Giáo xứ Vinh Hương

Sống tinh thần Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thứ sáu - 11/11/2011 05:51

Sống tinh thần Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

- Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta

 

Một người được gọi là vị Tử Ðạo (Martyr) khi liều mạng sống của mình để minh chứng cho Chân Lý hoặc sự xác thực của Ðức Tin Kitô Giáo. Chữ tử đạo đã bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “Martus”, có nghĩa là chứng nhân. Để hiểu được phần nào tinh thần các Thánh TĐVN, chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Kitô là vị tử đạo gương mẫu, cùng nhìn lại cảnh huống các Thánh Tử đạo đã trải qua. Và từ đó, đem áp dụng tinh thần tử đạo, làm nhân chứng cho Chúa Kitô vào sinh hoạt thường ngày.

Sự tự hiến vì tình yêu

Khi vào trần gian, Đức Giêsu có một sứ mệnh phải hoàn thành và Chúa luôn khắc khoải về ‘giờ’ thực hiện kế hoạch đó. Nó như một định mệnh không thể thay đổi được của người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã loan báo. Xem ra như vậy thì cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự xui xẻo của một hoàn cảnh cho bằng là sự tự hiến. Chính Chúa Giêsu đã nói với quan Philatô: “ông không có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban cho ông”. Chúa nói với các môn đệ: “Ta có quyền trao ban mạng sống mình và Ta cũng có quyền giữ lại”.

Các Thánh Tử đạo cũng đã trải qua những ngày tháng giằng co căng thẳng để chọn lựa: hoặc là bước qua thập giá và trải qua con đường tử đạo gồ ghề hoặc chà đạp lên thập giá để cứu lấy mạng sống mình và được hưởng những ân huệ vua quan ban cho. Đã có những người chối Chúa. Nhưng con số chấp nhận ôm thập giá vào mình, tôn kính Thiên Chúa như gia nghiệp mình còn vượt trội hơn nhiều. Sổ sách ghi lại mảnh đất Việt Nam được tưới gội dồi dào bởi máu của khoảng 130.000 vị tử đạo.

Chúa Giêsu đã đưa ra quy luật cho một cuộc tình, đó là sự hy sinh. Ngài nói: “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu”. Đức Giêsu vì có nhân tính, nên vẫn sợ chết, mặc dầu Ngài biết rõ giờ chết là sự khải hoàn, là giây phút đăng quang của vương quốc mới, là kết thúc công trình tại thế để trở về Thiên Quốc trong khải hoàn. Trong vườn cây dầu Chúa đã thổn thức cầu nguyện 3 lần với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng nầy. Nhưng xin đừng theo ý con, một cho ý Cha được vẹn tròn”. Lời cầu nguyện này xảy ra trong đơn côi và cơn sầu não đã khiến Chúa đổ máu và mồ hôi.

Các Thánh Tử đạo cũng đã sớm hiểu được tinh thần tự hiến để được nên giống Thầy mình. Các Ngài coi vinh phúc tử đạo là diễm phúc mà họ phải cẫu xin và đáng ước ao. Các tín hữu luôn cầu nguyện cho các kẻ bị bắt và bị xử tử được trung kiên đến cùng. Chúa Giêsu đã có khả năng chiến đấu, vì Ngài thấy trước tương lai, Ngài có thể có một đội quân thiên sứ, Ngài có thể bố trí một đội quân tình nguyện… nhưng Chúa nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ… Ta không uống chén Cha đã ban cho sao?”. Các vị tử đạo chỉ trốn tránh để khỏi bị bắt, nhưng không hề có những hoạt động phòng thủ và không chiến đấu khi đã bị bắt. Họ như con chiên hiền lành bị bắt đến người thợ xén lông.

 Bị vu cáo

Chúa đã từng báo trước cho các môn đệ rằng: “Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền, họ sẽ vu cáo cho các con mọi điều.”. Điều đó đã ứng nghiệm trước hết nơi cuộc xử án của Chúa Giêsu. Chúa bị ghét hơn Baraba là một tội phạm giết người cướp của, Chúa bị chết giữa hai kẻ gian phi. Lòng ghen ghét đã làm cho một số lãnh đạo Do Thái vu cáo Chúa là mưu phản, lộng ngôn xúc phạm đến Đền Thờ và xưng mình là Con Thiên Chúa. Trong phiên tòa xét xử Chúa, dân chúng đã đồng thanh kết án Chúa: “Nó đáng chết, đem đi đóng đinh vào thập giá!”

 Các Thánh Tử Đạo chẳng ai ngẩng cao đầu được chết vì chính nghĩa dân tộc. họ luôn bị vu cáo là theo đạo ngoại quốc, xúc phạm đến truyền thống dân tộc, làm chính trị, tà đạo, mê tín. Họ như cặn bã phải mạnh tay loại bỏ khỏi quê hương xứ sở. “Các con sẽ bị mọi người ghen ghét vì Danh Thầy, vì các con không thuộc về thế gian nầy”.

Kết hợp với Thiên Chúa.

Đêm trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ đến núi cây dầu với lời dặn dò: “hãy cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”. Chúa dẫn ba môn đệ thân tín đi với Ngài tiến xa hơn, ở đó Ngài đã cầu nguyện và Thiên Chúa đã sai sứ thần đến yên ủi Đức Giêsu đi chịu nạn. Chúa Giêsu luôn kết hợp với Cha, nhưng trước những biến cố quan trọng và thỉnh thoảng, Chúa vẫn dành một số thời khắc đặc biệt tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện lâu giờ với Chúa Cha.

Sự kết hợp với Thiên Chúa rất quan trọng để tìm biết ý muốn của Chúa trong từng biến cố cuộc sống và nhất là để múc lấy nguồn trợ lực cần thiết. Trong lao tù khốn khó, các tín hữu thay vì than trách và nguyền rủa trời đất, đã họp nhau ca hát và cầu nguyện. Anh em đồng đạo bên ngoài cũng tha thiết xin Chúa đổ ơn Thánh Thần dồi dào, để các vị tử đạo kiên trì chịu đựng những cực hình tàn bạo.

 Ai là người chiến thắng?

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu xảy ra thật bi thảm: một tội phạm ốm o xo bại, không người thân tín, máu me đầm đìa, vác cây thập giá lên đồi giữa một đoàn quân lính áp giải luôn chực để hành hạ và xỉ nhục, bị chê là người dại, một ông vua đầu đội mũ gai và bị đè bẹp dưới sức nặng của thập giá. Chúa đã trải qua một đêm không ngủ, một ngày không ăn, sầu tủi cực độ, lãnh nhiều trận đòn và sự hằn thù của quân lính, và đau thương nhất có lẽ là trận đòn theo lệnh quan Philatô để cho dân thấy mà thương – và họ tha chăng – như vậy ông cũng đỡ trách nhiệm. Trên ngọn đồi Canvê, sau tất cả những đau thương tủi nhục, Chúa Giêsu nói rằng “Mọi sự đã hoàn tất” và Ngài gục đầu xuống tắt thở. Chứng kiến cái chết ngoại thường đó, viên đại đội trưởng đã thốt lên: “Người nầy đích thực là Con Thiên Chúa!”. Cái chết của Chúa Giêsu là sự chiến thắng trên tội lỗi, sự bất tuân, sự thù ghét, và đã mở ra một kỷ nguyên cứu độ cho nhân loại.

 Các Thánh Tử đạo đã trải qua bao ngày đói khát trong lao tù hoặc nơi chốn rừng thiêng nước độc. Các Ngài cũng chịu tra khảo đủ thứ cực hình để mong thay đổi ý kiến và khi chết thì đủ kiểu cách: chém, bỏ đói, xẻo thịt, giây siết, voi dầy, ngựa kéo…Quyền lực vua quan đông đảo và đầy vũ khí, trong lúc kẻ tử đạo thì cô thế và thất bại. Thế nhưng, qua giây phút đau thương - hồn thiêng lâng lâng về Thiên quốc xa vời, họ được kết hợp với vị Quân vương mà lòng họ hằng yêu mến và phụng thờ.

Trước sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu và các TTĐVN, các vua quan được kể là người thất bại, vì họ không bẻ cong được chân lý và sự thật, không khuất phục được phạm nhân thay đổi niềm tin, nên đành giết cho khuất mắt – càng giết người thì lòng họ càng cay đắng vì thất bại. Chúa Giêsu đã từng nói: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không làm hại được linh hồn, hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn vào trong hỏa nguc”.

Thời đại này vẫn có nhiều người bị giết vì niềm tin vào Chúa Giêsu. Nhưng có lẽ phần đông chúng ta không có dịp đổ máu vì Chúa giống như các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể sống tinh thần làm chứng nhân cho Chúa Kitô như các vị:

 - Sống yêu thương tha thứ. Các Thánh Tử Đạo VN đã triệt để theo gương Chúa Giêsu là tha thứ cho kẻ làm khốn mình. Đây là điều khác biệt nhất khi so sánh các Ngài với những kẻ bị hành hình vì chính trị hay tội phạm. Chúng ta hãy học tinh thần yêu thương tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến ta về vật chất hay tinh thần. Trong tập thể, đừng gièm pha và bôi nhọ ai cả, và cũng đừng nghe những chuyện xấu của người khác, vì những tiếng khen chê so sánh sẽ tạo nên những vết nứt cho bất cứ tập thể nào.

 - Ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Thân phận con người ở trần gian là yếu đuối, bị các trào lưu xã hội lôi kéo, bị dục vọng của mình làm cho xa Chúa. Các Thánh Tử đạo đã dám sống một cuộc sống thánh thiện trước khi có một cái chết anh dũng để làm chứng cho niềm tin vào Chúa. Để giữ mình trung thành với Đức Kitô, chúng ta hãy tiếp xúc với Lời Chúa, tìm cách học hỏi về luân lý giáo hội, hãy dành nhiều thời gian cho phụng vụ và cầu nguyện.

 - Lòng mến Đức Kitô phải là động lực mọi hoạt động của ta. Thánh Phaolô có bài ca về Đức mến thật tuyệt vời: “Nếu tôi hy sinh hết gia tài mà phát chẩn, nếu tôi nộp mình chịu thiêu, nếu tôi thông biết mọi khoa học… mà tôi không có lòng mến thì tôi không được ích gì” (1cor 13,1-3). Hãy học nơi thánh nhân để làm mọi sự vì lòng yêu mến: “Lòng mến Đức Kitô thúc bách tôi”.

 - Theo Đức Giêsu, ta phải luôn chọn lựa giữa Ngài khi có những đối nghịch với những giá trị Tin Mừng.  Chúa nói: ‘Ai yêu cha mẹ, vợ con bằng hữu hơn Ta, ắt không xứng với Ta. Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Không phải lúc nào Tin Mừng cũng xung khắc với những sinh hoạt trần thế, nhưng nếu hoàn cảnh xảy ra xung khắc, thì buộc ta phải chọn lựa: “Đức tin trên hết”. Rất mong khi cuộc sống đòi chúng ta chọn lựa, thì hãy ưu tiên cho Đức Tin vào Chúa Kitô, vào các giá trị Tin Mừng như bảo vệ sự sống, chung thủy trong hôn nhân, hiệp nhất với Giáo hội Roma, vâng phục các đấng bản quyền, bảo vệ nguyên tắc công bằng bác ái, bênh vực những kẻ hèn mọn và trên hết mọi sự ‘hãy làm mọi việc vì lòng yêu mến’.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây