Giáo xứ Vinh Hương

Lo ngại gia tăng kiểm duyệt ấn phẩm tôn giáo tại Trung Quốc

Thứ sáu - 06/04/2018 19:52

Các nhóm Công giáo lo sợ chính quyền sẽ tăng cường kiểm duyệt các sách tôn giáo, bao gồm việc hiệu đính Kinh Thánh được nhà nước tài trợ, và các tài liệu bản cứng cũng như trên internet sau khi chính quyền Trung Quốc cấm bán Kinh Thánh online.

Họ quan ngại Bắc Kinh sẽ hướng hệ thống kiểm duyệt nặng nề trực tiếp lên các ấn phẩm tôn giáo trên mạng.

Ying Fuk-tsang, viện sĩ Hồng Kông, cho rằng “kỷ nguyên mới” Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nhắm kiểm soát lưu hành Kinh Thánh, sách tôn giáo và các ấn phẩm tôn giáo trên mạng.

“Qua việc thực hiện quy định về các vấn đề tôn giáo mới được sửa đổi, thế giới tôn giáo trên mạng chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu trong đợt sửa đổi tiếp theo”, giáo sư Ying, trưởng khoa thần học Trường Chung Chi tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, phát biểu.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã giám sát chặt chẽ các nội dung tôn giáo trên các website ở Trung Quốc và đặc biệt là các trang mạng xã hội phổ biến như Wiebo và WeChat, thường xuyên đóng tài khoản của những người và nhóm đăng tin tức hay tài liệu tôn giáo.

Theo một văn kiện chính thức do Ban Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc phát hành, một trong những nhiệm vụ lớn nhất trong những năm tới là đẩy mạnh “thần học và Kitô giáo kiểu Trung Quốc” bằng cách giải thích và biên dịch lại Kinh Thánh.

Văn kiện có tựa đề “Nguyên tắc thúc đẩy Kitô giáo Trung Quốc ở Trung Quốc trong 5 năm tới (2018-2022)” chính thức được phát hành tại Nam Kinh thuộc miền đông Trung Quốc hôm 28-3. Một số người dùng mạng xã hội cho biết Kinh Thánh bắt đầu bị gỡ khỏi các website hôm 30-3.

Ngày này trùng với đợt tăng mạnh lượt tìm kiếm từ khóa “Bible” trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc ngày hôm trước, sau đó là đợt giảm mạnh về số không hôm 1-4, do có thể từ này đã bị kiểm duyệt.

Văn kiện còn khẳng định một trong những nhiệm vụ chính trong 5 năm tới là xây dựng Kitô giáo Trung Quốc và thần học Trung Quốc “có ý phát triển tài năng nghiên cứu Kinh Thánh nhằm đặt nền tảng vững chắc để giải thích và biên dịch lại Kinh Thánh hay viết sách tham khảo”.

Một số người Công giáo lo ngại sách và tài liệu về Giáo hội cũng có thể bị nhắm mục tiêu vì sai lầm của Cách mạng Văn hóa được lặp lại.

Chính quyền ra lệnh cho các doanh nghiệp thương mại điện tử gỡ bỏ Kinh Thánh khỏi danh mục sản phẩm và cấm bán Kinh Thánh từ ngày 30-3.

Các trang Taobao, Jingdong, Weidian, Dangdang và Amazon China không còn bán Kinh Thánh. Sách về Kitô giáo cũng bị chặn và giấy phép kinh doanh của một số cửa hàng đã bị hủy bỏ.

Baojiayin, trang bán tài liệu về Kitô giáo online cũng đã ngừng bán Kinh Thánh nhưng nói họ được phép bán sách tham khảo có thể giúp khách hàng đọc Kinh Thánh.

Ông John, một người Công giáo sử dụng internet, cho biết Kinh Thánh chưa bao giờ được cho phép bán trong các cửa hiệu hay online tại đại lục và người ta chỉ có thể mua bản chính thức được chấp thuận từ Giáo hội công khai được chính quyền công nhận. Tuy nhiên, trước đây nhà chức trách không thi hành luật này cách nghiêm túc.

“Bước tiếp theo có thể là dọn dẹp tài liệu về Giáo hội trên internet trong phạm vi rộng”.

Ông John cho ucanews.com biết sau cuộc họp toàn thể của Quốc hội và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc bế mạc gần đây, một đợt đàn áp mới được phát động chống lại các Giáo hội Kitô giáo.

“Người ta có cảm giác rằng chính quyền đang tăng cường đàn áp tôn giáo, đặc biệt là đối với Giáo hội Công giáo và Tin lành”.

Ông tin rằng chủ trương “Trung Quốc hóa tôn giáo” này được ông Tập ủng hộ và lo ngại Cách mạng Văn hóa sẽ trở lại. “Nó có đang lặp lại sai lầm lịch sử không?” ông hỏi.

Viện sĩ Ying đăng một bài báo trên Facebook của mình kể lại sau Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc thiếu Kinh Thánh nghiêm trọng.

Khi Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ năm 1979, tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter nói với ông Đặng rằng ông hy vọng Trung Quốc có thể xuất bản Kinh Thánh, và ông Đặng phản hồi tích cực.

Năm 1980, Đức cố Giám mục Ding Guangxun nói với Hội đồng Kitô hữu Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu xuất bản Kinh Thánh.

Theo tin cho biết, Hội đồng Kitô hữu Trung Quốc được chính quyền công nhận đã in 3 triệu bản sao từ năm 1980-1986, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.

Năm 1988, Quỹ Amity và các Hội Kinh Thánh Thống nhất đồng thành lập nhà máy in tại Nam Kinh. Nhà máy này trở thành nơi duy nhất Kinh Thánh được in ấn hợp pháp tại Trung Quốc, trong khi Hội đồng Kitô hữu Trung Quốc là cơ quan duy nhất có thể phát hành và phân phối Kinh Thánh. Đến tháng 11-2016, quỹ này đã in được 150 triệu bản.

Năm 2004, khi Luật về cấp giấy phép được thi hành, Trung Quốc vẫn tiếp tục “cho phép xuất bản, in ấn, xuất khẩu và phân phối Kinh Thánh”. Ông Ying cho biết chính quyền kiểm soát thị trường bán Kinh Thánh.

Hiệu sách ở Trung Quốc có thể bán các tác phẩm tôn giáo nói về Phật giáo, Lão giáo và Hồi giáo, nhưng chỉ riêng Kinh Thánh của Kitô giáo là không được phép, theo ông Ying.

Khi phát biểu với hội nghị toàn quốc về công tác tôn giáo năm 2016, ông Tập lưu ý các viên chức cần “tích cực quảng bá các học thuyết của đảng về tôn giáo, chủ trương và chính sách về internet, và phổ biến các quan điểm tích cực”. 

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây