằng một tình yêu hy sinh bao bọc để giáo dục chúng nên người tốt; con cái hãy yêu cha mẹ bằng một tình yêu đáp đền, hầu có thể phần nào đền đáp những hy sinh mà cha mẹ dành cho mình; mọi người hãy yêu thương nhau như những người bạn hữu, mà Chúa Giêsu  đã làm gương cho chúng ta. Có như thế chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ trong tình yêu. Và như thế là chúng ta đang sống lệnh Chúa truyền là: “các con hãy yêu mến nhau", và chúng ta đang "yêu như Chúa yêu".
 

 

Tác giả bài viết: Hà Vi

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây