Giáo xứ Vinh Hương

Đồng hành cùng gia đình gặp khó khăn

Thứ tư - 19/06/2019 02:06

Con người vốn yếu đuối, luôn cần có người đồng hành để được nâng đỡ, nhất là khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tinh thần bị tổn thương nặng nề.


Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Đất nước mở cửa, văn hóa nước ngoài du nhập vào tràn lan, tốt cũng có, xấu cũng nhiều, thật khó mà kiểm soát hết được. Trong khi nền giáo dục của ta chú trọng hình thức, chạy theo thành tích và bằng cấp, thiếu giáo dục nhân bản. Con người thích lối sống thực dụng và hưởng thụ. Các gia đình phải đối diện với những phương tiện truyền thông xã hội. Trên các trang mạng, phim ảnh, băng đĩa đầy dẫy những hình ảnh và nội dung đồi trụy, gây ảnh hưởng đến các giá trị gia đình. Đặc biệt lớp trẻ là những người dễ bị băng hoại nhất.

Trước cơn lốc suy đồi, gia đình bị khủng hoảng, nhiều cặp vợ chồng chia tay, Giáo Hội dành năm 2019 mời gọi mọi người cùng đồng hành với những gia đình gặp khó khăn. Gia đình gặp khó khăn bao gồm:

- Các cuộc hôn nhân đổ vỡ, ly thân, ly dị và tái hôn. Trong một bài giảng năm 1999, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nói: "Nạn ly thân ly dị đã đến lúc báo động. Giới trẻ hôm nay sức đề kháng yếu quá!”.

- Những người cha, người mẹ đơn thân, những bà mẹ trẻ là nạn nhân của nạn phá thai. Cũng trong bài giảng của Đức Cha Phêrô, "Việt Nam hằng năm có 1 triệu ca phá thai”.

- Những đôi hôn nhân khác đạo. Kết hôn với người ngoài Công giáo, có thể góp phân công cuộc truyền giáo, nhưng cũng có những khó khăn về đời sống gia đình, khó hòa hợp nhất là việc giáo dục đức tin cho con cái.

- Những gia đình di cư cũng là những gia đình gặp khó khăn. Nghèo đói, bị ngược đãi, tính mạng bị đe dọa, tinh thần bị tổn thương, gia đình bất ổn.

Địa phương chúng ta cũng nằm trong thực trạng chung của xã hội. Môi trường sống bị ô nhiễm với nhiều loại virus độc hại. Chúng ta đang phải sống chung với lũ. Những thứ ăn chơi giải trí thiếu lành mạnh, trước đây chỉ có ở các thành phố và đô thị lớn, hôm nay đã có mặt khắp nơi. Nếu dạo quanh một vòng thị trấn Đăkmil, các dịch vụ xông hơi, masage, karaoke, nhà trọ… đếm không hết. Những miền quê êm ả bình yên sau lũy tre làng đã hoàn toàn biến đổi.

Do ảnh hưởng trào lưu chung của xã hội, cùng với đời sống đức tin giảm sút, ngày càng có nhiều đôi nam nữ sống chung, sống thử, phá thai, đổ vỡ, ly thân, ly dị và tái hôn. Nếu nêu ra đây con số cụ thể các đôi vợ chồng chia tay của cộng đoàn chúng ta, chắc ai cũng phải giật mình. Nhiều người thắc mắc và tự đặt câu hỏi, nguyên nhân nào, tại sao vậy nhỉ? Có lẽ câu trả lời sẽ chung chung và giống nhau: thời buổi bây giờ là thế! Xã hội hôm nay là như vậy! Để xem có phần nào đúng với câu trả lời, ta hãy thử làm một phép so sánh.

Thời ông bà, cha mẹ chúng ta cưới nhau thường do ông mai bà mối hay cha mẹ xếp đặt, có  khi ngày cưới mới biết mặt nhau, học hành không nhiều, đời sống kinh tế rất khó khăn. Vậy mà qua hơn nửa thế kỷ không có một gia đình nào đổ vỡ. Còn thế hệ con cháu hôm nay, đa số đều được học hành văn hóa và giáo lý đầy đủ, đời sống kính tế khá sung túc, có những cặp vợ chồng mới cưới nhau đã có xe hơi, nhà mái Thái mái Nhật. Vậy mà lại bỏ nhau dễ dàng và nhiều đến thế. Có những cha mẹ phải chịu nỗi đau kép, trong một khu xóm có hơn 40 gia đình, đã có 8 đôi vợ chồng chia tay.
 
Nói đến tình yêu và gia đình, người ta luôn dùng những từ ngữ, văn thơ đẹp nhất: tình yêu là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, để con người vui hưởng hạnh phúc. Gia đình là cái nôi của sự sống, là mái ấm yêu thương, là trường học, là chủng viện đầu tiên, là Giáo hội thu nhỏ … Khi gia đình không còn tình yêu, niềm tin đã mất, yêu thương tha thứ cũng hết. Tổ ấm sẽ thành tổ lo. Tổ uyên ương trở thành tổ tai ương. Gia đình thành địa ngục và chiến trường.

Chiến trường gia đình là chiến tranh lạnh, bầu khí căng thẳng, lạnh lùng, ích kỷ, vợ chồng quyết ăn thua đủ. “Thương nhau lắm, cắn nhau đau”. Hai con người đã từng nên một, cùng chung chăn chung gối, biết nhau quá rõ đến từng đường tơ kẻ tóc, nay trở thành kẻ thù không đội trời chung. Thay cho những cử chỉ yêu thương, những lời nói ngọt ngào, hai người chỉ chờ cơ hội, sơ hở của nhau để tấn công, thanh toán và nhấn chìm nhau xuống bùn đen.

Kết quả là gia đình tan nát, kẻ thắng người thua cũng chẳng được gì? Cùng chung một tâm trạng rã rời, buồn chán, trống vắng. Nỗi trống vắng của lương tâm, của con tim đã đánh mất lòng tốt và tính lương thiện. Mất hết cả những kỷ niệm đẹp, mất hết tương quan tình người và truyền thống gia đình. Điều đáng sợ nhất đó là tòa án lương tâm mà con cái là quan tòa, suốt đời sẽ nghiêm khắc xét xử những việc làm của cha mẹ. Cha mẹ không dễ chạy tội và yên thân.

Trước những nỗi đau và bất hạnh của nhiều gia đình, Giáo hội mời gọi mọi thành phần dân Chúa cùng đồng hành với họ. Đồng hành là phải gần gũi, cảm thông, quan tâm, giúp đỡ để họ không cô đơn, không xa rời Giáo hội. Con người vốn yếu đuối, luôn cần có người đồng hành để được nâng đỡ, nhất là khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tinh thần bị tổn thương nặng nề.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi Giáo hội phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuối của mình, họ bị tổn thương, lầm đường lạc lối, khôi phục cho họ niềm tin và hy vọng. Giúp họ sống đức tin Kitô giáo. Làm sao cho các gia đình nhận ra sự hiện diện gần gũi của Chúa Kitô trong hoàn cảnh đau khổ của họ. Cần đón nhận và trân trọng nỗi đau của những người phải gánh chịu ly hôn, ly dị, bị ruồng bỏ, bị ngược đãi. Hôn nhân bất khả phân ly, nếu ly hôn, ly dị và không tái hôn, cần sự tha thứ sẵn sàng nối lại cuộc sống vợ chồng. Luôn tham dự thánh lễ, kiên tâm cầu nguyện, tham gia các công tác bác ái, giáo dục con cái trong đức tin.

 

Tác giả bài viết: Xuân Lương

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây