Giáo xứ Vinh Hương

Nhật Bản: 12 địa danh Kitô giáo được công nhận là di sản thế giới

Thứ ba - 03/07/2018 06:17
12 địa danh Kitô giáo ẩn sâu trong vùng Nagasaki, Nhật bản, đã được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào cuối tuần này. Đó là những chứng tích xác thực đức tin của các Kitô hữu tiên khởi trong quần đảo này vào cuối thế kỷ XVI và là kỳ công Công giáo đã tồn tại trên vùng đất này qua nhiều thế kỷ.
 

Tại Nagasaki, trong vùng Tây Bắc đảo Kyushu, có 12 địa danh mới được ghi nhận trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO hôm tứ 7: gồm 10 làng, lâu đài Hara và nhà thờ Oura. Tất cả đều được xây dựng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

Hiện diện tại Nhật Bản từ thế kỷ XVI, Kitô giáo thực sự nổi bật từ khi nhà thờ Oura khánh thành vào năm 1865, theo sự thoả thuận của chính quyền Tokyo và các nhà truyền giáo Pháp. Trước đó, từ năm 1549 - thời điểm nhà truyền giáo Tây Ban Nha Phanxicô-Xaviê đặt chân truyền giáo lên vùng đất này cùng với 2 người bạn - Các Kitô hữu thường sống ẩn dật, nhà cầm quyền quân chủ Nhật Bản vẫn nhìn sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhà truyền giáo trong lãnh thổ bằng ánh mắt ác cảm.

Cuộc bách hại hơn 250 năm

Từ 1589, Kitô hữu Nhật bản bị bách hại khủng khiếp. Năm 1597, 26 Kitô hữu được gọi là "26 vị tử đạo Nagasaki" đã kiên quyết không bỏ đạo và họ đều bị hành quyết. Cuộc hành quyết tập thể đầu tiên này mới chỉ là bắt đầu. Đến năm 1622, 23 Kitô hữu bị thiêu sống và 22 người khác bị chém đầu. Trong hơn 250 năm, Kitô hữu Nhật bản liên tục bị bách hại dưới các triều đại kế tiếp nhau.

Những địa danh được công nhận là chứng tích văn hoá độc nhất của một thời kỳ mà các Kitô hữu, bị buộc phải trốn tránh, vẫn liên lỉ truyền bá đức tin đã nuôi dưỡng họ hàng ngày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không có linh mục, họ rửa tội cho con cái mình từ khi mới sinh và giáo dục chúng trong tình yêu Đức Kitô. Việc kết thúc chính sách biệt lập vào năm 1853 cho phép các linh mục Công giáo trở lại Nhật Bản. Cuối cùng thì ngày 17 tháng 3 năm 1865, thời điểm được giải thoát cũng đã đến. Một nhóm nhỏ các Kitô hữu ẩn dật đã gặp 2 linh mục người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris là Louis Furet và Bernard Petitjean. Các ngài đến Nhật Bản với ước mong nhen nhóm lại ngọn lửa Kitô giáo tại đó.

Trong năm đó, 2 vị linh mục quyết định xây dựng nhà thờ Oura là ngôi thánh đường cổ xưa nhất của Nhật bản và được dâng hiến cho 26 vị tử đạo tiên khởi. Năm 1933, chính phủ công nhận là di sản quốc gia, thế nhưng nhà thờ bị hư hại vì chấn động của bom nguyên tử do Hoa Kỳ tấn công vào ngày 9 tháng 8 năm 1945. Năm 2015, Giáo phận Nagasaki cử hành kỷ niệm năm thứ 150 tìm thấy các Kitô hữu ẩn dật. Câu chuyện khó tin đó được Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là một tấm gương và truyền cảm hứng cho nhà làm phim vĩ đại Martin Scorsese để ông sản xuất bộ phim Sự Im Lặng phát hành vào năm 2016.                                                                                                   

Tác giả bài viết: aleteia.org 02.07.2018, Caroline Becker - Huuchanh d​ịch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây