Giáo xứ Vinh Hương

Phản ứng trái ngược trước thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc

Thứ tư - 26/09/2018 19:01
- Một số người dọa rời bỏ Giáo hội trong khi những người khác hoan nghênh đó là một bước thiết thực hướng đến chấm dứt tình trạng đàn áp của chính quyền

Một phụ nữ cầu nguyện bên trong nhà thờ ở Vũ Hán hôm 23-9. Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP
Người Công giáo Trung Quốc có phản ứng khác nhau trước thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Vatican về vấn đề bổ nhiệm giám mục. Đức Thánh cha Phanxicô công nhận bẩy giám mục Trung Quốc được tấn phong bất hợp thức trước đây.
 
Cha John thuộc cộng đồng thầm lặng ở giáo phận Mindong, tỉnh Phúc Kiến, cho biết giờ đây không có lý do gì để từ chối đồng tế Thánh lễ với các giám mục bất hợp thức đã được Đức Thánh cha công nhận, nếu không “sẽ không có sự vâng lời. Chúng ta không thể phi lý”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh “vâng lời chưa hẳn là đồng ý”.
 
Ngài cho biết cộng đồng thầm lặng không còn có thể tồn tại được nữa và chỉ có Giáo hội công khai được công nhận nhưng ngài cam kết sẽ không bao giờ gia nhập Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA). “Tôi sẽ bỏ về nhà khi cảm thấy hết chịu nổi”.
 
Francis thuộc cộng đồng công khai ở tỉnh Hà Bắc phát biểu với ucanews.com rằng ông không đồng ý với thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican.
 
“Trung Quốc hiện đang đàn áp tôn giáo dữ dội. Chế độ này không chỉ tháo dỡ thánh giá mà còn đang kiểm soát chặt chẽ việc phổ biến thông tin tôn giáo trên internet. Không có tự do ngôn luận”.
 
“Tôi sẽ không tham dự Thánh lễ do các linh mục tán thành thỏa thuận này cử hành và sẽ tiếp tục tẩy chay bẩy giám mục bất hợp thức đó. Nếu toàn Giáo hội ở đại lục suy thoái hết, tôi sẽ ở nhà đọc kinh cầu nguyện”.
 
Ông nói ông chỉ có thể giữ đức tin của bản thân và không thể đồng hóa như những người ủng hộ chính quyền. Ông nhấn mạnh “khi Giáo hội có quỷ gia nhập, thì đó sẽ là lúc chúng ta hành động theo lương tâm của mình”.
 
Mary thuộc cộng đồng công khai của giáo phận Giang Tây, nói bà rất lo lắng về thỏa thuận này. Bà không thể chấp nhận điều khoản quy định các giám mục sẽ do chính quyền chỉ định và lãnh đạo Giáo hội. “Tôi không thể chấp nhận việc giao Giáo hội cho chế độ cộng sản. Tôi nghĩ lần này Đức Thánh cha đã sai”.
 
Về bẩy giám mục bất hợp thức được Đức Thánh cha công nhận, bà nói “việc này liên quan đến nguyên tắc của Giáo hội. Khi có linh mục có vợ ở đây, tôi sẽ không đến nhà thờ nữa. Tôi vẫn có thể đi theo Chúa Giêsu tại nhà”.
 
Pietro Pan thuộc cộng đồng thầm lặng ở tỉnh Sơn Đông, nói Đức Thánh cha chia sẻ quyền bổ nhiệm giám mục với chính quyền thực ra là giao Giáo hội cho chính quyền. “Lúc đó Giáo hội không còn là duy nhất và rất thánh nữa”.
 
Ông thừa nhận là không thể hiểu được tại sao Đức Thánh cha lại công nhận các giám mục bất hợp thức. Như thế là ám chỉ các quyết định trước đây của Giáo hội là sai sao? Trong đó có một số người có vợ và có con. Họ vẫn có thể làm giám mục sao? Không thể tin được. Chuyện gì đang xảy ra trong Giáo hội khiến Giáo hội thất thường vậy? Đây có còn là Giáo hội của Chúa Giêsu không?” ông hỏi.
 
Ông nhấn mạnh ông kiên quyết không tham gia các hoạt động liên quan đến các giám mục bất hợp thức cũng như các bí tích do các linh mục của các giám mục này cử hành.
 
Paul thuộc cộng đồng thầm lặng ở Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc phản đối thỏa thuận, và nói rằng đây rõ ràng là bán Giáo hội. Giáo hội đang khuất phục trước một chế độ vô thần. “Đức Thánh cha đã công nhận bẩy giám mục bất hợp thức”, ông phản đối và thêm rằng “khi những người có vợ và có con có thể làm giám mục, vậy tôi cũng có thể sao?”
 
Joseph Zhou thuộc cộng đồng thầm lặng Nam Dương ở tỉnh Hà Nam cho rằng thỏa thuận giúp cả hai bên có được một bước tiến. Tuy nhiên ông vẫn thận trọng và bi quan về tương lai. Ông hy vọng giờ đây chính quyền sẽ trả tự do cho các giám mục và linh mục bị bắt giam và cho phép các ngài thi hành mọi sứ vụ mục vụ của mình.
 
Về tin đồn các cộng đồng thầm lặng sẽ bị xóa sổ, Joseph cho rằng việc này sẽ khó đạt được. Ông hy vọng chính quyền có thể công nhận các Giáo hội thầm lặng.
 
Cha Paul thuộc cộng đồng công khai ở Quảng Đông nói Giáo hội tại Trung Quốc gần như đi đến mức thấp nhất trong các vấn đề đức tin, bao gồm các vấn đề hôn nhân và gia đình và hành vi của các giáo sĩ. Ngài từng mong muốn có một thỏa thuận để “Tòa Thánh có thể chuyển tải các thông điệp đức tin và mục vụ đến Giáo hội Trung Quốc cách trực tiếp hơn, đặc biệt là về cách quản lý linh mục”.
 
Ngài giải thích do các giám mục mới sẽ cần có quyết định bổ nhiệm của Đức Thánh cha, hy vọng chất lượng chủ chăn sẽ được nâng cao, góp phần tiêu chuẩn hóa và bình thường hóa Giáo hội Trung Quốc.
 
Paul Wang, thành viên CCPA ở Baotou thuộc khu Nội Mông, nói ông vâng lời Đức Thánh cha. “Đây là kết quả được mọi người chờ đợi lâu nay. Đây là thành quả của Chúa Thánh Thần. Khó mà có được”.
 
Mặc dù Giáo hội vẫn còn bị đàn áp, ông cho rằng việc này sẽ sớm kết thúc. “Tôi tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình là một tổng bí thư tốt của đảng Cộng sản”.
 
Về vụ phá hủy thánh giá, ông nói việc này chủ yếu xảy ra ở các nhà thờ Tin Lành và không liên quan nhiều đến Giáo hội Công giáo. “Đức Thánh cha là một người tuyệt vời và thông minh. Ngài được Chúa chọn. Ngài không thể sai lầm vì ngài đại diện Chúa”.
 
Paul Xiao thuộc cộng đồng công khai của giáo phận Cangzhou ở tỉnh Hà Bắc, nói ông sẽ quan sát xem Giáo hội bị ảnh hưởng như thế nào.
 
“Cuộc đàn áp đó thật sự không phải là đàn áp Giáo hội. Nó chỉ là dấu hiệu cho thấy nhà nước bắt đầu chính thức thi hành các đạo luật và quy định”, ông nói và thêm rằng ông sẽ vẫn tham gia các hoạt động của Giáo hội. “Tôi tin rằng quyết định của Đức Thánh cha là không sai. Chính quyền cũng sẽ không ngược đãi chúng ta. Chính quyền vẫn đang liên tục sửa đổi luật để làm cho mọi việc được chuẩn hóa hơn”.
 
Maria Zhang, thành viên CCPA đến từ Taiyuen thuộc tỉnh Sơn Tây, hoan nghênh quyết định của Đức Thánh cha. Bà tin rằng “Đức Thánh cha là người sáng suốt nhất”. Bà khẳng định bà không cảm thấy đang bị đàn áp, “ít ra không phải ở nơi tôi đang ở tại đây”. Bà nghĩ chính các nhà thờ đó gây ra vấn đề khiến chính quyền bất bình mới tháo dỡ thánh giá.

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây