Giáo xứ Vinh Hương

Câu chuyện truyền giáo : Bahia Negra : Những người khốn khổ Chamacocos

Thứ tư - 22/02/2017 18:23
BAHIA NEGRA – NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ CHAMACOCOS
 
Đáp lại lời mời gọi của Giám Mục Tông Tòa vùng truyền giáo Chaco bao trùm cả vùng biên giới với Bolivia và Brazil mà trong đó vùng Bahía Negra là vùng truyền giáo rừng thiêng, nước độc, 3 anh em linh mục chúng tôi (2 Việt Nam và 1 Indonesia) được sự tín nhiệm của Bề trên và Tỉnh Dòng Paraguay đã lên đường đến vùng truyền giáo hẻo lánh này. Lúc đầu chúng tôi thiết nghĩ sẽ được làm việc với người Paraguay có dòng máu Âu châu như những vùng khác. Không ngờ người dân ở đây không chỉ là người Paraguay nhưng còn có một bộ lạc thổ dân gọi là Chamacocos (Chamacocos hay Ishir= Con người). 
Xem Hình 

Như đã chia sẻ trong bài trước, người thổ dân Chamacocos chiếm đến 73% dân số ở đây. Họ là những người bần cùng khốn khổ bị bỏ quên và là những nạn nhân bị liệt “bên lề xã hội” của chính quyền này. 

 
Qua lời kể của các bậc trưởng lão của bộ lạc này và qua sự tìm hiểu về lịch sử của họ, chúng tôi biết được bộ lạc Chamacocos là những người bản xứ ở Bahia Negra từ thứ kỷ XVI. Lúc đó Bahia Negra là một vùng đất hoang sơ, hẻo lánh hơn bây giờ. Cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng và sông ngòi bằng nghề săn bắn, đánh bắt cá, trồng trọt và chăn nuôi. Họ sống tự do và cách biệt với thế giới bên ngoài. Cũng theo lời kể của các già làng, người Chamacocos lúc bấy giờ rất mạnh mẽ, hiển hách và dũng cảm. Năm 1932-1935 là những năm dầu xôi, lửa bỏng vì lẽ Paraguay phải đối đầu với cuộc chiến tranh (Guerra de Chaco) khốc liệt và đẫm máu với quốc gia láng giềng Bolivia. Trong lúc chính quyền bị lâm nguy, bộ lạc Chamacocos không khoanh tay đứng nhìn hay nhút nhát trốn chạy, ngược lại họ sát cánh hiên ngang ra chiến trường cùng với những chiến sĩ Paraguay, sẵn sàng hy sinh chiến đấu. Cuộc chiến đó đã lấy đi biết bao sinh mạng của người Paraguay lẫn người Chamacocos đã ngã xuống để bảo vệ lãnh thổ quê hương, đất nước.

Sau cuộc chiến điêu tàn và đẫm máu đó, người Chamacocos trở về trong niềm hân hoan khôn tả vì chiến thắng nhưng họ không khỏi lo lắng vì phải bắt đầu lại với hai bàn tay trắng. Họ tưởng rằng chính quyền sẽ giúp đỡ họ để bắt đầu lại cuộc sống mà họ đã mất mát quá nhiều từ cuộc chiến. Tuy nhiên, sự mong đợi trở thành nổi thất vọng ê chề vì chính quyền không những không ngó ngàng gì mà còn lại tước đoạt thêm đất đai, tài sản còn lại của họ mà cha ông họ đã xây bằng xương máu mấy trăm năm trước. Họ không được hưởng quyền tự do, bình đẳng như các sắc tộc khác trong nước nhưng luôn bị đàn áp, bóc lột, kỳ thị và bị coi là “bên lề xã hội”. 

 
Đứng trước sự đàn áp và ức hiếp của chính quyền, bộ lạc Chamacocos đã mất hết những gì thuộc về họ trong đó có quyền sống, quyền tự do trên chính vùng đất của mình. Vì thế, nhiều người trong số họ phải trốn vào rừng sâu đê sinh tồn hay trốn qua những nước vùng bien giới như Brazil hay Bolivia để tránh khỏi sự bất công và đàn áp dã man của chính quyền thời đó. Tôi còn nhớ một già làng của bộ lạc nói với tôi rằng: “Thưa Cha, chúng tôi cảm thấy như mình là người khách sống trên chính ngôi nhà của mình”.

Nghe qua những câu chuyện do các vị trưởng làng kể lại, chúng tôi cảm thấy xót xa trước hoàn cảnh của bộ lạc Chamacocos phải gánh chịu. là con người, ai trong chúng ta cũng ao ước được sống tự do và tận hưởng xứng đáng những quyền cơ bản và mưu cầu hạnh phúc. Thomas Jefferson, vị Tổng thống vĩ đại thứ 3 của Hoa Kỳ và là người viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã thốt lên rằng: “Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Xc Chương 58: Khám phá thiên tài trong bạn). Người Chamacocos không những bị mất đi của cải vật chất hay đất đai xương máu của cha ong họ để lại mà còn bị tước đi quyền làm người. Như bao sắc tộc khác ở thế kỷ XXI này, họ có quyền ước mơ được ăn no mặc ấm, được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc như một con người. Nhưng sự thật phũ phàng đó vẫn theo họ như một bóng ma suốt mấy trăm năm qua. Ước mơ được bình đẳng chỉ là mơ ước mà thôi. 

 
Qua gần một năm sống và đồng hành với anh chị em Chamacocos ở vùng Bahía Negra (Vịnh Đen) này, hàng ngày chúng tôi tiếp không biết bao nhiêu người khách. Những người khách đó không ai khác hơn là những người khốn khổ Chamacocos đến xin từng túm gạo, ít đường, muối hay bánh mì để sống qua ngày. Thật sự ở thế kỷ XXI này ai cũng muốn ăn sung, mặc sướng, nhưng riêng với những người thổ dân Chamacocos thì họ chỉ có một mơ ước nhỏ nhoi là được ăn no, mặc ấm để sống qua ngày. Nhìn những mảnh đời kém may mắn và khốn khổ đó, chúng tôi cảm thấy xót xa và bất lực trước hoàn cảnh mà họ phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Thế nhưng anh em chúng tôi cũng không chỉ khoanh tay đứng nhìn hay vô cảm trước sự đau khổ, nghèo nàn của họ mà cần làm một cái gì đó dù chúng tôi biết rằng mình không thể làm gì to tát ở đây. 

Ông cha ta có câu: “Thương người như thể thương thân”. Đây chính là động lực thúc đẩy chúng tôi quan tâm và cảm thông “cái nghèo bền vững của họ”. Như Chúa Giêsu xưa kia chạnh lòng thương khi thấy đoàn chiên theo Ngài như chiên thiếu chủ chăn. Ngài đã nói với môn đệ là hãy cho họ ăn. Qua hình ảnh và lòng thương xót của Chúa Giêsu, chúng tôi bắt đầu góp phần giúp đỡ những người khốn khổ và bị bỏ rơi Chamacocos, ngoài việc tìm kiếm công việc cho họ, chúng tôi còn có những bữa ăn đạm bạc cho các em thiếu nhi vào mỗi trưa Chúa Nhật sau thánh lễ. Mỗi lần như vậy có đến gần 100 em và các em đều được ăn uống no nê. Các em rất vui và hạnh phúc khi nhận được những cử chỉ thân tình đó. Ông cha ta từng nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chúng tôi đã làm hết sức mình để đem lại niềm vui và tiếng cười cho các em nhỏ. 

Nhìn hoàn cảnh và những mảnh đời bất hạnh của bộ lạc Chamacocos mà chúng tôi thấy bồi hồi, xót xa cho một kiếp người. Dù biết rằng với khả năng của chúng tôi không thể xóa đói giảm nghèo cho họ, nhưng qua sự đóng góp như hạt cát với sự tiếp tay của các mạnh thường quân, chúng tôi tin rằng họ sẽ cảm thấy an ủi trong tâm hồn. Qua việc làm của chúng tôi, họ sẽ nhận ra rằng họ không cô đơn hay bị quên lãng mà được đối xử như những con người có nhân phẩm trong đó có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Hy vọng chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài của Thầy Chí Thánh, Người đã nhắc nhở các môn đệ xưa cũng là lời nhắn nhủ cho mọi người chúng ta đối với những người khốn khổ là: “Hãy cho họ ăn” (Xc. Lc 9, 11b-17). 

 
Bahía Negra, ngày 21 tháng 02 năm 2017

Lm. Stephan Lương Tử Lân, SVD.
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây