Giáo xứ Vinh Hương

"Tôi tin Chúa, nhưng không tin Giáo Hội"?

Thứ ba - 16/03/2021 01:43
Càng hiểu biết Giáo Hội, chúng ta càng yêu mến Giáo Hội và hiểu sâu sắc hơn lý do tại sao đó là Nhiệm Thể Đức Kitô.

"Tôi tin Chúa, nhưng không tin Giáo Hội" ... Có ai chưa từng nghe câu nói tương tự? Tuy nhiên, chúng ta nhận ra có rất ít hiểu biết về Thiên Chúa và Giáo Hội của hầu hết những người xung quanh mình. Một biểu hiện khá phổ biến, nhưng là một biểu hiện ít nhiều cho thấy nhận thức chung của tín hữu hiện nay.
 


Có người nói một cách thẳng thắn: "Tôi tin Chúa, nhưng không tin Giáo Hội, không tin các linh mục". Đó là sự thật! Mọi người đều có tự do tin hay không tin, Công giáo hay Phật giáo, bất khả tri hay Hồi giáo, tư bản hay cộng sản... hoặc đội bóng mà họ thích. Mọi người đều xứng đáng được chúng ta tôn trọng khi họ hành xử trung thực. Nhưng người bạn này muốn nói gì? Anh ta có thực sự biết mình đang nói gì không? Hay đơn giản đó chỉ là những thứ đần độn mà thỉnh thoảng chính chúng ta cũng biểu lộ? Sẽ không tưởng tượng nổi khi người này nói: Tôi tin chủ nghĩa xã hội nhưng không tin xã hội chủ nghĩa. Về cơ bản, họ không phản đối Giáo Hội, cánh tả, cánh hữu hay bất kỳ đảng phái chính trị nào khác ngoại trừ ý tưởng của họ về những tổ chức này.
 
Thực tế chẳng liên quan gì đến ý tưởng của họ. Đó chỉ là thành quả của những định kiến đang lan tràn khắp nơi và từ một nguồn đào tạo tồi tệ. Họ không đọc Tin Mừng, Marx, không Hegel cũng chẳng quan tâm đến việc đọc những tác phẩm của Giáo Hoàng hay chương trình hành động của những đảng phái chính trị khác nhau. Họ chỉ đóng khung, giới hạn bản thân để hô hào về những thứ mà họ chẳng hiểu gì, đây là một sự xúc phạm tinh thần đối với bất kỳ trí thông minh nào.
 
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng những gì thuộc về thể chế của Giáo Hội, không ai dám nói về bất kỳ tổ chức nào khác, ví dụ:
 
- Không có công nhân hoặc nhân viên nào tuyên bố tin tưởng vào công việc trong công ty của mình lại không phục tùng lãnh đạo, tin tưởng kỹ thuật viên, tòa nhà, văn phòng, v.v.
 
- Không có người lính nào nghĩ rằng anh ta sẵn sàng xông pha chiến trận mà không cần tướng lĩnh, chỉ huy hay sĩ quan, vũ khí, đào tạo... cũng không thể bất tuân quân lệnh.
 
- Không thể tin vào bóng đá mà không cần cầu thủ, lãnh đạo đội bóng, luật chơi, huấn luyện viên, sân chơi.
 
- Không thể tin vào việc giảng dạy mà không tin giáo viên, cũng chẳng cần trường học.
 
Không nghi ngờ rằng chúng ta vẫn đi làm ngay cả khi chúng ta không thích lãnh đạo công ty, đến trường ngay cả khi giáo viên không tốt, và ra chiến trận ngay cả khi mệnh lệnh khiến chúng ta không hài lòng. Nhưng thật kỳ lạ, nếu chúng ta không thích một vài linh mục, thì chúng ta rời bỏ Giáo Hội. Đó không phải là một cái cớ để biện minh cho cách sống của chúng ta sao? Đừng lãng phí thời gian: Không bao giờ có lãnh đạo hay một thứ luật lệ nào phù hợp quan điểm của tất cả mọi người.
 
Theo cách này, họ tin rằng không cần linh mục, nhà thờ hoặc phụng vụ. Tất cả những gì họ phải làm là cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa, điều mà, ngay cả khi không nói ra, họ cũng chẳng bao giờ thực hiện. Tin vào Thiên Chúa và sẵn sàng đi theo Ngài, nhưng bằng cách riêng của mình như là một Thiên Chúa mà mình có thể "xử lý" theo ý thích bất chợt!
 
Giáo Hội là một thể chế thiêng liêng, nhưng được cai quản bởi những con người với tất cả đức độ và khiếm khuyết của họ. Đức Kitô đã hứa trợ phù Giáo Hội cho đến ngày tận thế, nhưng Ngài không thể bảo đảm sự chung thủy hay nhận thức chung của các tín hữu, bởi lẽ, Ngài để cho họ tự do chấp nhận hay chối từ các giáo huấn của Ngài.
 
Đức Hồng y Joseph Ratzinger cũng từng nêu một sự so sánh rất sâu sắc: "Giáo Hội giống như mặt trăng: chỉ có đất, đá và sa mạc, nhưng nhìn từ trái đất, đó là một thiên thể tuyệt mỹ chiếu sáng chúng ta vào ban đêm, ngay cả khi ánh sáng của nó không phải là của chính nó". Thật vậy, Giáo Hội là đất, đá và sa mạc. Nhưng cũng là một thiên thể có vẻ đẹp không thể so sánh, chiếu sáng đêm trường của chúng ta bằng ánh sáng đức tin. Càng hiểu biết Giáo Hội, chúng ta càng yêu mến Giáo Hội và hiểu sâu sắc hơn lý do tại sao đó là Nhiệm Thể Đức Kitô.
 
Bất cứ ai trong thâm tâm coi mình là kitô hữu, là người cộng sản, phật tử hoặc bất cứ gì, sẽ chấp nhận luật lệ tương ứng và tuân theo các nhà lãnh đạo của mình và nếu không đồng tình, anh ta sẽ tự mình rời bỏ hoặc người khác sẽ trục xuất anh ta.
 
Với người Công giáo, bất kỳ Giáo Hội phải thế nào hay Giáo Hội như thế nào thì mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa chỉ phải được chi phối bởi Lời Chúa trong Tin Mừng, trong Tông đồ Công vụ và trong Truyền thống Kitô giáo được lịch sử công nhận. Trong tôn giáo, cũng như trong quân đội, trong giáo dục hay việc làm, không ai có thể làm "theo sở thích riêng của mình".
 
Trình thuật Tin Mừng thánh Matthêu (Mt 16, 18-19) có thể soi sáng chúng ta: "Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là đá tảng, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội. Đây không phải là ý tưởng của loài người. Các tông đồ đã không bận tâm đến giá trị chính trị hoặc của cải vật chất mà Giáo Hội có thể có. Các ngài đơn giản chỉ tuân theo lệnh truyền của Chúa Giêsu.
 
Rất rõ ràng rằng Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội Của Ngài trên nền tảng Phêrô, và Ngài ban cho Phêrô thẩm quyền cai trị trên thế gian. Tuy nhiên, người ta có quyền tin Lời Chúa Giêsu hay không, nếu chúng ta tin thì không còn gì để nói nữa. Giáo Hội sẽ không tồn tại được trong nhiều năm với bản chất là một thể chế của loài người. Thế nhưng, đến ngày nay (thế kỷ XXI), đây là tổ chức lâu đời nhất được biết đến trên trái đất.
 
Trước khi nói cần phải tìm hiểu. Để nói về Giáo Hội phải biết ít nhiều về Giáo Hội và lịch sử Giáo Hội; để nói về Thiên Chúa phải biết ít nhất là thần học giáo lý, thần học đạo đức và thần học bí tích với một cuộc sống cầu nguyện sâu sắc và liên tục. Nếu không, chúng ta thường nói chung chung trên một nền tảng bệnh hoạn.
 
Tinh thần của câu chuyện này là chúng ta phải biết trước khi nói. Và chúng ta phải biết Giáo Hội một cách thấu đáo, vì chỉ 
nêu ý kiến "Tôi tin Chúa nhưng không tin Giáo Hội" là phù phiếm và hời hợt.
 

Tác giả bài viết: Huuchanh - Chuyển ý từ "Croire en l’Église?", Alejo Fernández Pérez, qe.catholique.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây