Giáo xứ Vinh Hương

Thế hệ "tự sướng"

Thứ tư - 01/06/2016 08:36

Trong một bài viết gây sốc (1), triết gia và là nhà phân tâm học Elsa Godart phân tích những biến thái qua việc chụp ảnh tự sướng.

Có hoặc không có chiếc gậy chụp hình, đứng trước một di tích, bên ca sĩ mình yêu mến, thậm chí trước một chiếc gương, tôi tự chụp ảnh mình bằng điện thoại thông minh và gửi lên Facebook, Instagram hay Twitter ... Các bạn trẻ yêu thích những hình ảnh "tự sướng" đó và họ sử dụng như một kỷ niệm với bạn bè, họ bất tử hoá một khoảnh khắc hoặc để chứng tỏ mình. Và đặc biệt là để cho mọi người biết, bởi lẽ hình ảnh được công bố rộng rãi trên các mạng xã hội.

Tấm ảnh ít nhiều được "like" hoặc có khi gây "bão mạng". Triết gia, nhà phân tâm học Elsa Godart muốn khám phá việc tự quảng bá trên không gian ảo này. "Quan sát tại sao một thái độ tự phát đơn giản lúc ban đầu lại có thể bộc lộ thành một biến tướng cần lưu tâm trong mối tương quan giữa người với người", tác giả viết trong phần giới thiệu. Bức ảnh này cho thấy một phần của tôi. Nhưng tôi ở góc độ nào? Biết rằng hình ảnh sẽ được đăng tải và mong được mọi người công nhận, nhưng đó có thực sự là mối tương quan giữa tôi và người khác, và từ đó, với toàn xã hội không?

Thế giới đang được diễn tả bằng những tấm hình

Trước hết, tác giả trở lại cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số, một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc mối liên hệ giữa chúng ta với thời gian, không gian và ngôn ngữ. Như vậy, với điện thoại thông minh, chúng ta được kết nối thường xuyên. Tất cả mọi thứ đều dễ tiếp cận, mọi thứ đều ngay lập tức. Sự kết nối này liên kết chúng ta và cùng lúc cô lập chúng ta với thực tại. "Trong khoảnh khắc, người ta sẽ không còn 'sống' nữa mà thoát ra khỏi thực tại để chụp ảnh hay quay phim và chỉ chịu trách nhiệm với thế giới ảo", tác giả bình luận.

Thế giới đang được diễn tả bằng những tấm hình. Chúng ta đang chuyển từ thế giới khẩu ngữ và tư duy sang một thế giới quan sát. "Với việc chụp ảnh tự sướng, chúng ta đang 'đóng kịch' sự tồn tại của chính mình, kiểm soát hình ảnh mình như thể ta là toàn năng", Elsa Godart phân tích. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng này đang đưa chúng ta xa rời chính mình và đánh mất sự phán đoán chính xác. "Việc chụp ảnh tự sướng dường như làm tê liệt mọi ý thức đạo đức". Bằng chứng là có những tấm hình được thực hiện một cách vô ý thức, chẳng hạn như chụp với một người vô gia cư khốn khổ hay người đang hấp hối.

Tự quảng bá bản thân

Sau đó tác giả lưu ý đến khía cạnh thoả mãn với hành động "tự sướng". Điều này được thể hiện khi biến chế hình ảnh phù hợp với ý tưởng riêng và đặt trước mắt người khác. Lúc đó, chúng ta đang tự quảng bá chính mình và tìm kiếm sự thừa nhận của người khác. "Hiện hữu là được nhìn thấy". Có người lại sử dụng với mục đích thoả mãn những ham muốn của mình. Theo triết gia, sau "cái tôi thực" đến "cái tôi vô thức" (Descartes), từ đó biểu hiện một "cái tôi ảo".

Cuối cùng, Elsa Godart cảnh báo về một thứ "đạo đức ảo" và sự phát sinh "chủ nghĩa nhân bản kỹ thuật số".

Sử dụng Internet vừa phải, cân bằng một cách thận trọng giữa thế giới thực và không gian ảo. Giáo dục là yếu tố đầu tiên, đặc biệt là những bậc cha mẹ thường cho con trẻ máy tính bảng thay vì chơi với chúng. Cần phải thoát ra khỏi màn hình, cần gặp gỡ, tiếp xúc và xây dựng mối tương quan thực sự. Người được đặt vào trung tâm trong không gian ảo cũng sẽ bảo vệ tự do và vị trí của mình như vậy giữa đời thường.

---------
(1) "Je selfie donc je suis" d’Elsa Godart

Tác giả bài viết: France Lebreton,la-croix.com - Huuchanh lược dịch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây