Giáo xứ Vinh Hương

Mười điều bạn cần nhớ nếu giáo hoàng Phanxicô quấy rầy bạn

Thứ bảy - 17/12/2016 03:36

Longenecker, linh mục người Mỹ có một quá trình đặc biệt: xuất thân từ một gia đình Kitô phái Phúc Âm, trước tiên Longenecker là mục sư của Giáo hội Anh giáo, sau đó cha vào Giáo hội Công giáo và được thụ phng linh mục. Một quá trình cho phép cha tiếp xúc với nhiều Giáo hội Kitô và có một cái nhìn sắc bén, nhận định sâu sắc trên nhiều lãnh vực của Giáo hội.

 

Nhiều người Công giáo bảo thủ đang có một loạt cảm giác tiêu cực về giáo hoàng Phanxicô. Khi một dòng tít đưa tin Đức Phanxicô tuyên bố có 2% linh mục Công giáo là người ấu dâm, hay cho biết ngài “hứa sẽ giải quyết vấn đề độc thân linh mục”, hay ngài không muốn cải đạo những người theo phái Phúc âm, hay ngài không phán xét những người đồng tính luyến ái biết “tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện ý”, thì những người bảo thủ này lại thấy bối rối, giận dữ, phẫn uất, hoang mang và e ngại.

Một vài người đã từ mặt giáo hoàng Phanxicô. Những người khác thì nói rằng ngài là “ngôn sứ giả” và xét tận cùng là kẻ đồng lõa với bọn phản Kitô. Số khác không thích cách ăn mặc của ngài, càu nhàu về những hớ hênh truyền thông của ngài, và số nữa nghĩ rằng những lời nói hớ này đều có chủ tâm và ngài là một tu sĩ dòng Tên mưu mô, muốn đào mòn đức tin Công giáo. Tâm thức duy cảm này chẳng tốt chút nào. Những chuyện bà tám này nên rút lui và nên nhận ra họ chỉ quá vị cảm (theo cách của mình) với giáo hoàng Phanxicô, cũng như kiểu những người theo chủ thuyết tự do nói về Đức Bênêđictô XVI trước đây, khi họ gọi ngài là “chó dữ của Chúa” hay “Ratzinger Đức Quốc xã” và cho rằng ngài là người đồng tính luyến ái tiềm ẩn và ghét phụ nữ.

Vậy nên, nếu giáo hoàng Phanxicô quấy rầy bạn (bản thân tôi cũng nhiều khi bực mình với ngài nữa mà), thì đây tôi có 10 điều cần nhớ, sẽ giúp cho cách nhìn của bạn và giữ cho cách nhìn này  được cân bằng phần nào.

Điều thứ nhất: Bạn nên nhớ ngài là giáo hoàng. Ngài không định thay đổi giáo lý hay luân lý Công giáo. Ngài không thể và ngài biết như thế. Có lẽ ngài là “người cải cách” nhưng có nhiều chuyện ngài không thể làm. Tuyên bố của ngài về chuyện nữ linh mục đã cho thấy điều đó. “Khép lại chuyện phong chức cho phụ nữ.”

Điều thứ hai: Bạn phải nhớ chúng ta đã rất có phúc vì trong suốt 30 năm qua, chúng ta có hai giáo hoàng xuất chúng. Hầu hết chúng ta, ít ai nhớ các triều giáo hoàng khác. Cả thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đều là những người ngoại hạng về đức thánh thiện, tài năng trí tuệ, lòng dũng cảm, óc nhận định, và họ đều là những vị chủ chốt. Họ bổ túc cho nhau. Phanxicô thì khác, và nếu ngài không ngang bằng các giáo hoàng trước về những điểm trên, thì ngài có một sức mạnh khác. Thay vì chỉ trích ngài vì những chuyện không có thật, chúng ta nên yêu mến ngài vì con người thực của ngài.

Điều thứ ba: Bạn phải nhớ, các giáo hoàng đều đến rồi đi. Mỗi người đem lại những ơn khác nhau và cá tính khác nhau cho triều giáo hoàng. Thiên Chúa biết những việc ngài đang làm, và nếu một giáo hoàng nào đó thử thách đức tin của bạn… thì… nếu đức tin bạn không vững, nó sẽ không vượt qua được thử thách này. Làm gì có kiểu đức tin chắc chắn một lần là chắc chắn mãi mãi? Hãy nghĩ về chuyện thánh Phêrô đi trên nước. Đó là đức tin.

Điều thứ tư: Liệu bạn đặt đức tin mình nơi Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội hay là nơi giáo hoàng? Người Công giáo nên yêu mến giáo hoàng, nhưng họ phải yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn. Nếu có một giáo hoàng đến, và bạn thấy thật khó để mến và hiểu ngài, thì bình tâm lại đi nào. Dù gì thì bạn cũng không mặc định là mình phải yêu mến ngài thật nhiều như thế. Bạn mến giáo hoàng, tốt thôi, nhưng người Công giáo nào thần tượng giáo hoàng như ngẫu tượng thì sẽ bị chỉ trích. Vậy đó, đôi khi cũng phải có chừng mực.

Điều thứ năm: Hãy nhìn thời đại mình đang sống. Với truyền thông xã hội hiện đại, mọi luận đàm đều có thể mang tầm vóc toàn cầu. Và đây, chúng ta có một giáo hoàng yêu mến giáo dân và gắn bó với họ. Một giáo hoàng liên kết với dân mình, chuyện trò, chia sẻ, và ôm giáo dân vào lòng. Khi giáo hoàng làm như vậy thì sẽ xuất hiện vô số nguy cơ truyền thông. Giáo hoàng nói này, người nghe nói nọ, và nói lại thế kia, tam sao thất bản. Chuyện này chưa từng xảy ra với bạn hay sao? Bạn đã từng nói chuyện gì đó, và rồi khi nó chuyền đến tai người thứ ba thứ tư, bạn phải thét lên, “Nhưng đó không phải là những gì tôi đã nói!” Cách duy nhất để tránh chuyện này là để giáo hoàng làm bù nhìn câm trong dinh thự tông đồ, và chỉ đứng đó để vẫy tay chào mà chẳng bao giờ nói gì ngoại trừ những tuyên bố chính thức của giáo hoàng. Có lẽ một số người nghĩ rằng giáo hoàng phải nên như vậy, và một vài giáo hoàng từng bằng lòng làm kiểu bù nhìn như thế. Nhưng đó không phải là Đức Phanxicô.

Điều thứ sáu: Báo giới thích viết những tiêu đề gây chú ý và họ biết là chuyện xung đột bán rất chạy. Người ta thích đọc chuyện bà tám, chuyện tai tiếng. Thích moi móc chuyện xấu. Nếu một gã xấu xa có thể đặt một tiêu đề tiêu cực và gây sốc cho bài báo của mình, thì hắn sẽ làm vậy. Đời là thế, Chúng ta thật ngu khi tin vào các tiêu đề và thậm chí còn ngu hơn nữa khi tin vào những tiêu đề vốn chẳng làm gì ngoài việc ghi sâu các định kiến tiêu cực vào tâm thức chúng ta. Ví dụ: một người theo chủ nghĩa tự do không ưa Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, sẽ bị cuốn hút bởi những tiêu đề mô tả ngài là con chó dữ của Chúa hay là Ratzinger Đức Quốc xã. Những người sai lầm và ngu xuẩn như thế, họ nuốt ngốn ngấu các tiêu đề này vì nó cỗ vũ cho các định kiến tiêu cực đã có sẵn trong tâm thức của họ. Bạn không ưa Phanxicô? Bạn có cả tin đến nỗi chụp lấy những tiêu đề tiêu cực về Phanxicô và tin chúng ngay mà chẳng cần đọc hết câu chuyện hay không? Bạn có tin những dòng tít mà chẳng cần đọc hết bài báo hay không? Như thế thì bạn sai lầm rồi, một sai lầm không công tâm.

Điều thứ bảy: Hãy nhớ, giáo hoàng Phanxicô đến từ Argentina. Bối cảnh Giáo hội ở đó rất khác với bối cảnh Giáo hội ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu. Ngài khiến chúng ta ngạc nhiên đủ đường. Ngài gây ngạc nhiên cho những người Công giáo cánh hữu bảo thủ ở Mỹ bằng những quan điểm kinh tế có vẻ mang khuynh hướng cánh tả của ngài. Ngài gây ngạc nhiên cho những người Công giáo theo chủ nghĩa tự do bằng việc nhấn mạnh về ma quỷ và cuộc chiến chống ma quỷ. Ngài gây ngạc nhiên cho những người ở thế giới phát triển bằng tình thương dành cho người nghèo và bằng khả năng lật đổ một vài chuyện. Đây là một phần ơn ích ngài đem lại cho Giáo hội, ngài là một người ngoài và như thế gây ngạc nhiên và xáo trộn. Đó không phải là một phần những gì Tin Mừng nên làm đó sao? Tin Mừng là để cho chúng ta thấy thấp thỏm. Là để cho chúng ta tái xem xét những định kiến của mình, xem lại cái công chính tự phong của mình, và nhìn lại những gì chúng ta đoan chắc. Đó không phải là những gì Chúa Giêsu đã làm với những định chế tôn giáo hay sao? Chắc chắn, đôi khi, việc này khiến chúng ta e sợ. Vậy thì hãy thắt đai lưng của mình đi.

Điều thứ tám: Hãy nhớ rằng bạn không buộc phải để ý nghiêm trọng về tất cả mọi lời từ miệng giáo hoàng. Ngài không phải bậc sấm truyền, và ngài càng nói chuyện thân tình với giáo dân, ngài càng dễ bị hiểu lầm, khi có những câu bị hớ và bị tường trình sai. Tốt hơn hết, hãy nhún vai và cứ để ngài làm giáo hoàng, còn bạn cứ tiếp tục đời sống Công giáo cầu nguyện, thờ phượng, nghiên cứu, phục vụ và tu đức, tu tâm cho thánh thiện. Hãy làm một người Công giáo tốt và đừng lo gì nhiều về giáo hoàng. Ngay cả khi ngài là một quái vật biến chất (và chúng ta cũng đã từng có một số giáo hoàng như thế), Giáo hội vẫn cứ tiến tới. Cánh cửa địa ngục không thể thắng được Giáo hội, và cả vị giáo hoàng quái đản mà bạn không ưa cũng vậy.

Điều thứ chín: Giáo hội Công giáo là phổ quát, là toàn thể. Giáo hội là một gia đình lớn. Không phải mọi sự hay mọi người đều hợp ý bạn. Nói về vấn đề thị hiếu, bao nhiêu phần trăm sự khó chịu của bạn đối với giáo hoàng Phanxicô đơn thuần là vì vấn đề thị hiếu? Bạn đã làm phận sự của mình, đã đọc được những lời đích xác của ngài, đã xem những việc ngài thực sự làm hay chưa? Bao nhiêu trong số đó thực sự đi ngược lại những huấn giáo chính thức của Giáo hội? Có chút gì dị giáo trong đó không? Không. Có lẽ bạn không thích giáo hoàng Phanxicô và có lẽ bạn thực sự nghĩ ngài là một giáo hoàng gớm ghiếc. Có lẽ bạn nghĩ ngài có thể xử lý các vấn đề truyền thông tốt hơn và có lẽ bạn thấy lo lắng về một vài ý kiến của ngài. Vậy thì chào mừng bạn đến với một mầu nhiệm có tên là Giáo hội Công giáo. Nếu bạn muốn có một Giáo hội theo sở thích của mình, thì tôi nghĩ tốt hơn bạn nên gia nhập một giáo phái nào đó, bởi Giáo hội Công giáo không bao giờ trở thành y hệt 100% những gì mà bất kỳ ai đó thích. Sau khi tôi trở lại đạo, một số người từng hỏi tôi xem thử tôi có “thích Giáo hội Công giáo” hay không. Tôi bảo, “Không, tôi không vào Giáo hội Công giáo bởi tôi thích nó. Nếu để vào một giáo hội tôi thích, thì đến bây giờ tôi vẫn cứ làm một người Anh giáo cho rồi. Tôi vào giáo hội Công giáo vì đó là Giáo hội thật.”

Điều thứ mười: Hãy nhớ, bạn còn định đi đâu nữa? Một phái Tin Lành? Phái Lefebvre? Chính thống Đông phương? Hay lập một Giáo hội của riêng mình? Hơn nữa, cáu kỉnh và buồn lòng về giáo hoàng thì được cái gì tốt nào?  Bạn có định bầu ra một người mới? Tất cả những gì bạn sẽ làm là đẩy mình vào trạng thái bấn loạn, mà làm vậy để làm gì? Hãy bình an trong lòng. Cầu nguyện xin ơn đó. Dấn thân hơn nữa trong việc vui vẻ rao giảng Tin Mừng. Xắn tay áo lên, bận rộn với việc phục vụ người nghèo, xây dựng giáo xứ, chia sẻ đức tin của mình, và hãy làm một người Công giáo sống trong Chúa Thánh Thần, đầy lạc quan, đức tin và niềm vui của Chúa Kitô. Nếu giáo hoàng hiện tại thử thách đức tin và sự kiên nhẫn của bạn, vậy thì hãy dâng nó lên Chúa. Bạn sẽ có cơ hội có một đức tin mạnh mẽ hơn vào Chúa Kitô và biết nhẫn nại hơn.

Tác giả bài viết: patheos.com, Dwight Longenecker - J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây