Giáo xứ Vinh Hương

Trò diễn phản cảm tại Fame Club bị đề xuất phạt 66 triệu đồng

Thứ sáu - 27/10/2017 08:34

Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội vừa chính thức lập biên bản xử phạt nhà hàng này

Sở VHTT Hà Nội lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hiện, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Diệp Đức Anh (chủ sở hữu Fame Club) về các hành vi vi phạm. Sở đề xuất áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền mức cao nhất đối với tổ chức) với các lỗi vi phạm của công ty này và các cá nhân có liên quan:
- Áp dụng hình thức xử phạt chính, phạt tiền: 66 triệu đồng.
- Đình chỉ biểu diễn 6 tháng đối với 5 người mẫu tham gia chương trình tại Nhà hàng Fame vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 13, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
- Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (4 bộ trang phục của 5 người mẫu diễn tại Fame Club); buộc tháo gỡ, xóa ngay hình ảnh vi phạm được đăng tải trên trang web chính thức của nhà hàng này.

Nữ tu M.Thecla Trần Thị Giồng thay mặt Giáo hội Công Giáo nói về những màn trình diễn phản cảm tại Fame Club ở quận Hoàn Kiếm:
1. Nếu đây là một sự CỐ Ý dùng những biểu tượng tôn giáo để vui đùa, thì quả thật là một sự xúc phạm quá đáng và :
- Ðây là một bằng chứng của những con người lệch lạc bệnh hoạn chăng ? Nền tảng văn hóa của nhóm số ít này (vẫn tin là như thế) sẽ đẩy đạo đức đi về đâu ?

- Khi những giá trị siêu việt còn đem ra phỉ báng thì còn gì là không thể không làm được nữa ?
Ai cũng biết rằng, người Việt chúng ta có cảm quan rất sâu đậm về thế giới siêu nhiên. Ðời sống của bao thế hệ cha ông chúng ta và cả ngày nay đều hướng về vị Thần Linh mà theo thiển ý “Ông Trời” là biểu tượng. Với dân, mọi biến cố trong cuộc sống đều hướng về Trời: Lạy Trời, nhờ Trời, ơn Trời, Trời cho, lộc Trời, Trời không dung, đất không tha..., thì những hành vi “coi Trời bằng vung” ấy biểu lộ sự mất mát nào đây ?

2. Nếu đây là một sự VÔ TÌNH theo hứng nhất thời của một nhóm người trẻ, những điều vô tình này cũng đã nói lên phần nào thực chất tâm hồn của họ, và phản ánh lại môi trường mà họ đang trầm mình trong đó. Ðây là một tiếng chuông cảnh tỉnh rằng văn hóa của người Việt chúng ta đang :
- Bị nhuốm quá nhiều bụi bặm của vật chất, tôn vinh thân xác, nhục thể quá đáng chăng ?
- Thời trang thuộc lãnh vực nghệ thuật, và về mặt này tôi thiết nghĩ đây là một sự phối hợp không cân xứng, một thứ “đầu voi đuôi chuột” hay “đầu Ngô, mình Sở”, không thấy một sự hài hòa nào cả, và theo phản ứng của nhiều người, đó còn mang lại sự phản cảm.

- Thiết tưởng nét đẹp đích thật phải luôn đi đôi với những cái đẹp của đạo đức và văn hóa. Cái MỸ phải đi đôi với cái THIỆN thì mới trọn vẹn. Riêng bản thân thấy rằng nhóm này đang bôi bác nét đẹp của văn hóa người phụ nữ Việt Nam. Nhu mì, thanh cao nhưng sâu lắng, mạnh mẽ chứ không phải mang những trang phục phơi bày thân xác một cách hạ đẳng như thế.

3. Ðem người khác ra giễu cợt đã nói nên một cá nhân thiếu văn hóa, còn đem một tập thể, một biểu tượng siêu việt, một ra làm trò thì đây là một hiện tượng gì ?
Xin phép đưa ra một số suy nghĩ và ưu tư. Rất mong đây chỉ là một trường hợp cá biệt về việc nông cạn trong nhận thức, và trục trặc về nhân cách…

4. Một nền NHÂN BẢN LÀNH MẠNH luôn đề cao sự tôn trọng lãnh vực cao siêu thuộc “trên đầu trên cổ” chúng ta và tôn trọng người khác, nhất là niềm tin của họ. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình. Có phải đây là sự suy đồi đạo đức và thuần phong mỹ tục đã đến cao độ rồi chăng ?

Tác giả bài viết: Nữ tu M.Thecla Trần Thị Giồng (Tiến sĩ Tâm lý Giáo dục)

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây