Giáo xứ Vinh Hương

Theo Linh mục Moingt Dòng Tên, “Phúc Âm sẽ cứu Giáo hội”

Chủ nhật - 11/06/2017 18:57
Phải chấp nhận một mức độ dân chủ nào đó. Một sự điều chỉnh các tương quan giữa hàng giáo sĩ và giáo dân là điều cần thiết.

Làm thế nào để suy nghĩ về sứ vụ của Giáo hội ngày nay trong bối cảnh thế tục hóa? Linh mục Joseph Moingt, sinh năm 1915 tại Pháp là linh mục Dòng Tên Pháp, thần học gia, tác giả của nhiều tác phẩm. Tuyển tập Phúc Âm sẽ cứu Giáo hội (L´Évangile sauvera l´Église, Nxb. Salvator, 2013) là tuyển tập mười mấy bài diễn thuyết của Linh mục Moingt để “trả lời cho các lo âu về tương lai của Giáo hội” và “còn hơn nữa là tương lai của kitô giáo”. Đó là điểm khởi đầu của cuộc thảo luận trong lần họp của nhóm Đối thoại của những người Rửa tội (Baptisés en dialogue, BED) ở Genève với phần trình bày của ông Philippe Dupraz, một trong các thành viên của nhóm. Sau đây là phần thảo luận các điểm mạnh của tác phẩm với ông Dupraz.

Phân tích của Linh mục khởi đi từ một ghi nhận khá u tối của tình trạng hiện nay?

“Đúng vậy. Hàng ngũ tín hữu ngày càng thưa thớt, các linh mục ngày càng hiếm. Nhà thờ tổ chức theo một nhóm nhỏ linh mục và các giáo dân gom lại ở đâu có linh mục. Với cấu trúc chỉ đạo theo tôn ti (giám mục, linh mục), Giáo hội công giáo có thói quen giảng dạy, nhưng bây giờ cử tọa lại không có. Lối tổ chức này không cự được với thế giới đang thay đổi. Sự thờ ơ với tôn giáo và không còn tin đang phát triển. Dù sao, sau năm mươi năm Công đồng Vatican II, người ta ghi nhận sức sống của Giáo hội đã giảm. Không phải đức tin suy sụp, nhưng là tôn giáo, được hiểu trong nghĩa toàn bộ tín ngưỡng và thực hành. Người ta lẫn lộn đức tin và tôn giáo, đức tin và thờ phụng, thiêng liêng, truyền thông. Theo Linh mục Dòng Tên Joseph Moingt, chúng ta không những sống trong cơn khủng hoảng của Giáo hội mà cả cơn khủng hoảng của nhân loại. Chính ý nghĩa của con người bị đe dọa”.

Sự lẫn lộn giữa đức tin và tôn giáo là mới gần đây?

“Chúa Giêsu không xây dựng Giáo hội cũng không thành lập tôn giáo, Ngài đến rao giảng Nước Trời. Ngài không muốn thay thế do thái giáo bằng một tôn giáo mới. Ngài không để lại nghi thức, quy tắc, cũng không tìm cách xây dựng một Giáo hội trường tồn qua bao nhiêu thế kỷ. Ngài cũng không phong chức các linh mục. Nghi thức duy nhất Ngài làm là bẻ bánh trong bữa ăn huynh đệ. Vào thời các tông đồ, rao giảng Phúc Âm không qua nhà thờ, lúc đó chưa có nhà thờ. Lúc đó là việc loan truyền lời Phúc Âm. Linh mục Joseph Moingt giải thích cho chúng ta, sự tách biệt giáo sĩ-giáo dân chỉ bắt đầu vào thế kỷ thứ 3 với các linh mục đầu tiên là các giám mục. Cơ cấu tôn ti này giải thích vào thời các thế kỷ đầu tiên, giáo dân thường là những người không biết chữ. Chỉ một mình hàng giáo sĩ là có hiểu biết. Sự thiêng liêng hóa trách vụ giám mục được làm do áp lực của các nguy hiểm lạc giáo. Nhưng kitô giáo trở thành tôn giáo, rồi thành tôn giáo thế lực. Muốn áp đặt cho thế giới, đây là con đường duy nhất và cần thiết cho sự cứu rỗi. Trở thành tôn giáo đế quốc, Giáo hội lấy khuôn mẫu của một tổ chức vương quyền. Người ta không còn trở thành kitô hữu bởi hoán cải theo Phúc Âm, nhưng bằng rửa tội từ khi mới sinh, theo truyền thống gia đình và xã hội”.

Còn ngày nay?

“Với sự hiện đại, ý tưởng về Chúa đang biến mất, một hiện tượng sâu đậm của sự văn minh hóa. Tất cả những ai dưới áp lực của một tín ngưỡng chung, không làm cố gắng để tự chính mình tin thì đức tin của họ sẽ ra đi mà họ không nhận ra. Vào giữa thời Trung Cổ, Giáo hội đã cảm nhận tất cả tự do bị xâm chiếm bởi các xã hội thế tục và bậc giáo dân, là như phạm đến quyền lực tôn giáo mà Giáo hội nghĩ mình là người giữ trực tiếp từ Chúa”. Nhưng kitô giáo có một cái gì quan trọng cần phải nói, bởi vì nó sinh ra ở ngoài tôn giáo, Linh mục Moingt khẳng định. Công đồng Vatican II thừa nhận giáo dân có vai trò tích cực trong sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội, công đồng công nhận họ có cùng phẩm cách với các người thánh hiến của Giáo hội. Chúng ta tất cả là “linh mục, tiên tri và vua” (Constitution Lumen gentium).

“Đức tin cần nói lên, cần lắng nghe, cần hiệp thông với người khác để đức tin sống động. Đức tin tiếp nhận qua chứng từ. Đức tin cũng phải thể hiện qua hành động. Đức tin kitô giáo có một cái gì đáp ứng cho các nhu cầu tự do của con người”.

Khi đặt tựa Phúc Âm sẽ cứu Giáo hội cho tác phẩm của mình, Linh mục Moingt muốn đề nghị điều gì?

”Phúc Âm là một cách sống. Phúc Âm nói về luân lý nhiều hơn là tôn giáo: sự tha thứ giữa anh em với nhau, tình yêu vợ chồng, tình yêu cho tha nhân và ngay cả cho kẻ thù, hỗ tương lẫn nhau, khiêm tốn, phục vụ kẻ nhỏ nhất. Phúc Âm phải đặt Giáo hội trên con đường nhân đạo vì nhân loại đang có nguy cơ bị suy đồi. Chắc chắn đời sống trong tinh thần phúc âm được liên kết qua chia sẻ hơn là qua giảng dạy. Sứ mệnh của Giáo hội thì không phải chỉ duy trì đức tin của tín hữu, duy trì đời sống thiêng liêng của họ, hỗ trợ việc thờ phượng hay nhu cầu tôn giáo của dân chúng, sứ mệnh đòi hỏi Giáo hội loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới”.

Giáo hội đã luôn nói, với giới tu sĩ, họ không bao giờ cần loan báo Chúa và bây giờ khi thế giới mất khái niệm về Chúa thì Giáo hội không còn biết ngôn ngữ nào để nói với thế giới. Giáo hội thích giảng dạy luân lý nhân danh quyền tự nhiên mà họ nghĩ họ là người giảng dạy hay nhất, nhưng thế giới không còn muốn nhận sự giảng dạy theo lối quyền uy nữa”.

Làm sao rao giảng Phúc Âm ngày nay?

“Linh mục Joseph Moingt khẳng định nơi rao giảng Phúc Âm không phải là nơi có tín hữu họp lại để tạ ơn và ca tụng Chúa, nhưng là nơi mà Chúa không còn được biết đến và nơi mà Chúa Kitô đau khổ với các đau khổ của thế giới. Gieo hạt giống Phúc Âm trong xã hội và trong tâm hồn con người là sứ mệnh của giáo dân. Giáo hội phải gởi họ đi. Các tín hữu giáo dân là những người mang sứ mệnh của Giáo hội. Vì thế theo Linh mục Joseph Moingt, phải cứu con người và phẩm chất bị đe dọa của nó. “Theo tôi, sự cứu rỗi không đến từ tôn giáo; ngay cả trong Giáo hội công giáo, nó không liên hệ với tôn giáo, nhưng với đức ái”, linh mục Dòng Tên khẳng định, theo ngài, Giáo hội có khuynh hướng đi tìm sự cứu rỗi của mình bằng cách thu vào chính mình, vào truyền thống, vào các thực hành  và các giáo điều của mình. Nhưng “Giáo hội chỉ tìm được sự cứu rỗi cho mình khi đi tìm sự cứu rỗi của thế giới”. Điều quan trọng phải nhấn mạnh, dù đôi khi bị chủ nghĩa thứ bậc dẫn sai lối, nhưng Linh mục Moingt chính xác nhiều lần nhắc lại, vai trò không thay thế được của Giáo hội, nhất là trong việc gìn giữ đặc tính phổ quát của đức tin kitô giáo.

“Có các nhà thờ đông nghẹt không phải là mục đích tự chính nó. Nó đến từ một nhu cầu tôn giáo, nhu cầu cần nghi thức, nhưng Giáo hội sẽ không tiếp tục sống mà giao hết tất cả trách nhiệm cho một cơ chế giáo sĩ. Theo Linh mục Joseph Moingt, sẽ là sai khi nghĩ rằng Giáo hội sẽ biến mất khi không còn linh mục. Đời sống của Giáo hội không giới hạn ở việc thực hành một nghi lễ, vào lễ ngày chúa nhật. Sứ mệnh hàng giám mục của việc thừa kế tông đồ là cần thiết, để kết nối kitô hữu tất cả mọi thời vào nguồn gốc lịch sử của mình, vào sự mặc khải của Chúa nơi Chúa Kitô, và để đảm bảo tính xác thực của việc đi theo Chúa mà họ sống trong Giáo hội ngày hôm nay”.

Linh mục Moingt nhấn mạnh nhiều đến tính dân chủ và vai trò của các giáo dân.

“Đúng, theo ngài, phải chấp nhận một mức độ dân chủ nào đó. Một sự điều chỉnh các tương quan giữa hàng giáo sĩ và giáo dân là điều cần thiết.

Giáo dân phải được tự do quyết định, tạo từng cộng đoàn truyền giáo và phúc âm nhỏ để cử hành, nghiên cứu và chiêm niệm Phúc Âm. Các cộng đoàn này phải cùng xem xét với người khác, người tin hay không tin, trên cái gì mà xã hội cắt đứt với tình huynh đệ phổ quát và nghiên cứu xem phương thuốc nào được Phúc Âm cảm nghiệm để đem ra áp dụng. Vai trò của người tín hữu là xoa dịu các khốn cùng và chất vấn đồng loại mình, ngay cả những người không tin. Cuộc cải cách sẽ không đến từ trên cao, cuộc cải cách kêu gọi người tín hữu chiến đấu, không phải để cứu tôn giáo, nhưng để cứu Phúc Âm”.

Linh mục Moingt khuyến khích người tín hữu giáo dân họp lại ở những nơi sinh động để chiêm niệm Phúc Âm, học hỏi và thấm nhập, để cùng cử hành một cách thiêng liêng giữa họ với nhau – vì người ta không thể nào tách Lời Chúa Kitô với nhiệm thể của Ngài -, để kêu gọi những người chung quanh họ đến thảo luận các vấn đề của họ, nói với họ trong tinh thần trao đổi, làm sao chính người kitô hữu sống cùng vấn đề đó trong tinh thần Phúc Âm”.

Có thể có các hình thức khác nhau của thánh lễ, thánh lễ theo giáo luật và thánh lễ tại gia. Sự phân biệt này đã có từ các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội. Khi có thánh lễ theo giáo luật thì thánh lễ được cử hành chung quanh của linh mục hay giám mục, mang ý nghĩa là tập họp trọn cơ thể Giáo hội, và như thế mang tầm mức phổ quát. Thánh lễ tại gia là chia sẻ trong tình anh em bánh và rượu giữa tín hữu kitô gặp nhau trong từng nhóm nhỏ để chia sẻ Lời Chúa và tưởng nhớ đến Chúa Kitô. Phải xin giám mục trao đủ tư cách cho người chủ tịch cộng đoàn để chủ sự các cứ hành thánh lễ tại gia. Đây không phải lễ truyền Mình Thánh Chúa”.

Quyển sách này mang lại cho ông những gì?

“Quyển sách này mang lại cho tôi rất nhiều câu trả lời và giúp tôi suy nghĩ một cách tự do, không mâu thuẫn về sự trung thực của Giáo hội của tôi. Linh mục Moingt tập trung mọi suy nghĩ của ngài về những gì mà theo tôi là chủ yếu: chứng từ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa đích thực và con người đích thực, chết và sống lại để khôi phục toàn nhân loại trong chương trình tạo dựng của Chúa”.

* Linh mục Dòng Tên Joseph Moingt, thần học gia, 101 tuổi (19-11-1915), tác giả của nhiều tác phẩm, ngài vẫn còn viết sách và đưa ra các nhận định sắc bén về Giáo hội.

Tác giả bài viết: choisir.ch, Silvana Bassetti, ECR-Genève, tháng 6.2017 - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây