Giáo xứ Vinh Hương

Đừng đợi đến Mùa Chay năm sau

Thứ hai - 25/03/2019 02:33

Phúc âm Chúa Nhật III Mùa Chay (Lc 13: 1-9) nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và sự biến đổi của chúng ta qua dụ ngôn về cây vả cằn cỗi: Người chủ kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Ông ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn chặt nó đi. Nhưng người làm vườn xin để nó lại và hứa sẽ chăm sóc nhiều hơn may ra năm sau nó sẽ cho trái.

Dụ ngôn này có ý nghĩa gì? Các nhân vật trong dụ ngôn đại diện cho ai?

Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa Cha, và người trồng nho là hình ảnh Chúa Giêsu, đồng thời cây vả là biểu tượng của nhân loại thờ ơ và cằn cỗi. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho nhân loại - Người luôn làm thế - và cầu xin Cha cho thêm thời gian để nẩy mầm và đơm hoa kết trái tình yêu và công lý. Cây vả mà ông chủ muốn chặt đi trong dụ ngôn đại diện cho một hiện hữu cằn cỗi, không thể ban phát và không thể làm điều lành. Đó chính là hình ảnh của những người chỉ biết sống cho riêng mình, êm thắm và đủ đầy, triền miên trong thoải mái; là người không hề biết để mắt và hướng lòng đến tha nhân đang sống trong đau khổ, nghèo đói và bất an. Đây là thái độ của kẻ ích kỷ và cằn cỗi tinh thần, trái ngược với tình yêu độ lượng của người làm vườn nho đối với cây vả: Ông kiên trì chờ đợi, ông dành thêm thời gian và công sức để chăm sóc nó. Ông hứa với chủ vườn sẽ bón chăm cây vả tội nghiệp nhiều hơn.

Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng cho chúng ta thời gian để hoán cải. Tất cả chúng ta đều cần phải biến đổi, cần phải tiến bước và lòng xót thương, sự nhẫn nại của Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Cho dù đôi lúc còn khô khan cằn cỗi, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và ban cho ta khả năng biến đổi và thăng tiến trên đường lành. Nhưng việc trì hoãn vì lời cầu xin được chấp thuận với kỳ vọng cây sẽ đơm trái cho ta thấy mức độ khẩn thiết phải biến đổi.

Người làm vườn nho nói với ông chủ: "Xin cứ để nó lại năm nay nữa" (Lc13,8).

Khả năng biến đổi không phải là vô tận; đó là lý do phải thực thi ngay lâp tức; nếu không, sẽ mất đi mãi mãi. Chúng ta thực sự tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa, nhưng đừng lạm dụng. Đừng biện minh cho tính lười biếng thiêng liêng, nhưng hãy tăng cường cam kết để kịp thời đáp trả tình Chúa xót thương bằng cả tấm lòng chân thành. Trong Mùa Chay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi phải làm gì để đến gần Chúa hơn, biến đổi như thế nào, làm sao để cắt bỏ đi những gì không tốt? "Không, tôi chờ đến Mùa Chay năm sau". Nhưng tôi còn sống đến lúc đó không?

Ước mong mỗi chúng ta biết nghĩ rằng: Ngay hôm nay, tôi phải làm gì với Lòng Thương Xót Chúa, Đấng luôn chờ đợi và tha thứ cho tôi? Tôi phải làm gì đây?       

Trong Mùa Chay, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hoán cải. Mỗi người phải tự vấn bằng cách biến đổi một cái gì đó trong cuộc sống, tuỳ thuộc cách suy nghĩ hay hành động của mình trong tương quan với tha nhân. Cùng lúc đó, chúng ta phải noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng đã đặt niềm tin vào khả năng tự lập và hoán cải của tất cả chúng ta. Thiên Chúa là Cha, Ngài không dập tắt ngọn lửa leo lét nhưng Ngài đồng hành và chăm sóc con người yếu đuối để tăng sức nhằm đem tình thương đến cho cộng đoàn.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống những ngày chuẩn bị Lễ Phục Sinh như là một thời điểm canh tân tâm hồn và củng cố niềm tin vào lòng thương xót và ân huệ của Chúa.
 

Tác giả bài viết: Huuchanh lược ghi từ: ZENIT, "Angélus: changer aujourd’hui, sans attendre le prochain carême", Anne Kurian

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây