Giáo xứ Vinh Hương

Để biết Chúa hơn

Thứ bảy - 06/12/2014 10:28

"Đức Giêsu Kitô" là một trong những nhân vật được truy cập nhiều nhất trên internet. Ngày nay, nhiều người rất quan tâm và muốn tìm đến kho tàng phong phú các bản văn dành riêng cho Ngài. Sự quan tâm này chẳng phải là mới, nhưng nguồn thông tin dồi dào về chủ đề này có giúp chúng ta thực sự "biết" Ngài không?
 
"Fan" hâm mộ của Chúa Giêsu?
 
Những người hâm mộ thuộc lớp tuổi thanh thiếu niên khi say mê một ca sĩ, một nhóm nhạc, hay một diễn viên .v.v…, họ đều biết mọi chi tiết về cuộc đời của ngôi sao đó. Một số khác - đam mê hơn - thì biết đến cả những chi tiết rất cụ thể như thói quen ăn uống, trang phục, khẩu vị và sở thích … của thần tượng mình, và họ tự hào về điều đó.
 
Nhưng thực ra, đây chỉ là một thứ hiểu biết đơn phương, vì thần tượng được ngưỡng mộ chẳng biết gì về những người đang âm thầm ngưỡng mộ mình. Và, ngoài một vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, họ không bao giờ gặp mặt nhau. Tất nhiên, "biết" về Chúa Giêsu phải là một sự hiểu biết khác hơn.
 
"Biết" ... nghĩa là gì?
 
Trong Kinh Thánh, từ "yada" trong tiếng Do Thái mà chúng ta dịch là "biết", thực sự mang ý nghĩa khác với "biết" một đối tượng nào đó nhờ kiến thức sách vở. "Biết" ở đây là đặt mình trong mối tương quan, trong sự thân mật với người khác. Con cái "biết" bố mẹ không phải là học thuộc lòng tiểu sử của bố mẹ mình mà biết "họ là ai" đối với mình. Một bé trai cháu tôi khi được hỏi về tên của mẹ nó, đã trả lời rằng: "Vâng, tên mẹ là Mẹ!", đơn giản thế thôi. Điều mà đứa trẻ biết về mẹ mình là sự hiện diện dịu dàng, là ánh mắt yêu thương, là cử chỉ âu yếm và sự chăm sóc hàng ngày của mẹ. Bé biết rằng mình đang sống với mẹ trong một mối tương quan độc nhất.
 
Trong Kinh Thánh, dân Chúa kiên nhẫn học biết Thiên Chúa qua những gì Ngài làm cho họ, nhất là khi Ngài giải thoát họ khỏi Ai Cập, hay lúc Ngài dẫn đưa về Đất Hứa sau cuộc lưu đày Babylon: "Ngươi sẽ là dân Ta, và Ta là Thiên Chúa của ngươi" (Gr 30, 22).
 
Để "biết" Chúa Giêsu nhiều hơn.
 
Pascal thưa với Chúa: "Chúa sẽ không tìm con nếu Chúa không thấy con"; còn Thánh Augustinô nói: "Thiên Chúa mật thiết với tôi còn hơn cả tôi với tôi chính tôi". Ngoài mối quan tâm vì tò mò hay vì tính lịch sử nơi con người của Chúa Giêsu, ở đây còn là một sự hòa hợp tuyệt vời với ý tưởng trong Kinh Thánh. Thiên Chúa phán qua miệng tiên tri Isaia: "Con thật quý giá trong mắt Ta, con đáng quý và Ta yêu con" (Is 43,4). Chúa Giêsu minh chứng cho tình yêu đó và Ngài đang ân cần quan tâm đến mỗi người trong chúng ta: "Ta biết chiên ta và chiên Ta biết Ta" (Ga 10,14).
 
Bởi lẽ, trước hết, qua những công trình, những hoạt động của Ngài vì nhân loại và vì mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu thực sự mạc khải cho ta "biết" khuôn mặt của Thiên Chúa. Các thư Thánh Phaolô - những bản văn Kitô giáo đầu tiên - cũng như bốn sách Phúc Âm là những chứng từ mang ý nghĩa này, nhằm mục đích truyền bá Tin Mừng: Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa tiếp cận con người, Ngài đã làm người (Ga 1,14) và Ngài ban sự sống cho tất cả chúng ta. Đó không phải là một sự thật tri thức mà là một sự thật hiện sinh (sự thật đang tồn tại) trong ý nghĩa các chứng tá tự mình trải nghiệm.
 
Trong sự mật thiết của Thiên Chúa.
 
Cầu nguyện, mở lòng ra với Chúa Kitô và thưa chuyện với Ngài là một trong những khả năng để trải nghiệm sự mật thiết này. "Biết" Chúa Giêsu không thể thủ đắc bằng thông tin đơn thuần. Tất nhiên, kiến thức không cản trở việc nghiên cứu lịch sử hay mối liên kết giữa đức tin và lý trí, cũng chẳng trở ngại gì đối với công trình thần học hay việc đọc và tìm hiểu Tin Mừng một cách sâu sắc, nhưng nó mang lại cho chúng ý nghĩa. Nếu không có đức tin thì kiến thức chỉ hời hợt bên ngoài.
 
Cuối cùng, để thực sự "biết" Chúa Giêsu, chúng ta cần trợ lực của Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" và, "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?", Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu nói với ông: "Phúc cho anh vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16: 13-17).
 
Theo "Comment pourrais-je mieux connaître Jésus?", Joseph Herveau
(http://jesus.catholique.fr)

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây