Giáo xứ Vinh Hương

Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 4

Thứ hai - 04/05/2015 19:31

Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
 
– Gợi ý mục vụ –
 
Đề tài 4. Giáo xứ: Cộng đoàn Hội Thánh hiệp thông trong thờ phượng
 
“Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh
 
 và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42)
 
Tân Phúc-âm-hóa là làm mới lại nhiệt huyết trong tương quan cá vị ngày càng sâu với Chúa Kitô, vốn là Đấng “hôm qua, hôm nay, và mãi mãi” vẫn là một, qua những sáng kiến được diễn tả cách mới mẻ gần với văn hóa của con người thời đại, trước hết là trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Cộng đoàn giáo xứ tiếp nối cộng đoàn Hội Thánh sơ khai biết “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Canh tân trước hết là trở về nguồn để nhận ra những gì cơ bản nhất.
 
1. Thánh lễ vượt trên thời gian và luôn là hiện tại
 
Canh tân phụng vụ là trở về nguồn đồng thời nhận ra rằng trong Phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Còn “Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà hủy diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Đức Kitô đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống”[1]. Cử hành Phụng vụ là “nhắc nhớ lại” (anamnesis) các công trình kì diệu của Thiên Chúa đó nhờ Đức Kitô. Cộng đoàn Hội Thánh ngày nay siêng năng tham dự thánh lễ vì muốn sống mầu nhiệm thánh thiêng luôn ở thì hiện tại này để được dự phần vào ơn cứu độ qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô.
 
Bởi thế, Mầu nhiệm Vựợt Qua trong thánh lễ được cử hành chứ không phải được tái diễn. Thánh Thần, được tuôn ban xuống cho qua lời khẩn cầu (epiclesis) của tư tế, thánh hóa các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô, và khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chính các tín hữu cũng trở thành hy lễ sống động dâng lên Thiên Chúa. Cộng đoànHội Thánh cử hành, Thân Mình mầu nhiệm của Chúa, được tham dự trước vào sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh vì thế luôn được sống trong tâm tình thờ phượng, cách thức yêu thương cao nhất.
 
2. Thánh Thể: Hy tế Tạ ơn – chóp đỉnh của hành động thờ phượng
 
– Thờ phượng là hành động cốt yếu của một tôn giáo, và tín ngưỡng. Thực hành đức thờ phượng cũng là sống đức công bằng đối với Thiên Chúa: chúng ta trả lại cho Thiên Chúa điều mà, vì là các thụ tạo, chúng ta mắc nợ Ngài. “Ngươi phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10). Thờ phượng chủ yếu được diễn tả qua hành vi thờ lạy, cầu nguyện, dâng hy lễ ... Mọi hoạt động của Hội Thánh, mà chóp đỉnh là đời sống phụng vụ xoay quanh Hy tế Thánh Thể và các bí tích, đều là để thờ phượng Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn Năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
 
– Cộng đoàn giáo xứ và các cộng đoàn nhỏ là cộng đoàn thờ phượng, thể hiện qua việc thờ lạy, cầu nguyện và hy lễ. Thờ lạy tức là nhận biết Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng và Cứu độ chúng ta, là Chúa và Chúa Tể mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối quy phục Ngài vì nhận biết chúng ta là thụ tạo hư vô, không thể hiện hữu nếu không bởi Thiên Chúa. Vì thế, thờ lạy là ca tụng, ngợi khen như Đức Maria: “linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (kinh Magnificat), là chúc tụng Chúa, tuyên xưng trong khiêm hạ với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Ngài chí thánh (Lc 1,46-49).
 
– Cộng đoàn giáo xứ cũng như cộng đoàn Hội Thánh sơ khai “siêng năng cầu nguyện”. Nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa là cách diễn tả việc ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và cầu xin. Phải siêng năng cầu nguyện vì Chúa Giêsu dạy “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
 
– Cộng đoàn Hội Thánh thờ phượng cách chính đáng nhất qua việc dâng lên Thiên Chúa những hy lễ như là dấu chỉ của thờ lạy và tạ ơn, khẩn cầu và hiệp thông. Hy lễ bên ngoài để trở nên là hy lễ đích thật phải diễn tả hy lễ tinh thần: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát ...” (Tv 51,9). Chúa muốn lòng nhân tức là tình yêu, hơn là lễ tế vật chất (Mt 9,13; 12,7). Hy lễ phải dâng có sự thông dự nội tâm và tình yêu thương phải lan tới người lân cận. Chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta (x. Dt 9,13-14). Kết hợp mình với hy lễ của Người, các thành phần của Thân Mình Đức Kitô có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa mà thờ lạy.
 
3. Cộng đoàn giáo xứ thờ phượng Chúa trong cuộc sống
 
– Thánh lễ được tiếp nối vào cuộc sống của Kitô hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, tập chú đặc biệt vào ba cột trụ: Thờ lạy (chầu Thánh Thể), Lời Chúa (lắng nghe và chia sẻ), và sứ vụ (truyền giáo).
 
– Vì Đức Kitô hiện diện thật sự trong bí tích bàn thờ, nên chúng ta phải tôn vinh Người bằng một phụng tự tôn thờ. “Việc viếng Thánh Thể là một bằng chứng bày tỏ lòng biết ơn, một dấu chỉ tình yêu và một bổn phận thờ lạy đối với Chúa Kitô, Chúa chúng ta”[2]. Vì thế, về mặt thực hành, một khoảng thinh lặng đầy tâm tình thờ phượng như thế sau hiệp lễ, như tình hình thực tế hiện nay trong Giáo hội sống giữa một thời đại ồn ã hay vội vã, là cần thiết. Môn đệ thân tín còn được mời gọi dành một thời gian lâu hơn và thường xuyên, để ở với Chúa Thánh Thể bên nhà chầu.
 
– Với sự tỉnh thức luôn đó trong tâm thái an tịnh như trong phụng vụ, chúng ta được mời gọi kết hợp thường xuyên với việc tập chú lắng nghe Lời Chúa qua các sự kiện hay biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Lời Chúa được chiêm nghiệm ấy cần được đem chia sẻ với anh chị em trong cộng đoàn nhỏ của giáo xứ, khu xóm, và gia đình có sức nâng đỡ và nuôi sống đời tâm linh của cộng đoàn cũng như từng thành viên. Các nhóm Kitô hữu nhỏ cầu nguyện và chia sẻ Thánh Kinh chính là sáng kiến thời đại được Chúa Thánh Thần khơi dậy và thúc đẩy.
 
– Từ đó, lệnh truyền của Chúa “anh em hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân và dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy” mới được thi hành, thế nhưng lệnh truyền ấy được thực thi trước hết là qua chứng từ hiệp nhất của cộng đoàn HộiThánh địa phương trong khi phục vụ, trong các sứ vụ bác ái xã hội và truyền giáo.
 
Câu hỏi thảo luận
 
1. Anh chị có cảm thấy sốt sắng hay nhàm chán khi tham dự Thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ? Tại sao?
 
2. Anh chị có cảm thấy những việc làm, những hy sinh của mình trong gia đình, trong khu xóm, giữa những bạn hữu mình, trong nghề nghiệp, ... liên hệ gì đến hy lễ của mình, hòa hợp với hy lễ Đức Kitô trong Thánh lễ không?
 
3. Tại giáo xứ của anh chị, các Kitô hữu giáo dân có tham dự giờ chầu thường xuyên, giờ chầu lượt đông đảo và sốt sắng không?
 
–––––––––––––––––––––––––
 
[1] GLHTCG 1085. xt. ibid., 1077-1112
 
[2] ĐGH Phaolô VI, Tđ. Mysterium Fidei: AAS 57 (1965) 771. x. GLHTCG 1418.
 
 
 

Tác giả bài viết: Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây