Giáo xứ Vinh Hương

Huyền nhiệm con người

Thứ hai - 22/03/2021 20:59


Con người là một huyền nhiệm. Đây là điều mà chúng ta đã nhiều lần nghe nói đến, và chắc hẳn là trong một khoảnh khắc nào đó ngồi trầm tư, chính bản thân ta cũng đồng ý với điều này. Sự huyền nhiệm của con người được thể hiện trong sự hiện hữu của mình, và được nhận biết ngay chính những quan sát của ta nơi môi trường bên ngoài và trong nội tâm. Biết bao nhiêu áng văn thơ, các bài viết nói về con người. Biết bao nhiêu nghiên cứu về con người. Biết bao nhiêu khám phá khoa học về con người. Nhưng chẳng bao giờ người ta thấy đủ cả. Vẫn luôn còn đó những điều liên quan đến con người mà chẳng bao giờ nhân loại này có thể biết được hết.

Ai cũng phải thừa nhận sự cao cả và khác biệt của con người so với mọi loài trong trời đất. Chỉ xét về mặt sinh học thôi, con người đã được cấu tạo theo một cách thức “vi diệu hết mức” rồi. Từ cấu thành của bộ não đến các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng ai quan sát tường tận mà lại không thốt lên lời trầm trồ thán phục. Những loài động vật bậc cao với hệ thần kinh phát triển phức tạp nhưng linh trưởng, vượn, khỉ… dù có giỏi đến mức nào vẫn còn thua xa con người nhiều lắm. Chẳng có loài nào có thể giải những bài toán khó. Chẳng có loài nào có thể vẽ những bức tranh đẹp. Chẳng có loài nào có thể hát opera. Chẳng có loài nào có thể chơi đàn làm thơ. Chẳng có loài nào có thể làm ra những phát minh vĩ đại…

Nhưng con người trở nên đặc biệt không phải chỉ vì trổi vượt hơn những loài khác về sự phát triển đến mức cao của hệ thần kinh và sự phức tạp của cấu trúc xã hội. Quả vậy, con người không chỉ là loài xếp ở vị trí cao hơn hết trong cùng một giống nhưng là loài tách biệt ra khỏi mọi giống còn lại. Tự bản thân, chúng ta thấy mình không cùng một loại với các loài khác. Con chó khác với con mèo, nhưng ít ai phân biệt phẩm giá giữa con chó với con mèo. Chúng đều là động vật, thế thôi! Vậy mà, chẳng ai trong chúng ta thích khi bị xếp ngang hàng với cầm thú, dù là bất cứ loài nào. Cứ như thể, tất cả mọi loài thuộc về một phía; phía còn lại, ở vị trí cao hơn, là con người.

Quả vậy, dường như có một “bước nhảy” nào đó từ “loài thú” lên “loài người”. Về mặt sinh học, dĩ nhiên là con người trổi vượt hơn hết. Nhưng con người không chỉ là sinh học. Còn có cả một thế giới nội tâm khiến cho con người trở thành một “sự linh thánh”: con người là hiện thân của thần linh; xúc phạm con người là xúc phạm đến thần linh. Các nhà triết học nói rằng: con người là loài duy nhất có thể tự ý thức về mình. Con người là loài duy nhất có thể phác hoạ hình ảnh của chính mình. Con người là loài duy nhất không chỉ biết ăn, mà còn có thể biết là mình biết ăn. Tự ý thức là khả năng tự bước ra khỏi chính mình, nhìn ngược về mình để biết mình là ai, như thế nào. Con người không chỉ tồn tại, nhưng còn biết sống. Trên cõi đời này, chỉ có con người là băn khoăn về chính bản thân mình, về nguồn cội và về cùng đích hiện hữu của mình, về quá khứ, hiện tại, tương lai. Ngoài ra, cũng chỉ con người có đời sống tôn giáo, biết cầu nguyện. Nói cách khác, trong khi các loài khác chỉ có thể hướng đến cái hữu hình, con người lại có khả năng đưa mình lên với cái vô hình. Ngoài việc hướng ra, con người còn có thể hướng vào. Ngoài việc hướng xuống, con người còn có thể hướng thượng.

Tác giả sách Sáng Thế đã diễn tả sự cao quý của con người bằng những mô tả hết sức tỉ mỉ và đặc nét trong trình thuật sáng tạo. Để chuẩn bị cho sự hiện hữu của con người, Thiên Chúa đã trang hoàng mọi thứ cho đẹp mắt: từ trên trời xuống dưới đất, từ đất liền ra biển cả. Tất cả như “trải thảm” để đón chờ một giống loài đặc biệt nhất sắp sửa được tạo thành vào ngày cuối cùng của công trình tạo dựng. Con người cũng được dựng nên theo một cách thức rất khác biệt so với các loài kia. Thay vì chỉ phán một lời, Thiên Chúa đã cặm cụi lấy đất nắn thành con người. Ngài còn thổi hơi vào nó để nó được thừa hưởng sự sống. Sự linh thiêng của con người chính là nhờ có được sự ưu ái của Tạo Hoá: con người là giống loài duy nhất “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa”. Là loài thụ tạo, nhưng con người lại có thể phản ánh dung nhan của Đấng Tối Cao theo một cách thức trọn vẹn nhất. Con người cũng lãnh nhận được sứ mạng của Ngài là làm chủ muôn loài trong trời đất, đặt tên cho nó và sử dụng nó để phục vụ cho cuộc sống của mình. Sau con người, Thiên Chúa không còn dựng nên loài gì nữa vì chẳng còn cần thiết. Con người đã là đỉnh cao của tất cả, là kiệt tác của thượng trí vô song rồi.

Sự hiện hữu của con người trong trời đất này quả thật là một hồng phúc. Dù chỉ là một loài thấp bé, chẳng đáng gì so với cái to lớn của vũ trụ, nhưng con người vẫn luôn thấy mình ở trên cao hết. Thiên Chúa đã xác chuẩn cho sự quý giá của con người bằng cách sai Con của mình giáng thế, trở thành một con người như mọi người. Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình trong thân xác một con người. Ngài không mượn thân xác của ai đó rồi “nhập” vào. Ngài không làm ra một thân xác tạm bợ để sử dụng xong rồi vứt. Ngài “chính là” thân xác ấy. Đụng chạm đến thân xác ấy là đụng chạm đến Ngài. Thân xác ấy là hiện thân hữu hình của Ngài từ lúc nhập thể cho đến mãi muôn đời, cả khi chết, sống lại và thăng thiên. Chính nhờ sự “hạ cố” nhập thể của Thiên Chúa mà ta càng cảm thấy giống loài con người của mình mới quý giá đến dường nào, bởi vốn dĩ đã đặc biệt, từ nay, con người càng trở nên đặc biệt hơn khi trở thành một “nơi” cho Đấng Tối Cao cư ngụ. Sự thánh thiêng đã lan toả khắp mọi nơi, thấm vào con người và làm cho con người trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng hơn cho hình ảnh Thiên Chúa mà mình đã nhận lãnh từ lúc được tạo thành.

Bởi thế, người ta mới nói đến con người như là một huyền nhiệm!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn tin: www.dongten.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây