Giáo xứ Vinh Hương

Trợ tử hoặc giúp chết êm dịu

Thứ hai - 17/11/2014 17:57

Về vấn đề trợ tử hoặc giúp cho người khác chết cách êm dịu, để tránh đau khổ cho người bệnh cũng như cho người chăm sóc: Sách Giáo Lý Công Giáo 1992: Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn tật nguyền phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống càng bình thường càng tốt” (số 2276).

Về vấn đề trợ tử hoặc giúp cho người khác chết cách êm dịu, để tránh đau khổ cho người bệnh cũng như cho người chăm sóc:
 
- Sách Giáo Lý Công Giáo 1992:
 
“Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn tật nguyền phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống càng bình thường càng tốt” (số 2276).
 
“Với bất cứ lý do nào và bất cứ phương thế nào, việc trực tiếp giết chết để tránh đau, vẫn là nhằm chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc nầy không thể chấp nhận được” (số 2277)
 
Như vậy, lập trường của Giáo Hội là không chấp nhận việc trợ giúp cho bệnh nhân chết êm dịu:
- Trước hết, vì sự sống là toàn bộ, nghĩa là xác và hồn. Sự sống ấy ở bất cứ giai đoạn nào thì đều là ơn huệ của Thiên Chúa và đều thuộc quyền của Người. Sự sống của mỗi cá nhân có giá trị riêng biệt trước Thiên Chúa và không ai có quyền xâm phạm, huỷ diệt. Sách Maca-bê ghi lại lời khuyến khích thật can đảm của người mẹ của 7 đứa con bị nhà vua bắt giết, lời khuyến khích xác tín về Thiên Chúa mới là Đấng có chủ quyền trên mạng sống của con người (x. 2Mcb 7,1.20-23.27b-29).
 
- Con người, dù ở trong tình trạng tồi tệ nào về thể lý, thì vẫn là con người với tất cả nhân phẩm và nhân vị của họ. Họ phải được tôn trọng và bảo vệ (x.ĐGH Gioan-Phaolô II, Tổng Hội Nghị Quốc Tế về Sự Sống, 20/3/2004).
 
- Đau khổ là điều phải tránh, nhưng không phải bằng bất cứ phương cách nào. Trong cái nhìn của đức tin, đau khổ không vô nghĩa và phi lý, nhưng nhờ Đức Kitô, đau khổ trở nên có giá trị. Vì thế, phải khám phá ý nghĩa nầy cho mọi quyết định và hành xử trong cuộc sống.
 
Tuy nhiên, Giáo Hội không cấm đoán việc sử dụng các phương thuốc giảm đau nhằm giúp bệnh nhân chịu đựng được những đau đớn do cơn bệnh gây ra, cho dầu những phương thuốc nầy có thể làm giảm ý thức và rút ngắn sự sống của người bệnh, nếu không có phương thế nào khác (ĐGH. Gioan-Phaolô II, Tin Mừng sự sống, số 64-65). Trường hợp nầy không chủ tâm tìm kiếm cái chết, mà chỉ muốn giảm bớt cơn đau mà thôi.
 
Đối với những Phương Thế Trị Liệu Ngoại Thường, nghĩa là sử dụng các hệ thống máy móc hoạt động thay cho các cơ phận của con người, thì sao?
 
Trong Tuyên Ngôn ngày 5/5/1980, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin xác nhận là: được phép ngưng các hệ thống máy móc điều trị bệnh nhân khi thấy rằng không còn có hi vọng, mặc dầu biết rằng khi ngưng sử dụng máy móc như vậy thì bệnh nhân sẽ chết. Đây là trường hợp của những người bị hôn mê lâu dài và được coi như đã chết về phương diện thể lý.
 
Những nguyên tắc nêu trên chắc chắn đã giúp những người liên hệ với bệnh nhân đưa ra được quyết định đúng đắn trong trường hợp nêu nêu trên.

Tác giả bài viết: Lm.Nguyễn Công Vinh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây