Giáo xứ Vinh Hương

Đức Phanxicô phong chân phước cho các giám mục Hy Lạp-Công giáo tử đạo ở Rumani

Thứ bảy - 01/06/2019 08:35
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.

Chúa nhật 2 tháng 6, Đức Phanxicô sẽ phong chân phước cho bảy giám mục công giáo Hy Lạp của Rumani đã bị chế độ cộng sản giết từ năm 1950 đến năm 1970.

Một linh mục người Hy Lạp-Công giáo Rumani nói với hãng tin CNA, các giám mục này đã hy sinh tất cả để bảo vệ Giáo hội. Và với cái giá là cuộc sống của mình, các vị đã không chấp nhận tình trạng này, đã không từ chối đức tin của mình.

Linh mục Vasile Man, cáo thỉnh viên án phong chân phước cho các giám mục và phó viện trưởng chủng viện Rumani ở Rôma cho biết: “Các giám mục này được tín hữu xem là những người tử đạo vì đức tin, vì lòng can đảm và lòng trung thành của họ với Đức Thánh Cha và với Giáo hội Rôma và trên hết các vị là các mục tử.”

Các Giám mục Valeriu Traian Frentiu, Vasile Aftenie, Ioan Suciu, Tito Livio Chinezu, Ioan Balan, Alexandru Rusu và Iuliu Hossu đã bị giết  vì hận thù đức tin từ năm 1950 đến năm 1970 dưới thời Liên xô chiếm đóng và dưới chế độ độc tài Nicolae Ceausescu.

Lễ phong chân phước sẽ diễn ra ngày 2 tháng 6 trong một nghi thức Phụng vụ thiêng liêng do Đức Phanxicô chủ trì tại Blaj thuộc vùng Transylvania của Rumani.



Theo linh mục Man, việc này rất có ý nghĩa đối với người Công giáo Rumani, bình thường việc phong chân phước sẽ do một đại diện của giáo hoàng phong, như thế đây là một vinh dự, và hơn nữa, là dấu hiệu Tòa Thánh công nhận trong hơn 40 năm giáo dân, linh mục và giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp ở Rumani đã sống chui, đã bị giam cầm, bị bắt bớ và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật của chế độ cộng sản.

Các giám mục đã bị bắt, bị giam giữ trong các nhà tù, trong các trại cho đến khi chết, thường là do bị cô lập, bị lạnh, bị đói, bệnh tật hoặc lao động khổ sai. Hầu hết không bao giờ bị xét xử hoặc bị kết án và bị chôn ở trong các ngôi mộ ẩn danh, không có nghi thức tôn giáo.

Một năm trước khi qua đời, Đức Giám mục Iuliu Hossu được phong hồng y “in pectore” (trong lòng). Sau nhiều năm bị cô lập, năm 1970 ngài qua đời tại một bệnh viện ở Bucarest. Lời cuối cùng của ngài: “Cuộc đấu tranh của tôi đã kết thúc, cuộc đấu tranh của anh chị em vẫn tiếp tục.”

Ngoài việc bị tù và bị cô lập, Đức Giám mục Vasile Aftenie còn bị tra tấn ở Bộ Nội vụ, sau đó ngài chết vì vết thương ngày 10 tháng 5 năm 1950.

Linh mục Man tuyên bố: “Đây không phải là một chuyện nhỏ đối với Giáo hội Công giáo ở Romania. Chúng tôi hy vọng với chuyến thăm của Đức Phanxicô và với việc phong chân phước, tấm gương của các giám mục sẽ làm đức tin của giáo dân được vững mạnh.”

Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tấm gương của các vị giám mục tử đạo trong thế giới gắn liền với thuyết tương đối và sự hiểu biết chủ quan về sự thật.

Linh mục Man tuyên bố: “Chúng tôi cần người dạy cho chúng tôi sự kiên định, trung thành và các nguyên tắc đúng đắn, dạy chúng tôi vững vàng trong cương vị của mình. Mỗi giám mục đáng kính có thể được ra khỏi tù nếu họ bỏ Giáo hội và theo chính thống giáo theo kế hoạch thống nhất Giáo hội của chế độ.”

Linh mục Man nói tiếp: “Các vị cũng dạy cho chúng tôi vâng theo thánh ý Chúa trong mọi tình huống, ngay cả khi bị đàn áp dữ dội, điều này rất quan trọng vì cuối cùng, mỗi người trong chúng ta sẽ có chỗ của mỗi người, thời gian của mình để làm chứng cho các giá trị của chúng ta.”

Linh mục Man giải thích, dù phong trào thế tục hóa gia tăng ở châu Âu, kể cả Rumani, đất nước này vẫn còn tinh thần kitô giáo rất cao, chủ yếu là Chính thống giáo Đông phương, chiếm khoảng 70% dân số.  Nhưng người Công giáo, với số lượng không quá 6% dân số lại đa dạng hơn làm cho tình trạng Giáo hội ở Rumani rất phức tạp.

Phần lớn người Công giáo ở nước này theo nghi thức la-tinh, và đến từ các nhóm dân tộc và ngôn ngữ Rumani, Hungary và Đức.

Ngoài ra còn có Giáo hội Công giáo Hy Lạp Rumani, mà các giám mục sắp được phong chân phước, đó là Giáo hội theo nghi thức byzantin trong sự hiệp thông với Tòa thánh.

Sự hiệp nhất và trung thành của Giáo hội đối với Rôma là một phần lý do cho cuộc đàn áp dưới chế độ cộng sản. Dưới chế độ này, Giáo hội đã bị cấm vì chính quyền không ủng hộ một Giáo hội không thể kiểm soát được … có một giáo hoàng ở ngoài biên giới Rumani.

Linh mục cho biết mối quan hệ giữa các Giáo hội ở đây rất tốt, về mặt phụng vụ có khác biệt lớn nhưng khi có một sự kiện, mọi người đều tham gia. Có một sự thông hiểu giữa hai bên. Đây là điều bình thường vì chúng tôi có cùng một đức tin, chỉ là đức tin được thể hiện theo một cách khác về phụng vụ. Nhưng là một đức tin.

 

Tác giả bài viết: catholicnewsagency.com, Hannah Brockhaus, Rôma, 2019.05.30 - Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây