Giáo xứ Vinh Hương

Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy

Thứ hai - 06/05/2013 20:32
Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy

1) Vâng phục là yêu mến.
 
Trong trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh, Chúa Giêsu thiết lập mối liên hệ giữa tình yêu và việc vâng nghe lời Ngài: "Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy".
 
Nhưng tại sao giữ lời Chúa lại cần thiết? Tại sao Thiên Chúa đề cao việc tuân theo ý Ngài? Chắc chắn không phải vì sự hài lòng khi truyền lệnh. Ngài là người Cha muốn có con cái chứ không phải nô lệ. Con cái được gọi để yêu Ngài bằng vâng phục, vì tình yêu đích thực là sự công nhận của một người với một Người khác: "vâng phục", được thực hiện để minh định một sự "hiện diện", như là tiêu chí và hành vi cuộc sống.
 
Vâng phục Thiên Chúa là cần thiết, bởi vì, khi vâng lời Ngài, chúng ta thực thi ý muốn thiện hảo của Ngài, ước ao những điều tương tự như Ngài, và nhận ra rằng mục đích chính của mình là được trở nên "giống Ngài". Chúng ta đang ở trong sự thật, trong ánh sáng và do đó trong an bình, như khi con người đạt đến trạng thái tĩnh tại. Dante Alighieri đúc kết tất cả trong một câu thơ tuyệt đẹp: "Bình an chúng ta trong ý Ngài"
 
Để hiểu được Lời Chúa Kitô không phải là một mệnh lệnh hay một sự ban ơn, nhưng là một lề luật tự do của tình yêu, chúng ta phải cầu xin Chúa cho chúng ta biết rằng tình yêu không là cho đi những gì mình có, mà cho đi những gì mình là. Vì vậy ta cũng muốn những gì người khác là, không phải những điều họ có. Yêu thương không là món quà tặng mà là sự tự hiến. Kinh Thánh cho ta biết rằng tình yêu luôn kết hợp với sự vâng phục, vì vâng lời là tự hiến. Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy ... Ai tiếp nhận và trung thành với lời Thầy, người ấy yêu mến Thầy".
 
Vâng phục theo Kitô giáo là một thái độ yêu thương. Đó là sự lắng nghe đặc biệt giữa những người bạn chân chính, một sự lắng nghe được soi sáng bởi niềm tin rằng bạn mình chỉ có những điều tốt lành để nói và để cho: Một sự lắng nghe thấm nhuần niềm tin thể hiện việc đón nhận ý Chúa, chắc chắn là tốt đẹp.
 
Vâng phục Thiên Chúa là một hành trình tăng trưởng và do vậy là một hành trình tự do cho con người, vì nó hàm chứa ước muốn khác với bản thân mà không triệt tiêu cũng không giảm thiểu, nhưng tạo nên phẩm giá con người.
 
2) Vâng phục là sống tự do.
 
Nếu không có tình yêu, chúng ta bị "buộc" phải tuân theo những luật lệ ít nhiều cứng nhắc. Với tình yêu, người ta lắng nghe ý muốn của nhau và rất hạnh phúc khi trả lời. Sự vâng phục Kitô giáo là tự do và là giải thoát. Vâng phục Thiên Chúa kết hợp với "lợi ích thực sự của Con Người", của mỗi con người. Đối với kitô hữu, tất nhiên tình yêu Thiên Chúa đòi hỏi phải nghe lời Ngài để đạt đến mục đích cuối cùng: sự bình an và tình bằng hữu với Thiên Chúa và với tha nhân.
 
Đức Trinh Nữ Maria, sau Chúa Kitô, là tấm gương hoàn hảo nhất của đức vâng lời, của tình mến và tự do. Mẹ chào đón Ngôi Lời với sự tự do tuyệt đối. Đức Maria "trung thành" (= giữ lại và thi hành) với quà tặng tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã hoá thành nhục thể nhờ lời "xin vâng" của Mẹ, đang ở với và ở giữa chúng ta. Mẹ đã vâng theo lề luật tối cao của tình yêu. Với lời "xin vâng", Mẹ tin chắc rằng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa thấm nhuần vào trái tim mình và trái tim mỗi con người chúng ta, nếu ta cũng biết nói "xin vâng" như Mẹ. Vì vậy, Thiên Chúa đã làm cho trái tim con người trở thành nơi cư ngụ của Ngài. Ngài không phải là một vị thần nào khác:
Ngài chính là Thiên Chúa hằng sống, là Tình Yêu.
Ngài tạo dựng con người tự do theo hình ảnh Ngài.
Ngài giải thoát khỏi tử thần nhờ cuộc khổ hình thập giá và sự phục sinh.
Trong Thánh Thần, Ngài mở ra cho con người một không gian vô tận của tự do.
 
Tin vào Thiên Chúa không phải là đeo bám một chủ thuyết, điều đó chẳng mang lại một ý niệm gì về Thiên Chúa và con người. Tin, là nhận ra một sự "Hiện Diện" yêu thương ta. Trong thực tế, "đức tin sinh ra từ tác động của tình yêu Chúa Giêsu với trái tim con người. Đức tin là sáng kiến ​​của tình yêu Chúa Giêsu Kitô trên trái tim con người" (Bênêđictô XVI).
 
3) Yêu mến là hạnh phúc.
 
Một tu sĩ Augustin viết: "Tình bạn là một đức tính tốt, nhưng được yêu không phải là nhân đức, mà là hạnh phúc". Trước tiên phải được yêu thương, sau đó người ta mới có thể yêu. Trước hết phải có hạnh phúc được yêu thương, sau đó mới chuyển tải tình yêu tràn đầy niềm vui cho người khác.
 
Yêu Chúa Kitô là đáp lại một cách tự do và trọn vẹn sự lựa chọn nguyên thuỷ: Ngài cho ta trở nên người yêu. Một sự đáp trả rõ ràng bằng việc chăm chú lắng nghe lời chân lý Ngài công bố. Đó là Lời Hằng Sống, Lời Cứu Độ được gieo vào và đang sống trong tim ta.
 
Ai thực sự yêu Chúa thì nghe lời Ngài, đi theo Ngài, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài, bởi vì người ấy biết rằng vâng phục Ngài không phải là một điều gì nặng nề, nhưng là dấu hiệu tình yêu mong muốn: sự trìu mến, tình bạn, sự phụ thuộc. Ngoài ra, trong trình thuật ngắn của Tin Mừng hôm nay, tình yêu cũng là "điểm hẹn" với Chúa Cha, nơi Chúa Cha và Chúa Con đến và ở lại: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy". Tin Mừng yêu thương đòi hỏi phải xây dựng những mái ấm yêu thương, những cộng đoàn yêu thương sống động. Đó là dấu hiệu hữu hình của việc "làm mới" Chúa Kitô trong lịch sử; đó là men, tuy khiêm tốn nhưng hiệu quả, giữa một xã hội cá nhân chủ nghĩa và lắm xung đột này. Các nữ tu là trái tim của những cộng đoàn như vậy. Họ là chứng nhân của tình yêu tận hiến và, trong một số trường hợp, có thể ghi nhận rằng: "Tôi không còn gì để sở hữu từ khi tôi không còn sở hữu chính mình". Vì họ cống hiến tất cả cho Tình Yêu với niềm hạnh phúc và cũng với hạnh phúc, họ rao truyền Tình Yêu.


Mgr. Francesco Follo

Huuchanh lược ghi từ "L’obéissance est liberté: lectio divina pour dimanche" (zenit.org)
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây