Giáo xứ Vinh Hương

Hoa đồng nội

Thứ ba - 12/08/2014 21:33
- Nhân ngày lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn của Nữ tu Têrêxa Hoàng Thị Kim Uyên. Ban truyền thông giáo xứ giới thiệu với cộng đoàn những tâm tình trong hành trình ơn gọi của Sơ:

Có những loại hoa không tỏ rõ vẻ đẹp hay nét thanh cao mà chỉ là sự dịu dàng e ấp, giản đơn, không nổi bật, không rực rỡ sắc màu. Chúng không kiêu sa như hoa hồng, không sang trọng như hoa ly cũng không bền bỉ như hoa cúc, chúng là hoa của những cây rau quả hay chỉ là cỏ dại không tên, sớm nở chiều tàn. Chúng không được gieo trồng chăm chút mà mọc rải rác khắp nơi dù là sườn đồi, khe suối, trên hốc đá, sau hè hay mảng đất ven đường. Thế giới của những loài hoa ấy có tên gọi chung là hoa đồng nội. Đằng sau lớp bụi mờ của những đóa hoa dại ven đường ấy, là một màu trắng tinh khiết, là một sức sống mạnh mẽ. Dù mỏng manh nhưng nó phải trải qua bao nắng mưa sương gió, mặc cho người đời dẫm đạp, càng bị vùi dập nó càng vươn lên mãnh liệt để tặng cho đời những nụ hoa bé nhỏ. Người ta thường nhắc đến loài hoa đó trong những áng thi ca, những bài thơ lãng mạn của tuổi học trò. Khi lội ngược dòng Kinh Thánh ta cũng có thấy phảng phất đâu đó hình ảnh của hoa đồng nội chỉ để nói đến thân phận thấp hèn mong manh của kiếp người và cho thấy tình thương quan phòng của Thiên Chúa như trong Thánh vịnh 103:

Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng.( Tv103,15)

Hay trong Tin Mừng Luca:   “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quảng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em" (Lc 12,28).

Dù là loài hoa dại có khi bị coi như vô dụng hay bị lãng quên nhưng chúng cũng mang đến ít nhiều ích lợi cho cuộc sống con người. Bác sĩ ngoại khoa và tâm lý người Anh, Eward Bach, đã phát minh ra liệu pháp chữa bệnh kỳ lạ mang tên mình. Ông đã tìm ra 38 loài hoa đồng nội mà theo ông là có linh hồn và chứa nguồn năng lượng sinh học đặc biệt, có thể chữa bệnh tâm lý và thể lý cho con người, mỗi loại hoa phù hợp theo tính khí của từng người. Người ta dùng “cốt hoa” chắt lọc từ bông hoa để chữa trị. Liệu pháp đó gọi là “chữa bệnh bằng linh hồn hoa”. Hiện nay trên thế giới có trên 4000 trung tâm nghiên cứu bằng phương pháp của ông. Bên cạnh đó, thế giới hoa đồng nội còn rất gần gũi thân thương với người thôn quê Việt Nam. Ở miền nam bộ một số loại hoa gắn liền với những món ăn đặc sản rất được ưa chuộng. Hơn nữa, với nét đẹp thanh cao và bình dị, nó cũng góp phần làm cho bức tranh thiên nhiên thêm sinh động và tươi mát. Giữa những cánh đồng bao la, những đóa hoa dại lung linh khoe sắc làm cho tâm hồn vui tươi, nhẹ nhàng mà thanh thoát, gợi đến tuổi thơ ta đã đi qua khi trên lưng trâu, khi thả diều, bắt bướm, hái hoa. Mỗi loài hoa tuy nhỏ bé nhưng không loài hoa nào nằm ngoài sự quan phòng và ý định của Đấng Tạo Hóa.

Loài hoa dại đã tạo sức hút nơi tôi bởi sự tầm thường, nét đẹp đơn sơ, sức sống kiên cường. Những đặc nét riêng của chúng cho tôi những bài học giản dị mà sâu sắc. Với thân phận mỏng manh yếu hèn và nhiều hạn chế nhưng mang trong lòng đầy mơ ước và khát khao tìm biết về Thiên Chúa để bước theo Ngài, tôi xin được đồng hóa cuộc đời mình như một cây hoa dại để nói về hành trình ơn gọi.

Là một cây hoa dại được gieo trồng trên mảnh đất hoang sơ màu mỡ với khí hậu giá lạnh về mùa đông, nóng bỏng vào mùa hè với những cơn gió vi vút lồng lộng, tôi được hít thở một bầu khí trong lành của núi rừng cao nguyên. Là con thứ sáu trong một gia đình có tám anh chị em, tôi được bao bọc bởi tình thương của Ba Mẹ và các anh chị. Hồi ấy đất đai còn mới khai hoang, người dân ở đây chủ yếu là trồng lúa và hoa màu, Ba Mẹ tôi phải đầu tắt mặt tối ngoài rẫy để lo từng bữa ăn cho gia đình. Các anh chị tôi lần lượt phải bỏ trường lớp để phụ giúp ba mẹ việc nương rẫy. Vì sinh sau đẻ muộn, tôi được may mắn hơn là được học hành tử tế. Dù vậy, tuổi thơ của tôi cũng đã gắn liền với những cánh đồng, ngọn đồi. Ngoài những buổi đến trường, tôi kế nghiệp các anh để đi chăn trâu, chăn bò. Bất kể trời nắng trời mưa, tôi vẫn lẽo đẽo sau đàn trâu bò vượt qua những con dốc rừng cây để đến những đồng cỏ xanh tươi. Nghề chăn bò cũng lắm lúc gian nan, nhiều lúc tôi phải khóc lóc về cầu cứu anh tôi vì chúng nổi chứng, phá phách, đi lạc vào rừng. Tuy vậy, cũng không thiếu những ngày tháng thật vui với những trò nghịch ngợm với bạn bè như người ta thường ví von: “Nhất quỷ nhì ma thứ ba chăn bò”. Cuộc sống êm ả của thôn quê cứ thế trôi từng ngày, tôi vô tư như một cây hoa dại giữa đất trời cao nguyên không biết tính toán lo toan là gì và cũng không biết một dự phóng nào của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình. Đến lúc này tôi hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mà một cây hoa dại không tên tuổi lại được ở trong vườn nhà Chúa. Cũng không phải ngẫu nhiên mà từ một con bé đen nhẻm ngồi trên lưng trâu, lại là một nữ tu trong bộ y phục trắng của dòng Đa Minh với 14 năm theo Chúa và 6 năm khấn tạm. Nhìn lại tôi không khỏi ngỡ ngàng vì hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa ưu ái cho cuộc đời tôi. Tôi càng xác tín trên đời này không có gì là tình cờ mà mọi sự đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa như lời ngôn sứ Giêrêmia:

“Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ ta đã biết ngươi” (Gr 1,5).

Cũng vậy, ơn gọi của tôi không nằm ngoài dự phóng của Thiên Chúa, tôi không biết Ngài đã gieo mầm ơn gọi trong tôi tự lúc nào. Ba tôi không phải là người đạo gốc nhưng bù lại tôi có một người Mẹ tần tảo hy sinh với tấm lòng đạo đức đơn sơ luôn trông cậy và tin tưởng vào Thiên Chúa. Khi còn nhỏ, sau khi đọc kinh tối Mẹ thường dạy chị em chúng tôi cầu nguyện ngay cả trên giường ngủ của mình. Tôi bập bẹ đọc theo Mẹ từng lời cầu nguyện, đặc biệt, Mẹ không bao giờ quên cầu nguyện cho Dì Luận, một nữ tu dòng Mến Thánh Giá Nha Trang. Những thói quen đó đã in vào tâm trí non nớt của tôi ngay từ thời thơ ấu. Có lẽ lúc này nơi chốn quê nhà, Mẹ cũng hằng dõi theo ơn gọi của tôi và không bao giờ quên con gái của Mẹ trong lời cầu nguyện mỗi tối. Cũng như Mẹ, dì cũng rất quý mến tôi, mỗi lần về quê Dì hay mang quà, khi thì bức ảnh thiên thần, ảnh các thánh, khi thì cỗ tràng hạt. Có lần Dì tặng tôi cuốn truyện tranh Thánh Têrêsa Hài Đồng, cuốn sách đã cuốn hút tôi thật sự về cuộc đời của chị thánh. Mẹ thường nói: “Dì con sướng thật, sau này chết là được lên thiên đàng”. Lúc đó tôi nghĩ rằng : chỉ có những người đi tu như Dì, như thánh Têrêsa mới được lên thiên đàng. Cũng từ đó giấc mơ thiên đàng lúc ẩn lúc hiện trong tâm hồn thơ bé của tôi. Dì hay hỏi tôi có thích đi tu không, tôi không do dự mà trả lời ngay là có. Mỗi dịp viết thư cho gia đình, Dì cũng dành một khoảng riêng để viết cho tôi vài dòng, Dì nói học xong lớp 12 thì Dì sẽ dẫn đi tu. 

Bản thân tôi là một con bé nhút nhát và hay mặc cảm, có lẽ vì thế Chúa đã chuẩn bị những dự định của Ngài bằng những dấu ấn nho nhỏ. Năm học lớp 3, tôi và các bạn trong xóm được một chị Giáo Lý Viên tổ chức dạy Giáo lý tại nhà. Ngoài việc dạy học kinh, giáo lý, nhân bản, chị còn dạy làm sổ thiêng liêng với những mục như: Cầu nguyện, dâng lễ, lần hạt hy sinh. Những việc đó đã hình thành nơi tôi những thói quen tốt trong việc đạo đức. Sau này tôi tham gia nhiều sinh hoạt trong giáo xứ, đặc biệt là hội Legiô theo tinh thần của thánh Luymonfor. Nhóm nhóc chúng tôi thường được phân công tác lau nhà thờ và thăm viếng người nghèo và các cụ già neo đơn. Cứ sau giờ họp buổi tối thì cả nhóm thường rủ nhau đi thăm viếng. Khi đi công tác thì kết hợp với Đức Mẹ, và đi ít nhất là 2 người như dòng Đa Minh. Chính nơi hội đoàn này đã giúp tôi trở nên tự tin hơn, những thói quen này đã giúp tôi cầu nguyện và cảm nghiệm về sự đồng hành của Chúa và Mẹ Maria trong mọi các biến cố to nhỏ của gia đình như lời (Tv 139:     
   
“Chúa bao bọc con cả sau lẫn trước
Bàn tay của Ngài Ngài đặt lên con.” (Tv 139,5)

Khi những vạt cà phê mọc lên phủ kín các ngọn đồi thay thế dần cho hoa màu và cây lúa cũng là lúc tôi từ giã nghề mục đồng để lo cho việc học. Lúc này tôi đã trở thành cô nữ sinh duyên dáng của lứa tuổi áo dài như bạn bè đồng trang lứa. Ngày ngày đến trường thình thoảng có cặp mắt ai đó dõi theo. Những nụ cười, ánh mắt, những món quà nho nhỏ, những cánh thư hộc bàn của tuổi học trò cũng làm cho trái tim non nớt của tôi đôi lần biết rung động. Như các bạn, tôi cũng bắt đầu thích ăn mặc đẹp, thích những buổi picnic, đi chơi hay những cuộc sinh nhật với bạn bè. Lúc này bạn bè với tôi là cả thế giới, tôi có cả một nhóm bạn rất thân thiện hiền lành. Còn ở nhà mỗi lần làm điều gì sai hay nhăn nhó điều gì hoặc xin đi đâu Mẹ tôi lại hay la: “đi tu mà vậy à? Chắc là không muốn đi tu nữa rồi”. Ngay cả Cha xứ cũng nói với Dì tôi: “Chắc nó không đi được đâu, nhìn nó hơi sắc sảo”. Tôi cũng nghĩ có lẽ Chúa không chọn gọi mình. Tuy chưa có gì trong tay nhưng tôi lại không muốn từ bỏ những gì mình đang có và ý nghĩ đi tu xa dần. Giữa những lúc không lưu tâm gì về việc đi tu nữa thì Chúa đã dùng nhiều cách để khơi gợi những gì ẩn chứa trong thâm sâu cõi lòng tôi. Có hôm đang quét nhà thờ, anh phụ trách phòng thánh nói với tôi: “Uyên đi tu đi, nhìn Uyên chắc tu được đó”. Cũng có lần giao lưu với các bạn trường khác, một bạn nam cứ nhìn tôi rồi nói: “Nhìn bạn có nét gì đó giống masơ lắm”. Lúc đó tôi cũng ăn mặc như các bạn khác không có gì ra dáng ma sơ cả nên câu nói này làm tôi hơi giật mình, vì chưa một lần thổ lộ với ai ngoài Dì và mẹ về ý định trước đây của mình. Tuy đó không phải là động lực hay để xác định mình có ơn gọi hay không, nhưng nó làm thức dậy những gì khắc khoải trong tôi như được gói ghém trong lời thơ của thi sĩ Tagore:

“Ngài là ai đó
Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe
Và chưa một lần tôi hình dung ra được.
Ngài là ai đó
Để khi xa Ngài nghe trống vắng làm sao
Được ám ảnh trong cả giấc chiêm bao
Ngài vẫn là bí ẩn, bí ẩn tuyệt vời
Linh hồn tôi vẫn còn thao thức mãi”.

Tốt nghiệp xong lớp 12, tôi băn khoăn định hướng cho tương lai của mình, vì là người được học hành hơn các anh chị nên tôi không khỏi mang trong lòng những hoài bảo lớn. Nhưng ý định của tôi không phải là ý định của Chúa. Trong khi bạn bè khăn gói lên thành phố ôn thi thì Ba không cho đi vì không muốn tôi học ở Sài Gòn, vì đi xa lên đó không quen biết ai. Tôi đành ở nhà chờ cơ hội để ôn thi ở Buôn Mê Thuột. Lúc đó, một bạn gái rủ tôi đi dự tu ở dòng Đa Minh Tam Hiệp. Dù chưa một lần nghe tên dòng này, nhưng ước muốn đi tu bỗng trỗi dậy trong tôi. Tôi về xin Ba Mẹ nhưng Ba không đồng ý nên bạn đi, còn tôi ở lại mà lòng trống rỗng không yên. Cơ hội đã mất nhưng không bỏ cuộc, tôi vẫn tìm cách hành động theo sự thôi thúc của con tim. Sau này tôi liên lạc với dòng Đa Minh Tam Hiệp nhưng không nhận nữa. Rồi tôi đã gặp và trao đổi một Sơ dòng Phaolô về quê để tạ ơn sau khấn trọn. Trong lúc dự định đi dòng khác thì ba của Mai là bạn đang ở dòng Đa Minh cho biết là có 2 sơ dòng Đa Minh về xứ Bác Ái gần xứ tôi để giảng cho giới trẻ. Vì Ba của Mai rất muốn tôi vào dòng Đa Minh cho Mai có bạn đỡ buồn nên ông hăng hái đến chở tôi lên ngay nhà xứ Bác Ái. Tôi đã gặp hai Sơ dòng Đaminh, Sau khi biết ý định của tôi, Sơ muốn gặp mẹ tôi để nói chuyện. Sau khi trao đổi với 2 mẹ con, Sơ nói sáng mai sẽ dẫn tôi về nhà Dòng. Dù là mong được đi nhưng tôi quá bất ngờ vì chưa có sự chuẩn bị, nhưng cũng sẵn sàng để  đi. Để việc ra đi của tôi hợp tình hợp lý Mẹ nói với Ba:

 - “Ông kìa, nó cứ đòi đi ông có cho nó đi không?”

- “Thì bà đưa cho nó ít tiền”. Câu trả lời của Ba như là Passport để tôi có thể yên tâm lên đường một cách hợp pháp. Tôi nhớ rõ những lời của người thân dành cho tôi khi đó: 

Ba nói : “Đã đi thì cố gắng tu kẻo về dở dang là ế chồng đó nghe con.”

Mẹ nói: “Cố gắng đọc kinh cầu nguyện nhiều nhiều nha con”

Còn Chị tôi thì cản: “Thôi ở nhà mà lo dọn dẹp nhà cửa, em đi thì ai dọn nhà cho Mẹ” (vì Chị đã lập gia đình.)

Anh tôi thì nói: “Kệ nó, cho nó đi cho thỏa mãn đi, ba ngày là nó chạy về giờ đó”.

 Những lời nói khiêu khích em gái nhưng cũng chứa chấp đầy tình thương càng làm cho tôi thêm quyết tâm, tôi thầm nhủ: “Hãy đợi đấy!” dù không biết mình có hợp với ơn gọi không, và cũng chưa hiểu điều gì đã thôi thúc lòng nhưng tôi biết rõ ước muốn của mình lúc này là gì.

 Sáng chủ nhật ngày 27. 8. 2000, chuyến xe Buôn Ma Thuột - Sài Gòn đưa tôi đi vào một ngày mưa. Những hạt mưa lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập như hòa điệu với nhịp đập của trái tim tôi. Tâm trạng tôi lúc này vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa hồi hộp vừa lo lắng pha lẫn chút tiếc nuối. Như cây hoa dại được bứng lên để đưa vào một miền đất mới, một chút đau đớn biểu lộ nơi những giọt lệ kín đáo khi phải bứt rễ xa lìa mảnh đất đã gắn bó, tạm biệt xứ sở cà phê. Khi cánh cổng nhà dòng khép lại tôi tưởng như mình đã đi vào một thế giới xa lạ. Trong vườn ươm mới này mọi thứ đều lạ lẫm từ cách sống đến mọi sinh hoạt, tôi được hòa chung với những loài hoa muôn sắc từ khắp nơi quy tụ về đây, được uốn nắn bởi bàn tay của những người thợ lành nghề của Chúa là quý Dì (Sơ) Giáo. Qua những sinh hoạt hằng ngày và những môn học như nhân bản, cầu nguyện, giáo lý, ơn gọi đã dần giúp tôi nhận ra và xác tín về ơn được chọn gọi, và nhờ đó cũng lớn dần lên trong đời sống đức tin. Thật vậy, 5 năm trong mái nhà thỉnh viện để đào luyện một con người chưa phải là dài nhưng nơi đây đã nuôi dưỡng và làm lớn lên ơn gọi đầu đời của tôi, tôi hạnh phúc nhận ra nơi đây chính là gia đình thứ hai của mình.

“Lạy Chúa, con mến yêu ngôi nhà Chúa ngự,
mến yêu nơi rạng ngời vinh quang Chúa"
.(Tv26,8)

Ngày ngày được tưới gội bởi nguồn nước hồng ân, cây hoa dại tôi bắt đầu nảy nở những mầm xanh đang ẩn dấu nơi các kẻ lá và vươn dài những chồi non.

 Đã đến lúc Thiên Chúa tách tôi ra khỏi vườn ươm để đưa vào vùng đất mới làm quen với môi trường sứ vụ với bước tiến mới là giai đoạn tiền tập. Tôi cùng 21 chị em hân hoan thẳng tiến miền Bảo Lộc – Lâm Đồng miệng ngâm nga bài hát  “Đồi chè xanh long lanh trong mắt tiền tập sinh” nhưng chưa trọn bài thì tôi lại phải đổi qua bài “Mùa Xuân ai đi hái chè, còn em đi nuôi dạy trẻ”. Công tác mới của tôi không đi hái chè như các chị em mà ở nhà dạy trẻ. Ngoài việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi ở Giáo Xứ Thánh Tâm. Sáng Chúa nhật hàng tuần tôi cùng chị em lại đèo nhau trên con ngựa sắt vượt qua những con dốc đầy sương mù tuyệt đẹp để thăm viếng và dự lễ với anh em dân tộc K’Ho. Thật thú vị khi được dự thánh lễ và nghe những bài thánh ca bằng tiếng bản xứ, tôi cũng trọ trẹ học được vài tiếng dân tộc. Nơi đây đã cho tôi tìm lại với thiên nhiên của cao nguyên cùng nhiều ấn tượng đẹp. Như những chiến sĩ không biết mệt mỏi của Chúa Kitô, sau sáu tháng thực tập chị em lại tạm biệt miền thực tập đầy sương mù để trở về nhà Mẹ Hội Dòng mà lòng vẫn hứng khởi hát ca: “Nào mau lên đường”, một lần nữa tôi lại phải đổi thành bài hát: “Ngày mai em đi”. Bởi là cô giáo sư phạm mầm non, tôi phải ở lại thanh tra lớp mẫu giáo xong mai mới về sau.

Sau một chút trải nghiệm của năm tiền tập, tôi được mời gọi tiến lên một bước vào sa mạc Tập Viện, một nơi đặc biệt dành thời gian tĩnh lặng bên Chúa nhằm có một bước quyết định đúng đắn cho ơn gọi của mình. Không như những vườn ươm khác, đây không phải là một sa mạc khô cằn nắng nóng mà là một nơi vắng vẻ Chúa đã dọn sẵn cho kẻ Ngài yêu thương như trong lời ngôn sứ Isaia 43,20:

"Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
Khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát".(Is 43,20)

Tôi được dầm mình cắm rễ trong một ốc đảo xanh tươi giữa sa mạc nơi đầy tràn hồng ân Thiên Chúa. Được hút lấy nguồn dinh dưỡng phong phú từ nguồn mạch Thánh Thể qua các giờ thiêng liêng hằng ngày. Ngoài việc tập tành nhân đức qua những bổn phận thường nhật, tôi được tiếp xúc với hiến pháp dòng, tìm hiểu về linh đạo và các thánh Dòng giúp tôi hiểu rõ hơn về ơn gọi Đa Minh. Qua việc đào sâu về ba lời khấn, xây dựng bốn cột trụ để hình thành nhân cách của một tu sĩ giúp tôi xác tín ơn gọi của mình hầu theo Chúa một cách triệt để và dứt khoát hơn. Với nguồn ân sủng dồi dào, tôi dồn sức mạnh cho những búp non đang chờ ngày trổ bông. Những ngày tháng êm ả trong sa mạc làm tôi tưởng như mình đã có thể  đứng vững vàng giữa những phong ba bão táp. Nhưng Chúa giúp tôi nhận ra thân phận mình vẫn còn yếu đuối, qua một chút gió nhẹ đã làm cho thân hoa dại tôi chao đảo ngả nghiêng. Giữa năm tập tôi bị té cầu thang bị trật khớp, trong khoảng ba tháng không đi đứng như bình thường mà phải hết đi nạng rồi ‘lái xe lăn’ quanh nhà. Nhiều lúc đi thử mà không đi được, vì quá lâu nên tôi bắt đầu hoang mang : « Có lẽ mình sẽ thành tàn tật mất thôi, nếu vậy thì làm sao mà tu tiếp được ?Không lẽ sẽ trở về gia đình với bộ dạng như vậy hay sao ? ». Nhìn chị em đi làm việc mà tôi thèm được làm những công tác bình thường như chà phòng vệ sinh mà cũng không được. Cảm thấy mình thật vô dụng khi không làm được gì lại còn làm phiền chị em. Tuy là một biến cố nhỏ nhưng không ít lần tôi phải chiến đấu với chính mình. Có lúc tôi lâm vào tâm trạng sao xuyến như Đức Giêsu trong vườn cây dầu: “Sao Chúa lại đối xử với con như vậy?”. Qủa là ý định của Chúa không ai hiểu được, chính  Ñaáng ñaõ vaïch moät con ñöôøng giöõa ñaïi döông, moät loái ñi giöõa soùng nöôùc oai huøng”(Is 43,16) đã cho tôi nhìn rõ mình lúc này hơn bao giờ hết. Tôi nhận ra những yếu đuối của bản thân, nhận ra sự mong manh của phận người, và những gì mình đang bám víu. Và tôi cũng nhận ra tình thương của Chúa qua sự quan tâm của Dì Giáo và Chị Em dành cho  mình thật nhiều. Cũng từ đây tôi hiểu được một chút nào đó tâm trạng người khuyết tật, những người bất hạnh, hiểu sự mặc cảm, sự cô đơn và những khao khát của họ. Kết thúc năm tập I, cũng là lần đầu tiên tôi được lãnh bài sai của năm tập II lên đường đi thực tập với công tác dạy trẻ ở tu xá thánh Giuse II Bình Phước (Thủ Đức).

 Sau thời gian ở bên Chúa, thời gian làm quen sứ vụ của Dòng, đã đến lúc những chiếc nụ bắt đầu hé bung những cánh hoa đầu tiên. Ngày 6.8.2008 là ngày ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi qua hồng ân tiên khấn. Tôi ngập tràn hạnh phúc cùng với 17 chị em được đi giữa ba mẹ hân hoan tiến lên nguyện đường giữa muôn ngàn hoa khoe sắc để dâng nụ hoa đầu tiên lên cho Thiên Chúa. Với việc tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, từ đây tôi đã thực sự là nữ tu của Chúa trong bộ tu phục của dòng Đa Minh. Tôi cảm nhận từ trong thâm sâu cõi lòng tiếng Thiên Chúa gọi rất thân thương: “Ta đã gọi con bằng chính tên con, con là của riêng Ta” (Is 43,1b).

Theo chương trình đào tạo của Hội Dòng, tôi tiếp tục lên đường và cắm rễ ở tu Viện Mẹ Vô Nhiễm, (Gò Vấp) với 3 năm dùi mài kinh sử dưới chân Thánh Tôma Aquino. Ở đây, tôi được dành riêng thời gian để học hỏi, nghiên cứu và tiếp xúc với tư tưởng của các nhà thần học và các triết gia. Tôi bì bõm ngụp lặn trong đại dương kiến thức thần học và triết học. Một chút hé mở về tri thức chưa đáng là gì nhưng đã giúp tôi khám phá được nhiều điều mới mẻ về Thiên Chúa, về con người và thế giới. Trước mầu nhiệm cao vời của Thiên Chúa tôi càng thấy mình thật nhỏ bé với biết bao điều kỳ diệu trong vũ trụ bao la khiến tôi phải mượn lời trong thánh vịnh 139 mà thốt lên:    
                          
« Lạy Chúa, Kỳ diệu thay tri thức siêu phàm
   Quá cao vời con chẳng sao vươn tới. » (Tv139,5)

Song song với việc học, tôi cũng được cộng tác với sứ vụ của cộng đoàn giúp giáo họ Sancta Maria qua việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Được thi hành sứ vụ của Dòng là một niềm hạnh phúc với tôi, nhưng với những buổi tập canh thức cho các em sinh viên, thiếu nhi cũng chiếm mất nhiều thời gian học bài, làm bài khiến không ít lần tôi phải tối tăm mặt mũi để kịp hoàn thành các bài thi. Tạ ơn Chúa rồi mọi sự cũng được an bài mà không để tôi phải quá sức. Việc thăm viếng bệnh nhân ở bệnh viện ung bướu cũng là cơ hội để tôi chia sẻ với những người tôi tớ đau khổ của Chúa. Chứng kiến các bệnh nhân phải chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần mà lòng tôi khắc khoải, cảm thấy bất lực không giúp được gì ngoài việc cầu nguyện cho họ. Tôi nhận ra, dù là thân hoa dại tầm thường hay thân gỗ bá hương quý giá thì cuối cuộc hành trình cũng mục nát như nhau. Chúa đã ưu ái cho tôi quá nhiều, tôi cần sống xứng đáng với những gì Chúa kỳ vọng nơi mình để sẵn sàng ra đi phục vụ như một người môn đệ của Chúa để một lần xoa dịu những vết thương đau nơi những người cô đơn bất hạnh, đem niềm vui cho nhưng ai mà tôi tiếp xúc.

Sau khi tốt nghiệp thần học, tôi cùng chị em xếp bút nghiên và sách vở để lên đường thi hành sứ vụ với vai trò là sinh viên thực tập đi giúp xứ. Mảnh đất mà tôi được sai đến là Tu Xá Các Thánh Tử  Đạo Việt Nam, Giáo xứ Dốc Mơ- Gia Kiệm. Đây là một vùng đất toàn tòng, giáo dân đông, có nhiều nghi lễ truyền thống, nhưng cộng đoàn tôi ở là một nơi không đảm bảo về an ninh. Vì người ít, nhà to, vườn thì rộng chung quanh toàn là cây cối nên ban đêm có vẻ âm u. Đã từng có kinh nghiệm mất trộm nên cộng đoàn đã lắp nào là đèn pha, chuông báo động nhưng nhiều đêm chị em vẫn không được yên giấc. Mỗi khi bị đánh thức bởi tiếng báo động inh ỏi, chị em lại xách đèn pin rọi khắp nhà. Có hôm sáng ra chị em phát hiện dấu vết của kẻ xấu viếng thăm khi thấy hàng rào đã bị dỡ ra, cũng có hôm sáng ra đã thấy cả đàn chó đã nằm sõng soài với những bả thuốc còn vương vãi mà kẻ trộm chưa kịp bắt. Vì thế khi đêm về tôi luôn có cảm giác như trộm lúc nào cũng rình rập quanh nhà nên lo lắng, miệng luôn cầu xin Đức Mẹ và các thánh giữ gìn. Vì phải dậy sớm lúc 3h30 để đi lễ nên đành cố quên đi để chìm vào giấc ngủ với lời trấn an của Chúa:  

"Đừng sợ, có Ta ở với ngươi!".( Is 43,5).

Ngoài công tác dạy học, tôi được giao phụ trách 2 Huynh Đoàn Trẻ của giáo xứ Dốc Mơ và giáo Xứ Đức Huy. Mỗi Chúa nhật tôi cùng chị em đi thăm gia đình các em học sinh. Vì không quen địa thế vùng này, nên tôi cùng các bạn trẻ Huynh Đoàn lên kế hoạch thăm viếng các cụ già neo đơn và những người bệnh tật. Nhưng chỉ được một thời gian vì sau này tôi được giao dạy giáo lý tân tòng cho một ông cụ đang bị lao phổi. Mỗi tuần một lần tôi lại vượt qua chặng đường vài cây số gập ghềnh và sình lầy ngập nước để đến với ông. Lớp học gồm một thầy một trò, thầy thì 30 tuổi còn trò là một ông cụ gần 70 tuổi, trong căn lều được bao bọc bởi một vườn chôm chôm sai trĩu quả đang mùa chín mọng. Kết thúc buổi học bao giờ bà Hai vợ ông cũng biếu tôi một giỏ chôm chôm mang về. Vợ chồng ông Hai là người miền tây đang sống nhờ trong rẫy của người ta. Dù vợ là đạo gốc, trước đây ông nhất quyết không theo đạo, qua trận lao phổi sắp chết, được ơn chữa lành nên ông quyết tâm theo đạo và xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Hai ông bà sống nhờ vào đồng tiền ít ỏi bà kiếm được nhờ đi bắt cua và hái chôm chôm thuê. Căn lều gần đó là gia đình chú Tư em của ông, ông Hai cũng khuyên bảo nhiều nhưng nhất định không theo đạo. Nhiều lần dạy Giáo lý tôi thấy chú ngồi ngoài sân để nghe ké nên cố ý nói to để chú cũng nghe rõ. Có lẽ nơi chú Tư cũng đã nhen nhúm một nỗi khát khao về Chúa mà chưa đến lúc bộc lộ ra. Qua gia đình ông bà Hai, tôi lân la tìm hiểu và biết được quanh vùng này toàn những người lương dân gốc miền tây và những người dân tộc đến đây mưu sinh, họ đều đi làm mướn, làm công nhân. Họ là những người nghèo lam lũ, con cái không được học hành cũng chẳng thấy tương lai. Phải chăng đây là những góc khuất của cánh đồng truyền giáo đang chờ đợi những người thợ lành nghề của Chúa khám phá ra. Trong cõi riêng tư mình tôi với Chúa, tôi lại thổ lộ với Ngài những thao thức về họ. Và không quên mang theo họ vào những lời nguyện trong giờ kinh phụng vụ cộng đoàn để được chia sẻ và hiệp thông trong Chúa. Một năm cắm rễ nơi đây đã thật sự để lại nơi con nhiều ý nghĩa khó quên. Vì đã cho tôi được thử sức, khám phá bao điều mới lạ, và rút tỉa được nhiều điều để tôi cứng cáp hơn qua cuộc sống cộng đoàn và sứ vụ. Khi những rễ non bắt đầu len lõi vào lòng đất cùng là lúc con phải nhổ, phải bứt đi những cái rễ đang bén dần để ra đi theo bài sai sứ vụ mới của Hội Dòng.
 

Là người trẻ, tôi cũng khát khao được được thử sức và trải nghiệm ở nhiều mảnh đất khác nhau nhưng ý định của Chúa thì khác. Năm thực tập tiếp theo tôi được trở về trong chiếc nôi của Mẹ hội Dòng nơi Tu Viện Truyền Tin (Tam Hiệp- Đồng Nai) là nơi tôi được đưa vào vườn ươm thủa ban đầu. Tuy quen thuộc, nhưng lần trở lại này không phải để được nâng niu như lúc còn non yếu nhưng với vai trò khác với công tác dạy trẻ. Là cô giáo mầm non lâu năm nhưng tôi không khỏi lo lắng khi biết năm nay sở giáo dục sẽ thanh tra toàn diện trường. Vì nhiều năm không dạy học, với lại dạy ở miền quê chỉ là nhóm trẻ chủ yếu là học chữ. Nay về trường lớn mà chương trình mầm non thì thay đổi liên tục nên tôi không biết làm sao để mình có thể cập nhật kịp thời như những giáo viên đã dạy lâu năm. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của Dì Hiệu Trưởng, góp ý của Hiệu Phó chuyên môn và học hỏi chị em, tôi cũng có thể chu toàn bổn phận và học được thêm nhiều kinh nghiệm trong sự quan phòng và ưu ái của Chúa. Hạnh phúc tôi nhận được không phải là những thành công hay thất bại, mà là những niềm vui khi thấy sự tiến bộ nơi những đứa bé cá biệt, kém cỏi và khi chu toàn được bồn phận của mình. Sống trong cộng đoàn đông người cũng cho tôi học những tấm gương và những kinh nghiệm về đời sống chung để tôi biết chọn lựa cho mình cách sống phù hợp với ơn gọi Đa Minh. Những hành trình sứ vụ tuy nhỏ bé, nhưng đã dạy tôi nhiều điều bổ ích. Như cây Hoa dại dễ thích nghi với mọi môi trường sống. Đông đến thì héo hắt, tàn lụi nhưng khi hè sang thì lại nảy nở xanh tươi từ những gốc rễ sót lại hay từ hạt giống lẫn khuất đâu đó. Dù là mảnh đất bỏ hoang, kẽ nứt bờ tường đâu đó những bông hoa dại trắng hồng hay tím biếc vẫn vươn ra đón lấy những tia nắng hướng về mặt trời. Chúa đã dùng hình ảnh cây hoa dại để nhắc nhở tôi, dù với môi trường hoàn cảnh nào nếu con biết hướng về Chúa thì tôi cũng có thể làm sáng danh và ca tụng tình thương của Chúa, dù biến cố nào trong cuộc sống nếu biết tín thác vào Chúa thì Ngài cũng sẽ dẫn dắt tôi vượt qua.

Sau những ngày tháng được thử nghiệm trên nhiều mảnh đất khác nhau tôi được Mẹ Hội Dòng đưa vào một mảnh đất riêng biệt thân thương của gia đình Học Viện Dọn Khấn Trọn cùng với 11 chị em. Đây không phải là nơi khám phá hay phiêu lưu mà là nơi Chúa muốn tôi dừng lại để có thời gian nhìn lại quãng đời ơn gọi của mình. Nhìn lại những bước chân đã đi qua để thấy bàn tay của Thiên Chúa luôn bao bọc cuộc đời tôi. Nhìn lại để có những quyết định dứt khoát và định hướng một hành trình sắp tới theo thánh ý Chúa. Một năm hồng phúc để tôi trở về đào sâu đời sống tâm linh, kết hợp sâu xa với Chúa để tích lũy tinh hoa nơi những hạt giống mà tôi sẽ đi gieo trồng nơi mọi nẻo đường sứ vụ. Bởi vì: “Đường chân lý này con đã chọn,” (Tv119,30).

Ước mong trên bất cứ mảnh đất nào, cây hoa dại của tôi cũng có thể gieo mầm yêu thương, phát triển và trổ sinh những cánh hoa đem nét tươi đẹp cho bức tranh cuộc đời, và làm cho vườn hoa của Giáo Hội thêm nhiều màu sắc sáng tươi.

Tôi như một loài hoa dại nhỏ bé tầm thường yếu đuối nhưng Thiên Chúa cũng không quên. Ngài đã cho tôi được góp mặt trong cuộc đời. Ngài lại đưa tôi vào vùng đất dành riêng để chăm sóc bằng những cơn mưa hồng phúc chứa chan, bảo bọc tôi qua bàn tay của Mẹ Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp. Nhờ đó tôi được lớn lên và phát triển trong tình yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa và cảm nhận được niềm hạnh phúc vì được yêu thương. Trước hồng ân lớn lao này, tôi dâng lên lời tạ ơn Thiên Chúa vì đã chọn gọi và làm biết bao điều kỳ diệu trong cuộc đời tôi. Tôi không quên nói lên lòng biết ơn sâu sắc tự cõi lòng con đối với mẹ Hội Dòng qua Dì Bề Trên Tổng Quyền, quý Dì Trong ban Tổng, quý Dì Giáo, Quý Bề Trên đã thương đón nhận, dạy dỗ và nuôi mầm ơn gọi nơi tôi được lớn lên. Tôi xin cám ơn những lời cầu nguyện và hy sinh của quý Dì An Dưỡng, những tấm gương, sự chia sẻ của quý Dì, sự đồng hành của chị em đã cho đời dâng hiến tôi có thêm niềm vui ấm áp chan hòa tình gia đình. Đặc biệt lòng biết ơn trời bể mà tôi nguyện khắc ghi công ơn sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ, tình thương và sự ưu ái mà anh chị em và người thân trong gia đình đã dành cho tôi. Trước ân phúc này tôi chỉ biết nguyện xin Thiên Chúa ban ơn lành xuống cho Quý Dì cùng tất cả những ai đã có mặt, góp sức trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của tôi. Xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi để tôi luôn biết trung thành và sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày.
 
Kỷ niệm hồng ân vĩnh khấn 7.8.2014
Nt: Têrêsa Hoàng Thị Kim Uyên
Dòng Đa Minh Tam Hiệp.
 
 
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây