Giáo xứ Vinh Hương

Mặc dù có luật, kết hôn trẻ em vẫn phổ biến ở Ấn Độ

Thứ ba - 26/07/2016 19:25
- Có gần một nửa số lượng các cô gái lập gia đình trước tuổi 18 ở nước này
 

Kavita Rani, lúc cô mới 14 tuổi, cha mẹ cô muốn cô lập gia đình. Khi chưa trưởng thành, cô đã là mẹ của hai con.

“Tôi chẳng thể làm được gì. Cha mẹ tôi tìm cho tôi chàng trai phù hợp và điều kế tiếp tôi chỉ biết làm vợ và là con dâu với hành loạt trách nhiệm đổ lên đầu”, Rani nói.

Rani đến từ làng Allahabadpur bang Uttar Pradesh miền bắc Ấn Độ, nói với ucanews.com rằng hai chị em gái khác của cô cũng lấy chồng rất sớm.

“Đó là truyền thống. Các chàng trai được xem là người kiếm tiền lo cho gia đình trong khi các cô gái tốt hơn lo công việc nhà và lấy chồng”, Rani nói, cô đang làm công việc giúp việc nhà ở New Delhi.

Bây giờ ở giữa tuổi hai mươi và không biết chữ, Rani nói kết hôn sớm làm cô bị thay đổi tâm sinh lý vì cô chưa sẵn sàng.

“Mang thai quá sớm và tôi phải trả giá, cơ thể tôi không thể phát triển bình thường như các cô gái cùng trang lứa”, cô nói. “Cũng vậy, tôi dễ dàng bị kích động khi sự việc thay đổi quá nhanh và tôi không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Trường hợp của Rani không phải là ít.

Hàng ngàn cô gái trẻ Ấn Độ bị buộc lập gia đình sớm. Theo nghiên cứu mới nhất của Quỹ Dân số Quốc gia Thống nhất (UNFPA), kết hôn trẻ em ở thế giới thứ ba xảy ra ở Ấn Độ. Khoảng 47% các cô gái Ấn Độ lập gia đình trước tuổi 18. Hơn nữa, 27% phụ nữ ở tuổi giữa 20-49 nói họ bị hứa hôn trước tuổi 15, theo báo cáo.

Ở Ấn Độ, kết hôn trẻ em phổ biến hầu hết ở các bang Jharkhand, Bihar, Rajasthan và Uttar Pradesh.

“Kết hôn trẻ em củng cố thêm vòng tuần hoàn nghèo đói và kéo dài nạn phân biệt giới tính, mù chữ và suy dinh dưỡng cũng như tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và bà mẹ cao”, báo cáo cho biết.

Chính phủ đã đưa vào thi hành Bộ luật Cấm Kết hôn Trẻ em năm 2007 thay thế cho Bộ luật cũ Hạn chế Kết hôn Trẻ em của năm 1929. Bộ luật mới cấm kết hôn trẻ em và có các qui định bảo vệ và cung cấp sự hỗ trợ cho các nạn nhân.

Mặc dù luật như thế, kết hôn trẻ em vẫn đầy dẫy. Theo cuộc Điều tra Dân số 2011, gần 17 triệu trẻ em tuổi từ 10-19 phải kết hôn. Trong đó, 76 % là các em gái.

“Trẻ em kết hôn là điều tồi tệ nhất xảy ra với các em gái”, Sơ Lucy Kurien, người khơi lên ý thức chống lại việc trẻ em kết hôn thông qua tổ chức phi chính phủ của sơ tên Ngôi nhà Maher (nhà của mẹ), nói.

“Nghèo đói, xã hội gia trưởng, mù chữ và nỗi sợ hãi của các bậc cha mẹ rằng con gái họ có thể bị bóc lột tình dục khi ra ngoài làm việc dẫn đến việc kết hôn sớm, đặc biệt ở vùng nông thôn”, Sơ nói.

Các Nữ tu của những Ngôi nhà Maher ở Jharkhand, Kerala, Uttar Pradesh và Maharashtra, tư vấn cho người dân, đặc biệt người dân đến từ vùng nông thôn, đừng gả con cái họ quá sớm. Hầu hết trẻ em của Ngôi nhà Maher và phụ nữ là người Hindu nhưng cũng có các Kitô hữu và những người Hồi giáo.

“Chúng tôi khơi dậy ý thức qua các buổi biểu diễn ngoài đường phố và tạo nhóm tự giúp đỡ, khuyến khích các cô gái học nhiều hơn, huấn luyện và đăng ký cho họ tham gia các khóa học như quản lý khách sạn, y tá để họ tự nhận thức giá trị”, Sơ nói.

Sơ Kurien, thuộc Dòng Chị em Thánh giá của Chavanod, nói rằng họ đồng thời trao phần thưởng cho những bà mẹ không đánh đổi con gái bằng việc kết hôn.

Caritas Ấn Độ, tổ chức phục vụ xã hội của Giáo hội Công giáo, đang làm việc ở 40 làng mạc và đặc biệt coi sóc cộng đồng Musahar ở Bihar để giáo dục người dân ở đây về những tác hại của kết hôn trẻ em.

Musahars là cộng đồng nghèo khổ ngoài rìa xã hội trong bang và trước đây được biết đến như là những người bắt chuột. Thành viên cộng đồng bị bỏ rơi trong các hoạt động xã hội từ lâu và bây giờ họ là người lao động bình thường. Dù vậy, họ vẫn thuộc hạng cùng đinh trong hệ thống đẳng cấp Hindu.

“Chúng tôi làm việc trong cộng đồng này đã ba năm qua”, Leeza Joseph, quan chức hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán người và quyền trẻ em của Caritas nói. “Công việc chính của chúng tôi là khuyến khích giáo dục cho phụ nữa để tự họ có thể trở nên ý thức về việc kết hôn trẻ em”.

Cô nói sau khi được tư vấn, các cô gái cho thấy họ hứng thú trong việc học hỏi và bắt đầu không tán thành với hủ tục của cộng đồng.

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây