Giáo xứ Vinh Hương

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Chủ nhật - 23/09/2012 18:43

Bàn thờ Hàn Mạc Tử trong nhà lưu niệm ông ở Quy Hòa

Bàn thờ Hàn Mạc Tử trong nhà lưu niệm ông ở Quy Hòa
- Phát động Giải viết văn đường trường mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được rao giảng tại Quy Nhơn

Sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Công giáo Hàn Mạc Tử gắn kết các nhà thơ Công giáo trên toàn quốc và mở ra tương lai hứa hẹn cho nền thơ văn Công giáo Việt Nam.

Khoảng 60 tham dự viên, phần lớn là các nhà thơ đến từ 12 giáo phận trong nước và nước ngoài, đã tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mạc Tử 22/9/1912-22/9/2012 tại Chủng viện Quy Nhơn ở thành phố Quy Nhơn hôm 21-22/9.

Sự kiện này do Câu lạc bộ Sáng tác thơ văn Công giáo đồng xanh thơ Quy Nhơn tổ chức.

“Sự kiện này là cơ hội cho các nhà thơ Công giáo Việt Nam gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thơ ca Công giáo với nhau.

Đây là lần đầu tiên các nhà thơ quy tụ lại với nhau vì rất nhiều người chưa một lần gặp nhau” – linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, trưởng ban tổ chức, cho biết.

Ngoài việc hàn huyên tâm sự, ngâm thơ và hát những bài hát được phổ nhạc từ thơ của Hàn Mạc Tử, các tham dự viên còn hành hương về lại những căn nhà, lối xóm mà cố thi sĩ tài hoa đã sống và qua đời ở đất Quy Nhơn như nhà số 20 Khải Định nay là đường Lê Lợi, xóm Tấn, xóm Động, xóm Bàu, Ghềnh Ráng và trại phong Quy Hòa.

Cụ Trương Hồ, 82 tuổi, kể lại những kỷ niệm hồi nhỏ cụ nhìn thấy cố thi sĩ trong thời gian cố thi sĩ lánh bệnh tại nhà bà con ở xóm Bàu, Gò Bồi. Cụ và bọn trẻ ngày ấy bỏ đọc kinh tối để kéo nhau đi xem “ông phung” vì tò mò, sau này lớn lên cụ hiểu căn bệnh này là gì và đã xin lỗi cố thi sĩ và người thân về sự dại dột của tuổi thơ.

Trong đoàn có chị Nguyễn Hoàn Mỹ Lộc là ái nữ của tác giả Nguyễn Bá Tín, gọi nhà thơ Hàn Mạc Tử bằng bác, và chị Hoàng Kim Mỹ Phượng gọi nhà thơ bằng ông, là cháu ngoại người chị thứ ba của Hàn Mạc Tử là bà Như Nghĩa.

Đoàn hành hương cũng ghé thăm Gò Thị, mộ Thánh Anrê Kim Thông, nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, đền Vĩnh Thạnh kính Thánh giám mục Stêphanô Thể và đài kỷ niệm Nước Mặn, cái nôi của chữ Quốc ngữ.

Cha Khánh cho biết Ban mục vụ văn hóa và truyền thông giáo phận Quy Nhơn đã phát động Giải viết văn đường trường mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng được rao giảng tại Quy Nhơn (1618-2018).

Cuộc thi, nhằm đào tạo cho Giáo hội những cây bút văn xuôi, giới hạn vào hai thể loại truyện ngắn và kịch bản.

Mừng 100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử, Cha Khánh cũng phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo (bốn tập), tập hợp những bài thơ của 140 tác giả Công giáo và của Hàn Mạc Tử.

Hiện nay chỉ còn 106 tác giả còn sống.

Ngài nói bộ sưu tập được giới thiệu rộng rãi cho mọi người, nhất là người ngoài Công giáo và những ai quan tâm đến thơ ca Việt Nam như là cách chuyển tải các giá trị Tin Mừng cho họ qua thơ ca.

Ngài dự định sẽ tiếp tục sưu tập thơ ca của những tác giả Công giáo khác trong thời gian tới để phát hành nhằm gìn giữ kho tàng thơ ca Công giáo Việt Nam.

Tiểu sử Hàn Mạc Tử:

Hàn Mạc Tử tên thật Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại giáo xứ Tam Tòa, tỉnh Quảng Bình.

Ông học tiểu học ở Quảng Ngãi 1924-1926 trước khi vào Quy Nhơn cùng mẹ, ông học trung học ở Huế năm 1928-1930 và lãnh Bí tích thêm sức tại nhà thờ Quy Nhơn (nay là tòa giám mục Quy Nhơn) năm 1933.

Sau khi vào Sài Gòn làm báo năm 1934, ông in tập Gái Quê năm 1936 và về Quy Nhơn chữa bệnh. Ông hoàn thành tập Thơ Điên năm 1938, và năm sau, sáng tác Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.

Ông qua đời ngày 11-11-1940 tại Quy Hòa.
 

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây