Giáo xứ Vinh Hương

Cầu nguyện

Thứ tư - 18/09/2019 20:15

Hồi còn nhỏ đi học kinh, học bổn, chúng ta được nghe các ông biện dạy và các cha giảng: ”Cầu nguyện là nâng hồn ta lên cùng Chúa”. Ngày nay “Cầu nguyện” được giải nghĩa rộng hơn, phong phú hơn. Cầu nguyện là hơi thở, là sức sống của mỗi Kitô hữu. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại của con người với Thiên Chúa, như là một cuộc nói chuyện thân mật giữa người cha với người con, là đặt tâm hồn mình vào trong Chúa. Cầu nguyện là chúng ta kết hợp và trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa chứ không dựa vào sức mạnh của riêng mình. Khi cầu nguyện phải có một tấm lòng thành, một thái độ khiêm nhường và một niềm tin tuyệt đối hoàn toàn phó thác. Ngày xưa Chúa dạy các môn đệ, cũng như chúng ta hôm nay: Hãy cầu nguyện không ngừng, liên lỉ và không nản chí ngã lòng.

Không phải ai cũng biết cầu nguyện. Nhiều lúc chúng ta ngồi trong nhà thờ, quỳ trước Thánh Thể hàng giờ, mà tâm hồn trống không, chẳng biết tâm tình và thưa chuyện với Chúa như thế nào. Đa số chỉ dùng lời kinh, bài hát, lần chuỗi mân côi để kính thờ Thiên Chúa, suy tôn Đức Mẹ thay cho lời cầu nguyện và lòng tạ ơn của mỗi người. Điều này rất đẹp lòng Chúa và được Chúa ban ơn.

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng cầu nguyện là để xin ơn này ơn nọ, nhất là ơn phần xác và vật chất nữa. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha dạy ta xin ơn tha thứ, ơn cứu rỗi linh hồn, xin lương thực hằng ngày dùng đủ. Chúa không dạy con người xin giàu sang, chức quyền danh vọng. Trong cuộc sống trần gian, tất cả mọi sự đều nhằm mục đích làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho đời sau.

Gia đình là nhà cầu nguyện, cha mẹ con cái cầu nguyện cùng nhau và cầu nguyện cho nhau, sẽ đem lại bao điều tốt lành, gia đình bình an, hạnh phúc. Giờ kinh sáng tối trong gia đình, giúp liên kết mọi thành viên lại với nhau trong tinh thần hiệp nhất, yêu thương, tạo bầu khí đạo đức, luôn gắn bó với Chúa để có Chúa hiện diện. Xưa Chúa phán: “Nơi nào có 2, 3 người họp lại mà cầu nguyện, thì có Ta ở giữa”.

Thuở ban đầu cha ông ta lên rừng khai hoang, lập làng lập xứ, cuộc sống với muôn vàn khó khăn, nhưng dưới những mái nhà tranh vách nứa, sáng tối luôn râm ran tiếng kinh cầu, từ già đến trẻ đời sống đức tin rất mạnh mẽ, lòng mến dạt dào, hoàn toàn trông cậy vào Chúa.

Đời sống hôm nay, kinh tế phát triển, điều kiện sống ngày càng tốt hơn, sung túc hơn, nhưng đời sống đức tin ngày càng giảm sút. Cha mẹ chú tâm công việc làm ăn, con cái chỉ lo công việc học hành, đa số giới trẻ về các thành phố lớn để học tập và làm việc, nhiều gia đình có điều kiện cho con du học, xuất khẩu lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của việc đọc kinh cầu nguyện trong gia đình ngày càng ít đi và trở thành căn bệnh lười biếng.

Cầu nguyện là hơi thở, là sức sống. Con người không thể tồn tại khi không còn hơi thở. Sức sống cũng không còn khi ta xa Chúa. Không có Chúa con người phải đau khổ, không có Chúa ta không làm gì được. Cầu nguyện sẽ làm cho những ý định và hy vọng của chúng ta trở nên trong sáng. Cầu nguyện như luồng ánh sáng chiếu trong đêm tối, giúp chúng ta tiến về phía trước, khuyến khích ta hành động và làm mọi việc theo thánh ý Chúa.

Xưa Chúa đã giáo huấn: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ mở cửa cho” (Mt 7,7). Nếu xin mà không được, có nghĩa là xin chưa đúng. Khi cầu nguyện đừng to tiếng, lải nhải lắm lời, vì Thiên Chúa ngự nơi bí ẩn đã biết trước những điều chúng ta cần xin. Chúng ta hãy luôn kiên tâm cầu nguyện như tâm tình của Thánh Phaolô: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6). Và lời Tv 145 nói: “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa”.

Tác giả bài viết: Xuân Lương

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây