Giáo xứ Vinh Hương

Chúng ta có chung một người Mẹ

Thứ tư - 01/01/2020 20:02
 
Tin Mừng cho chúng ta biết Mẹ có mặt lúc Con Chúa vào đời, đồng hành với Chúa bắt đầu cuộc đời công khai, khởi sự tỏ vinh quang của Ngài tại (Cana). Hôm nay, Người hiện diện dưới chân Thập giá. Mai kia, Người còn hiện diện cùng với các môn đệ trong nhà Tiệc ly, chờ đợi Chúa Thánh Thần xuống. Riêng về cảnh Ðức Mẹ đứng dưới chân Thập giá, chỉ có một Phúc Âm Gioan ghi lại, Người đứng gần Thập giá. Sự kiện này chắc chắn có thật, như lời viết trong sách của ông rằng: lời chứng của ông là xác thực (Ga 21,24). Từ đó, ta phải hiểu rằng lời trối của Đức Giêsu trong đoạn này chính là hành vi cuối cùng của Chúa, và là một hành vi có ý nghĩa trong công việc cứu thế của Người. Hành vi cuối cùng này đã thực hiện trong giờ của Người. “Vậy Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: “Hỡi bà, này là con bà!”. Đoạn lại nói với môn đồ: “Này là Mẹ con!” Gn. 19, 26 - 27).

Chúng ta cần xác định ngay từ đầu rằng, hai tước hiệu hay hai chân lý được bàn đến không nằm trên cùng một bình diện. "Mẹ Thiên Chúa" là một tước hiệu được định tín cách long trọng, dựa trên mẫu tính thực (maternité réelle) chứ không chỉ trên mẫu tính tinh thần (maternité spirituelle) ; tước hiệu này liên hệ cách chặt chẽ và tất yếu với chân lý trung tâm của đức tin chúng ta, chân lý đó là : Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người trong chỉ cùng một ngôi vị. Tước hiệu này được chấp nhận trong toàn Giáo Hội. "Mẹ các tín hữu" hay "Mẹ chúng ta" liên hệ đến mẫu tính tinh thần. Mối liên hệ với chân lý trung tâm của Kinh Tin Kính ít chặt chẽ hơn. Đối với Kitô hữu, tước hiệu này đã được đón nhận "khắp nơi, mọi thời và bởi mọi người". Nó biểu thị giáo lý và lòng đạo đức của một số Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, nhưng không phải chỉ riêng Giáo Hội Công Giáo mà thôi.

Cũng như Biển, năng lượng tình thương của Mẹ không bao giờ cạn và luôn luôn dào dạt chuyển động không ngừng, bởi nó được vận hành bằng một động lực vĩnh cửu. Động lực của tình yêu. Trước sự tàn phá khủng khiếp của tội lỗi, mọi trật tự đã bị phá đổ một cách thê thảm. Nhưng sự hiện diện của Mẹ vẫn đồng hành với nhân lọai trong mọi thời.

Bất chấp mọi sự khác biệt về ngôn ngữ, màu da, Mẹ vẫn là từ mẫu. Thật kỳ diệu không hẹn mà gặp, tuy không cùng chủng tộc, không cùng ngôn ngữ, tuy khác biệt về không gian văn hóa, địa lý. Chúng ta có chung một người Mẹ.

Nếu như ai đó muốn đi vào lòng Mẹ, thì xin một lần hãy đọc Kinh kính mừng, tự sẽ tự nhận ra sự kỳ diệu nơi lòng mình, qua đó mà tìm đường tới bên Mẹ. Chính đức hy sinh cao cả của Mẹ như sức mạnh thần kỳ cuả một luồng gió mát, nó sẽ làm dịu đi những cái đầu duy lý nóng bỏng của chúng ta, sẽ gom hồng phúc tưới tắm cho những tâm hồn cằn cỗi của chúng ta, đánh thức sự đa cảm của trái tim chúng ta, làm cho nó rung lên những nhịp đập của tình yêu.

Có một biểu tượng còn mạnh hơn mọi biểu tượng về hoà bình, thậm chí nếu cho tôi quyền lựa chọn thì tôi sẽ chọn bức tranh đó chứ không phải là bức hoạ “chim câu ngậm cành ô-liu” (một tác phẩm tuyệt vời của danh hoạ Pi-cát-xô). Đó là bức tranh mẹ Maria bế Chúa Hài Đồng. Hãy chiêm ngưỡng khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc của người Mẹ trong tư thế âu yếm cúi xuống nhìn con. Hãy chiêm ngưỡng sự tinh khiết của loài người trong hình dạng Chúa Hài Đồng, để tìm thấy cái giật mình giữa một thế giới tha hoá, ngập tràn bạo lực, ghen ghét hận thù..

Chúng ta hãy ngàn lần cảm ơn Mẹ, cảm ơn người Phụ Nữ đã được Chúa tuyển chọn và chúc phúc, bởi Mẹ đã đẹp lòng Chúa.

Nếu ví cuộc sống này là một bản hợp xướng vĩ đại, thì tình Mẹ chính là những nốt trầm sâu lắng, là khoảng lặng kỳ diệu để chúng ta nghỉ mệt trên hành trình xa thẳm của kiếp người. Vì vậy hãy nắm chặt tay nhau vì chúng ta có chung một Người Mẹ.
 

Tác giả bài viết: Lm. Raphael Xuân Nhàn.

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây