Giáo xứ Vinh Hương

Đồng xu của bà goá

Thứ hai - 03/04/2017 07:54

 
“Thầy bảo thật anh em: Bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết”(Lc 21,3).

Có một ông lão, đúng hơn, một người đàn ông già trước tuổi vì gian nan vất vả với tiền gạo áo cơm, dưới cái nắng oi bức một xế trưa tháng ba năm ấy, ì ạch vác bị cà phê nhân vào nhà xứ để gọi là đóng góp cho công trình xây dựng tháp chuông, một công trình được thực hiện nhờ vào sự đóng góp hoàn toàn tự nguyện của giáo dân. Một bị cà phê nhân, nếu cân đong đo đếm thật chính xác thì chưa đủ một bữa ăn cho tốp thợ công trình. Tuy nhiên, nó được tính bằng gạo cơm của một gia cảnh khốn khó, bằng tấm lòng của một thành viên trong cộng đoàn đối với Nhà Chúa. Vào thời buổi cả nước còn trầm luân trong cảnh khốn cùng, chỉ những ai khá giả mới bước đầu có chút ít để dành, ông lão còn đang rất nghèo, nghèo lắm. Cái bị bỗng đẹp vô cùng.

Có một gia đình tạm gọi là khá giả, đã đóng góp một khoản tiền đủ để giáo xứ trang trải cho công trình làm đẹp khuôn viên nhà thờ mà không cần ghi tên sổ vàng, không cần được xướng danh nơi đại hội. Cho dù có thể đó là số tiền không lớn lắm đối với gia sản, nhưng có được nhờ làm việc cần mẫn và tích cóp miệt mài. Do được dâng cúng bằng tấm lòng nhiệt thành, khiêm tốn và vô vị lợi, món tiền trở nên vô giá.

Có một bà lão, bà lão đúng nghĩa, thân gầy ọp ẹp vì gánh nặng thời gian, vẫn hàng tuần âm thầm quét dọn nhà thờ cùng với hội đoàn mình, để mỗi lần tụ về cử hành nghi thức phụng vụ, cả cộng đoàn giáo dân có được cảm giác trở về nhà mình, nhà của Cha mình, của gia đình mình, sạch sẽ khang trang, chan hoà ấm áp. Ấy vậy mà bà không một lần kể công, không một lời than trách hay so bì hơn thiệt, thậm chí quên luôn việc công ích mình đang làm và coi đó là điều tất yếu đương nhiên, như ta hít thở mà chẳng bao giờ nghĩ rằng khí trời cần thiết cho sự sống vậy. Sự hy sinh hoá thành bất tử.

Có những ca viên mà tuổi hát bằng hai phần ba tuổi giáo xứ, từ mấy chục năm nay vẫn đều đặn dành một phần thời gian của cá nhân mình, của gia đình mình để phục vụ, không ngại thời tiết bốn mùa hay khó khăn cuộc sống, vẫn kiên trì từ lúc còn bé tí cho đến khi thành ông bà. Thử nhẩm tính xem, 2 giờ tập hát mỗi tuần trong hơn 40 năm là bao nhiêu? Tinh thần phục vụ đích thực không loay hoay trong nhỏ hẹp thời hạn hay chật chội nhiệm kỳ, nhưng trải dài suốt cả cuộc đời và vô điều kiện. 

Và còn biết bao nữa những miệt mài hy sinh, những thầm lặng đóng góp vì cộng đoàn.

Từ khi đèo bồng dắt díu nhau lên cao nguyên lập nghiệp, từ khi giáo xứ thành hình đến nay, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, những hy sinh cộng tác nhỏ bé như thế vẫn tồn tại và tiến triển không ngừng. Giáo đoàn vẫn kiên vững niềm tin vào Thiên Chúa, vâng phục Giáo Hội và sống tình bác ái.

Đừng nhìn một vài hiện tượng chưa được hài lòng, mà trong suốt dòng lịch sử không thời đại nào, không nơi nào không xảy ra, để qui chụp hay phán xét bản chất. Bởi lẽ, giữa nhiễu nhương hỗn độn của đua tranh ích kỷ, của danh lợi tính toan, của đảo lộn giá trị, vẫn hiện hữu những tâm hồn quảng đại và những hy sinh đầy tông đồ tính. Điều đó hiển nhiên như hàng triệu vì sao lấp lánh giữa mịt mùng trời đêm vậy.

Đừng nhìn sự phát triển của một giáo xứ bằng nhãn quan duy vật, nhưng bằng ánh mắt của lòng thương xót để thấy được sự thăng tiến nhân bản và tinh thần hiệp nhất trong mọi tình huống nhân sinh, bằng nhiệt thành của một thừa sai để loan báo Tin Mừng cho anh em và cho chính mình.

Cần phải xác tín một điều là Thánh Linh luôn tác động không ngừng trong cộng đoàn qua mọi thời gian.

Những tấm lòng nhỏ bé chân thực sẽ hoá thành vĩ đại. Những hy sinh âm thầm sẽ trở nên sáng chói. Và Lời Chúa vẫn vẹn nguyên giá trị vĩnh hằng: “Thầy bảo thật anh em: Bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết”.

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây