Giáo xứ Vinh Hương

Làm sao gặp gỡ Thiên Chúa?

Thứ tư - 06/08/2014 03:25

Khi giúp đỡ mọi người, tốt hơn hết là thức tỉnh họ về một chân lý đơn giản và bình thường nhất, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi chúng ta đến với mối tương quan trực tiếp với Người mỗi ngày, trong âm thầm, đôi khi dữ dội, bằng hàng ngàn cách khác nhau. Ngoài ra, nếu khác đi thì làm sao Chúa Giêsu lại gọi Người là "Cha" và mời gọi chúng ta làm như vậy? Người là "Cha" thế nào được nếu không có mối tương quan trực tiếp với chúng ta, không cho chúng ta đến gần và lòng nhân từ của Người không được cảm nhận ngay lập tức? Vấn đề là cần phải lưu tâm, cần phải thức tỉnh "ý nghĩa tinh thần"; cần phải học biết, học cảm nhận và hưởng nếm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tháp nhập với Thiên Chúa là nền tảng đầu tiên của mọi người.
 
Sự hiện diện của Thiên Chúa là một trải nghiệm chung
 
Trong sa mạc, Môi-sen chỉ nhìn thấy Thiên Chúa từ phía sau vì nếu thấy mặt Người, ông sẽ chết! Thiên Chúa là Đấng vô cùng vĩ đại, vô cùng siêu việt, nhưng Tân Ước đã minh định rằng Thiên Chúa muốn gần gũi chúng ta, càng lúc càng thân mật hơn, cho đến khi kết hợp chúng ta trong Chúa Giêsu, Đấng là một trong chúng ta. Các môn đệ đồng hành với Chúa Giêsu không nhìn thấy Thiên Chúa (Thánh Gioan nói "Không một ai đã từng nhìn thấy Thiên Chúa"), nhưng chính Chúa Giêsu vẫn đang sống mật thiết với Thiên Chúa mà Ngài gọi là "Cha". Đi theo Ngài, các môn đệ được mời gọi thâm nhập dần vào sự thân mật với Thiên Chúa, điều sẽ trở nên trọn vẹn sau biến cố Phục Sinh. Chúng ta sẽ biết Thiên Chúa gần gũi đến đâu. "Đức Giêsu Con Người" là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa" có thể nói lên sự thật: "Ai nhìn thấy tôi là nhìn thấy Cha". Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta sự gần gũi mật thiết vô hạn của Thiên Chúa Tối Cao và tình phụ tử dịu dàng vô cùng của Đấng Toàn Năng.
 
Thiên Chúa "bám chặt" trong trái tim con người
 
Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều đã mạc khải, chính loài người được tạo dựng nên vì mối tương quan cha con trực tiếp với Thiên Chúa. Thậm chí điều đó còn là đặc trưng của con người giữa mọi sinh vật. Sinh vật chỉ là "con người" khi có Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn. Thiên Chúa ở đó, Người bám chặt vào trái tim anh ta, và Người chờ đợi. Người muốn giao kết một mối quan hệ với anh ta. Thiên Chúa không ở trên trời xa tít và không phải không thể tiếp cận, mà đúng hơn, Người cư ngụ trong sâu thẳm trái tim chúng ta; Người là nguồn mạch sinh ra chúng ta từ trong nội tại, hoặc là bạn hữu đang gõ cửa: "Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà và dùng bữa với người ấy" (Kh 3,20).
 
Kinh Thánh nói chúng ta "là hình ảnh của Thiên Chúa", nghĩa là nói đến sự mật thiết của Đấng Tạo Hoá trong trái tim tạo vật mà Người đã dựng nên. Thiên Chúa được nhận diện trong chúng ta, Người ở trong nhà mình là chúng ta. Trong trái tim con người, Thiên Chúa nhìn thấy khuôn mặt của Con Ngài là Đức Kitô. Truyền thống Kitô giáo đã mở rộng chủ đề này rất nhiều:
 
Thánh Augustinô: "Ôi vẻ đẹp cũ và cũng mới dường bao, tôi đã tìm kiếm Người từ rất lâu ... Tôi đã tìm kiếm bên ngoài bản thân mình, trong khi Người đang ở trong tôi. Intimior meo intimo, còn mật thiết với tôi hơn cả chính tôi".
 
Maurice Zundel: "Thiên Chúa là một cuộc gặp gỡ mà mọi người thực hiện với chính mình".
 
Etty Illesum (người Do Thái): "Trong tôi có một đáy giếng và Thiên Chúa hiện hữu nơi sâu thẳm đó".
 
Trải nghiệm hàng ngày của chúng ta
 
Trải nghiệm hàng ngày của chúng ta là thức dậy vào buổi sáng, gặp gỡ mọi người, làm việc .v.v… Hoặc là chúng ta thờ ơ với sự tồn tại của mình, hay học cách gán cho các sự kiện gánh nặng thật sự trong cuộc sống, học biết đón nhận chúng bằng đầy ắp những hứa hẹn và ý nghĩa. Hoặc giả chúng ta dừng lại, trở về với chính mình, lắng nghe từ sâu thẳm trái tim mình, ở đó Thiên Chúa đang "gõ cửa". Thiên Chúa gõ cửa trái tim chúng ta, chính là động lực bên trong thúc đẩy khi gặp gỡ và chuyện trò với một người nghèo khổ, chính là niềm vui cảm nhận được khi một người bạn bất ngờ ghé thăm.
 
Đời sống tâm linh không có nghĩa là thoát khỏi thế gian để đến với Thiên Chúa, mà trái lại, là sống trọn vẹn trong thế gian. "Sống" với ý nghĩa mạnh mẽ đích thực của ngôn từ. Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn đời sống con người, Ngài đã sống cuộc sống thể chất: đi đứng, lắng nghe, an ủi, ăn uống và thỉnh thoảng cũng khóc... Nhưng Thiên Chúa đang ở đó, ngay lập tức.
 
Và cuộc sống trở thành lời cầu nguyện ...
 
Các sự kiện xảy ra trong cuộc sống là đối tượng giúp chúng ta cầu nguyện. Thánh Inhaxiô nói với các tu sĩ dòng Tên rằng, nếu "gần như không có gì" để cầu nguyện trong ngày, thì đó là thời gian cần có để cảm tạ Thiên Chúa: Lạy Chúa, xin cảm ơn Người vì điều này, vì điều kia, bởi lẽ nhờ đó con biết Chúa đang hiện diện, Người đã chăm sóc con trong ngày hôm nay. Tạ ơn Thiên Chúa; cử hành bí tích Thánh Thể cách sốt sắng trong thánh lễ; cảm ơn Chúa, xin tha thứ, dâng ngày và phó thác cho Người những vấn nạn cuộc sống: Tất cả những hành vi trên đều tôn vinh sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện trực tiếp và ngay lập tức trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy dần dà trở nên như Giacob trong sa mạc bằng khám phá thú vị này: "Thiên Chúa đang ở đó mà tôi không nhận ra".
 
Cầu nguyện không chỉ từ các sự kiện của cuộc đời mình, nhưng cũng từ Kinh Thánh, trong Lời Chúa. Nếu không nghiền gẫm Tin Mừng mỗi ngày, làm sao thân thiết với Chúa Giêsu, Đấng đã dạy ta biết sự hiện diện của Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống được? Thiên Chúa có hàng ngàn cách để thúc đẩy cuộc sống.
 
Về những trải nghiệm "lạ lùng" hơn, người ta nhận ra nhờ kết quả của chúng, như trong thư gửi tín hữu Galát: "Tình yêu, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, v.v…" (Gal 5:22-23). Người ta nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa, như Thánh Inhaxiô nói, khi có sự "gia tăng đức tin và đức ái" và sự hiệp thông thanh thản với Giáo Hội Chúa Kitô.
 
Thiên Chúa không ngừng tiếp cận, không ngừng gõ cửa trái tim chúng ta. Và Người sẽ không bao giờ chấm dứt, cho đến ngày cuối cùng khi chúng ta "trút linh hồn", như mỹ từ thường nói. Ngày mà Thần Trí Chúa Giêsu hoàn tất công trình của Ngài là dạy chúng ta biết nhận ra, ngày càng xác tín hơn rằng Thiên Chúa là "Cha". Thật thế, trong viên mãn, chúng ta sẽ là "Con" và "Thiên Chúa là tất cả trong tất cả" (Thánh Phaolô).
 
Theo "Comment rencontrer Dieu?" - Miguel Roland-Gosselin, sj, (http://www.croire.com/)

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây