Giáo xứ Vinh Hương

Cơ sở khuyết tật Vi Nhân 15 năm phát triển và trưởng thành 1997-2012

Thứ sáu - 25/05/2012 07:09

Cơ sở khuyết tật Vi Nhân 15 năm phát triển và trưởng thành 1997-2012

- “Vi nhân” có nghĩa là những con người nhỏ bé đang học làm người.

Cơ sở khuyết tật VI NHÂN số: 162 nằm trên đường Phan Chu Trinh là cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật  đầu tiên tại Đắk Lắk, được sự giúp đỡ của  Toà Giám Mục BMT và  các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô, tỉnh dòng Đà nẵng, đang phục vụ tại giáo phận Ban mê thuột.

Được hình thành từ năm 1997 đến nay đã 15 năm. Lúc mới hình thành cơ sở chỉ có 3 em: 2 em không thấy và 1 em không nghe ...được  các nữ tu Phaolô  đón nhận  và giúp đỡ chăm sóc, dạy dỗ… dầndần các năm kế tiếp số học sinh khuyết tật gia tăng.

Nơi ăn chốn ở tạm ban đầu là  ngôi nhà làm rẫy được các Cha Tòa  Giám Mục  Ban  Mê Thuột cho mượn và đặt  tên là “Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân” 

“Vi nhân” có nghĩa là những con  người nhỏ bé đang học làm người.


 

Hiện nay, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân đã đổi khác nhiều so với những năm đầu mới hình thành. Cơ sở có khuôn viên xanh rộng, thoáng mát, sạch đẹp và lý tưởng. Vi nhân có được như ngày hôm nay, một phần là do sự giúp đỡ củaToà Giám mục,  của các nữ tu  Phaolô,  các Giáo xứ, các ân nhân xa gần , nhất là  sự tận tình giáo dục , chăm sóc của quí nữ tu cùng với đội ngũ giáo viên kết hợp với phụ huynh.

Từ lúc chỉ có 3 em đến nay cơ sở đã có hơn 160 em khuyết tật: khiếm thính,khiếm thị và chậm phát triển….
Cô giáo, thầy giáo và các nữ tu  ở đây hết lòng thương yêu các em như “Người mẹ hiền” ngày đêm chăm sóc cho cácem, lo cho các em từ học hành, ăn uống đến từng giấc ngủ.
Nhiều thế hệ các nữ tu Phaolô chủ trì dày công vun đắp, mong cho các em trưởng thành và hội nhập với cộng đồng. Đó là ước nguyện của các nữ tu, các thầy cô giáo đang công tác tại đây.

 

Từ ngày mới thành lập do các em còn ít ,các nữ tu đảm nhiệm từ khâu ăn uống, thuốc men cho đến giảng dạy các em học nói,học chữ, học làm người. Sau khi đã có nhiều phụ huynh gửi con em vào mới hình thành các nhóm, các lớp. Từ đây đã có nhiều cô, thầy giáo tự nguyện vào gánh vác công việc với cơ sở mà không hề lấy một khoản thù lao nào. Điển hình như  các Thầy  Đại Minh , thầy  Tường , Thầy Hiếu , thầy Trinh , thầy Hành, các cô Nga , cô Kim , Cô An , cô Thu, Cô Simone….Qúi thầy cô  bước vào cơ sở Vi Nhân với tinh thần của một giáo viên tình nguyện. Có cô chưa dạy trẻ em khuyết tật bao giờ, chưa được bồi dưỡng một ngày nào, lại đứng lớp ngay do ban đầu  cơ sở thiếu giáo viên.

Kể từ ngày đó các cô làm một hành trình ngược: nhờ học sinh dạy cho mình. Học sinh cơ sở Vi Nhân ngạc nhiên lắm khi có cô giáo trẻ mới, sau khi truyền đạt kiến thức bài học lại có em đã chỉ các từ ngữ bằng ký hiệu tay, chỉ cho cô cách đọc chữ. Để nắm bắt được cách truyền đạt cô phải nhờ đến các nữ tu, đồng nhiệp và cả các em nữa. Từ đó, ban ngày đứng lớp, ban đêm cô về một mình đứng trước gương tập cách truyền đạt.

Để nắm bắt tâm tư tình cảm của các em các  cô phải ở lại buổi trưa, những lúc cần thiết, các  cô ngủ lại tại trường để cùng các em sinh hoạt. Thấy các  cô lo công việc cho cơ sở quá sức, các nữ tu khuyên các  cô nên giữ gìn sức khỏe. Nhưng các cô vẫn không xao lãng được công việc. Các cô cho đây là một trách nhiệm vì một tương lai cho các em khuyết tật, với mong muốn để các em hòa nhập với cộng đồng.

Ngoài trách nhiệm của những người điều hành , chủ trì cơ sở nhiều năm có kinh nghiệm, các nữ tu gần gủi với các em khiếm thị, hiểu các em khiếm thị mới thấy khát vọng học hành của các em cực kỳ mãnh liệt.

Trong khi ở nước ngoài, người khiếm thị có thể tốt nghiệp đại học và giữ nhiều công việc trọng trách trong xã hội, thì sao ở Việt Nam học sinh học hết tiểu học rồi về nhà hoặc học nghề?

Băn khoăn ấy đã thôi thúc cơ sở Vi Nhân xây dựng đề án giáo dục hòa nhập (tạo điều kiện cho học sinh khiếm thị được học chung với học sinh bình thường) và các thầy sẽ chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn thử nghiệm. “Hòa nhập” THCS tuy có nhiều vướng mắc nhưng khá thuận lợi. Nhưng khi lên PTTH, chương trình vấp phải rào cản lớn, vì PTTH ở Đắk Lắk chưa nhận học sinh khiếm thị bao giờ.

Lo lắng đến mất ăn mất ngủ,  các nữ tu  cùng các thầy cô đã phải chạy qua, chạy lại các trường giải thích, phân tích mọi điều, kể cả việc làm cam kết sẽ hỗ trợ giáo viên và phương tiện trong quá trình giảng dạy. Sau một thời gian nếu học sinh không theo kịp bạn bè sẽ xin rút tên. Lúc đầu tiên đi học hòa nhập PTTH chỉ có một học sinh là em Lê Hoàng Gia Hưng, Hưng học rất giỏi, trở thành tấm gương sáng ở trường Chu Văn An khi sức học vượt cả nhiều học sinh sáng mắt.

Ngày đầu tiên đến gặp Ban giám hiệu trường, Hưng được các nữ tu và các cô, thầy dẫn đi. Ngày đầu tiên đi học ở trường cũng các thầy cô, họp phụ huynh cũng các thầy cô thay phiên nhau đi họp. Đến khi tốt nghiệp THPT cũng các thầy cô và các nữ tu  lo chu tất.

Niềm vui khi “đứa con” đã đậu tốt nghiệp chưa được bao lâu thì buồn lại đến, vì không có trường cao đẳng, đại học nào ở Đắk Lắk đồng ý cho thí sinh khiếm thị tham dự kỳ thi tuyển sinh. Hàng loạt lý do được đưa ra: Bộ GD-ĐT không có quy định, nếu đi thi các em sẽ làm bài như thế nào, nếu đậu các em sẽ học ra sao…

Một lần nữa các nữ tu, các thầy cô phải đi “đàm phán” và cuối cùng Hưng đã thi đậu trường Cao đẳng, nhạc họa Đắk Lắk. Trong quá trình học tập cơ sở phải đi quyên góp và nhờ sự ủng hộ của các nhà tài trợ em Hưng đã tốt nghiệp ra trường. Tốt nghiệp xong, Hưng trở về mái trường xưa làm thầy giáo dạy cho các em khiếm thị học đàn và thanh nhạc. Hiện nay thày Gia Hưng đã có 1 mái ấm gia đình với vợ giỏi giang, hiền thục và con trai 3 tuổi bình thường, thật hạnh phúc…

Trong những năm qua, các em khuyết tật  đã tham gia nhiều cuộc thi, hội thao người khuyết tật  và  đã  nhận được nhiều giải mang về cho tỉnh nhà và  cơ sở.

Đến nay cơ sở Vi Nhân đã có hơn 28  học sinh đã,đang học hòa nhập,nhiều em đã có công việc làm ổn định là nhờ chương trình giáo dục hòa nhập.

Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở GD&ĐT cùng các sở ban ngành. Đến nay cơ sở Vi Nhân phát triển giáo dục tại cơ sở  và phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ổn định,hàng năm cơ sở vẫn giữ con số từ  152 – 165 em.

Người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng từ lâu đã nhậnđược sự quan tâm chăm sóc của toàn nhân loại. Sự quan tâm chăm sóc ấy ngày càng được nhân lên gấp bội cả về vật chất và tinh thần. Những thiệt thòi về thể chất của những mảnh đời bất hạnh, đã được cộng đồng xã hội sẻ chia chung tay gánh vác. Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật. Vi Nhân đã được ra đời trong ý nghĩa nhân văn cao cả ấy.

Trong suốt 15 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm giúp đỡ của Toà Giámmục , của Nhà Dòng Phaolô ,các Cha  xứ, của ân nhân nhiệt tình giúp đỡ, của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đặc biệt được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở GD&ĐT, cơ cở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhânđã đạt được những thành tích nhất định.

Để tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học hòa nhập có chất lượng, các em được phục hồi chức năng và có nghề nuôi sống bản thân theo mục tiêu giáo dục mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, việc xây dựng và phát triển cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân thực hiện thêm chức năng “Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật” là vấn đề cần thiết và cấp bách theo yêu cầu của xã hội.

Năm học 2011 – 2012 là năm học lần thứ 15 của cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân. Với phương châm giáo dục cho các em hiểu biết về kiến thức làm người và hòa nhập cộng đồng, ngoài việc chú trọng truyền thụ kiến thức cho các em, hằng năm cơ sở còn rất quan tâm tới các hoạt động nhằm phát triển nhân cách cho các em như: Tổ chức hoạt động cộng đồng, ngoài học chữ, cơ sở còn dạy cho các em biết vẽ, tạo mẫu làm tranh gỗ, học may, thêu thùa, đan lát,Massage, giúp các em có sự gắn kết giữa kiến thức bài học trong sách vở với bài học thực tế,tạo công ăn việc làm để các em có thể tự lập  nuôi sống chính bản thân và giúp gia đình.

Trong 15 năm qua Vi nhân đã giúp xây dựng cho 14 đôi hôn phối giữa các em khuyết tật với nhau để trở thành những mái ấm gia đình hạnh phúc, ổn định trong xã hội …như những người bình thường.

Ngoài ra cơ sở còn  tạo điều kiện cho các em phát triển khả năng hoạt động nhóm cũng như tinh thần đồng đội và tập thể. Tổ chức cho các em vui chơi, tham gia các hoạt động văn nghệ và thể dục thể thao. Tham gia thi giọng hát hay, thi vẽ tranh do phòng GD&ĐT thành phố tổ chức đã đạt nhiều thành tích, huy chương…

Sau 15 năm nuôi dạy trẻ khuyết tật năm học đã đào tạo được một học sinh học cao đẳng,36 em THCS,  06 THPT, 14 lớp các em tiều học từ lớp 1 đến lớp 5.

Hiện nay, các cô giáo, thầy giáo đã nắm vững kiến thức giảng dạy trẻ khyết tật. Trong thời gian qua nhiều giáo viên tham gia biên soạn chương trình giúp cơ sở tham khảo và áp dụngtrong việc truyền đạt cho các em.

Nhiều nữ tu, nhiều thầy cô giáo của cơ sở đã tham gia hàng chục tiết giảng về thực tế dạy học bộ môn, về công tác ngoại khóa, về hòa nhập cộng đồng.

Trong 15 năm qua, dù còn phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng do biết phát huy thế mạnh của một tập thể đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, biết kết hợp tiềm năng và kinh nghiệm của giáo viên lâu năm, cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi nhân đã gặt hái được những thành công đáng trân trọng.
Thành công lớn nhất là cơ sở đã tạo được niềm tin với phụ huynh và học sinh, là nơi để phụ huynh yên tâm gửi gắm, giao phó việc truyền thụ tri thức và rèn luyện nhân cách cho các em. Nhiều em đã và đang theo học chương trình phổ thông, đã tạo được công ăn việc làm cho các em khi ra trường đó là niềm vui và niềm tự hào của các nữ tu  cũng như các thầy cô giáo.

Thành quả này trước hết thuộc về sự nỗ lực, cầu tiến của toàn thể các em học sinh; thuộc về sự tận tụy, tâm huyết với nghề, với học sinh của các thầy cô giáo và các nữ tu phụ trách cơ sở. Nhưng cũng không thể không nói đến sự chia sẻ, kề vai sát cánh của  cha mẹ học sinh và nhất là  sự quan tâm sâu sắc của Toà Giám mục Banmêthuột, các cha xứ, của  các bậc Bề trên Dòng Phaolô Đà Nẵng,kết hợp với sự chỉ đạo của Sở,Phòng  Giáo dục đào tạo tỉnh  Đắc Lắc và các cấp chính quyền địa phương.

15 năm qua với biết bao thăng trầm, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng nhờ Hồng ân Thiên Chúa  và sự nổ lực cùng sự trợ giúp của mọi người  thân thương xa gần, Vi nhân đã vươn lên để có được như ngày hôm nay .

TẤT  CẢ  LÀ  HỒNG  ÂN

Trong tương lai, để tạo điều kiện cho các em có nơi ăn chốn ở khang trang, thuận tiện cho công tác chăm sóc và giáo dục  kịp với đà phát triển văn minh của xã hội.Năm học 2012 – 2013 cơ sở ước muốn  xây dựng một dãy nhà cho các em học sinh nội trú và bán trú nam  với số lượng  gần 80 em, thay cho căn nhà tạm  chật hẹp đã bị xuống cấp trầm trọng (từ năm 1983) đang mượn của Toà Giám mục.

Đây cũng là một vấn đề nan giải khi xin phép xây dựng và huy động tài trợ. Cần có sự đồng lòng giúp đỡ của cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm  và các cấp chính quyền.

Cơ sở Vi nhân kính xin quí vị tiếp tục hổ trợ Vi nhân  về mọi phương diện, để cơ sở có đủ điều kiện vật chất và tinh thần hầu giúp con em khiếm khuyết của chúng ta có được 1 cuộc sống  tốt đẹp hơn về mọi mặt nhờ đó   các em luôn tự tin  phấn khởi vươn lên  trên tật nguyền của mình để sẵn sàng hoà nhập với xã hội hôm nay.

VI NHÂN   xin chân thành ghi ân quí vị.
Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật VI NHÂN kỷ niệm  15 năm thành lập 1997-2012. Lể bế giảng năm học 2011-2012. - Dòng Thánh Phaolô - BMT

Nguồn tin: www.gpbanmethuot

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây