Giáo xứ Vinh Hương

Ơn người, ơn đời

Chủ nhật - 11/09/2016 23:10
 
Lứa tuổi chúng tôi gồm những đứa tội nghiệp: đứa vừa chập chững tập đi đã vội vã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, đứa còn đỏ hỏn thì mẹ đã quang gánh “quảy” vào nam, thậm chí có đứa được sinh ra dọc đường ly tán hoặc mở mắt chào đời trong “căng” tạm trú ngột ngạt hơi người. Tóm lại, lứa tuổi gồm những mảnh hình hài sinh ra trong lang bạt kỳ hồ và lớn lên trong chiến tranh loạn lạc.

Những năm đầu mới di cư (đúng là di cư, một sự dịch chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác), ra khỏi trại tạm trú, đoàn người chia năm xẻ bảy, người xuống biển, kẻ lên rừng, tìm nơi làm ăn sinh sống và để khả dĩ giữ gìn truyền thống đạo nghĩa tự bao đời. Cho nên cứ thế mà thăm dò, mà chuyển dịch, mà tạm cư hết nơi này đến nơi khác, nơi vài năm, có nơi dăm ba tháng. Mà theo lẽ thường, chưa an cư thì không thể lạc nghiệp! Và cũng theo lẽ thường, tại mỗi nơi đều có những sinh linh cất tiếng khóc chào đời và có những con người lặng im nằm xuống!

Mãi đến gần cuối năm 1957, từ ruộng đồng Đức Minh, đoàn người mới dắt díu nhau ra định cư tại dải rừng hoang sơ ven quốc lộ 14 này, để hình thành nên giáo xứ Vinh Hương cho đến hôm nay. Vì thế mà cho tới những năm 70 của thế kỷ XX, nhiều người vẫn còn quen gọi là “trại mới” hay “trại ngoài” để phân biệt với “trại trong” là giáo xứ Vinh An, nơi đoàn người tha hương mới tạm cư được vài mùa ruộng rẫy.

Bởi thế, tuổi thơ chúng tôi cứ theo dòng đời mà rong ruổi.
Mới chập chững tập đi đã phải bước những bước quá dài cùng gập ghềnh cuộc sống.
Vừa bắt đầu đến trường lại lớn lên theo cường độ của chiến tranh.
Khi tới tuổi trưởng thành thì cuộc chiến lên đến đỉnh điểm khốc liệt.

Lớp bạn bè lần lượt ngã xuống rồi bị lãng quên. Đã đến lúc không cần những khái niệm quân tử hay tiểu nhân, anh hùng hay hèn nhát, không cần được tôn vinh cũng chẳng sợ bị nguyền rủa. Đã đến lúc những thứ ý thức hệ loè loẹt màu vật chất đều trở nên vô nghĩa! Với người nằm xuống, chỉ còn một chân lý duy nhất: Tình Yêu. Con người nhẹ nhàng thanh thản trở về với vô biên trong cánh tay yêu thương của Đấng Thương Xót, để vĩnh viễn hát bài ngợi ca.

Cứ thế, lớp tuổi chúng tôi chẳng còn lại gì để tiếp tục đồng hành cùng giáo xứ cho đến hôm nay.

Hơn nửa thế kỷ giáo xứ được che chở dưới bóng cánh Đấng Chí Tôn, đức tin vẫn triển nở không ngừng giữa dòng đời gập ghềnh thác lũ và chao đảo bão giông. Chỉ thế thôi, cũng đủ hùng hồn để chứng minh bàn tay của Chúa Quan Phòng. Chẳng cần thuyết lý biện minh hay hô hào ồn ã, chẳng cần biểu ngữ nghênh ngang hay khẩu hiệu ì xèo, cũng chẳng cần khoa trương chữ nghĩa hay vay mượn tư tưởng vĩ nhân, chỉ cần lặng im mở rộng tấm lòng khiêm cung nhìn vào quá khứ, sẽ nhận ra rằng, nếu không có quyền năng nhiệm mầu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, con người chẳng làm được gì. Sáu mươi năm chỉ là khoảnh khắc vô nghĩa trong vô tận thời gian, nhưng đời người đã ngả màu hoang phế!

Nhìn bậc cha ông, chững chạc trưởng thành trong đức tin và tinh thần tông đồ, đã dày công đặt nền móng cho giáo xứ và tiếp bước các vị thừa sai gieo hạt giống Tin Mừng trên heo hút rừng núi cao nguyên. Các bậc tiền bối khai phá trong gian nan, xứng đáng hưởng vinh quang Nước Trời, đang liên lỉ cầu bầu cho các thế hệ cháu con. Những người bồi đắp trong nhọc nhằn và hiện nay còn tận tuỵ nâng đỡ lớp hậu sinh bằng tình thương của đấng sinh thành và bằng kinh nghiệm của bậc minh sư. Ngày ấy, cho dù phiêu bạt nơi đâu, đức tin và tâm hồn chúng tôi vẫn được nuôi dưỡng từ cái nôi giáo xứ đầy ắp thương yêu. Tình làng nghĩa xóm luôn ân cần dõi theo từng bước chân và chắt chiu bồi đắp cho những đứa con phiêu lãng, đang vất vả gian nan nơi lửa đạn mưa bom hay miệt mài trên ghế nhà trường.

Trong suốt chiều dài 60 năm giáo xứ, thế hệ sau tiến bước trên nền tảng của thế hệ trước để cộng đoàn cùng dẫn dắt nhau đến gần Chúa hơn. Nhìn về quá khứ không phải để thấy mình đứng trên đỉnh cao của lịch sử, nhưng để khiêm hạ tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn cuộc đời, tạ ơn các bậc tiền nhân đã nhọc nhằn bồi đắp cho chúng tôi có được ngày hôm nay, cho dù chưa thật hoàn hảo. Và nhìn về tương lai để củng cố niềm tin vào sự quan phòng của Chúa trên bước lữ hành tiến về Chân Thiện Mỹ.
 
Thiên Chúa không so sánh thời nọ với thời kia, người này với người khác. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng làm nên lịch sử, Ngài chính là lịch sử. Mỗi cá thể thụ tạo đều có vai trò lịch sử của mình, đều có trách nhiệm đóng góp phần mình vào công cuộc sáng tạo của Ngài. Đức Kitô không so sánh hơn kém giữa các tông đồ, thậm chí Ngài cũng chẳng phán xét Giuđa là kẻ phản bội, mà "anh làm gì thì làm mau đi" (Ga 13,27).

Và chẳng phải Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhớ rằng "ký ức cũng có lợi cho người bị cám dỗ bởi tính kiêu căng và ảo tưởng rằng mình là một 'giải Nobel thánh thiện'. Trong trường hợp này, người ấy phải nhớ rằng anh ta chỉ đứng ở cuối đàn cừu" đó sao? (Bài giảng lễ sáng 13/5/2013 tại nguyện đường Thánh Martha)

Hồng ân. Tất cả là hồng ân. Và chỉ là hồng ân mà thôi.

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây