Giáo xứ Vinh Hương

Khiêm nhường là chấp nhận chịu sỉ nhục

Thứ ba - 05/12/2017 23:41

"Làm sao tôi biết được mình khiêm nhường hay không? ... Có đấy, có một dấu chỉ duy nhất: chấp nhận chịu sỉ nhục", Đức Giáo Hoàng giải thích trong thánh lễ sáng ngày 05 thánh 12 năm 2017, tại nguyện đường Martha, Vatican: "khiêm nhường mà không chịu sỉ nhục không phải là khiêm nhường".

Trong bài giảng được Đài phát thanh Vatican tiếng Ý loan tải, ĐGH cho biết: Mỗi Kitô hữu như "một hạt giống nhỏ bé chứa đựng tinh thần của Chúa, tinh thần thông minh và sáng suốt, tinh thần của khôn ngoan và mạnh mẽ, của hiểu biết và kính sợ Chúa... đó là những ân phúc của Chúa Thánh Thần. Từ một hạt giống nhỏ bé đến sự sung mãn của Thần Khí. Đó là lời hứa, là Triều Đại Thiên Chúa".

Do đó, ki-tô hữu "nên biết rằng mỗi chúng ta là một hạt giống từ gốc rễ này và cần phải được lớn lên, phát triển đến sự sung mãn của Thần Khí trong mỗi người, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Vậy thì bổn phận của ki-tô hữu là gì? Đơn giản là bảo vệ hạt giống đang lớn lên trong chúng ta, bảo vệ hạt giống đang phát triển, bảo vệ Thần Khí".

Với Đức Giáo hoàng, gương mẫu của ki-tô hữu chính là "Chúa Giêsu khiêm hạ": "Phải có niềm tin và lòng khiêm nhường để tin rằng hạt giống, tuy là một quà tặng nhỏ bé, sẽ trở nên ân huệ sung mãn của Chúa Thánh Thần. Phải có đức tin để tin rằng Thiên Chúa là Cha, là Chúa Trời Đất, như trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Khiêm nhu và trở nên bé nhỏ, như hạt giống nhỏ bé đang lớn lên từng ngày, đang cần Thánh Linh để tiến về phía trước, hướng đến sự sung mãn của Chúa Thánh Thần".

Có người cho rằng khiêm tốn là có giáo dục, lễ phép, là nhắm mắt lại khi cầu nguyện... "Không, khiêm nhường không phải vậy", ĐGH nhấn mạnh. "Làm sao tôi biết mình có khiêm tốn không? ... Có đấy, có một dấu chỉ duy nhất: chấp nhận chịu sỉ nhục. Khiêm nhường mà không chịu sỉ nhục không phải là khiêm nhường. Người khiêm nhường là người có khả năng chịu sỉ nhục như Chúa Giêsu, khiêm hạ cùng cực".

Kết thúc bài giảng, ĐGH viện dẫn gương các thánh đã "không chỉ chấp nhận chịu sỉ nhục mà còn cầu xin cho bị sỉ nhục" để nên giống Chúa Giêsu. "Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết nâng niu từng điều nhỏ bé mà hướng đến Chúa Thánh Thần, ơn không quên cội nguồn và biết chấp nhận sỉ nhục". 

Tác giả bài viết: ZENIT, Anne Kurian - Huuchanh dịch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây