Giáo xứ Vinh Hương

Nhàn đàm

Chủ nhật - 23/10/2011 03:43
Xin chia sẻ một ước mong từ khá lâu, cho đến bây giờ vẫn là mong ước.
Nhàn đàm

Gọi là nhàn đàm vì tranh thủ những khoảnh khắc nhàn rỗi hiếm hoi giữa tất bật đời thường để nói chuyện cho vui.

Cũng gọi là nhàn đàm vì nếu có ai đó cảm thấy mích lòng thì xin "chớ chấp tội chúng con", bởi đây chỉ là câu chuyện nói cho … qua chuyện.

Và cũng gọi là nhàn đàm vì vấn đề định nêu ra sau đây là những gì góp nhặt trong những lúc … nhàn đàm.

Muốn gọi là chia sẻ hay chuyện phiếm cũng được. Bởi lẽ, trong suốt cuộc đời, mấy ai lại không một lần tếu táo phiếm luận. Vả lại, tiếng cười còn làm cho cuộc sống thêm tươi chứ sao. Tuy nhiên, cho dù là phiếm luận, chính luận, hay … gì gì luận đi nữa, thì cũng phải có một đề tài, một chủ đề hay chí ít, một cái tên nào đó. Những bài ca gọi là "không tên" của Vũ Thành An còn phải "gánh" một con số nữa là.

Và vấn đề muốn nêu ra sau đây là làm thế nào để sự kết hợp giữa Hội đồng giáo xứ (HĐGX) và Giáo lý viên (GLV) đạt được hiệu năng cao nhất.

Giả sử ta đặt cho HĐGX câu hỏi rằng các vị có quan tâm đến việc học giáo lý của lớp thanh thiếu niên trong giáo xứ mình không. Chắc chắn chúng ta sẽ nhận được câu trả lời “có” một cách tự tin và rất quả quyết, có khi còn “thề độc” nữa chứ chẳng chơi. Bởi một lẽ vô cùng đơn giản là ai cũng ý thức được rằng, tương lai của giáo xứ, hay đúng hơn của Giáo Hội, nằm trong tay bọn nhóc bây giờ. Và chẳng ai muốn đức tin của thế hệ kitô hữu sau này sẽ èo uột như đứa trẻ suy dinh dưỡng. Hơn nữa, việc lo cho hậu thế là trách nhiệm của người lớn, trong giáo xứ thì đứng đầu là các vị HĐGX. Thế nhưng, mối bận tâm lo lắng đó được thể hiện trong thực tế như thế nào và hiệu quả đến đâu, còn tuỳ thuộc vào thái độ và phương sách hoạt động của từng đơn vị, hay cụ thể hơn, GLV “khai thác” mối quan tâm đó như thế nào.

Thật vậy, HĐGX có rất nhiều việc phải lo, rất nhiều vấn đề phải bận tâm, nên cái sự để ý tới bọn nhỏ chỉ là … "chuyện nhỏ", trong vô vàn chuyện lớn của các vị. Nếu GLV chúng ta không “kích hoạt” thì chẳng bao giờ các vị ấy nghĩ tới hoặc hoạ hoằn lắm, Cha xứ có thúc giục, họ cũng không biết việc gì cụ thể cần thực hiện. Thì ra, ai cũng thuộc nằm lòng lời tâm niệm của thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Nhưng rồi, đến khi bắt tay vào việc, cho dù là hình thức rao giảng Tin Mừng tưởng như  nhẹ nhàng nhất, đơn giản nhất và dễ dàng nhất, là dạy giáo lý cho con em mình, những kitô-hữu-nhỏ-tuổi đang sống trong môi trường đức tin thuần tuý, mới thấy khó khăn phức tạp làm sao. Lúc này mới thấy …  “khốn thân tôi”! Ấy là chưa kể đến việc truyền giáo cho dân ngoại tại các giáo điểm xa xôi đấy, còn khó khăn phức tạp hơn gấp nhiều lần.  

Thế nên, trách nhiệm của GLV, nhất là của BĐH nặng nề lắm thay!

Có một điều mà BĐH/GLV thường hay quên là, ngoài việc phải trình với Cha xứ, còn có trách nhiệm phải báo cáo với HĐGX các hoạt động của mình, để các vị ấy hiểu rõ và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời cũng thông qua HĐGX mà “liên doanh liên kết” với các hội đoàn khác trong việc giáo dục đức tin cho thiếu nhi, chẳng hạn như Hội Gia trưởng và Hội Hiền mẫu, là hai tổ chức Cha công giáo và Mẹ công giáo của Thiếu nhi công giáo, vì chính họ là những người quan tâm nhất đến thành quả của các lớp giáo lý, ảnh hưởng trực tiếp đến con cái các vị mà. Không nên chỉ những lúc cần hỗ trợ vật chất hay nhân lực mới chạy đến yêu cầu. Chúng ta thường có thói quen là khi cần “sức lao động” thì chạy đến các ông và những lúc thiếu “đầu bếp” lại tìm đến phụ nữ, và gọi đó là "sự quan tâm đúng mức". Đúng quá và tốt quá. Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ.

Làm sao xây dựng được một “ê-kíp” hiệp nhất, gồm HĐGX, GLV, Gia trưởng và Hiền mẫu, làm việc với nhau trong tinh thần thẳng thắn và yêu thương. Thẳng thắn và yêu thương, bởi nếu vì việc chung mà lỡ có lúc “to tiếng nặng lời” với nhau, hoặc có khi “cơm không lành, canh không ngọt” thì cũng nên vì tình thương hay ít ra vì … "lũ nhóc" mà thông cảm. Nôm na là hoạt động càng gần với bầu khí gia đình càng tốt, trong đó, người lãnh đạo là HĐGX và kẻ "tham mưu" hay … “thầy dùi” là GLV. “Ông thầy dùi” này không sợ mình bị lạc hướng để trở thành một “cố vấn tối … tăm”, vì trên ta còn có các vị chủ chăn hướng dẫn, lo gì.

 “Bộ sậu” này nên gặp nhau thường xuyên, chí ít là hai hoặc ba tháng một lần, trước hết là báo cáo để các vị “cập nhật hoá thông tin”, sau là  để “con cái … vòi vĩnh cha mẹ”. Đừng nên chờ đến kỳ họp tổng kết của giáo xứ mới “báo cáo thành tích” và đề xuất giúp đỡ, hoặc kêu gào quan tâm. Bởi lẽ, không phải không có lúc, bài báo cáo hoặc đề xuất của những vị sính chữ nghĩa chỉ thấy đầy ắp những … danh ngôn ngạn ngữ với chữ thánh hiền, cho nên “hay thì thật là hay” mà “nghe ra” thì … hằm bà lằng thượng vàng hạ cám, chẳng ăn nhập gì tới vấn đề cần nói đến.

Tội nghiệp thay cổ nhân! Bày ra văn tự ngữ nghĩa làm chi, để bây giờ đám con cháu ngập ngụa trong mớ hỗn độn ngôn từ, đến nỗi, nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ mà cứ như thời … xây tháp Ba-ben!

Nhiều khi, những yêu cầu, những đề nghị ta nói nhỏ với nhau một cách chân tình trong lúc …"nhàn đàm" lại hiệu quả hơn các loại sáo ngữ ngoa ngôn đao to búa lớn, hay các loại khẩu hiệu hô hào trí mạng  giữa “toàn dân đại hội” đấy. Hãy…”nếm thử mà xem”.

Lại nữa, nếu HĐGX và các hội đoàn khác cùng chung vai gánh giúp thì GLV chúng ta … khoẻ re. Dại gì không tìm cách “trút bớt gánh nặng” cho người khác, mặc dù gánh của các vị ấy cũng đã nặng lắm rồi. Cái được trước hết là ý nghĩa và hiệu quả giáo dục: Cả cộng đoàn giáo xứ chung sức trong việc giúp lũ nhỏ trưởng thành về đức tin. Và biết đâu chính người lớn cũng nhờ đó mà được thăng tiến hơn không chừng. Thứ đến là chúng ta sẽ nhẹ bớt …”nợ tang bồng”. Cái “được” sau chỉ nói nhỏ thôi, “inter nos” thôi, đừng “bật mí” cho các vị ấy biết, kẻo người ta lại bảo mình … lợi dụng. Hỏng việc!

Có thực hiện được như vậy, và mỗi bên phải tận tuỵ hy sinh, “gọt giũa” mình đi nhiều lắm, mới phát huy hết “công suất” của sự hiệp nhất để đạt hiệu năng cao trong việc tổ chức các lớp giáo lý cho thiếu nhi giáo xứ.

Tóm lại, HĐGX và các Hội đoàn trong giáo xứ có tích cực cộng tác vào việc dạy học giáo lý hay không là do sự tác động của GLV vậy. Đấy là những cố gắng của GLV chúng ta. Cố gắng vì, nói thì dễ, nhưng thực hiện cho được  cũng …”khốn thân tôi” lắm lắm!

Còn kết quả sẽ ra sao?

Thôi thì, cứ sinh lời từ những gì Ông Chủ giao cho, mặc dù chỉ một nén bạc ít ỏi, cứ vui vẻ vác thánh giá mình, còn lại là “nhiệm  vụ” của … Chúa Thánh Thần.

Thiện tai! Thiện tai!

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây