Giáo xứ Vinh Hương

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha Phanxicô mang chiều kích khu vực

Thứ tư - 29/11/2017 09:15
Có quan điểm trong khu vực cho rằng Đức Thánh cha Phanxicô có thẩm quyền luân lý cá nhân để cổ võ đối thoại thay thế bạo lực.
 

Người Công giáo và tín đồ các tôn giáo khác trên khắp châu Á hoan nghênh chuyến viếng thăm Myanmar và  Bangladesh của Đức Thánh cha Phanxicô hiện nay như là cơ hội thúc đẩy sự ổn định trong khu vực.

Các nước đa số Hồi giáo như Indonesia và Pakistan xem chuyến tông du là dịp giúp chấm dứt cuộc đàn áp quân sự đối với người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.

Có quan điểm phổ biến trong khu vực cho rằng Đức Thánh cha Phanxicô có thẩm quyền luân lý cá nhân cổ võ đối thoại thay cho bạo lực, không chỉ trong hai quốc gia ngài đang viếng thăm mà còn rộng hơn nữa.

Đức Thánh cha Phanxicô đến Myanmar ngày 27-11. Sau đó ngài sẽ sang thăm Bangladesh từ ngày 30-11 đến 02-12.

Người dân Indonesia hy vọng chuyến tông du sẽ mang lại hòa bình ở Myanmar

Hầu hết người dân Indonesia đều biết hàng trăm ngàn người Rohingya trong bang Rakhine của Myanmar đã bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong những tháng gần đây.

Và họ hy vọng Đức Thánh cha Phanxicô trong khi ở Myanmar sẽ đích thân thảo luận vấn đề ngược đãi buộc họ phải trở thành dân tị nạn.

Dahnil Anzar Simanjuntak, chủ tịch ban giới trẻ của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai ở Indonesia, nói Đức Thánh cha Phanxicô có địa vị cao nên có thể thúc giục người khác tôn trọng con người. Ông lưu ý đây được gọi là dakwah hay nỗ lực truyền giáo trong Hồi giáo.

“Chuyến viếng thăm Myanmar của Đức Giáo hoàng sẽ giúp nâng cao nhận thức về hòa bình”, ông nói.

“Những gì Đức Giáo hoàng làm là nghệ thuật ngoại giao mềm dẻo, vốn là điều cần thiết và chúng ta phải tôn trọng những nỗ lực của ngài”.

Tuy nhiên, Simanjuntak còn nói vì vấn đề người Rohingya liên quan đến tội ác nhà nước, nên chính sách ngoại giao cứng rắn cũng cần thiết.

Jimmu Gunabhadra, tu sĩ Phật giáo, nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha tượng trưng cho nhu cầu chấm dứt cuộc xung đột Rohingya, không liên quan đến các vấn đề tôn giáo.

Trong khi đó, cha Antonius Benny Susetyo, thư ký quốc gia của Viện Dân chủ và Hòa bình Setara ở Indonesia, lưu ý Đức Thánh cha mạnh mẽ cam kết xử lý xung đột.

Ngài nói thêm chuyến tông du hiện nay là một sự nhắc nhớ đối với toàn châu Á về nhu cầu tăng cường các mối quan hệ hữu nghị anh em thay vì dùng các biện pháp can thiệp quân sự.

Fandis Nggarang thuộc Hội Sinh viên Công giáo Indonesia nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha cho thấy ngài quan tâm đến toàn châu Á.

“Qua chuyến viếng thăm khu vực này, Đức Thánh cha muốn gửi thông điệp đến thế giới về tầm quan trọng của tôn giáo vốn là công cụ hòa bình”, Nggarang bình luận.

“Tôi nghĩ ngài còn muốn cho Kitô hữu thấy chúng ta được kêu gọi luôn luôn phục vụ và mang lại hòa bình, đặc biệt là trong một bầu khí xung đột”.

Pakistan

Không có viên chức nào trong Giáo hội Pakistan có thể viếng thăm Myanmar trong thời gian Đức Thánh cha Phanxicô ở đây.

Cha Inayat Bernard, thư ký Hiệp hội Báo chí Công giáo Pakistan, đổ lỗi việc này cho chính quyền Myanmar.

Có 3 linh mục làm đơn xin visa đi Myanmar, nhưng tất cả đều bị từ chối.

Trở lại năm 2015, một trong các linh mục này được cấp visa nhập cảnh Myanmar.

Tuy nhiên, do chính phủ Pakistan chỉ trích vụ đàn áp người Rohingya ở Myanmar cũng như các đợt xuống đường phản đối vấn đề này đã dẫn đến những hạn chế nhập cảnh, cha Bernard nói với ucanews.com.

Khi Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi chấm dứt tình trạng đàn áp người Rohingya hồi tháng 8, ngài đã để lại ấn tượng tốt ở Pakistan, cha Bernard kể.

“Đây là một tình huống phức tạp đối với bản thân Đức Thánh cha vì có nhiều nhân tố liên quan đến bang Rakhine”, ngài nói thêm.

Tuy nhiên, vị linh mục cảnh báo người Rohingya không còn là lý do quan trọng nữa sau vụ bạo lực do các tay súng nổi dậy Rohingya gây ra.

Do Đức Thánh cha Phanxicô đã bắt đầu chuyến tông du đến Myanmar, người Công giáo Ấn Độ lấy làm tiếc đã bỏ lỡ cơ hội gặp ngài tại quê nhà, và lưu luyến kể lại các chuyến tông du trước đây.

Các tổ chức Công giáo bắt đầu thảo luận kế hoạch tiếp đón Đức Thánh cha sau khi Vatican xác nhận chuyến tông du đến Nam Á vào đầu năm nay.

Lúc đó không ai nghĩ trong lịch trình của Đức Thánh cha không có Ấn Độ, quốc gia có 19 triệu người Công giáo.

Hồi tháng 8, Vatican thông báo trong chuyến tông du từ ngày 27-11 đến 02-12 chỉ có Myanmar và Bangladesh, trong khi kế hoạch ban đầu là đi thăm Ấn Độ và Bangladesh.

Thiếu thư mời chính thức để Đức Thánh cha Phanxicô sang thăm Ấn Độ được nhiều người xem là do chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi lấy lý do chính trị.

Chính quyền này do đảng chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo cánh hữu Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.

Các nhà quan sát cho biết BJP lo sợ ông Modi tiếp đón Đức Thánh cha Phanxicô sẽ bị cử tri đa số Ấn giáo xa lánh trước các cuộc bầu cử toàn quốc dự kiến tổ chức vào năm 2019.

Một trong những người thất vọng khi Đức Thánh cha Phanxicô không sang thăm Ấn Độ trong dịp này là Johana Xalxo, một phụ nữ dân tộc thiểu số Oraon và là hiệu trưởng trường học ở thủ đô New Delhi.

Bà Xalxo, 52 tuổi, kể bà được vinh dự gặp Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1986 khi ngài đi thăm khoảng 15 thành phố của Ấn Độ, trong đó có thành phố Ranchi của bà, thủ phủ của bang Jharkhand hiện nay.

Các linh mục Trung Quốc hy vọng Đức Thánh cha sẽ nói về nước này

Mặc dù Trung Quốc không có tên trong lịch trình của Đức Thánh cha, các linh mục Trung Quốc vẫn mong muốn ngài nhắc đến đất nước của các ngài.

Cha Paul, linh mục người Trung Quốc, nói ngài mong muốn có “một thông điệp nào đó” dành cho người Công giáo ở Trung Quốc để củng cố đức tin của họ.

Một linh mục nữa là cha John nói với ucanews.com rằng Đức Thánh cha Phanxicô và Giáo hội có thể thúc đẩy đối thoại giữa Trung Quốc đại lục với Hồng Kông và Đài Loan.

Việt Nam

Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thông báo ủy ban sẽ dẫn một phái đoàn sang Myanmar chào đón Đức Thánh cha nhân chuyến viếng thăm từ ngày 27-30/11.

Giáo hội tại Myanmar cũng cấp thẻ báo chí cho một số nhà báo Công giáo Việt Nam.

Phái đoàn Việt Nam còn tham dự Thánh lễ đặc biệt dành cho người lao động di cư Việt Nam tại Myanmar vào ngày 28-11.

Tóm lại, có hàng chục triệu người Công giáo trong khu vực trong đó có quốc gia đa số Công giáo Philippines sẽ theo dõi Đức Thánh cha Phanxicô khi ngài đến với các tín hữu Myanmar và Bangladesh.

Họ cùng với tín đồ các tôn giáo khác hết sức trông mong chuyến tông du lần này sẽ mang lại thiện chí cho cả khu vực bị xung đột nội bộ và xuyên biên giới giày xéo.

Đây là lần thứ 3 Đức Thánh cha Phanxicô viếng thăm châu Á từ khi lên ngôi giáo hoàng năm 2013. Ngài viếng thăm Hàn Quốc năm 2014, Sri Lanka và Philippines năm 2015.

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây